Cháy karaoke Bình Dương: Giật mình khi chưa có quy chuẩn PCCC karaoke
Các kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư cho biết, hiện nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng về phòng cháy chữa cháy cho quán karaoke.
Tại buổi họp báo ngày 8/9 tại tỉnh Bình Dương để cung cấp thông tin liên quan đến vụ cháy karaoke An Phú tại TP Thuận An khiến 32 người tử vong.
Nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc thẩm duyệt điều kiện phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở karaoke An Phú có đảm bảo an toàn về lối thoát hiểm, điều kiện hoạt động như quy định không?…
Ông Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện Viện Khoa học hình sự, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (C01), Bộ Công an và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bình Dương khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
“Quá trình này sẽ làm việc với chủ cơ sở kinh doanh, quản lý, giúp việc, nhân viên… để đánh giá toàn bộ nội dung, quy trình hoạt động… Trên cơ sở khám nghiệm hiện trường mới đánh giá được nguyên nhân vụ cháy và các điều kiện phòng cháy chữa cháy để từ đó kết luận nguyên nhân vụ việc”, ông Quyên nói.
Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cũng cho biết, hầu hết cơ sở kinh doanh karaoke đều được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an tỉnh và lực lượng phòng cháy, chữa cháy của quận, huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ cơ sở, đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ về quy chuẩn, quy trình phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên khi xảy ra cháy, tâm lý hoảng loạn nên việc thực hiện quy trình phòng cháy, chữa cháy có hạn chế.
Chưa có quy chuẩn riêng cho phòng karaoke
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, từ vụ cháy chấn động trên đã lộ ra nhiều lỗ hổng trong quy định về quản lý, cấp phép hoạt động, xây dựng mô hình dịch vụ karaoke. Có người còn đặt vấn đề cần quy hoạch dịch vụ karaoke thành những khu vực riêng biệt, không nằm trong khu dân cư.
Kỹ sư xây dựng Phạm Công Trình, Giám đốc một công ty chuyên về xây dựng tại quận 8, TP.HCM cho biết hiện nay chưa có có quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy riêng cho quán karaoke.
Hiện nay, các nhà và công trình đang áp dụng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành. Mới nhất là bộ quy chuẩn được ban hành tháng 5/2021 còn gọi là QCVN 06:2021/BXD.
Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương làm chết 32 người.
Theo ý kiến của kỹ sư Trình đối với những công trình cao tầng như chung cư, công trình có chức năng dịch vụ, thương mại, cơ sở văn hóa, thể thao như bar, quán karaoke, cần yêu cầu phòng cháy chữa cháy phải cao hơn.
Trước khi xây, các công trình trên phải được Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy bảo bảo yêu cầu thì cơ quan quản lý về xây dựng mới cấp phép xây công trình. Khi xây dựng xong phải được nghiệm thu đủ điều kiện mới được hoạt động.
Video đang HOT
Còn kiến trúc sư Phan Quang Vinh (Công ty TNHH Kiến Trúc và xây dựng An Gia) cho biết, hiện nay, để được cấp phép chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải tuân thủ theo nghị định số: 54 ngày 19/6/2019 của Chính phủ, quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường).
Tuy nhiên, tại Điều 4 của nghị Định này chỉ qui định phòng không được nhỏ hơn 20m2, không kể công trình phụ. Nhưng lại không qui định về mật độ người sử dụng (nghĩa là tiêu chuẩn bao nhiêu m2 sử dụng trên 1 người). Vậy với 20m2 không qui định bao nhiêu người được sử dụng phòng này. Ngoài ra, nghị định này cũng không qui định chi tiết về chiều rộng cửa phòng và hướng mở cửa phòng.
“Theo nguyên lý thoát hiểm, cửa phòng phải có hướng mở ra ngoài hành lang thoát hiểm, để khi có sự cố, người sử dụng có thể tông cửa để thoát nạn, theo quan sát của tôi, cửa các phòng karaoke hiện nay đều có hướng mở vào phòng vì lý do thiếu diện tích. Bên cạnh đó, bề rộng của hành lang thoát hiểm trên diện tích sàn xây dựng cũng không được quan tâm, do vậy khi có sự cố, lượng người cần thoát hiểm lớn, diện tích hành làng thoát hiểm không đảm bảo để lượng người có thể thoát ra”, kiến trúc sư Vinh nói.
Nghị định cũng quy định về về tiêu chuẩn: kích thước chiều rộng cửa đi 0,8m, chiều rộng lối đi của cửa 1m, chiều rộng hành lang thoát hiểm: 1,4m, chiều rộng vế thang thoát hiểm: 1.05m; Tiêu chuẩn chiều cao của cửa thoát hiểm (các tầng, tầng hầm, tầng áp mái) được qui định lần lượt không nhỏ hơn 2m, 1,9m, 1,5m.
Có nên đẩy karaoke ra khỏi khu dân cư?
Theo kiến trúc sư Quang Vinh, thực tế hiện nay, các quán karaoke thường được thuê mướn nhà dân để cải tạo, phục vụ nhu cầu kinh doanh. Thực tế thì có sự khác biệt rất lớn về công năng sử dụng giữa nhà phục vụ nhu cầu ở và quán karaoke phục vụ cho việc ca hát giải trí.
Do vậy việc cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo cho việc đáp ứng đúng yêu cầu của một cở sơ kinh doanh karaoke, từ vật liệu cách âm, đảm bảo về diện tích phòng ốc, hành lang thoát hiểm, chiều cao tầng nhà, đến việc bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy đúng theo qui định là rất khó. Bên cạnh đó, khi cải tạo sẽ làm thay đổi kết cấu của công trình, làm ảnh hưởng tuổi thọ công trình, công trình nhanh xuống cấp.
Ngoài ra, hệ số không gian sàn (m2/người) của công trình nhà ở và công trình karaoke, giải trí là rất khác nhau. Cụ thể theo qui định đối với nhà ở là 8-10m2/1 người, trong khi đối với phòng hát là 0,5-1,5m2/1 người. Hệ số an toàn áp dụng cho mỗi loại công trình cũng khác nhau, do vậy việc cải tạo từ nhà ở thành công trình kinh doanh dịch vụ karaoke là khó khả thi và không đúng theo tiêu chuẩn xây dựng Viêt Nam hiện hành.
Nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của dịch vụ kinh doanh karaoke đối với người dân các địa phương cần quy hoạch những khu vực riêng về dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường nằm riêng biệt.
Nếu được quy hoạch riêng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng công trình, phòng cháy chữa cháy hiệu quả. Giải quyết được nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân.
Không được chốt cửa trong phòng karaoke
Luật sư Lê Bá Thường cho biết: Nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không bảo đảm diện tích theo quy định; Đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke, phòng vũ trường; Đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 15 đến 20 triệu đồng (Khoản 6 Điều 15 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
Vụ cháy karaoke ở Bình Dương: 'Nếu phòng hát có chốt trong, nhiều người phải chịu trách nhiệm'
Trước thông tin này, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm cho biết, theo quy định tại Khoản 4, Điều 4, Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke yêu cầu: "Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ)".
Ngày 8/9, bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, trao đổi với phóng viên báo chí về vụ cháy quán karaoke An Phú tại Bình Dương, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đánh giá, đây không chỉ là cháy thông thường, mà là thảm họa.
Trước thực tế xảy ra thời gian qua, đại biểu cho rằng, cần siết lại công tác quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, cần rà soát đặc biệt ở các địa phương có khu công nghiệp, thành phố lớn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là karaoke.
"Thật ra, những vụ cháy này ban đầu chỉ là cháy nhỏ, nhưng nếu không dập nhanh và xử lý sớm thì sẽ gây thảm họa như ở Bình Dương", đại biểu nói và đề nghị các địa phương cần kiểm tra kỹ về điều kiện thoát hiểm của các cơ sở karaoke, nâng cao ý thức tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy của người dân và cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp lớn, nhà xưởng...
Một số cơ quan báo chí trích lời của lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương tại cuộc họp báo ngày 8/9 cho hay, hầu hết phòng hát trong vụ cháy quán Karaoke ở Bình Dương chốt cửa bên trong; "khi cảnh sát tiếp cận, hầu hết phòng đều chốt cửa"...
Trước thông tin này, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm cho biết, theo quy định tại Khoản 4, Điều 4, Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke yêu cầu: "Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ)".
Như vậy, theo quy định thì quán karaoke không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát. Cho nên, phòng hát karaoke không được chốt cửa trong phòng.
Đối chiếu quy định trên vào vụ cháy ở Bình Dương, luật sư Phất cho rằng, có nhiều khả năng xảy ra. Thứ nhất, thông tin các phòng hát karaoke có chốt cửa là sai; có thể nạn nhân chốt cửa ở phòng khác như phòng vệ sinh, phòng chứa đồ; hoặc cũng có thể họ chèn vật dụng vào cửa để ngăn khói chứ không có chốt cửa.
"Thứ hai, nếu đúng là phòng hát karaoke có chốt cửa như thông tin một số báo đưa, thì đây là vi phạm nghiêm trọng, gián tiếp gây ra hậu quả của vụ cháy. Trách nhiệm lúc này trước hết thuộc về chủ cơ sở hát karaoke vì đã lắp khóa. Cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý điều kiện phòng cháy chữa cháy, điều kiện kinh doanh karaoke như ngành công an, văn hóa thể thao... vì đã không phát hiện và xử lý việc này"- luật sư Phất nói.
Luật sư Phất đề nghị, khi khám nghiệm hiện trường, các cơ quan điều tra, các nhân chứng, chính quyền địa phương được tham gia khám nghiệm hiện trường cần để ý đến vấn đề này vì đây cũng là một trong những tình tiết quan trọng của vụ án.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý phù hợp quy định. Song cho dù vụ cháy xuất phát từ lý do khách quan thì cơ sở kinh doanh karaoke vẫn phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Theo pháp luật hiện hành, kinh doanh karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy, chữa cháy mới được phép hoạt động.
Thông tư 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Theo Điều 5 Thông tư này, với cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cụ thể:
Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC;
Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC; Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC;
Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.
Về trách nhiệm bồi thường, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng nếu kết quả xác minh cho thấy, nguyên nhân là do cơ sở kinh doanh này không tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy. chữa cháy, dẫn đến chập điện hoặc có những nguyên nhân khách quan nào khác dẫn đến vụ cháy xảy ra, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Nếu có đủ căn cứ khẳng định, người quản lý điều hành hoạt động kinh doanh karaoke đã vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến hậu quả làm 3 người chết trở lên, cá nhân này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 7- 12 năm (Khoản 3, điều 313, BLHS 2015).
Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho cá nhân đã bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong vụ cháy theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
"Việc các vụ cháy quán karaoke gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy sự bất ổn trong công tác quản lý và việc tuân thủ thiếu nghiêm túc quy định về PCCC của các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Để tránh xảy ra những vụ việc đau lòng tiếp theo, cơ quan chức năng cần siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở này, đồng thời xử phạt nặng, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với địa điểm cố tình vi phạm" - Luật sư Hồng Vân kiến nghị.
Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Xót xa cảnh cô gái cầm hình của chị, chạy tìm khắp nơi vô vọng Biết tin chị gái làm việc trong quán karaoke bị cháy ở Bình Dương, Kim Nhung tức tốc chạy đến hiện trường, rồi vào các bệnh viện lân cận để tìm chị, nhưng chưa có tin tức gì. Trưa 7/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương vẫn đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan chức...