Chạy đua vũ trang ở châu Á
Các tàu chiến Nga và Trung Quốc hôm qua, 23-4-2012, bắt đầu cuộc diễn tập hải quân chung sáu ngày ở Hoàng Hải. Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời một phát ngôn viên quốc phòng nước này nói: “Các cuộc tập trận sẽ liên quan đến nhiều sứ mệnh giả định, gồm cả việc giải cứu một tàu bị cướp, hộ tống một tàu thương mại, ngăn chặn các vụ tấn công từ trên không và trên biển”.
Ấn Độ vừa thử thành công tên lửa Agni 5
Tân Hoa xã đưa tin, cuộc tập trận huy động 16 tàu Trung Quốc và 2 tàu ngầm, 13 máy bay và 5 trực thăng. Nga đưa 4 tàu chiến và 3 tàu tiếp tế tham gia cùng hơn 4.000 lính Trung Quốc.
Cuộc tập trận diễn ra ba ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố thử thành công một tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Bằng việc phóng tên lửa Agni 5, một tên lửa đạn đạo có khả năng tới được Bắc Kinh và Thượng Hải, Ấn Độ đã gia nhập câu lạc bộ nhỏ những quốc gia có khả năng hạt nhân tầm xa, bao gồm Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Israel và Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ ca ngợi vụ thử thành công khi Pakistan và Trung Quốc phản ứng một cách thận trọng, giữa lúc e ngại của quốc tế tăng lên về tình trạng quân sự hóa ở châu Á.
Bằng một phác thảo hiệp định mới đạt được hôm qua với Afghanistan về việc phân định rõ phạm vi và bản chất sự hiện diện của Mỹ ở Afghan, chính quyền Obama đang cố rút ra khỏi vũng lầy Afghanistan. Nhưng mặt khác Mỹ cũng đang tạo ra các liên minh với nhiều quốc gia châu Á và một lần nữa hướng chiến lược về châu lục này nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự mới của Trung Quốc. Trung Quốc tháng trước thông báo tăng chi tiêu quân sự lên gấp đôi và một số lãnh đạo quân đội nước này buộc tội Mỹ đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Video đang HOT
Nhiều quốc gia châu Á lại hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực. Philippines và Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận chung đầu tuần trước, trong đó có các cuộc xâm nhập giả định dọc các bờ biển hướng về phía Trung Quốc. Đây là một phần trong liên minh quân sự đang tăng cường giữa Mỹ và Philippines. Cách đây hơn hai tuần, một đạo quân lính thủy đánh bộ Mỹ đã đến bắc Australia, nhóm đầu tiên trong số 2.500 binh sĩ sẽ được triển khai ở đây theo một thỏa hiệp được ký kết năm ngoái.
Hàn Quốc hôm thứ năm tuần trước đã thử một tên lửa có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Cùng ngày, các quan chức từ Mỹ và Bangladesh đã gặp nhau ở thủ đô Dhaka để thảo luận các vấn đề an ninh.
Các động thái quân sự dồn dập ở châu Á thời gian gần đây là những dấu hiệu leo thang mới nhất về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Theo CATP
Tên lửa xuyên lục địa của Ấn Độ nhằm vào ai?
Việc phóng tên lửa của Ấn Độ ngoài lý do thể hiện sự đua tranh về hạt nhân ở khu vực Nam Á còn biểu hiện sự đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc
Ngày 19/4 vừa qua, Ấn Độ đã thử thành công tên lửa Agni-V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 5.000km. Sự kiện này được giới phân tích của Pháp và phương Tây đánh giá là có tầm ảnh hưởng lớn. Vì cho đến nay, mới chỉ có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như vậy.
Việc Ấn Độ với thành công này, được "ghi danh" vào "câu lạc bộ" các cường quốc sở hữu tên lửa xuyên lục địa, vẫn đang là câu chuyện thời sự được các nước phương Tây lưu tâm.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV thường trú tại Pháp đã phỏng vấn ông Alain Lamballe, Tướng quân đội Pháp, chuyên gia về khu vực Nam Á.
Tướng Pháp Alain Lamballe (Ảnh: France 24)
PV : Ông nhận xét thế nào về sự phát triển công nghệ tên lửa của Ấn Độ?
Ông Alain Lamballe: Về mặt công nghệ, Ấn Độ đã có nhiều bước phát triển. Tuy không phát triển rực rỡ như các lĩnh vực khác, nhưng rõ ràng là lĩnh vực vũ trụ của Ấn Độ đã có những bước tiến đáng kể. Trong lĩnh vực vũ trụ, hiển nhiên ngoài các mục đích dân sự, còn có những ứng dụng cho quân sự như loại tên lửa tầm trung, hay đúng hơn là tầm xa với tầm bắn 5.000 km vừa được nước này thử nghiệm.
Giờ đây, Ấn Độ đã sở hữu tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân, cho phép nước này có thể phòng vệ chống Pakistan và có thể cả từ phía Trung Quốc nữa.
PV : Vụ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cán cân lực lượng ở khu vực và liệu nó có gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới không, thưa ông?
Ông Alain Lamballe: Thực ra từ lâu nay ở khu vực đã có cuộc chạy đua vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan. Giống như Ấn Độ, Pakistan đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Nước này cũng có các loại tên lửa, chắc chắn chưa phải là các tên lửa tầm xa, nhưng đó là các loại tên lửa có khả năng bao phủ một phần không nhỏ lãnh thổ của Ấn Độ. Ở chừng mực nào đó là việc đua tranh hạt nhân ở Nam Á giữa Ấn Độ và Pakistan.
Nhưng mối đe dọa thực sự, như nhận định của các nhà chiến lược của Ấn Độ, là từ Trung Quốc. Tôi không nói rằng Trung Quốc sẽ tấn công Ấn Độ, tôi không tin điều đó, nhưng các nhà chiến lược của Ấn Độ buộc phải cân nhắc đến khả năng này. Và chính vì lý do này mà Ấn Độ phải có những loại tên lửa có khả năng tấn công lãnh thổ của Trung Quốc. Do vậy, sẽ khó có thể có cuộc chạy đua vũ trang mới vì thực tế cuộc chạy đua này vẫn luôn tồn tại.
Tầm hoạt động của các loại tên lửa của Ấn Độ (Ảnh: Internet)
PV : Như vậy có phải ý ông muốn nói là Ấn Độ sẽ nhằm vào Trung Quốc ?
Ông Alain Lamballe: Rất có thể. Tên lửa này có tầm bắn 5.000km, hiển nhiên là Ấn Độ chế tạo tên lửa này là phòng xa nếu Trung Quốc tấn công Ấn Độ như đã xảy ra năm 1962. Trung Quốc có thể sẽ lại tấn công tỉnh Arunachal Pradesh. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tỉnh này từ lâu và gọi tỉnh này là Nam Tây Tạng. Đây là tình huống mà các nhà chiến lược của Ấn Độ phải cân nhắc.
PV : Vậy các nước có phải quá lo ngại về việc Ấn Độ thử tên lửa tầm xa hay không, thưa ông?
Ông Alain Lamballe: Hiển nhiên là các nước luôn lo ngại khi có sự phát triển về vũ khí hạt nhân trên thế giới, trong đó Mỹ là chắc chắn là vậy. Phía Mỹ chỉ yêu cầu sự kiềm chế từ phía Ấn Độ chứ không cực lực lên án Ấn Độ vì họ cần Ấn Độ như một đồng minh tiềm năng đối trọng lại Trung Quốc, ngay cả khi Ấn Độ không muốn liên minh với Mỹ.
PV : Xin cảm ơn ông!./.
Theo VietNamNet
Nga, Mỹ sắp tập trận chống khủng bố Một nhóm biệt kích của Nga sẽ tới Mỹ vào tháng sau để tham gia hoạt động diễn tập chống khủng bố chung giữa hai nước. Nga, Mỹ sắp tập trận chống khủng bố. Ảnh minh họa: Ruvr Thông tin này được RIA Novosti dẫn từ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Alexander Kucherenko hôm qua cho hay. "Đây...