Chạy hộc tốc 105 tầng để thoát thân trong vụ khủng bố 11/9
Đã 20 năm kể từ vụ khủng bố ngày 11/9 nhưng Joe Dittmar vẫn không quên những giây phút kinh hoàng khi ông hoảng loạn chạy xuống từ tầng 105 của tòa tháp đôi đang bốc cháy ngùn ngụt ở New York, Mỹ.
Khói bốc ngùn ngụt từ 2 tòa tháp đôi sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 (Ảnh: Getty).
Ngày 11/9/2001, Dittmar, khi đó 44 tuổi, ở trên tầng 105 của tháp phía Nam Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) để tham gia một cuộc họp. Ông đã di chuyển từ Aurora, Illinois lên New York để làm việc.
Tuy nhiên, trước khi cuộc họp bắt đầu, ông đã nhận được lệnh sơ tán khẩn cấp. Ông bắt đầu ra thang bộ và chạy xuống. Đến tầng 90, ông nói đã “trải qua 30-40 giây tồi tệ nhất cuộc đời tôi”. Khi đó, ông mới biết vì sao phải di tản.
Vài phút trước đó, chiếc máy bay Boeing 767 của American Airlines chở 76 hành khách, 11 thành viên phi hành đoàn đã bị những kẻ khủng bố điều khiển lao vào tòa tháp phía bắc, từ tầng 93 tới tầng 99.
Từ cửa sổ của tòa tháp phía nam, Dittmar đã chứng kiến cảnh tượng mà ông mô tả là trông như “địa ngục”. Trả lời phỏng vấn StoryCorps, Dittmar, 64 tuổi, vẫn còn nhớ rõ cảnh tượng khủng khiếp khi chiếc máy bay đã để lại một lỗ đen lớn trên tháp phía bắc, với khói và lửa bốc lên ngùn ngụt.
Video đang HOT
“Tôi nhớ rất rõ cảnh tượng khi đó, những ngọn lửa bùng lên, khói bốc ra, những hố đen khổng lồ trên tòa tháp và những mảnh xác máy bay và cả một chiếc máy bay lớn kẹt lại trên tòa nhà. Khi đó tôi nghĩ rằng Chúa ơi, tại sao phi công lại không nhìn thấy tòa nhà? Tại sao người này lại đâm vào tòa nhà?”, Dittmar kể lại.
Một điều khủng khiếp khác mà ông phải chứng kiến là cảnh tượng đồ đạc văn phòng và cả những nạn nhân vô tội bị văng lên với cảnh tượng rất “đáng sợ”.
Nhiều người bám vào cửa sổ tòa tháp phía bắc với hy vọng có thể sống sót (Ảnh: Getty).
Dittmar tiếp tục hốt hoảng bỏ chạy. Tới tầng 72, tức 17 phút sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp phía bắc, máy bay thứ 2 bị không tặc khống chế đã lao vào tòa tháp phía nam. Chiếc máy bay của hãng United mang số hiệu 175 đâm vào tầng 77-85 của tòa tháp mà ông đang đứng phía trong.
Cú va chạm khiến tay vịn cầu thang văng ra, bê tông bắt đầu vỡ vụn và mặt sàn rung “như sóng biển”. Một “quả cầu nhiệt” thổi mạnh vào Dittmar với mùi rất lạ: mùi của nhiên liệu máy bay phản lực.
Một số người cùng tham gia cuộc họp với ông đã chọn cách đi thang máy để chạy thoát nhưng họ đã không thể sống sót.
Ông cùng hàng chục người khác tiếp tục lao xuống tầng trệt. Họ đã chạy bộ đúng 105 tầng cầu thang nhưng không được phép ra ngoài khi đó. Các mảnh vỡ đang rơi xuống dữ dội ở cả 2 tòa tháp. Nhiều người hoảng loạn nhảy từ các tầng cao xuống vì tuyệt vọng khi chìm trong ngọn lửa.
Dittmar thừa nhận những ký ức kinh hoàng về vụ khủng bố đã ám ảnh ông suốt 20 năm qua (Ảnh: Newscorp).
Khi thoát được ra ngoài, Dittmar mới biết rằng ngoài 2 chiếc lao vào tòa tháp Trung tâm Thương mại, còn một chiếc bị cướp và lao xuống Lầu Năm Góc ở Virginia, trong khi một chiếc bị rơi ở Pennsylvania khi đang cố lao tới tấn công Nhà Trắng. Gần 3.000 người vô tội đã thiệt mạng trong thảm kịch chấn động nước Mỹ và những di chứng của vụ khủng bố này vẫn còn dai dẳng tới nay.
Vào thời điểm đó, điều duy nhất mà Dittmar có thể nghĩ tới là cố gắng về nhà ở Aurora để gặp vợ và 4 người con.
“Tiếng gào thét của hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn người trên đường phố New York, tất cả đều hét lên vào cùng một lúc. Đó là thứ mà tôi nghe thấy đầu tiên mỗi sáng, thứ cuối cùng tôi nghe được mỗi đêm. Nó không thể biến mất”, Dittmar kể về những ám ảnh kinh hoàng mà ông phải hứng chịu trong suốt 20 năm qua kể từ vụ khủng bố thảm khốc.
Một người đàn ông tuyệt vọng lao mình xuống khỏi tòa tháp đang cháy dữ dội (Ảnh: AP).
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã trở thành một mảng ký ức không thể quên với nhiều người Mỹ (Ảnh: AP).
Saudi Arabia hoan nghênh Mỹ công bố tài liệu về vụ khủng bố 11/9
Ngày 8/9, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Mỹ đã bày tỏ hoan nghênh việc Mỹ công bố các tài liệu liên quan vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Trung tâm thương mại thế giới bốc cháy trong vụ khủng bố tại New York, Mỹ ngày 11/9/2001. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Đại sứ quán Saudi Arabia khẳng định rằng tất cả những cáo buộc cho rằng Saudi Arabia liên quan đến vụ tấn công ngày 11/9 là sai lầm. Tuyên bố nêu rõ không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy chính phủ hay các quan chức Saudi Arabia biết trước về vụ tấn công khủng bố, hoặc có liên quan đến việc lên kế hoạch cũng như thực hiện hành động khủng bố.
Trước đó, ngày 3/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã ký sắc lệnh chỉ đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khác của nước này giám sát việc xem xét giải mật các tài liệu về các cuộc điều tra vụ 11/9 của Cục điều tra liên bang (FBI). Sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp công khai các tài liệu đã giải mật trong vòng 6 tháng tới.
Trong nhiều năm qua, mặc dù Saudi Arabi luôn bác bỏ cáo buộc nước này liên quan vụ 11/9, thân nhân hàng trăm nạn nhân và những người bị thương trong vụ tấn công khủng bố này cùng hàng chục công ty bảo hiểm Mỹ đã khởi kiện Saudi Arabia tại tòa án Mỹ, căn cứ đạo luật Chống tài trợ cho hành vi khủng bố (JASTA).
Đạo luật này cho phép những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố kiện các chính phủ nước ngoài tại tòa án liên bang Mỹ và đòi bồi thường nếu các chính phủ đó bị chứng minh phải chịu trách nhiệm.
Israel kéo dài thời gian đóng cửa Bờ Tây và Dải Gaza Quân đội Israel ngày 8/9 thông báo đã triển khai thêm lực lượng tới khu vực Bờ Tây chiếm đóng nhằm truy lùng 6 tù nhân Palestine đã vượt ngục 3 ngày qua, cũng như ngăn chặn nguy cơ xảy ra bạo lực. Lực lượng an ninh Israel gác tại Jerusalem, ngày 18/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Thông báo của quân đội Israel nêu rõ...