Châu Thành với nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) cùng với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương huyện Châu Thành (An Giang) thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền với nhiều hình thức, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông
Những năm qua, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng qua từng năm, dẫn đến tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng với sự gia tăng của phương tiện giao thông đường bộ. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã phần lớn còn chật hẹp, nhiều nơi đã xuống cấp nên chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để mua bán, kinh doanh vẫn còn diễn ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT, trật tự công cộng…
Về đường thủy nội địa, tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp, tình trạng chất chà và cất nhà trên sông, kênh, rạch… lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, lạch, lòng sông diễn ra thường xuyên. Phương tiện chở hàng hóa quá tải, người điều khiển phương tiện không giấy chứng nhận chuyên môn… Đặc biệt, tình trạng thiếu ý thức, xem thường pháp luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông đã gây nhiều vụ TNGT thương tâm. 5 năm qua, huyện Châu Thành xảy ra 69 vụ TNGT (tăng trên 27% so cùng kỳ), làm 68 người chết và 31 người bị thương.
Video đang HOT
Trước tình hình TNGT diễn biến phức tạp, Ban ATGT huyện Châu Thành tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT cả đường bộ lẫn đường thủy. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được đặt lên hàng đầu.
Thời gian qua, Ban ATGT huyện phối hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, văn hóa giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, không chở quá số người quy định, không phóng nhanh vượt ẩu, thực hiện nghiêm quy định “đã uống rượu, bia – không lái xe”…
Huyện Châu Thành còn tăng cường xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình tự quản về ATGT hoạt động có hiệu quả lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy, như: mô hình “Cổng trường ATGT”; mô hình xã, ấp “Tự quản về ATGT”; mô hình “Bến đò ngang sông văn hóa, an toàn”, cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”… Huyện cũng tăng cường quản lý điều kiện đảm bảo ATGT của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, lực lượng chức năng huyện Châu Thành tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm nồng độ cồn, sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật…
Đồng thời, thường xuyên duy trì hoạt động của các Đội Đặc nhiệm giữ gìn trật tự ATGT gắn với đảm bảo an ninh trật tự xã hội, lực lượng cảnh sát giao thông và các ngành chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra tải trọng xe lưu động trên tuyến Tỉnh lộ 941, lộ nông thôn liên xã, các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là các khu vực thường xảy ra TNGT. 5 năm qua, lực lượng công an toàn huyện phối hợp tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý 34.572 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính trên 22,4 tỷ đồng.
Thời gian tới, các ngành, chính quyền huyện Châu Thành tăng cường hơn nữa sự lãnh, chỉ đạo và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu các đơn vị, chính quyền địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT. Ban ATGT huyện, xã, thị trấn cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT, văn hóa giao thông đến từng người dân, từng địa bàn dân cư. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo ATGT, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, địa bàn phức tạp TNGT cả đường bộ lẫn đường thủy nội địa.
Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật ATGT. Đặc biệt, huy động tốt mọi nguồn lực tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình giữ gìn trật tự ATGT hiệu quả tại các địa phương…
Hà Nội đã xóa thêm được 4 điểm úng ngập cố hữu
Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng chia sẻ tại Hội nghị giao ban Báo chí Thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16/6.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, Thành phố Hà Nội đã xóa được 4 điểm úng ngập, gồm: Thanh Đàm, Nguyễn Chính, Giải Phóng và Phạm Văn Đồng.
Cũng theo ông Thắng, với 4 điểm úng ngập mới được giải quyết này thì hiện Hà Nội chỉ còn lại 6 điểm úng ngập là: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Đại lộ Thăng Long.
Trong đó, đáng chú ý là có 6 điểm giảm thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% là Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp.
Kết quả trên cho thấy nỗ lực của Thành phố cũng như Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - Bởi, trước đây trên địa bàn Hà Nội có 18 điểm úng ngập. Năm 2017, Thành phố đã xóa được 2 điểm là đường Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa, ngã ba Ba La) và đường Cổ Linh (quận Long Biên). Trong 2 năm (2018, 2019), Thành phố tiếp tục xóa được 2 điểm úng ngập, đó là đường Giải Phóng - đoạn Bến xe phía Nam và phố Nguyễn Chính.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin tại hội nghị
Ông Hoàng Cao Thắng cũng thông tin thêm, hiện còn một số điểm úng ngập cục bộ, tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp, như tại quốc lộ 1A, quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), quốc lộ 32, quốc lộ 21B; đường gom Đại lộ Thăng Long... Những điểm này, ít nhiều sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và các phương tiện tham gia giao thông.
Song, với các trận mưa nhỏ hơn 50mm trong 2 giờ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Nói về giải pháp trong thời gian tới nhằm tăng cường hệ thống thoát nước, giảm úng ngập, ông Hoàng Cao Thắng cho biết, Thành phố sẽ triển khai các giải pháp, gồm: Nâng cấp trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trước mùa mưa (đã hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020); đôn đốc, bàn giao, tiếp nhận công trình thoát nước đã hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, chỉnh trang, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước...
Cùng với đó, Thành phố đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành 6 trạm xử lý nước thải (Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Yên Sở, Bảy Mẫu và Hồ Tây). Đồng thời, Thành phố đang thực hiện dự án "Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá", dự kiến hoàn thành năm 2024.
'Siết' quản lý bến khách ngang sông ở Phú Thọ mùa mưa lũ Mùa mưa bão cận kề cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy. Tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp tích cực đảm bảo an toàn cho hoạt động bến khách ngang sông. Nhiều hành khách đi đò chưa chấp hành việc mặc áo phao Tỉnh Phú Thọ là địa bàn có mạng lưới sông, suối dày...