Cháy 6ha rừng ở núi Cấm
Ngày 4-3, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, đã khống chế đám cháy rừng xảy ra ở núi Cấm, thuộc huyện Tịnh Biên.
Lực lượng chức năng dập lửa không để lây lan
Theo đó, vào sáng 3-3, đã xảy ra cháy rừng nghiêm trọng tại khu vực Tà Lọt, thuộc Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Ngay lập tức, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, người dân… với khoảng 500 người, khẩn trương dập lửa khống chế đám cháy.
Đến 17 giờ cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế, tuy nhiên sáng sớm 4-3, ngọn lửa bùng phát trở lại. Lực lượng kiểm lâm và các đơn vị nhanh chóng chữa cháy đến khoảng 10 giờ cùng ngày mới dập tắt hoàn toàn. Ước tính diện tích rừng bị cháy khoảng 6ha. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do người dân vào rừng đốt ong, bất cẩn gây ra cháy.
Ngành chức năng An Giang huy động lực lượng và phương tiện để chữa cháy rừng
Video đang HOT
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 16.868ha rừng và đất lâm nghiệp gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài và nhiều ngày không mưa nên hiện nay có hàng ngàn ha rừng nguy cơ xảy ra cháy cấp 5, rất nguy hiểm. UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương… triển khai 37/37 phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trên địa bàn các huyện, xã có rừng. Đồng thời, thực hiện phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ ở 230 điểm.
NGUYỄN THANH
Theo SGGP
Nỗ lực đảm bảo nước sản xuất trong mùa khô
Là huyện có địa hình đặc thù, nên mùa nắng nóng ở Tịnh Biên (An Giang) khắc nghiệt hơn so với những địa phương khác trong tỉnh.
Do đó, bài toán đảm bảo nước sản xuất trong mùa khô luôn là vấn đề được huyện miền núi này quan tâm và triển khai nhiều giải pháp xử lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư kiểm tra hoạt động hệ thống Trạm bơm 3-2 trước thềm Tết Nguyên đán 2020
Theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa khô năm nay sẽ khắc nghiệt hơn những năm trước nên UBND huyện Tịnh Biên đã yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động phương án cung cấp nước phục vụ sản xuất. Vì địa hình cao với diện tích đất đồi núi chủ yếu phụ thuộc "nước trời" nên Tịnh Biên ưu tiên phát triển các công trình thủy lợi. Hiện nay, hệ thống trạm bơm vùng cao của huyện miền núi này đang phát huy tác dụng, góp phần giải tỏa "cơn khát" cho những vùng được xem là "sa mạc trắng" tại các xã: An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo.
Hiện nay, Ban Quản lý các trạm bơm điện huyện Tịnh Biên đã thực hiện công tác bảo trì máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo hoạt động các trạm bơm diễn ra liên tục, phục vụ tốt việc lấy nước sản xuất của người dân. Trưởng ban Quản lý các trạm bơm điện huyện Tịnh Biên Trịnh Tấn Lực thông tin, ngay từ trước Tết Nguyên đán, đơn vị đã chủ động kiểm tra thường xuyên máy móc, thiết bị tại các trạm bơm nhằm giúp quá trình vận hành không bị gián đoạn.
Ngoài ra, công tác vệ sinh các kênh nhánh cung cấp nước cho trạm bơm được thực hiện đầy đủ, đảm bảo lưu lượng dòng chảy. Lực lượng trực nhật luôn có mặt tại trạm bơm để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, nỗ lực làm tốt nhiệm vụ cung cấp nước cho người dân trong cao điểm mùa khô.
Thời điểm này, mực nước tại các kênh tạo nguồn của hệ thống Trạm bơm 3-2, kênh Văn Râu của Trạm bơm Văn Giáo, kênh Tà Móc của Trạm bơm Vĩnh Trung vẫn đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất do đã được UBND huyện Tịnh Biên phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, ngành chuyên môn đang xử lý các điểm nghẽn của kênh tạo nguồn Trạm bơm bọng Đình Nghĩa để công trình vận hành tốt, phục vụ cho diện tích 100ha đất sản xuất tại xã An Phú và một phần thị trấn Tịnh Biên.
Theo ông Trịnh Tấn Lực, nguồn nước cung cấp cho vụ đông xuân vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, trong vụ sản xuất hè thu tình hình sẽ phức tạp hơn khi mùa khô bước vào đỉnh điểm. Nếu hạn hán quá khắc nghiệt, đơn vị sẽ bố trí các máy bơm hoạt động trong đêm nhằm đảm bảo nguồn nước và giảm tải hao phí điện năng. Khi đó, người dân cần theo dõi sát sao thông tin của ngành chuyên môn thông qua các kênh truyền thông và nên xuống giống các loại cây thích nghi với điều kiện khô hạn như: đậu phộng, khoai mì để giảm bớt áp lực tiêu thụ nước và mang đến giá trị kinh tế khá hơn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận thông tin, đơn vị đã phối hợp các ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, kết hợp tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Hiện nay, huyện Tịnh Biên đã tổ chức vận hành các công trình cống để tích trữ nước phục vụ tốt cho sản xuất và phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nạo vét kênh mương, đảm bảo nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Đặc biệt, huyện sẽ thực hiện dự án thủy lợi vùng cao phục vụ tích trữ nước từ nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ qua việc xây dựng mới 2 hồ chứa mới là Suối Tiên và Tà Lọt. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo thực hiện công tác thú y và phòng, chống dịch bệnh trong mùa khô, tập trung hình thức chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn nhằm tăng năng suất và hạn chế dịch bệnh.
Với sự chủ động trong các phương án ứng phó, huyện Tịnh Biên đang nỗ lực đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân trong cao điểm mùa khô 2020. Để hoàn thành mục tiêu trên, đòi hỏi tinh thần tập trung của các địa phương, cũng như sự chấp hành của người dân đối với các khuyến cáo của ngành chuyên môn để đảm bảo nước cho sản xuất, sinh hoạt và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của mùa khô năm nay.
THANH TIẾN
Theo AGO
Nghề lạ ở An Giang: Săn cua núi càng vàng, "nài" bò đua Bảy Núi Khi nói về nghề, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc kiếm tiền mưu sinh, trang trải kinh tế gia đình. Có những nghề nghe qua rất kỳ lạ nhưng lại rất thực tế, tùy thuộc vào đặc điểm văn hóa, điều kiện tự nhiên nơi họ sinh sống, nhưng cũng có nghề người ta làm đơn giản là vì đam mê. Và...