“Chạy án” – nhận diện căn nguyên
Chỉ trong vòng 3 năm, ngành chức năng Nghệ An đã bắt 3 vụ nhận hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc “ chạy án”. Những người liên quan đến vụ việc đều là những người đang nắm giữ chức vụ trong ngành tòa án.
Khi người “cầm cân” bị “ngã ngựa”
Ngày 25/5, ông Nguyễn Ngọc Lan – cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp Nghệ An bị cơ quan chức năng bắt giữ vì liên quan đền việc nhận tiền chạy án khiến dư luận xôn xao. Mặc dù chỉ là cán bộ tư vấn pháp luật nhưng ông Lan vẫn nhận mình là “Phó giám đốc Sở”, có khả năng can thiệp vào quá trình xét xử để nhận 100 triệu đồng từ người nhà bị can Vi Thị Hoa (SN 1962, trú tại xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An). Vi Thị Hoa là bị can trong một vụ mua bán người trái phép sắp được đưa ra xét xử.
Công an đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Ngọc Lan – nguyên cán bộ hỗ trợ pháp lý Sở Tư pháp Nghệ An về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến “chạy án” (Ảnh Minh Tâm).
Bằng việc hứa chắc nịch sẽ “lo” để Vi Thị Hoa được xử mức án nhẹ và được tại ngoại chờ xét xử, Nguyễn Ngọc Lan đã bỏ túi 100 triệu đồng. Tuy nhiên, Lan đã không làm được điều mình nói nhưng cũng không trả lại tiền cho người nhà bị can. Sau nhiều lần đòi “nợ”, Nguyễn Ngọc Lan chỉ trả cho người nhà Vi Thị Hoa 20 triệu đồng.
Người nhà bị can đã có đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Lan tới cơ quan điều tra. Hiện công an đang điều tra, làm rõ hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” đối với vị cán bộ trợ giúp pháp lý này. Được biết, trước khi chuyển về Sở Tư pháp công tác, Nguyễn Ngọc Lan từng công tác tại ngành tòa án huyện Kỳ Sơn.
Trước đó, cuối tháng 11/2013, Chánh án TAND huyện Nam Đàn Phan Văn Quang cũng bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang nhận tiền “chạy án” từ thân nhân của bị can Lê Văn Tân (xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An). Lê Văn Tân là bị can trong vụ án đánh bạc mà cơ quan điều tra Công an huyện Nam Đàn bắt giữ trước đó. Số tiền mà Phan Văn Quang nhận để giảm nhẹ tội của Tân trong quá trình xét xử là 20 triệu đồng.
Ngoài 20 triệu đồng bắt quả tang, khi khám xét khẩn cấp phòng làm việc của Phan Văn Quang, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 100 triệu đồng trong các phong bì chưa được mở. Liên quan tới vụ án này, cơ quan điều tra Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Võ Tá Trường – Thẩm phán TAND huyện Nam Đàn về hành vi nhận hối lộ.
Video đang HOT
Bùi Anh Đức – nguyên Thẩm phán TAND huyện Yên Thành bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam về tội nhận hối lộ.
Vào năm 2012, liên quan tới một vụ chạy án, Bùi Anh Đức (SN 1975) – nguyên Thẩm phán TAND huyện Yên Thành (Nghệ An) đã bị TAND huyện Yên Thành xử phạt 5 năm tù giam về tội nhận hối lộ. Sau đó, trong phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh giảm án, tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam. Bùi Anh Đức được giao làm chủ tọa xét xử phiên tòa hình sự vụ án “tham ô tài sản”, bị cáo trong vụ án này là ông Ngô Xuân Thảo, nguyên cán bộ thủ quỹ xã Đồng Thành (Yên Thành).
Trước ngày xét xử, Bùi Anh Đức đã mời ông Thảo tới phòng làm việc và gợi ý “chi tiền bôi trơn” để giảm án xuống còn 3-4 năm so với khung hình phạt 7-17 năm tù của tội danh này. Số tiền mà Đức gợi ý để được xử mức án nhẹ nhất lên tới 40-60 triệu đồng và hẹn đưa 20 triệu trước ngày xét xử 1 ngày. Ngày 24/4/2012, khi Bùi Anh Đức đang nhận tiền từ con ông Thảo tại phòng làm việc thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Nhận diện nguyên nhân “chạy án”
Việc “chạy án” thường chỉ diễn ra khi có sự đồng ý giữa những người có liên quan. Tâm lý của những người vi phạm pháp luật luôn muốn được xử với mức án nhẹ nhất có thể. Trong khi đó, những quy định của pháp luật lại có những kẽ hở cho việc “chạy án”. Theo một điều tra viên lâu năm của PC46 – Công an tỉnh Nghệ An, hiện Bộ Luật Hình sự quy định khung hình phạt cho một tội danh có khoảng cách giữa mức án thấp nhất và mức án cao nhất quá rộng. Đây chính là kẽ hở để một số người được phân công xét xử lợi dụng để “làm luật”.
Bên cạnh đó, trong quy định của pháp luật, khi có 2 tình tiết giảm nhẹ thì sẽ có căn cứ để xem xét xử dưới khung hình phạt. Ngoài những chi tiết ghi cụ thể trong luật thì luật cũng ghi “những tình tiết khác” nếu tòa án thấy đủ căn cứ để xem xét. Chính vì những quy định chưa rõ ràng, cụ thể như thế này đã tạo điều kiện để tòa “vận dụng”.
“Chính việc cho tòa án cái quyền quá to, có quyền quyết định cuối cùng nhân danh Nhà nước để đưa ra mức hình phạt cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong xét xử. Viện Kiểm sát và các cơ quan khác chỉ có thể kiến nghị sau khi kết thúc phiên tòa. Chính vì cái quyền quá to nên dễ dẫn đến những tiêu cực trong xét xử, trong đó có việc chạy án”, điều tra viên này cho biết.
“Chính việc cho tòa án cái quyền quá to, có quyền quyết định cuối cùng nhân danh Nhà nước để đưa ra mức hình phạt cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong xét xử”.
Mặt khác, khoảng thời gian nghị án quá dài, có khi lên tới vài ngày, vài chục ngày đã tạo ra những kẻ hở cho tiêu cực. Trong khi đó, lý do để hoãn phiên tòa không chặt chẽ, cụ thể. Việc hoãn hay kéo dài thời gian chờ xét xử cũng tạo điều kiện để nảy sinh tiêu cực. Trên thực tế, rất ít người đưa hối lộ bị xử phạt bởi lẽ thường khi không đạt được mục đích ban đầu, họ mới trình báo cơ quan điều tra. Lúc này, hành vi phạm tội chưa đạt, họ lại là người có đơn tố cáo ra cơ quan điều tra nên được miễn nhiễm trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, ngành chức năng khó phát hiện hay điều tra ra các vụ “chạy án” nếu không có sự “hợp tác” từ chính những người này.
“Biết là “chạy án” đấy nhưng rất khó để có bằng chứng. Bởi vậy, tìm ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng chạy án là điều vô cùng khó. Theo điều tra viên này, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thay đổi luật, quy định rõ, cụ thể các tình tiết giảm nhẹ, hạ khung, khoảng cách giữa các khung hình phạt trong một tội danh không được cách xa nhau quá.
Ngoài việc xử lý nghiêm những người nhận hối lộ để can thiệp vào quá trình xét xử thì cũng cần thay đổi nhận thức của người phạm tội. Tâm lý của những người phạm tội bao giờ cũng muốn được xử mức án thấp nhất, muốn nhẹ tội nên tìm cách “chạy án” và khiến người khác phạm tội”, vị điều tra viên này cho hay. Tuy nhiên, việc chạy án sẽ không được thực hiện nếu người những người giữ cán cân công lý giữ được mình!
Theo Dantri
Lừa chạy án, luật sư vào tù
Sau hai ngày xét xử sơ thẩm, sáng 21.5, TAND TP.HCM tuyên phạt Lương Anh Tiến (44 tuổi, nguyên luật sư Đoàn luật sư TP.HCM) 16 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Tiến ở tòa
Theo cáo trạng, ngày 15.10.2010, Bộ Công an khởi tố vụ án Trương Công Dũng và đồng bọn can tội "làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Liên quan đến vụ án này, Nguyễn Minh Tuấn cũng bị tạm giam, khởi tố điều tra về 2 hành vi trên.
Qua sự giới thiệu của người quen, tháng 3.2011, gia đình Tuấn thuê Tiến làm luật sư bào chữa cho Tuấn. Sau nhiều lần trao đổi, hai bên thỏa thuận "miệng" chi phí dịch vụ để luật sư Tiến tham gia bào chữa cho Tuấn là 100 triệu đồng. Gia đình Tuấn đã chuyển đủ số tiền này cho Tiến. Tiến cũng tiến hành các thủ tục để được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận bào chữa, tiếp cận hồ sơ.
Mặc dù biết hành vi của Tuấn rõ ràng phạm tội, nhưng Tiến vẫn nhiều lần gặp gia đình Tuấn nói sẽ "lo" cho Tuấn được tại ngoại, bỏ một tội "lừa đảo", tác động Viện KSND để hoàn hồ sơ điều tra Tuấn với chỉ một tội, đồng thời Tuấn sẽ được tòa tuyên trắng án hoặc chỉ bằng thời hạn tạm giam.
Trước, trong và sau khi nhận tiền, Tiến thường xuyên nhắn tin cho gia đình Tuấn hứa "chạy án" và nói cần rất nhiều tiền mới chạy được án. Từ tháng 3.2011 đến tháng 9.2012, gia đình Tuấn đã đưa cho Tiến bốn lần, tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng. Sau khi nhận tiền, Tiến chiếm đoạt luôn và không thực hiện.
Ngày 21.9.2012, TAND TP.HCM xử phạt Tuấn 11 năm tù về cả hai tội. Biết bị lừa, gia đình Tuấn làm đơn tố cáo Tiến đến cơ quan chức năng. Do tố cáo trước khi vụ án bị phát hiện nên người nhà của Tuấn không bị xử lý hình sự.
Tại tòa, Tiến kêu oan, cho rằng mình không lừa đảo, những bản cung thừa nhận hành vi phạm tội là bị ép cung.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của Tiến đã đủ chứng cứ kết luận Tiến lừa đảo chiếm đoạt trên 1,8 tỉ đồng của gia đình Tuấn.
Ngoài hình phạt trên, Hội đồng xét xử còn tuyên buộc Tiến nộp lại 1,8 tỉ đồng để xung công quỹ nhà nước.
Theo TNO
Bắt một thư ký tòa án quận 12 nhận tiền chạy án Khi thư ký tòa án quận 12 vừa nhận 170 triệu đồng chạy án từ đương sự thì bị lực lượng trinh sát bắt quả tang. Ngày 24/4, một nguồn tin xác nhận các trinh sát thuộc Cục Điều tra VKS Tối cao đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thái Quốc Cường (SN 1980, thư ký TAND quận 12, TP HCM) do có hành...