Cháy nhà máy Rạng Đông: “Quan” Tổng Cục đeo mặt nạ, quân khẩu trang… “lố” quá?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT Hoàng Văn Thức đeo mặt nạ phòng độc khi kiểm tra hiện trường.
Đánh giá hiện trạng vụ cháy Công ty Rạng Đông không chỉ là hình ảnh phản cảm mà còn tạo khoảng cách xa vời giữa lãnh đạo với các nhân viên, giữa cán bộ với người dân.
Liên quan vụ cháy Công ty Rạng Đông, hình ảnh Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT Hoàng Văn Thức đeo mặt nạ phòng độc khi kiểm tra hiện trường, đánh giá hiện trạng vụ cháy Công ty Rạng Đông vào sáng ngày 31/8, trong khi những người xung quanh chỉ đeo khẩu trang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Nhiều người cho rằng, việc ông Hoàng Văn Thức đeo mặt nạ phòng độc là cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng chống chất độc nguy hại phát tán sau khi xảy ra vụ cháy. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, việc ông Thức đeo mặt nạ phòng độc trong khi những cán bộ khác chỉ đeo khẩu trang là phản cảm, thậm chí quá “lố”.
Tại cuộc họp chiều ngày 5/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung bất ngờ đề cập đến sự việc này và cho biết, khi xuống hiện trường vụ cháy ở Rạng Đông, trong khi mọi người đeo khẩu trang mà cán bộ lại đeo mặt nạ phòng độc là phản cảm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đeo mặt nạ phòng độc trong khi những người khác đeo khẩu trang. Ảnh: Dân Trí.
“Tôi thì không bình luận gì, nhưng mọi người cũng bình luận việc các cơ quan chuyên môn xuống thì đeo mặt nạ phòng độc, còn người dân và các anh em khác thì đeo khẩu trang. Cá nhân tôi đánh giá đây là một hành động phản cảm. Người dân xung quanh, cán bộ đi cùng, đồng nghiệp của mình vẫn đeo khẩu trang thì mình có cần thiết phải như vậy không?”, ông Chung nói.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, cán bộ Nhà nước làm chuyên môn của mình nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh, phải đúng mức để tránh gây ra những hiểu lầm, phản cảm.
“Tại sao chúng ta không phát (mặt nạ – PV) cho tất cả người khác, tự nhiên nó phản cảm, có vẻ không ổn lắm. Mà thông qua việc này cũng rút ra bài học để chấn chỉnh. Tôi nghĩ tự mỗi người trong bộ máy Nhà nước cần suy xét lại hành vi của mình”, ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ quan điểm.
Video đang HOT
Trước ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ý kiến trái chiều từ dư luận, trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT Hoàng Văn Thức đeo mặt nạ phòng độc khi kiểm tra hiện trường là để phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc, bệnh tật cơ thể khi nhiễm chất độc.
“Tuy nhiên, việc ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đeo mặt nạ trong khi những người khác đeo khẩu trang là việc hết sức nhạy cảm. Bởi những người dân xung quanh, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ chuyên môn có mặt tại hiện trường thực hiện nhiệm vụ chỉ đeo khẩu trang, trong khi lãnh đạo thì lại đeo mặt nạ phòng độc thì rõ ràng là không nên như vậy. Nếu là tôi thì tôi cũng phải như những người khác”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, nếu có nguy cơ các chất độc hại phát tán ra môi trường khi xảy ra vụ cháy thì ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả những người có mặt chứ không riêng gì ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
“Nếu cán bộ làm lãnh đạo đi xuống hiện trường kiểm tra, đánh giá, giám sát mà biết nơi đó có nguy cơ nhiễm độc thì phải phổ biến cho các cán bộ đi cùng và người dân tại hiện trường vụ cháy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, môi trường phải chịu đựng như nhau, anh em cán bộ đeo khẩu trang, trong khi lãnh đạo lại đeo mặt nạ thì đây rất là phản cảm”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, bản thân ông Hoàng Văn Thức phải rút kinh nghiệm và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải xem xét lại vấn đề này với ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
“Dù anh là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường hay chức vụ gì đi nữa nhưng cũng là con người và các cán bộ khác cũng là con người. Tại sao anh biết phòng vệ cho anh trước nguy cơ nhiễm độc còn người khác họ không biết phòng vệ hay sao. Bởi người ta chỉ là cán bộ không có điều kiện, không có mặt nạ để phòng độc nhưng họ vẫn phải lao mình vào trong công việc đó. Còn anh thì lại phòng vệ riêng tư thì rất phản cảm, lố lăng và phải xem xét lại thái độ làm việc của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Bởi hình ảnh như vậy tạo khoảng cách xa vời giữa lãnh đạo với các nhân viên, giữa cán bộ với người dân mà cán bộ phải gần dân, phải hòa đồng chứ không cá nhân như thế”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Hải Ninh
Theo kienthuc
Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Dân được khám miễn phí
Cần có thông tin nhất quán về ảnh hưởng môi trường, tác hại đến cư dân...
Sở TN&MT Hà Nội vừa báo cáo TP nguyên nhân kết quả giám định môi trường quanh vụ cháy Rạng Đông giữa Sở và Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) khác nhau.
Kết quả quan trắc môi trường khác nhau
Sở TN&MT Hà Nội cho hay kết quả kiểm định về môi trường khu vực đám cháy của Bộ và Hà Nội chỉ có "sai khác về hàm lượng thủy ngân trong không khí" quanh khu vực đám cháy. Nguyên nhân của "sai khác" này có hai lý do. Thứ nhất là thời điểm tiến hành quan trắc giữa hai cơ quan không đồng nhất.
Thứ hai, phía Bộ TN&MT so sánh kết quả quan trắc thủy ngân với các tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO.
Trong khi đó, Sở TN&MT Hà Nội và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) so sánh hàm lượng thủy ngân theo quy chuẩn của Việt Nam về chất độc hại trong không khí (các quy chuẩn do Bộ TN&MT và Bộ Y tế ban hành).
Được biết sau giải thích này, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu Công an TP Hà Nội trưng cầu Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giám định để xác định mức độ ô nhiễm tại khu vực cháy...
Người dân quanh khu vực đám cháy đến khám sức khỏe tại các điểm khám chữa do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 6-9. Ảnh: T.PHÚ
Hiện trường đám cháy Rạng Đông được che chắn bằng bạt tránh hóa chất còn sót lại sau đám cháy có thể phát tán ra môi trường. Ảnh: T.PHÚ
Đang tiến hành khám sức khỏe cho dân
Đến ngày 6-9, các biện pháp khắc phục hậu quả đám cháy Công ty Rạng Đông cũng đang được Hà Nội triển khai. Hiện khu vực đám cháy được che chắn, Sở TN&MT Hà Nội đã yêu cầu phía Công ty Rạng Đông lắp đặt dàn phun nước làm mát để khống chế nhiệt độ khu vực nhà máy không vượt quá 30 độ C, để tránh hơi thủy ngân phát tán ra môi trường.
Cùng ngày, các hộ dân quanh cách đám cháy trong vòng bán kính 500 m cũng đã được các chuyên gia y tế (do Sở Y tế Hà Nội điều động) tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí tại trạm y tế hai phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung. Theo Sở Y tế Hà Nội, các bệnh nhân được khám ở các điểm này nếu sau khi khám, kiểm tra mà có yêu cầu và được các chuyên gia y tế chỉ định đi khám tại bệnh viện tuyến trên thì sẽ được miễn phí tiền xét nghiệm máu, nước tiểu.
Chương trình khám, tư vấn sức khỏe cho các hộ dân quanh đám cháy sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 12-9. Bên cạnh đó, các bệnh viện của Hà Nội cũng được Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo chuẩn bị nhân lực, thiết bị để khám chữa cho những người dân được tổ chuyên gia y tế chỉ định lên bệnh viện tuyến trên. Sở Y tế cũng có tờ rơi phát đến từng hộ gia đình để hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm, giữ gìn sức khỏe để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng sau vụ cháy (nếu có) đến mức thấp nhất.
Cùng ngày, Công ty Nước sạch Hà Nội cũng đã có báo cáo về chất lượng nước tại Nhà máy nước Hạ Đình (quận Thanh Xuân), nằm gần khu vực đám cháy trong vòng bán kính 500 m.
Theo đó, công ty đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường sản xuất, lấy mẫu nước liên tục các ngày để đưa đi phân tích. Qua phân tích, chất lượng nước tại nhà máy có các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh ổn định và đạt QCVN 01:2009/BYT, đặc biệt chỉ tiêu thủy ngân qua các ngày luôn đạt dưới ngưỡng quy chuẩn cho phép.
Cũng theo đơn vị này, các giếng khai thác nước của Nhà máy nước sạch Hạ Đình đều nằm cách xa đám cháy hàng kilomet và khai thác ở độ sâu 70 m và các nhà giếng đều có mái che... "Khu xử lý nước của nhà máy, bể lắng, bể lọc đều có mái che và nắp đậy kín. Do đó tác động ảnh hưởng của đám cháy đến Nhà máy nước Hạ Đình là rất hạn chế" - Công ty Nước sạch Hà Nội cho hay.
Bộ nói dùng thiết bị hiện đại hơn để đo
Chiều 31-8, Sở TN&MT Hà Nội đã công bố số liệu quan trắc không khí tại năm điểm gần khu vực đám cháy do Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường Hà Nội lấy mẫu vào ngày 30-8. Kết quả cho thấy các chỉ số về hóa chất, kim loại nặng... (trong đó có thủy ngân) đều nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Việt Nam, riêng chỉ số về lưu huỳnh tại 1/5 điểm vượt 1,02 lần so với quy chuẩn Việt Nam.
Nhưng sáng 31-8, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc lấy mẫu môi trường xung quanh đám cháy và khu dân cư để đánh giá. Kết quả là 1/6 mẫu không khí có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn Việt Nam 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của công ty. Theo Bộ TN&MT, giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR - Mỹ 10-30 lần, tức ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.
Tại cuộc họp khẩn của UBND TP Hà Nội về xử lý hậu quả vụ cháy chiều 5-9, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), giải thích Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc có thiết bị hiện đại hơn (của Nhật Bản) nên đã đo được hàm lượng thủy ngân trong không khí.
TRỌNG PHÚ
Theo PLO
Vụ Rạng Đông, Tổng cục Môi trường: VN xử lý được ô nhiễm thủy ngân Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) khi được hỏi về các phương án cần thực hiện để khắc phục hậu quả ô nhiễm sau vụ cháy kho hàng của Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ngày 4/9 Bộ TN-MT đã chính thức thông báo kết quả quan trắc...