Chạy đua thử vũ khí không gian
Sau khi Mỹ và Trung Quốc thử vũ khí đánh chặn tên lửa tầm xa, Nga lên tiếng phản đối những vụ đánh chặn tên lửa “xả rác” trên không gian.
Trong khi giới chuyên gia Mỹ hồi đầu năm lên tiếng lo ngại việc Trung Quốc có thể thử vũ khí không gian, Washington lại cũng phóng vũ khí đánh chặn tên lửa trên tầng khí quyển. Hai vụ thử chỉ cách nhau vài giờ. Theo giới chuyên gia, các loại vũ khí không gian này có thể dùng để tấn công, bắn hạ vệ tinh.
Kẻ trước người sau
Đài Fox dẫn thông báo từ Cơ quan Tên lửa phòng không Mỹ (MDA) tuyên bố đã thực hiện thành công các vụ thử đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào cuối tháng 1. Theo đó, MDA âm thầm thử nghiệm một dạng “thiết bị hủy diệt”, viết tắt là EKV – Thiết bị hủy diệt ngoài không gian. Với tốc độ siêu thanh, đầu đạn, do Raytheon chế tạo, của thiết bị này hoạt động tại rìa không gian với nhiệm vụ truy tìm và hủy diệt những “đối tượng nguy hiểm”.
MDA thông báo về vụ thử nghiệm vũ khí không gian tại Florida – Ảnh: MDA
Được phóng lên từ căn cứ không quân Vandenberg tại California, EKV là thành phần chủ chốt của hệ thống Phòng thủ giữa giai đoạn đất đối không (GMD), do Boeing chế tạo, vốn đóng vai trò như lá chắn tên lửa của Mỹ. GMD là chương trình tên lửa phòng không đầu tiên và duy nhất đang được triển khai nhằm bảo vệ nước này trước nguy cơ bị tấn công bởi ICBM. Thay vì dùng đầu đạn hạt nhân truyền thống, EKV vô hiệu hóa mối đe dọa bằng cách dùng lực va chạm để tiêu diệt. Theo đó, GMD giăng hệ thống cảm biến trên đất liền, đại dương và không gian để khoanh vùng các mối đe dọa. Khi đã phát hiện mục tiêu, tên lửa 3 tầng sẽ đưa EKV lên không gian. Đến lúc ra ngoài khí quyển trái đất, tên lửa phóng EKV rồi nó thông qua các cảm biến hiện đại để phát hiện những đầu đạn đang bay đến. Khi phát hiện mục tiêu, “thiết bị hủy diệt” nặng 190 kg này sẽ đâm vào và phát nổ. Theo kênh NBC, sau ít nhất 16 lần thử, EKV đã 8 lần đánh chặn thành công mục tiêu ngoài không gian.
Video đang HOT
Chỉ vài giờ sau khi Mỹ phóng EKV, phía Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm vũ khí đánh chặn tên lửa. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, đây là lần thứ hai Bắc Kinh chính thức lên tiếng về việc thử vũ khí không gian, lần đầu vào ngày 11.1.2010. Hiện nay, chỉ Mỹ và Trung Quốc triển khai các cuộc thử nghiệm dạng này. Tân Hoa xã loan tin rằng vụ bắn thử đã diễn ra thành công.
Theo RIA-Novosti, hệ thống lá chắn GMD của Washington có tầm đánh chặn ở cao độ tối đa là 1.500 km và khoảng cách tầm xa lên đến 4.000 km. Trong khi đó, theo trang tin The Washington Free Beacon, tên lửa được Bắc Kinh sử dụng trong vụ thử mới nhất có thể là phiên bản điều chỉnh của loại được sử dụng trong dự án bắn vệ tinh (ASAT) hồi năm 2007. Vì thế, giới quan sát nhận định Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội để thử nghiệm vũ khí bắn vệ tinh.
Nga phản đối
Ai sẽ là bên “dọn rác” không gian sau những vụ thử tên lửa như trên? Đó là câu hỏi mà phía Nga đặt ra sau khi biết Mỹ – Trung đồng loạt thử nghiệm các loại vũ khí trên, theo Đài Tiếng nói nước Nga. Thời gian qua, “bãi rác” bắt nguồn từ những chương trình thám hiểm, khai thác không gian, phóng phi thuyền lẫn vệ tinh… khiến môi trường không gian thêm tồi tệ. Các mẩu rác nhỏ được liệt vào dạng cực kỳ nguy hiểm, vì chúng có thể hủy hoại các thiết bị trên không gian. Tổng biên tập tạp chí Novosti Kosmonavtiki là Igor Marinin đề xuất phải soạn thảo một luật quốc tế, buộc các quốc gia phải trang bị cho mỗi vệ tinh một dạng thiết bị đẩy chúng về mặt đất sau khi hoàn tất chu kỳ hoạt động.
Bắc Kinh có thể mua tên lửa S-400
Interfax dẫn lời Phó giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác công nghệ quân sự Nga Vyacheslav Dzirkaln cho biết Trung Quốc có thể là nước đầu tiên nhập khẩu hệ thống tên lửa đất đối không S-400, gọi tắt là “Triumph”, của Nga. Phát biểu tại cuộc triển lãm vũ khí quốc tế IDEX-2013 ở Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, ông Dzirkaln ngày 20.2 tiết lộ: “Tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua được hệ thống này”.
Theo TNO
Vũ khí không gian của Trung Quốc
Giới tình báo và quân sự Mỹ đang lo ngại Trung Quốc có thể sẽ sớm thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh vào cuối tuần này.
Trong vài tháng gần đây, cộng đồng quân sự và tình báo Mỹ liên tục đồn đoán Trung Quốc sẽ thử vũ khí không gian. Thông tin này do chuyên trang không gian Space.com dẫn lời ông Gregory Kulacki, Trưởng nhóm dự án Trung Quốc thuộc tổ chức UCS có trụ sở tại Cambridge, cho biết. Ông Kulacki chia sẻ: "Trước thềm Giáng sinh, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Obama đang hết sức lo ngại về vụ thử bắn vệ tinh (ASAT) sắp tới của Trung Quốc". Dựa trên những nguồn thạo tin và các sứ mệnh ASAT của Trung Quốc trong quá khứ, chuyên gia này cảnh báo rằng có khả năng vụ thử trên sẽ diễn ra vào ngày 11.1. Đây là thời điểm diễn ra các vụ bắn thử của Bắc Kinh vào năm 2007 và 2010. Tuy nhiên, ông Kulacki cũng thừa nhận rằng Washington vẫn chưa rõ nội dung lẫn mục tiêu trong lần thử này nếu có.
Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí không gian - Ảnh: The Economist
Hồi năm 2007, Trung Quốc phá hủy thành công một trong các vệ tinh thời tiết không còn hoạt động và trôi trên quỹ đạo cách mặt đất khoảng 853 km. Sau đó, vào năm 2010, Bắc Kinh vận dụng công nghệ tương tự để triệt tiêu một vật thể không nằm trên quỹ đạo. Theo chuyên gia Kulacki, một số quan chức Mỹ nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể muốn nâng tầm bắn so với những vụ thử trước, nhằm vào mục tiêu ở độ cao trên 19.000 km thuộc quỹ đạo tầm trung của trái đất (MEO).
Trên lý thuyết, khả năng bắn đến MEO khiến các vệ tinh hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ rơi vào tầm ngắm. Vì thế, chuyên gia Kulacki thúc giục Washington cần đề nghị Bắc Kinh không nên triển khai thêm bất cứ vụ thử ASAT nào. Đến nay, Mỹ và Nga đều đã từ bỏ những vụ thử nghiệm ASAT vốn tạo ra khá nhiều rác trên quỹ đạo. Vụ thử của Trung Quốc hồi năm 2007 đã tạo ra 3.000 mảnh rác vương vãi. Cuộc thử nghiệm sắp tới, nếu diễn ra, có thể không quá phô trương như những lần trước. Theo đó, Bắc Kinh có thể không hủy diệt vệ tinh tạo ra rác thải, vốn ẩn chứa nguy cơ cho chính các vệ tinh tương lai của Trung Quốc. Theo dự kiến, Bắc Kinh vài năm tới sẽ đặt thêm hơn 20 vệ tinh mới lên MEO, nhằm hoàn chỉnh Hệ thống định vị Bắc Đẩu.
Giữa lúc giới truyền thông loan tin Trung Quốc đang muốn tiến hành vụ thử ASAT để nhắm vào hệ thống GPS của Mỹ, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 6.1 đăng bài xã luận liên quan vấn đề này. Theo bài viết, Bắc Kinh "có quyền triển khai sứ mệnh" đó vì đây là con át chủ bài chống lại Washington trong tương lai. Tuy nhiên, bài báo chẳng đả động gì về tính xác thực của nguồn tin trên mà chỉ nhận định Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí tiêu diệt vệ tinh để phát triển hoàn chỉnh vũ khí không gian. Trong khi đó, việc Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi các vụ thử ASAT đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước khác. Tờ The Indian Express vừa đưa ra nhận định rằng Ấn Độ cũng cần tăng cường sức mạnh trong lĩnh vực này nếu không muốn bị đe dọa trong tương lai. Vì thế, nếu Trung Quốc tiếp tục thử ASAT có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí không gian khiến tình hình thế giới thêm bất ổn.
Hải quân Trung Quốc "nhận 24 chiến đấu cơ J-16"
Dựa vào những hình ảnh chưa chính thức trên internet, hải quân Trung Quốc đã nhận 24 máy bay chiến đấu J-16 từ Tập đoàn Thẩm Dương, theo trang tinWantchinatimes (Đài Loan). Liên quan đến loại máy bay này, trang mạng quân sựStrategy Page đưa tin Nga và Trung Quốc hồi năm 1999 đã hợp tác nâng cấp dòng Su-30MKK thành Su-30MK2. Dựa trên thiết kế của Su-30MK2, Trung Quốc chế tạo nên J-16 trở thành dòng chiến đấu cơ chủ lực cho quân đội nước này.
Trong một diễn biến khác, CNA ngày 7.1 đưa tin một số lớn chiến đấu cơ J-6 cũ được chuyển sang biến thể không người lái hiện đang đồn trú tại căn cứ không quân Liên Thành thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hồi thập niên 1990, Bắc Kinh cho nghỉ hưu các phi đội J-6, vốn được xem như một phiên bản của MiG-19 do Nga sản xuất.
Theo TNO
Pakistan chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo đối phó với Ấn Độ Pakistan dự kiến sẽ tiến hành thử tên lửa đạn đạo vào cuối tháng này, một động thái được đánh giá sẽ hâm nóng cuộc chạy đua vũ trang đang phát triển mạnh trên tiểu lục địa Ấn Độ. Ảnh defence.pk Đây là vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo thứ 3 được thực hiện bởi lực lượng vũ trang Pakistan trong thời...