Cháy rừng ở New Zealand không có dấu hiệu suy yếu, 3.000 người sơ tán
Theo dự báo, những cơn gió mạnh vào ngày 10/2 sẽ thổi bùng những đám cháy rừng đã bùng cháy trong một tuần qua ở đảo Nam New Zealand, buộc hàng ngàn người phải sơ tán, và theo các quan chức, số người này có thể còn tiếp tục tăng lên.
Lính cứu hỏa của Lực lượng phòng vệ New Zealand cố gắng dập tắt đám cháy rừng ở Richmond gần Nelson, Đảo Nam New Zealand vào ngày /2/2019. Ảnh: Chad Sharman / Lực lượng phòng vệ New Zealand
“Vụ cháy rừng ở Thung lũng Pigeon bao gồm 2.300 ha (5.700 mẫu Anh) với chu vi 25 km (15 dặm)”, Lực lượng phòng vệ New Zealand cho biết trong một tuyên bố trên trang web của họ.
Không có trường hợp thiệt mạng nào được báo cáo và chỉ có một ngôi nhà bị phá hủy.
“Tuy nhiên lo ngại gió lớn xảy ra nên các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra các đường kiểm soát”, Lực lượng phòng vệ New Zealand cho biết.
Theo cơ quan này, sáng sớm ngày 10/2, 155 lính cứu hỏa đã chiến đấu với ngọn lửa trên mặt đất với sự hỗ trợ của 23 máy bay trực thăng và 3 máy bay cánh cố định; đây là trận hỏa hoạn trên không lớn nhất được ghi nhận ở New Zealand.
“Có đến 3.000 người buộc phải rời khỏi khu vực Wakefield và Pigeon Valley”, Kiểm soát viên của cơ quan trên, Roger Ball cho biết trong một cuộc họp báo trước đó.
Giám đốc truyền thông của cơ quan Chữ thập đỏ New Zealand Ellie van Baaren cho biết những người sơ tán đã rất mệt mỏi và thất vọng.
Phần lớn khu vực bị ảnh hưởng ở phía Nam của Nelson đều trồng rừng nhưng cũng có nhiều trang trại nhỏ. Một số vật nuôi cũng đã được chuyển đến nơi an toàn.
Hỏa hoạn bắt đầu vào ngày 4 và 5/2 và nhanh chóng lan rộng. Ngày 6/2, các nhà chức trách đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Hàng trăm lính cứu hỏa tình nguyện và chuyên nghiệp, cảnh sát, dân phòng và quân nhân đang chiến đấu với đám cháy.
Mai Đan
Tổng hợp từ Reuters
Video đang HOT
Theo TN&MT
Tàu sân bay Nhật Bản: Không mạnh nhất nhưng sạch nhất thế giới
Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản không phải là tàu chiến to nhất, nhanh nhất hay mạnh nhất thế giới, nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 500 người hàng ngày phải đương đầu với "cuộc chiến" với bụi bẩn để biến Kaga thành tàu chiến sạch nhất.
Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản nhìn từ trên cao.
Vào mỗi buổi chiều muộn khi hoàng hôn buông xuống trong suốt hải trình kéo dài 9 ngày từ Indonesia tới Sri Lanka, các phóng viên của Reuters đều được chứng kiến cảnh thủy thủ đoàn trên tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản cầm trên tay những dụng cụ như giẻ lau, bàn chải và chổi cọ để làm sạch con tàu dài 248m này.
"Tôi tin rằng Kaga là con tàu sạch nhất thế giới", sĩ quan Hayato Nishida, người chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh trên tàu sân bay trực thăng Nhật Bản, cho biết.
Các thủy thủ lau chùi dây xích mỏ neo trên tàu Kaga.
"Chúng tôi làm công việc vệ sinh theo thời gian cố định trong ngày và mọi người đều chia việc ra để làm", sĩ quan Nishida nói bên trong một nhà kho - nơi cũng được sử dụng làm văn phòng để Nishida và hai đồng nghiệp khác giám sát việc dọn vệ sinh trên tàu Kaga hàng ngày.
Công việc hàng ngày
Công việc dọn vệ sinh được làm hàng ngày trên tàu Kaga.
Các thủy thủ trên tàu sân bay trực thăng Kaga, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, làm công việc vệ sinh 30 phút mỗi ngày. Họ cọ rửa toilet, lau chùi và đánh bóng các mặt sàn. Họ cũng phủi bụi bám trên mạng lưới đường ống, dây điện và lỗ thông hơi chạy dọc trên tàu Kaga - một trong những tàu chiến mới nhất của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF).
Các chốt cửa bằng đồng sẽ được quét một lớp mỡ bôi trơn để tránh bị ăn mòn. Những phòng họp trải thảm sẽ được hút bụi, sau đó được lau sạch để loại bỏ bụi bẩn. Lau trần là nhiệm vụ khó khăn nhất vì đây là khu vực khó với tới nhất.
Các chốt cửa đều được bôi mỡ để tránh ăn mòn.
"Giữ cho tàu sạch sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta có thể sử dụng tàu lâu dài hơn. Công việc dọn dẹp cũng dạy cho các thủy thủ cách yêu thương con tàu của họ và làm tốt nhất trong khả năng của họ", Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda cho biết.
Theo sĩ quan Nishida, công việc dọn dẹp của 500 thành viên trong thủy thủ đoàn trên tàu sân bay trực thăng Kaga là sự tiếp nối của những thói quen mà họ từng được dạy ở trường trước đây. Các học sinh Nhật Bản khi tới trường luôn phải giữ cho lớp học ngăn nắp và cùng nhau công việc dọn vệ sinh sau các giờ học để tăng kỹ năng làm việc nhóm.
Một thủy thủ dọn nhà vệ sinh nam trên tàu Kaga.
"Chúng tôi không có đội dọn vệ sinh chuyên biệt. Tất cả mọi người đều phải tham gia", ông Nishida nói khi đi bộ trên tàu để giám sát công việc dọn dẹp.
Bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 2017, tàu sân bay trực thăng Kaga vẫn còn nguyên mùi sơn mới. Sàn tàu được đánh bóng tới mức có thể soi sáng được. Rất khó để tìm thấy bụi trên con tàu nặng 20.000 tấn này.
"Nếu con tàu không sạch sẽ, mọi người có thể bị ốm. Hơn nữa việc sống trên một môi trường bẩn cũng không thoải mái chút nào", Kanayuki Morishita, thực tập sinh 21 tuổi, cho biết khi cọ rửa nhà vệ sinh.
Sạch từ trong ra ngoài
Một sĩ quan kiểm tra khu vực giặt là trên tàu Kaga.
Không chỉ không gian bên trong tàu Kaga mà bên ngoài tàu cũng cần được dọn vệ sinh. Mỏ neo và dây xích phải được làm sạch sau khi chúng được kéo lên từ dưới biển. Phần sàn trên boong tàu, nơi các trực thăng Seahawk thường cất và hạ cánh, có thể bị phủ một lớp muối do nước biển bắn lên. Do vậy, công việc dọn dẹp cũng rất quan trọng.
Trước khi cập cảng, boong tàu và cầu tàu lên xuống đều được làm sạch bằng nước ngọt lấy từ các bể chứa trên tàu để đánh bóng. Công việc này phải được hoàn thành trước khi khách tham quan bước lên tàu.
Khu vực bếp ăn sạch sẽ phục vụ các thủy thủ.
Mang rác ra ngoài là nhiệm vụ cuối cùng mà thủy thủ đoàn phải làm sau khi tàu cập cảng Colombo, Sri Lanka. Mỗi thủy thủ sẽ xếp hàng để lần lượt nhặt rác. Rác sẽ được phân loại thành loại có thể đốt được và không thể đốt được. Số rác này sẽ được đưa lên các xe tải rác chờ sẵn trước khi tàu rời đi.
"Thậm chí trong số các tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, tàu (Kaga) của chúng tôi vẫn là sạch nhất", Chuẩn Đô đốc Fukuda nhận xét.
Đấu kiếm là hình thức thư giãn sau giờ làm việc của các thủy thủ trên tàu.
Ngoài ca làm việc, các thủy thủ có thể ngâm mình trong các bồn tắm bằng thép chống gỉ chứa nước biển theo cách tắm truyền thống của người Nhật hoặc tắm bằng nước sạch. Các thủy thủ cũng có thể giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách đi bộ dọc trên boong tàu rất rộng hoặc tập luyện trong phòng thể hình. Một số người khác có thể lựa chọn những phương pháp truyền thống để "thanh lọc" cả cơ thể lẫn tâm hồn như viết thư pháp, đấu kiếm Iaido hoặc chơi trống taiko.Cuộc sống của các thủy thủ trên tàu sẽ quay vòng quanh các bữa ăn, bắt đầu từ bữa sáng vào lúc 6h30. Các thủy thủ sẽ xếp hàng để rửa tay trước khi bước vào phòng ăn. Ngoại trừ khu phòng ở, đây là nơi duy nhất các thủy thủ được phép ăn uống trên tàu sân bay trực thăng Kaga.
Các thủy thủ tập thể dục trên boong tàu.
Kaga cũng là một trong số các tàu chiến của Nhật Bản cho phép nữ quân nhân phục vụ trên tàu. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cho phép nữ giới phục vụ trên các tàu chiến từ năm 1993 và dự kiến sẽ cho phép nữ quân nhân tham gia hoạt động trên tàu ngầm trong thời gian tới. Hiện tỷ lệ sinh sụt giảm tại Nhật Bản dẫn tới tình trạng không đủ nam quân nhân phục vụ trên các tàu chiến, do vậy Tokyo đang đẩy mạnh việc tuyển dụng nữ quân nhân.
Bồn tắm dành cho các thủy thủ trên tàu sân bay Kaga.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Thủ tướng Nhật gặp gỡ binh sĩ, quyết tâm sửa đổi hiến pháp Thủ tướng Shinzo Abe muốn sửa đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản sau Thế chiến II, vốn quy định nước này không được sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14/10 một lần nữa nhắc lại cam kết của ông về việc thúc đẩy sửa đổi hiến pháp hòa bình của...