Cháy nhà cao tầng: Đừng để dân tự cứu
Ngay sau vụ cháy tòa tháp EVN vào sáng 16.12, UBND TP.Hà Nội đã có cuộc họp khẩn với các sở, ban ngành liên quan. Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bày tỏ: “Những hình ảnh như hôm qua chấn động cả nước, như hình ảnh tháp đôi của nước Mỹ khiến nhiều người lo lắng”.
Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cho rằng, đây là một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng phải xác định nguyên nhân để xử lý chứ không đơn thuần rút kinh nghiệm. Trước mắt, cơ quan hình sự sẽ phải vào cuộc, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB-XH thanh tra về việc tuân thủ quy định PCCC, quy định xây dựng và an toàn lao động.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng bày tỏ lo ngại khi thang cứu hộ không với tới được các tầng có người gặp nạn. “Cần phải đề xuất các trang thiết bị cần thiết cho lính cứu hỏa đảm bảo an toàn tính mạng và thuận tiện cho công việc. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính cấp ngay kinh phí, thậm chí không cần phải đấu thầu mua sắm cơ số đảm bảo, chất lượng tiêu chuẩn”, ông Thảo chỉ đạo.
Ông Thảo cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan mở rộng việc kiểm tra về kỹ năng cũng như hệ thống PCCC của các công trình cao tầng hiện nay. “Chúng ta phải thực hiện trước khi để xảy ra những vụ cháy lớn, lúc ấy thiệt hại không tính được”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.
“”Những hình ảnh như hôm qua chấn động cả nước, như hình ảnh tháp đôi của nước Mỹ khiến nhiều người lo lắng”" – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo
Rất khó khi chữa cháy nhà cao tầng
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, đại tá Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an cho biết, việc cứu hỏa tại các tòa nhà cao tầng hiện là vấn đề “đau đầu” đối với lực lượng cảnh sát PCCC. Trong đó có nguyên nhân về năng lực, phương tiện của lực lượng nghiệp vụ, ý thức tuân thủ các quy định về PCCC của chủ đầu tư cũng như người dân.
Lý giải việc Sở PCCC TP.Hà Nội chỉ có thang cứu hỏa 53m, không thể với lên các tòa nhà 18 tầng, đại tá Sơn cho rằng đây một phần là do trang thiết bị của lực lượng PCCC còn hạn chế. Trong khi đó tại TP.HCM được trang bị thang cứu hỏa 72m. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rõ thực trạng là tại nhiều địa phương đã có hàng loạt tòa nhà cao từ 200 – 300m, kể cả thang 72m thì cũng không thể với tới. Mặt khác, chúng ta cần phải hiểu rõ, thang cao cũng chưa chắc việc cứu hỏa cứu hộ đã có hiệu quả vì việc di chuyển, vận hành thang này rất khó khăn và nguy hiểm cho cả lực lượng chức năng lẫn người bị nạn”, đại tá Sơn nói.
Video đang HOT
Điều quan trọng nhất đối với việc PCCC trong các tòa nhà cao tầng hiện nay, theo đại tá Sơn là phải tuân thủ các quy định về PCCC. Trong đó, tòa nhà phải có hệ thống thang thoát hiểm, tại mỗi tầng phải có buồng đệm được thiết kế các cửa ra vào luôn được đóng kín và có áp suất dương để không hút khói khi xảy ra sự cố.
Đại tá Sơn cho biết trong đề án phát triển, hiện đại hóa lực lượng PCCC, sẽ xin kinh phí để mua sắm các thiết bị chữa cháy tốt hơn như máy bay chuyên dụng cứu hỏa và cứu hộ, thang cao tầng…
Khám nghiệm hiện trường vụ cháy vào sáng 16.12 – Ảnh: Quang An
Tòa tháp EVN vi phạm quy tắc về PCCC
Sáng 16.12, một ngày sau vụ hỏa hoạn tại tòa tháp 33 tầng của EVN (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội), các cơ quan chức năng đã bắt đầu khám nghiệm hiện trường.
Khu vực được quan tâm nhất là tầng hầm của tòa nhà, nơi nhiều công nhân sau khi thoát được ra ngoài đã khẳng định ngọn lửa phát ra từ đây. Tại hiện trường, toàn bộ các bức tường, tới cột trụ bê tông đều ám một lớp dày khói đen. Những cuộn dây, những hộp kỹ thuật gắn trên trần nhà… đều bị thiêu cháy không còn nguyên vẹn. Công nhân xây dựng thuộc Công ty CP xây dựng TID là anh Chu Quang Học, người trực tiếp thi công tại khu vực tầng hầm cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn ở dưới tầng hầm có tất cả 16 người. Và số người này đều đã chạy thoát ra ngoài an toàn.
Trao đổi với Thanh Niên, đại tá Tô Xuân Thiều – Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cho hay, số người tham gia chữa cháy cũng như cứu hộ lên tới hơn 600 người. “Do khói kèm khí độc rất đậm đặc thoát ra từ tầng hầm, nên Sở Cảnh sát PCCC đã phải xuất toàn bộ số mặt nạ, bình thở dưỡng khí phòng độc. Chúng tôi phải nhờ tới sự hỗ trợ từ phía Bộ Công an”, đại tá Thiều nói. Cũng theo đại tá Thiều, tuy chưa đưa vào sử dụng và đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng tòa nhà EVN đã không đảm bảo, vi phạm một số quy tắc về PCCC. Cụ thể, khi mỗi tầng tòa nhà này được xây xong, đều bắt buộc phải có các bình cứu hỏa, các dụng cụ chữa cháy và phải được lắp đặt hệ thống chuông báo cháy tự động, hay hệ thống nước, bể chứa nước… nhưng ở tòa nhà EVN những điều này không được đáp ứng, hoặc đáp ứng hết sức sơ sài.
Theo đại tá Thiều, hiện vẫn chưa có kết luận được nguyên nhân vụ cháy. Tuy nhiên, nhận định ban đầu có thể do 2 khả năng, một là chập điện, hai là do quá trình hàn điện bị rơi vảy hàn bắn vào mút xốp để ở tầng hầm phục vụ cho hệ thống điều hòa, là những vật liệu dễ bắt lửa gây cháy.
Theo đại tá Tô Xuân Thiều, việc sử dụng máy bay trong công tác cứu hộ trên địa bàn Hà Nội không hề đơn giản, bởi nhiều nhà cao thấp tầng xen kẽ không được thiết kế tổng thể, chưa kể nơi đỗ của máy bay. “Cũng nhiều người thắc mắc với tôi, sao không sắm thật nhiều xe thang đủ cao vươn tới những ngôi nhà vài ba chục tầng để cứu người khi xảy ra cháy. Thế nhưng, với những xe thang vươn cao 72m, tương đương tầng 24, thì xe đã có trọng lượng trên 80 tấn. Và khi chiếc xe này chạy trên đường thì không những các đường dây điện bị cắt đứt, mà một loạt hệ thống cống rãnh sẽ bị vỡ vì sức nặng”, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội nói.
Theo Thanh Niên
Vụ cháy cao ốc EVN: Phải tính đến việc trang bị trực thăng
"Những hình ảnh như hôm qua chấn động cả nước, như hình ảnh tháp đôi của Mỹ, khiến nhiều người nao núng... Có thể phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng, khi xảy cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Khói bao trùm tòa tháp đôi EVN (Ảnh: Việt Hưng).
Sáng nay, 16/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc họp giao ban khẩn cấp với lãnh đạo các Sở và một số Ban, ngành của thành phố về vụ cháy tòa cao ốc EVN ngày 15/12. Ông Thảo nhận định: "Những hình ảnh như hôm qua chấn động cả nước, như hình ảnh tháp đôi của Mỹ, khiến nhiều người nao núng".
Thang cứu hộ không thể vươn tới những tầng cao (Chiến Thắng).
Từ đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất: "Có thể phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng, khi xảy cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn."
Ông Thảo cũng đặt vấn đề: "Không biết của mình đã điều đến trực thăng chưa? Trong trường hợp như hôm qua, nếu huy động trực thăng đến thì thả dây thang xuống có thể cứu nhanh hơn. Sở PCCC cũng phải tính đến phương án này, bởi hiện có rất nhiều tòa nhà cao tầng nên vẫn có thể xảy ra những vụ việc như trên."
Theo ông Thảo, kiểm điểm lại vụ việc, Sở PCCC phải báo cáo Bộ Công an để điều tra, làm rõ. Sở LĐ-TB-XH cùng Sở Xây dựng phải quan tâm tới sức khỏe của công nhân, tránh để hậu quả lâu dài cho người lao động. Cần tiếp tục khắc phục hậu quả, kiểm tra sức khỏe, cần chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Thậm chí, cần quan tâm cả vấn đề ô nhiễm không khí.
Một người liều lĩnh thoát ra ngoài từ tầng 25 (Ảnh: Việt Hưng).
"Phải lên danh sách các trang thiết bị tối thiểu và cần thiết cho người lính cứu hoả đảm bảo an toàn tính mạng và thuận tiện cho công việc. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính cấp ngay kinh phí, thậm chí không cần phải đấu thầu mua sắm, phải đảm bảo, chất lượng tiêu chuẩn" - ông Thảo chỉ đạo.
Đồng thời, ông Thảo cũng chỉ đạo các Sở xây dựng, Sở PCCC, Sở Công thương kiểm tra tất cả các nhân lực thi công xây dựng các công trình cao tầng hiện nay. Phải kiểm tra trước khi xảy ra những vụ cháy lớn, lúc ấy thiệt hại không tính được. Mục tiêu là tập trung vào khắc phục hậu quả, kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp trong thời gian tới.
Theo Dân Trí
Hình ảnh "độc" sâu trong tầng hầm tháp đôi Điện lực Chùm ảnh về hiện trường vụ hỏa hoạn kinh hoàng, tại tầng hầm Tòa nhà "Trung tâm điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam". Ngày 16-12, cơ quan chức năng bắt đầu tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ cháy Tòa nhà "Trung tâm điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam" (nằm trên hai mặt...