Châu Phi nhận hỗ trợ thiết bị y tế ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 11/9, CHDC Congo đã nhận được lô thiết bị vệ sinh đầu tiên để ứng phó với đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ tại nước này.
Nhân viên y tế làm việc tại trung tâm điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở ngoại ô Goma, tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Văn phòng Thống đốc tỉnh Bắc Kivu, miền Đông CHDC Congo cho biết 5 tấn hàng hóa, gồm thuốc men, dụng cụ bảo vệ cho nhân viên y tế và dung dịch khử trùng đã được chuyển đến thành phố Goma, thủ phủ tỉnh, bằng máy bay vào ngày 10/9.
Giới chức y tế địa phương cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là các trại tị nạn trong tỉnh – vốn đang diễn ra giao tranh giữa quân đội chính phủ và nhóm phiến quân M23.
Tỉnh Bắc Kivu đã ghi nhận tổng cộng 194 trường hợp mắc bệnh kể từ tháng 6. Trong khi đó, tỉnh Nam Kivu lân cận có gần 6.000 trường hợp mắc bệnh, chiếm hơn 25% tổng số ca mắc trên cả nước.
Hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát ở ít nhất 14 nước châu Phi, trong đó CHDC Congo là tâm dịch mới nhất. Theo số liệu từ viện y tế công cộng CHDC Congo, nước này đã ghi nhận hơn 21.500 ca mắc, trong đó có 716 trường hợp tử vong kể từ tháng 1 năm nay.
Tình hình ở CHDC Congo trở nên phức tạp hơn với sự xuất hiện của chủng Clade 1b – được cho là dễ lây lan thông qua tiếp xúc gần. Các chuyên gia cho biết rất khó để đánh giá mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của chủng này. Kể từ tuần trước, CHDC Congo – một trong 5 nước nghèo nhất thế giới, đã nhận được vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ viện trợ.
Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada cho biết nước này sẽ cung cấp tới 200.000 liều vaccine Imvamune phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các nước châu Phi. Số lượng cụ thể sẽ phụ thuộc vào khả năng lưu trữ và quản lý của các quốc gia tiếp nhận. Đợt cung cấp vaccine này nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng khi các quốc gia châu Phi không được tiếp cận với vaccine trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu vào năm 2022.
Canada đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia y tế toàn cầu, trong đó có Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đánh giá phạm vi của đợt bùng phát và xác định cách thức tốt nhất để cung cấp vaccine sớm nhất cho những người cần nhất.
WHO khởi động kế hoạch chiến lược toàn cầu kiềm chế bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 26/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ (mpox) lây từ người sang người.
Em nhỏ mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại Nyiragongo, Bắc Kivu, CHDC Congo. Ảnh: THX/TTXVN
Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, đòi hỏi kinh phí 135 triệu USD. Bằng cách phối hợp các nỗ lực toàn cầu, khu vực và quốc gia, kế hoạch nhằm tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vaccine phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Cụ thể, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như đảm bảo các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định các đợt bùng phát mpox ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước lân cận có thể kiểm soát được và có thể ngăn chặn được.
Báo động về dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo, tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục này, cộng thêm những hạn chế trong công tác chẩn đoán bệnh và tỷ lệ tử vong cao đang tạo ra những thách thức lớn cho nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này ở châu...