Châu Tinh Trì và nhiều nghệ sĩ thành con nợ triệu USD vì trò đánh cược
Nghệ sĩ Trung Quốc kiếm tiền, nhưng cũng mất tiền vì những bản hợp đồng đánh cược với nhà đầu tư.
China Times cho biết thông tin Châu Tinh Trì lần thứ 2 thua cược đối tác đầu tư và bị kiện ra tòa. Theo đoàn luật sư Hong Kong, nam đạo diễn đang ở thế bất lợi. Nếu thua kiện, ông sẽ phải bồi thường cho công ty New Culture Media 131 triệu USD.
Câu chuyện đánh cược và thua cược vốn là chủ đề quen thuộc của giới showbiz Hoa ngữ. Hiện tại, giới nghệ sĩ không còn đốt tiền trên chiếu bạc ngoài đời thực. Họ chuyển sang cá cược bằng hợp đồng kinh tế.
Vụ cược hàng triệu USD
Theo Tân Hoa Xã , những bản hợp đồng đánh cược giữa nhà đầu tư và người nổi tiếng bắt đầu xuất hiện từ năm 2016.
Thời điểm đó, thị trường phim ảnh Trung Quốc đang trên đà phát triển, trở thành mũi nhọn đầu tư của những tập đoàn, công ty lớn. Phía bên kia, giới nghệ sĩ cũng tìm đủ cách để nâng tầm địa vị, tận dụng tối đa tên tuổi của mình để thu về lợi ích kinh tế.
Từ đó, những cú bắt tay giữa nghệ sĩ và nhà đầu tư ra đời. Tân Hoa Xã gọi đây là sàn trao đổi danh tiếng với đồng tiền – một thương vụ làm ăn khả thi và có lời cho hai phía.
“Kiếm tiền là mục đích ra đời của những bản hợp đồng đánh cược, hiệp ước cờ bạc”, Sina cho biết.
Hoa Nghị Huynh Đệ hiện là tập đoàn nắm giữ nhiều cổ phần trong công ty của các ngôi sao hạng A tại Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Về cơ chế vận hành, tập đoàn hay công ty điện ảnh và truyền hình (A) sẽ mua lại cổ phần của công ty nghệ sĩ (B) với giá cao. Sau đó, bên B sẽ đưa ra cam kết lợi nhuận cho bên A trong thời gian thỏa thuận. Tài chính kiếm được năm sau nhất định phải nhiều hơn năm trước.
Trong thời gian thực hiện thỏa thuận, công ty của nghệ sĩ sẽ được bên B cấp vốn để đầu tư và sản xuất các dự án phim ảnh. Đổi lại, họ phải được đảm bảo lợi nhuận thường niên. Trong trường hợp thua lỗ, các ngôi sao có trách nhiệm bù đắp vào khoản thiếu hụt.
“Đây là một phần của nền kinh tế thị trường. Ngành giải trí bị thương mại hóa. Các cuộc hôn phối giữa văn hóa và đồng tiền như trên giúp ngôi sao đổi đời, còn nhà sản xuất đảm bảo được lợi nhuận”, Tân Hoa Xã cho biết.
Nói dễ hiểu tức là giới đầu tư bơm tiền ồ ạt vào showbiz, còn nghệ sĩ tận dụng dòng tiền của người giàu để tạo nên cuộc cách mạng danh tiếng.
Vì vậy, dù việc kiếm tiền dựa vào gương mặt rất dễ biến động và rủi ro cao, vẫn cám dỗ lượng lớn người nổi tiếng bước vào trò chơi mạo hiểm. Điều này xuất phát từ tham vọng và suy nghĩ không tham gia tận thu nguồn tiền đầu tư là từ chối cơ hội giàu có.
Baofeng Group từng mua lại 60% cổ phần tại công ty Strawbear Entertainment Group của Ngô Kỳ Long và Lưu Thi Thi với giá 168 triệu USD. Strawbear hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim ảnh cũng như quản lý nghệ sĩ. Đây là bước đà giúp cặp sao trở thành tỷ phú trong ngành giải trí. Hiện, tổng giá trị cổ phiếu Lưu Thi Thi và Ngô Kỳ Long sở hữu khoảng 4 tỷ USD, theo On .
Hoa Nghị Huynh Đệ mua lại 70% cổ phần với giá 164 triệu USD tại công ty Dongyang Meira của đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Thượng thị Truyền thông đầu tư 50 triệu USD vào Gia Hành Thiên Hạ của Dương Mịch.
Phùng Thiệu Phong, Dương Dương, Tống Thiến, Lý Thần, Trịnh Khải và nhiều nghệ sĩ khác cũng bán cổ tức công ty cho những tập đoàn lớn với mức giá thỏa thuận không dưới 100 triệu USD.
Năm 2017, Chiến lang 2 của Ngô Kinh được công ty Văn hóa Bắc Kinh mua quyền phát hành độc quyền với giá 22 triệu USD. Sao võ thuật thỏa thuận với đối tác sẽ đảm bảo doanh thu đạt 125 triệu USD. Kết quả, Chiến lang 2 đại thắng phòng vé với 874 triệu USD, trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thắng như Ngô Kinh. Thực tế, những hiệp định “cờ bạc” này đã và đang khiến nhiều người nổi tiếng trả giá bằng tài sản lẫn sự nghiệp nghệ thuật của mình.
Những khoản nợ vì không đạt lợi nhuận cam kết
Video đang HOT
“Cuộc đời lâm cảnh vi hàn và cay đắng vì ký vào thỏa thuận với Hoa Nghị Huynh Đệ. Ai đã thiết kế ra chiến lược cờ bạc độc ác như vậy. Tôi đã ký vào hợp đồng, khi muốn quay đầu lại đã không còn thấy bờ. Và sau đó là chuỗi ngày tăm tối cày cuốc trả nợ”, Trương Quốc Lập rơi nước mắt khi chia sẻ trên sóng truyền hình vào năm 2019.
Ông thua cược trước Hoa Nghị Huynh Đệ và phải bồi thường số tiền triệu USD. Theo nam nghệ sĩ, năm 2013, dưới sự giới thiệu của Phùng Tiểu Cương, ông ký hợp đồng đánh cược có thời hạn 5 năm với anh em nhà Vương Trung Quân và Vương Trung Lỗi.
Trương Quốc Lập ngược xuôi trên phim trường dù đã bước sang tuổi 66. Ảnh: iFeng.
Thỏa thuận yêu cầu lợi nhuận ròng sau thuế của Trương Quốc Lập không được dưới 4,5 triệu USD mỗi năm, đảm bảo lợi nhuận luôn tăng. Tuy nhiên, sao gạo cội đã không hoàn thành mục tiêu đề ra, phải bỏ tiền túi đền bù hợp đồng.
Tài chính suy kiệt khiến tài tử Tể tướng Lưu Gù phải làm việc miệt mài trên phim trường hơn 2 năm qua để kiếm nguồn thu nhập nuôi gia đình. Theo Sina , có thời điểm Trương Quốc Lập quay phim 18 giờ liên tục không nghỉ, bất chấp tuổi tác đã cao.
“Tôi đang trả giá cho lòng tham của mình”, Trương Quốc Lập nói.
Phùng Tiểu Cương cũng vừa phải bỏ ra hơn 36 triệu USD tiền mặt bồi thường cho Hoa Nghị Huynh Đệ vì không đạt đủ lãi suất đề ra theo thỏa thuận.
Đạo diễn lừng danh và tập đoàn giải trí hàng đầu Trung Quốc đã ký thỏa thuận 5 năm (2016-2020). Phùng Tiểu Cương chịu trách nhiệm mang về cho Dongyang Meira nguồn lợi nhuận sau thuế không dưới 15 triệu USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 15%.
Tuy nhiên, ông thất bại. Năm 2018, Phùng Tiểu Cương không có bất kỳ dự án phim nào ra mắt. Không tạo ra nguồn thu nhập cho công ty, đạo diễn phải phải bồi thường hơn 10 triệu USD.
Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đạo diễn họ Phùng tiếp tục không hoàn thành được mục tiêu dự toán, kiếm 27 triệu USD. Số tiền lần này ông đền bù lên đến 26 triệu USD.
Ở Hong Kong, thỏa thuận đánh cược với nhà đầu tư cũng khiến Châu Tinh Trì lao đao. Nam nghệ sĩ phải thế chấp biệt thự để bù đắp khoản thiệt hại hơn 25 triệu USD cho Thượng Hải Văn hóa.
Năm 2016, Châu Tinh Trì ký hợp đồng đánh cược với công ty Thượng Hải Văn hóa, có nội dung phải đạt tiền lãi 140 triệu USD trong 3 năm. Nếu không đạt được mục tiêu đề ra, nam nghệ sĩ sẽ bồi thường bằng tiền mặt hoặc mua lại cổ phần của công ty.
Hiện tại, ông bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận, đơn phương chấm dứt hợp đồng với New Culture Media. Số tiền tranh chấp với đối tác lên đến 131 triệu USD và có thể khiến “vua hài” tán gia bại sản nếu thua kiện.
Đạo diễn Phùng Tiểu Cương đền bù hơn 36 triệu USD cho Hoa Nghị Huynh Đệ. Ảnh: iFeng.
Cao Hy Hy, đạo diễn của loạt dự án Tân Bến Thượng Hải, Hạnh phúc tựa như hoa, Your Sweet Smile, Tam Quốc, Bầu trời lịch sử… rơi vào cảnh trắng tay vì thất bại trong phi vụ cờ bạc với nhà đầu tư.
Tháng 3/2020, ông bị tòa án Bắc Kinh cưỡng chế tài sản, thẻ tín dụng, đóng băng hoạt động 7 công ty và liệt vào danh sách công dân thất tín, hạn chế chi tiêu xa xỉ. Số nợ hiện tại của Cao Hy Hy đã lên đến 7,8 triệu USD.
Chia sẻ với iFeng , nam đạo diễn cho biết ông đã mất khả năng chi trả nợ nần. Các vụ kiện tụng diễn ra liên miên từ năm 2016 đến nay khiến Cao Hy Hy bị đóng băng sự nghiệp, không thể cho ra mắt các dự án mới.
“Nghệ sĩ trình non, nhưng tham vọng lớn”
Triệu Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội phê bình Điện ảnh Trung Quốc, so sánh hợp đồng cá cược của giới nghệ sĩ với nhà đầu tư như “bong bóng”, có thể vỡ bất kỳ nào. Khi đó, phần thiệt sẽ thuộc về phía người nổi tiếng do họ không lường hết những biến động có thể xảy ra.
“Nghệ sĩ trình non, nhưng tham vọng lớn”, ông nhận định nguyên nhân khiến các ngôi sao thua cược.
Tân Hoa Xã bình luận: “Với nhà đầu tư, các ngôi sao vừa là mỏ vàng, vừa là cuốc xẻng. Họ trở thành ván cược tốt nhất với phương châm được ăn cả, ngã về người nổi tiếng. Giới nghệ sĩ vốn hiếu thắng nhưng chỉ như những tay mơ bên các cao thủ thương trường. Vì thế, họ thắng thì ít, thua là chủ yếu. Giới nghệ sĩ thích thử vận và mở rộng quan hệ từ canh bạc, nhưng cuối cùng trở thành con nợ triệu USD”,
Tinh Gia đối mặt với nguy cơ phá sản vì vướng án kinh tế. Trong khi, Dương Mịch phải làm việc cật lực trong 3 năm liền để kiếm đủ tiền cho đối tác. Ảnh: HK01.
Theo Triệu Quân, ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đang có sự chuyển dịch nhanh, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này dẫn đến sự bấp bênh về doanh thu. Ngay cả các tên tuổi lớn trong ngành nghệ thuật cũng không còn giữ được danh xưng “bảo chứng phòng vé”.
Chưa kể, việc tình hình kinh tế – chính trị – xã hội thay đổi với tốc độ không ngừng trên thế giới cũng tác động không nhỏ đến công tác làm phim của giới nghệ thuật. Bằng chứng là đại dịch Covid-19 đã khiến ngành giải trí toàn cầu tê liệt thời gian dài, gây thiệt hại nặng nề cho nền điện ảnh.
Châu Tinh Trì từng thống trị phòng vé Hoa ngữ năm 2016 với Mỹ nhân ngư. Nhưng 3 năm sau đó, ông thảm bại khi tác phẩm Tân Vua hài kịch có doanh thu bết bát tại thị trường phim Tết 2019. Số tiền 92 triệu USD kiếm được không đủ hoàn vốn cho phía Thượng Hải Văn hóa.
Trong khi dự án Mỹ nhân ngư 2, nam đạo diễn bắt tay với New Culture Media bị “đắp chiếu” gần 2 năm vì kỹ xảo chưa chỉn chu và ảnh hưởng của bệnh dịch.
Theo Tân Hoa Xã , các thương vụ đánh bạc trong ngành giải trí nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, kèo lùi nền phim ảnh Trung Quốc. Để đáp ứng khoản lợi nhuận cho đối tác, nghệ sĩ phải chạy show và đóng phim bất chấp. Những dự án phim rác, chất lượng thấp cũng vì thế xuất hiện ngày càng nhiều.
“Nghệ sĩ trở thành nô lệ của đồng tiền, đồng nghĩa với việc ngành phim ảnh bị thoái trào”, Nhân dân Nhật báo nhận xét.
Theo Sohu , Dương Mịch từng làm việc “bán mạng” trong 3 năm để hoàn thành thỏa thuận đạt 46 triệu USD lợi nhuận sau thuế. Nếu không đạt đủ chuẩn, cô phải hoàn trả 164 triệu USD tiền cổ tức và 15% lãi suất thường niên cho công ty Thượng thị Truyền thông.
Phùng Thiệu Phong sa sút danh tiếng vì liên tiếp đóng phim chất lượng kém như Vương quốc ảo, Ice Fantasy Destiny hay Đây khoảng sao trời, kia khoảng biển trước áp lực kiếm đủ tiền “trả nợ” cho nhà đầu tư.
Đầu năm 2019-2020, truyền thông Trung Quốc nói về bước lùi của đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Từ người chuyên làm phim điện ảnh, ông chuyển sang sản xuất webdrama Crossroad Bistro và tác phẩm truyền hình Kiếm vương triều .
Trong giai đoạn thực hiện thỏa thuận với Hoa Nghị Huynh Đệ, năm nào Phùng Tiểu Cương cũng có phim điện ảnh ra mắt. Tuy nhiên, chất lượng và doanh thu phòng vé chỉ ở mức trung bình.
“Chúng tôi như giống như những con thiêu thân, biết trước khả năng thua rất cao nhưng vẫn lao vào. Cuối cùng lãnh đủ hậu quả”, đạo diễn Cao Hy Hy chua xót.
Châu Tinh Trì phá sản vì món nợ 131 triệu USD?
Trong cuộc chiến pháp lý với New Culture Media, Châu Tinh Trì đang ở thế bất lợi. Nếu thua kiện, nhiều khả năng ông sẽ phải tuyên bố phá sản.
Ngày 5/6, Mingpao đưa tin Châu Tinh Trì tiếp tục vướng vào vụ kiện liên quan đến án kinh tế. Nguyên đơn đưa nam đạo diễn Hong Kong ra tòa là đối tác đầu tư New Culture Media. Án tình hiện tại bất lợi cho ngôi sao Vua hài kịch.
Nguy cơ "tán gia bại sản"
Theo HK01 , công ty New Culture Media mới đây kiện Châu Tinh Trì ra tòa, yêu cầu đền bù số tiền hơn 131 triệu USD. Vụ án đã được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hong Kong thụ lý và đang trong quá trình làm việc với các bên liên quan.
Trách chấp giữa New Culture Media và "vua hài Hong Kong" có ngọn nguồn từ năm 2016. Thời điểm đó, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang trên đà phát triển, trở thành mũi nhọn đầu tư của giới nghệ sĩ. Những bản hợp đồng rót vốn được ví như canh bạc giữa nhà đầu tư và người nổi tiếng cũng ra đời.
Châu Tinh Trì bị New Culture Media yêu cầu bồi thường 131 triệu USD. Ảnh: Sohu.
Trong đó, các ngôi sao như Tinh Gia chịu trách nhiệm kiếm tiền theo mục tiêu của đối tác. Nếu trong thời hạn quy định không đạt được doanh thu như kế hoạch, họ sẽ phải tự bỏ tiền túi hoàn vốn cho nhà đàu tư.
Sau khi Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì đại thắng phòng vé phim Tết với 553 triệu USD, New Culture Media nhận thấy tiềm năng kiếm tiền và bắt tay hợp tác với sao nam.
Tháng 12/2016, công ty này đã ký thỏa thuận mua lại 40% cổ phần từ công ty Premium Data Associates (gọi tắt PDAL) của tài tử Đội bóng Thiếu Lâm với giá 162 triệu USD. Đồng thời, Young & Young International Corporation (gọi tắt Y&Y) - công ty con của New Culture Media tiếp tục bỏ hơn 44 triệu USD để mua thêm 11% cổ phần của PDAL.
Sau khi thương vụ giao dịch thành công, định giá của PDAL đạt 406 triệu USD, trong khi tài sản ròng của người sở hữu là Tinh Gia chỉ có hơn 9,3 triệu USD. Theo Apple Daily , New Culture Media đã thu mua cổ phần công ty Châu Tinh Trì cao gấp 40 lần so với giá thị trường.
Thỏa thuận Châu Tinh Trì ký với New Culture Media có thời hạn 4 năm. Trong đó, lợi nhuận ròng mỗi năm PDAL thu về không được dưới 26 triệu USD (4/2016-3/2017), 34 triệu USD (4/2017-3/2018), 44 triệu USD (4/2019-3/2019) và 56 triệu USD (4/2019-3/2020).
Trong 3 năm đầu tiên, PDAL của Châu Tinh Trì đạt lợi nhuận đáp ứng đủ thỏa thuận đề ra. Tuy nhiên, mâu thuẫn phát sinh vào tháng 3/2020. Đúng vào thời điểm kiểm toán và thanh lý hợp đồng, phía "vua hài" từ chối cung cấp báo cáo tài chính. Điều này khiến New Culture Media không thể kiểm toán được lợi nhuận thu về của PDAL ở năm tài chính tháng 4/2019 đến tháng 3/2020.
Kết quả, năm 2020, New Culture Media chịu khoản lỗ khổng lồ 250 triệu USD, trong đó là 131 triệu USD từ vụ tranh chấp với Châu Tinh Trì. Đến tháng 10/2020, sau nhiều lần thương thuyết bất thành, New Culture Media nộp đơn kiện Châu Tinh Trì lên Tòa án Hong Kong.
Hồi tháng 2, sao nam cũng kiện New Culture Media với lý do đối tác chưa trả cho ông 28,1 triệu USD tiền mua cổ phần năm 2016.
Trên On , theo đoàn luật sư Hong Kong, với các bằng chứng hiện tại, New Culture Media có xác suất thắng kiện cao hơn Tinh Gia.
Các vụ kiện kinh tế bủa vây
Hiện tại, Châu Tinh Trì vẫn chưa đưa ra phản hồi về vụ việc. Công tác ghi hình Mỹ nhân ngư 2 có tiếp tục sản xuất hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Đây là dự án nam nghệ sĩ hợp tác đầu tư cùng New Culture Media.
Tác phẩm đã quay xong từ năm 2018, nhưng không thể ra rạp vì Tinh Gia không hài lòng về kỹ xảo, cần quay lại để bổ sung thêm nhiều cảnh quay. Công tác ghi hình chỉ mới bắt đầu hồi tháng 3 ở Thâm Quyến để kịp ra mắt mùa phim Tết 2022.
Theo Sina , các hợp đồng đánh cược với nhà đầu tư đang khiến nhiều ngôi sao nếm trái đắng. Mới đây, đạo diễn Phùng Tiểu Cương cũng phải bồi thường cho phía Hoa Nghị Huynh Đệ 26 triệu USD vì không đạt đủ lãi suất đề ra theo thỏa thuận.
Nam nghệ sĩ đối mặt với nhiều vụ kiện kinh tế và nợ nần ở tuổi 59. Ảnh: HK01.
HK01 cho biết năm 2020, tài chính của Tinh Gia thất thoát nặng nề vì kinh doanh thua lỗ, dự án điện ảnh "đinh" bị đắp chiếu. Nam nghệ sĩ đã phải thế chấp biệt thự để bù đắp khoản thiệt hại hơn 25 triệu USD cho Thượng Hải Văn hóa.
Cũng trong năm 2016, Châu Tinh Trì ký hợp đồng đánh cược với công ty Thượng Hải Văn hóa, có nội dung phải đạt tiền lãi 140 triệu USD trong 3 năm. Nếu không đạt được mục tiêu đề ra, Châu Tinh Trì sẽ bồi thường bằng tiền mặt hoặc mua lại cổ phần của công ty.
Lợi nhuận đầu tư đạt được trong 2019 chỉ hơn 20 triệu USD, không đủ để Tinh Gia chi trả các khoản nợ. Một số nguồn tin cho biết ông còn phải phải gánh khoản nợ lên đến 84,6 triệu USD do đầu tư kinh doanh thất bại.
Chưa kể, vào cuối năm ngoái, ông còn bị tình cũ Vu Văn Phượng tố cáo quỵt nợ 9 triệu USD và kiện ra tòa. Tài tử được xử thắng kiện, nhưng danh tiếng và hình ảnh của sao kỳ cựu ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Theo Sina, sắp tới, Châu Tinh Trì có kế hoạch sản xuất phim hoạt hình Tề Thiên Đại Thánh (The Monkey King) , được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tây du ký , dự kiến phát trên Netflix năm 2023.
Biệt thự triệu USD của Châu Tinh Trì Biệt thự của nam diễn viên nằm ở khu đồi Skyhigh, có hướng nhìn ra cảng Victoria, ngắm được toàn cảnh Hong Kong. Ngày 12/5, Sohu đăng hình ảnh căn biệt thự của Châu Tinh Trì ở Hong Kong. Biệt thự của "vua hài" nằm ở khu đồi Skyhigh, có hướng nhìn ra cảng Victoria, ngắm được cảnh thành phố Hong Kong ở...