Cháy nhà thờ Pháp
Vụ hoả hoạn lớn xảy ra tại nhà thờ ở thành phố Nantes, phía tây nước Pháp, ngày 18/7, gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Giới chức địa phương cho biết ngọn lửa đã bùng phát bên trong nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul tại thành phố Nantes vào khoảng 8h, song lực lượng cứu hỏa đã kiểm soát được đám cháy sau khoảng hai tiếng.
Các quan chức nói thêm đại phong cầm trong nhà thờ đã bị phá hủy và bệ của nó có thể sụp đổ, song khẳng định thiệt hại của vụ hỏa hoạn không thể so sánh với vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris năm ngoái.
Thị trưởng thành phố Nantes, Johanna Rolland, cho hay đang tiến hành điều tra về khả năng nhà thờ có thể bị phóng hỏa. Trong khi đó, công tố viên địa phương Pierre Sennes cho biết chính quyền đang coi vụ cháy như “hành vi phạm tội”, song không cung cấp thêm chi tiết.
Nhân viên cứu hoả bên ngoài nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul tại Nantes, Pháp, hôm 18/7. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Pháp Jean Castex cùng ngày cho biết ông sẽ tới thăm hiện trường vụ hỏa hoạn. “Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra nhưng trước tiên tôi sẽ thể hiện tình đoàn kết của mình với người dân thành phố Nantes”, Castex nói với các phóng viên.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng lên Twitter kêu gọi hỗ trợ cho lực lượng cứu hỏa, “những người bất chấp mọi rủi ro để cứu lấy viên ngọc Gothic”
Nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul tại thành phố Nantes là một nhà thờ Công giáo được xây dựng theo kiến trúc Gothic từ năm 1434. Quá trình xây dựng nhà thờ mất 457 năm hoàn thành. Bộ Văn hoá Pháp năm 1862 đã liệt kê nhà thờ vào danh sách di tích lịch sử. Nhà thờ bị hỏa hoạn lần cuối vào năm 1972. Phần mái vòm của tòa nhà mất tới hơn 13 năm để tu sửa. Nhà thờ St Donatian và St Rogatian, một công trình tôn giáo khác tại Nantes, cũng xảy ra hỏa hoạn năm 2015, khiến 3/4 mái vòm bị hư hại.
Tháng 4/2019, hỏa hoạn xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris khi đang trong quá trình trùng tu, khiến tháp nhọn và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập. Cửa sổ kính màu, tháp, chuông cùng hầu hết các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ không bị ảnh hưởng bởi vụ cháy, song công cuộc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris dự kiến mất nhiều năm hoàn thành.
Ngọn lửa cùng đám khói bốc lên bên trong nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul tại Nantes, Pháp, hôm 18/7. Video: Twitter/ Pompiers de France.
Ca nhiễm nCoV mới ở Trung, Hàn giảm mạnh
Trung Quốc đại lục chỉ báo cáo thêm 10 ca nhiễm nCoV, trong khi Hàn Quốc ghi nhận thêm 8 ca, chủ yếu ngoại nhập.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm nay cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 10 ca nhiễm nCoV, gồm 6 ca ngoại nhập và 4 ca nội địa, giảm so với 30 ca một ngày trước. Nước này cũng báo cáo thêm 27 ca nhiễm không triệu chứng và không có thêm ca tử vong nào.
Trung Quốc hiện ghi nhận 82.798 ca nhiễm, 4.632 ca tử vong, trong khi 984 ca nhiễm không triệu chứng đang được theo dõi y tế. Thêm 56 bệnh nhân được xuất viện, đưa số người hồi phục lên 77.207.
Trung Quốc hiện được cho là đã kiểm soát tốt đại dịch và dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các ca nhiễm ngoại nhập liên tục tăng đang làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch lần hai ở nước này.
Chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang giáp Nga, hôm qua cấm những người không phải dân địa phương cùng các phương tiện giao thông được đăng ký tại tỉnh thành khác đi vào thành phố. Thành phố 10 triệu dân này cũng yêu cầu cách ly những người đến từ bên ngoài Trung Quốc hoặc các vùng dịch nghiêm trọng.
Các tín đồ dự thánh lễ tại nhà thờ Công giáo ở Seoul, Hàn Quốc hôm nay sau khi Tổng giáo phận Seoul quyết định nối lại các buổi lễ sau gần hai tháng bị đình chỉ vì Covid-19. Ảnh: Yonhap.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc hôm nay cũng cho biết nước này ghi nhận thêm 8 ca nhiễm nCoV, gồm 4 ca ngoại nhập, đưa số ca nhiễm cả nước lên 10.702. Hàn Quốc báo cáo ca nhiễm mới cao kỷ lục hôm 29/2 với 909 trường hợp.
Hàn Quốc cũng ghi nhận 240 ca tử vong do nCoV, cao hơn hai ca so với hôm qua. 8.411 bệnh nhân đã được xuất viện, tăng 134 người so với một ngày trước đó. Hàn Quốc đã xét nghiệm cho gần 584.000 người kể từ ngày 3/1.
Tình hình tại thành phố Daegu, tâm dịch Covid-19 ở Hàn Quốc, ngày càng được cải thiện khi chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới. Thủ đô Seoul không báo cáo thêm trường hợp nào.
Các biện pháp đối phó Covid-19 của Hàn Quốc như thực hiện cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt và tăng cường kiểm dịch đã giúp nước này thành công, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nước đánh giá cao. Hàn Quốc sẽ nới dần hạn chế xã hội trong tuần này, song các biện pháp cách biệt cộng đồng vẫn có hiệu lực đến ngày 5/5.
Covid-19 xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán tháng 12/2019. Dịch đã khiến hơn 2,6 triệu người nhiễm và hơn 184.000 người tử vong. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 850.000 ca nhiễm và gần 48.000 ca tử vong.
Huyền Lê
Covid-19: Giáo hội ở Hàn Quốc lần đầu đình chỉ tất cả thánh lễ trong cả nước sau 236 năm Giáo hội Công giáo Hàn Quốc đã quyết định đình chỉ tất cả các thánh lễ trên cả nước, một động thái nhằm hạn chế sự lây lan của virus Corona (Covid-19) tại nước này. Đây là lần đầu tiên sau 236 năm kể từ khi được thành lập vào năm 1784, Giáo hội Công giáo Hàn Quốc quyết định dừng tất cả...