Châu Phi đã quá chán ghét Trung Quốc?
Người châu Phi đã cảm thấy chắn ghét nhà đầu tư Trung Quốc vì cách làm ăn của họ. Điển hình là vụ Cộng hòa Tchad vừa rút giấy phép thăm dò của một tập đoàn dầu khí Trung Quốc.
Chính quyền Tchad kiểm tra đột xuất nơi khai thác của CNPC tại Koudalwa
Chính quyền Tchad vừa quyết định rút giấy phép thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc (CNPC), đồng thời còn dự định khởi kiện tập đoàn này ra toàn án quốc tế. Lý do là vì CNPC đã vi phạm nghiêm trọng các luật lệ về môi trường, ngang nhiên tàn phá môi trường trong quá trình khai thác mỏ ở Tchad.
Video đang HOT
Bộ trưởng Dầu khí Djerassem Le Bemadjiel trong cuộc họp báo tại thủ đô Djamena ngày 11/8 tuyên bố: “Chính phủ Tchad đã ban hành sắc lệnh hủy 5 giấy phép thăm dò đã cấp cho CNPC. Quyết định này nhằm cứu môi trường bị liên tục xuống cấp, chứ không phải để dành chỗ cho các công ty khác”.
Hồi tháng 5/2014, Chính phủ Tchad đã ngưng tất cả các hoạt động thăm dò của CNPC cũng vì lý do tương tự, và đòi hỏi Tập đoàn quốc doanh Trung Quốc phải trả số tiền phạt 1,2 tỉ USD vì các thiệt hại đã gây ra cho môi trường nước này. Bộ trưởng Dầu khí Tchad khẳng định rằng mấy chục địa điểm đã bị nhiễm chất độc thải ra môi trường, và lên án CNPC luôn mặc nhiên sử dụng những cách thức không thể chấp nhận được.
Chính quyền Tchad còn thông báo ý định khởi kiện CNPC tại Pháp và tại Ndjamena. Chánh văn phòng Nhà nước Abdoulaye Sabre quả quyết: “Không còn có thể tiếp tục thương lượng hữu nghị được (với Trung Quốc), tất cả mọi nỗ lực đều hoài công… Ngay từ tuần tới, một phái đoàn chính phủ sẽ đến Paris để nộp hồ sơ khởi kiện tại tòa án thương mại về việc từ chối trả tiền phạt. Một đơn kiện thứ hai đã được nộp ở tòa sơ thẩm Ndjamena vì tội xâm hại môi trường và gây nguy hiểm cho sinh mạng con người”. Ông Abdoulaye Sabre nói thêm: “Những người có trách nhiệm của CNPC liên can trong vụ kiện này bị cấm rời lãnh thổ Tchad”.
Trước đây, chính quyền Tchad cũng đã có những xung đột với các công ty Trung Quốc khai thác dầu khí tại nước này. Hồi tháng 3/2014, các nghiệp đoàn công nhân Tchad làm việc cho một tập đoàn khai thác dầu khí Trung Quốc ở miền nam đã kêu gọi đình công tố cáo các điều kiện làm việc và đòi tăng lương.
Tchad bắt đầu khai thác các mỏ dầu từ năm 2003, sản lượng năm 2011 là 120.000 thùng dầu/ngày. Thu nhập từ dầu lửa giúp chính quyền hiện đại hóa quân đội, xây dựng mạng lưới đường sá tốt hơn và nhiều công sở. Nhưng nhiều ý kiến đòi hỏi chính quyền nên sử dụng nguồn lợi này vào việc cải thiện điều kiện sống người dân.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư hàng đầu tại châu Phi. Từ năm 2000, châu Phi thu hút nhiều giới đầu tư nước ngoài, trong đó đa phần đến từ các nước đang trỗi dậy. Theo Báo cáo về triển vọng kinh tế châu Phi được Hội nghị thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc (Cnuced) công bố vào tháng 5/2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi có thể đạt đến con số kỷ lục là 80 tỷ USD vào năm 2014, tăng trưởng trung bình có thể đạt 4,8% vào năm 2014 và tăng đến 5,7% vào năm 2015. Vốn đầu tư nước ngoài không đến từ các nước phát triển mà thường từ các quốc gia đang trỗi dậy. Đứng đầu danh sách chủ đầu tư là Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc.
Malaysia bắt đầu đầu tư vào châu Phi từ năm 1990. Sau đó, Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm đến châu lục này vào năm 2000. Từ năm 2005, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng gấp 30 lần so với những năm trước đó cộng lại. Nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng là đối tượng bị chỉ trích ngày càng dữ dội tại châu lục này. Châu Phi cáo buộc Trung Quốc chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại các nước này. Đồng thời nhiều dự án được đưa vào đây cũng là nhằm phục vụ ý đồ của Trung Quốc khai thác nhân công giá rẻ, đối xử bất công với người dân địa phương. Thêm nữa, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… Trung Quốc đã tràn ngập các thị trường châu Phi. Phương Tây cáo buộc dây là chính sách “thực dân kiểu mới”.
Thế nhưng các “ông chủ” Trung Quốc lại rất tự hào và vẫn cho mình là người “khai hóa” các nước nghèo nhất châu Phi. Trái với những gì Bắc Kinh đã nói, các dự án khai thác khoáng sản của Trung Quốc ở châu Phi lại tàn phá dữ dội môi trường. Các mỏ đồng ở Zambia khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án xây đập thủy điện ở thác Kongou tại Gabon do Trung Quốc đầu tư đe dọa hủy diệt cả một vùng sinh thái giàu có của công viên quốc gia Ivindo. Tại châu Phi, nhiều khu rừng nguyên sinh bị tàn phá để khai thác gỗ…
Rồi có cả chuyện tại các mỏ khai thác tài nguyên có nhiều nguy hiểm rình rập, giới chủ người Trung Quốc ở châu Phi thuê lao động lục địa đen làm việc 18 giờ/ngày với mức giá rẻ mạt (dưới 4 USD/ngày), trong khi chẳng hề để ý đến an toàn lao động. Một vụ nổ ở mỏ đồng tại Chambishi, Zambia năm 2005 làm 46 công nhân Zambia thiệt mạng. Kết quả một khảo sát cũng cho thấy trong khi Bắc Kinh luôn hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, thì 90% lượng công việc tại các dự án do Bắc Kinh đầu tư ở châu Phi đều rơi vào tay lao động Trung Quốc.
Vì vậy thời gian ban đầu quan hệ có vẻ như hồ hởi nhưng sau đó một số nước đã có ý kiến cảnh giác, mà trường hợp của Cộng hòa Tchad là bằng chứng mới nhất cho thấy tình trạng này. Một lý do khác dẫn đến sự xa lánh các nhà đầu tư Trung Quốc của các quốc gia châu Phi là sự khởi đầu của Mỹ tại châu lục này. Mới đây, Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh xúc tiến thương mại đầu tư lần đầu tiên với gần 40 quốc gia châu Phi.
Theo Năng Lượng Mới