Cháu ốm là bà cho uống ‘nước thánh’
Mẹ chồng em chăm cháu theo cách vô cùng ‘tai quái’, khác người.
Em sinh con đến nay đã được 9 tháng. Từ ngày sinh đến giờ, không lúc nào em thấy lòng yên ổn, thỏa mái chỉ vì có mẹ chồng quá &’khác người’.
Chồng em là con một, hơn em 12 tuổi và từng có 1 đời vợ sống với nhau được hơn 3 năm thì chia tay mà không có con. Yêu nhau, chúng em đã trải qua rất nhiều sóng gió – gia đình ngăn cản, hàng xóm dị nghị, bạn bè cười chê, đồng nghiệp bàn ra tán vào… – chỉ vì em và anh không hợp cảnh. Em là con gái út. Nhà chỉ có 2 anh em nên từ nhỏ đã được nuông chiều, chưa từng phải làm việc gì quá nặng cũng không phải lo chuyện tiền bạc.
Lấy anh về, cuộc sống của em thay đổi chóng mặt. Em phải học cách quán xuyến và lo toan tất cả việc nhà từ đối nội đến đối ngoại. Chuyện tiền nong trong nhà em phải cân đo, đong đếm rất chặt vì anh chỉ là nhân viên làm công ăn lương bình thường (thu nhập cả 2 vợ chồng cũng chỉ được hơn 10 triệu/tháng). Ngoài việc lo chi tiêu ăn uống hàng ngày, tiền điện, tiền nước… mỗi tháng 2 vợ chồng còn phải trích ra một khoản để biếu mẹ chồng. Rồi có dư dả ra được đồng nào là bà lại nịnh chồng em: &’đưa mẹ gửi tiết kiệm cho’…
Mẹ chồng quá tai quái, khác người… khiến em khổ tâm quá! (Ảnh minh họa).
Gần 1 năm, cuộc sống của 2 vợ chồng em trôi qua tạm gọi là &’yên ấm’. Đến khi em bầu bí thì áp lực một cách &’kinh khủng’. Từ việc em ăn gì, uống gì, đi lại ra sao… tất cả đều bị mẹ chồng quản-lý-chặt. Thôi thì chuyện ăn uống, bà lo cho em và muốn tốt cho cháu cũng không sao nhưng cả đến chuyện đôi khi nũng chồng, 10h đêm muốn chồng xuống phố mua cho bắp ngô hay củ khoai nướng… cũng bị bà quản thì thật quá ức chế. Chỉ cần nghe em gọi: &’Anh ơi’, là mẹ chồng em bĩu môi: &’Lại định sai con trai tôi đây…’
Tất cả mọi sự khó chịu, vì yêu chồng và mong muốn gia đình trong ấm ngoài êm nên em đều nín nhịn. Nhưng đến khi con trai em chào đời thì &’ác mộng’ mới thực sự bắt đầu. Bà chăm cháu theo cách không giống ai. Thời buổi hiện đại, tã bỉm đầy ra mà bà nhất quyết không cho cháu dùng vì theo bà &’dùng bỉm rồi hăm loét hết da ra chứ báu bở gì. Hơn nữa, con trai dùng bỉm dễ vô sinh. Cô mang tiếng tri thức mà &’óc ngắn”. Em có nói thì bà lu loa bảo em cãi rồi lý thuyết vớ vẩn. Thế là em phải dùng tã quấn và vải màn để thay cho con mỗi lần con &’xì xoẹt’.
Video đang HOT
&’Ác’ nhất là việc con em mới hơn 1 tháng tuổi bà đã &’đè cổ’ ra cho uống nước cơm. Em xót con, nói với bà đừng làm thế vì sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa. Bà lườm xéo, nhiếc: “Ngày xưa tôi cũng nuôi chồng chị thế mà bây giờ tiêu hóa có sao đâu? To cao có kém ai đâu? Chị mà không cho ăn nước cơm thì lớn lên lười ăn, lại còi cọc. Không biết bảo cho lại còn cãi”. Em kiên quyết &’Không’ thì bà gào toáng lên nói chồng em không biết dạy vợ, chỉ giỏi cãi mẹ. Em khổ tâm quá!
Tiêm phòng mũi thứ 2 (5 trong 1), con em bị sốt cao hơn 39 độ C. Thấy người con nóng hầm hập, em cởi bớt áo cho con và đắp khăn ấm lên trán cho bé. Thấy thế bà quát tướng lên: “Chị muốn giết con chị hay sao? Đang lạnh mà phanh hết áo thằng bé ra thế thì chết chứ còn à”. Vừa mắng em bà vừa lấy áo mặc thêm cho cháu. Em kiên quyết không cho mặc, nói mặc nhiều áo bé sẽ càng sốt cao hơn, gây co giật thậm chí là ‘mất con’. Thấy em làm căng, bà vùng vằng: “Thôi thì con anh chị, sống hay chết là quyền anh chị” và bỏ ra ngoài. Em vừa pha thuốc hạ sốt cho con vừa khóc nức nở. Đến khi nhiệt độ cơ thể con trai em đã giảm thì bà từ đâu lù lù bước đến, trên tay bê một cốc nước đen đen, vẩn đục (là giấy tiền đốt ra pha với nước lọc) và đòi cho cháu uống. Em hỏi: “nước gì thế mẹ?” – “nước thánh”, bà lạnh lùng đáp. Đến khi con em hết sốt thì bà cười, nhận công: “Con khỏi là do bà nhanh chân xin nước thánh cho con uống đấy nhé!”. Em chỉ còn biết cười trừ.
Từ đó đến nay, chỉ cần con em húng hắng ho, cảm, sổ mũi… là bài thuốc &’nước thánh’ của bà lại được đem ra áp dụng. Lo con sớm muộn gì cũng gặp tai họa ‘trời ơi’ từ những bài thuốc &’tai quái’ của bà, em bàn với chồng ra ở riêng thì anh quát em &’điên’ và rằng nhà anh có một mẹ một con làm thế là bất hiếu. “Muốn ra ngoài sống thì ly dị đi”, anh nói.
Nhiều đêm nằm nghĩ, em thấy phận mình sao mà hẩm hiu quá. Cũng chỉ vì căng thẳng với mẹ chồng mà vợ chồng em hay to tiếng, xích mích hơn. Giờ chọn con hay chọn chồng đây?
Theo Khampha
Hà Nội: Một người Đức lâm vào cảnh bần hàn vì bị lợi dụng lòng tin
Việc đòi lại số tiền lớn đối với ông Fritz ngày càng trở nên tuyệt vọng. Có người đã "mách" ông tìm tới "luật rừng", nhưng ông không nghe.
Mặc dù phán quyết của Tòa án Thành phố Hà Nội tại bản án sơ thẩm số 22/2013/DSST và quyết định phúc thẩm số 194/2013/QĐ - PT của Tòa án Nhân dân Tối cao đã xử cho ông Jurgen Fritz (quốc tịch Đức, đang sống tại Việt Nam) thắng kiện, nhưng gần một năm đã trôi qua, ông già người Đức 76 tuổi này vẫn chưa đòi được số tiền 90.000 EURO (tương đương hơn 2,4 tỷ VND) của mình bị bà Trương Minh Châu ở Hà Nội chiếm dụng...
Bỗng dưng lâm vào cảnh bần hàn
Có thể nói, nhiều năm trước đây ông Jurgen Fritz (ông Fritz - PV) vốn là một trí thức "hào hoa, phong nhã", có vị trí trong xã hội. Ông từng công tác tại Đại sứ quán CHDC Đức trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, sau đó thường xuyên được tham dự trong phái đoàn Đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Đức sang Việt Nam... Ông Fritz không ngờ rằng, khi về già ông bỗng chốc bị "trắng tay" bởi bà Trương Minh Châu đã lợi dụng việc hợp tác làm ăn để chiếm dụng số tiền khá lớn của ông.
Với thân hình tiều tụy trong chiếc sơ mi trắng nhàu nát, đầu tóc bơ phờ, cặp mắt buồn rầu, trũng sâu, ông Fritz gặp chúng tôi vào một ngày đầu tháng 9/2014. Ông nói tiếng Việt khá sõi với âm giọng nhỏ nhẹ, yếu ớt. Sau một hồi giãi bày, ông Fritz cho biết: Ông sinh năm 1938, bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1958, đã từng sang Việt Nam nhiều lần và đến nay gần như muốn ở hẳn Việt Nam. Là người rất yêu tiếng Việt, yêu đất nước và con người Việt Nam, ông Fritz đã say mê học và thực hành tiếng Việt. Ông đã từng nhiều lần đi dịch cho Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh... cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác trước đây của Việt Nam.
Ông Jurgen Fritz
Tuy nhiên, về cuối đời ông bỗng lâm vào cảnh khó khăn tại Hà Nội khi bị bà Trương Minh Châu (có hộ khẩu thường trú tại B12, Phòng 10, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) chiếm dụng gần như toàn bộ tài sản mà cả đời ông đã dành dụm, tích cóp được. Mặc dù đã có quyết định của Tòa án các cấp tuyên cho ông thắng kiện, buộc bà Trương Minh Châu phải trả lại ông tiền, nhưng việc thi hành án không thực hiện được khiến cho gần một năm nay ông Fritz phải đi "gõ cửa" nhiều nơi để rồi cuối cùng rơi vào tình trạng vô vọng, không biết bấu víu vào đâu?
Bà Trương Minh Châu đã chiếm dụng tài sản của người nước ngoài thế nào?
Theo nội dung trình bày của ông Fritz tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội (xử ngày 28/5/2013) trong vụ kiện "Tranh chấp đòi tài sản", thông qua bà Minh Hương Sommer (Việt kiều tại CHLB Đức), năm 2004 ông Fritz đã gặp bà Trương Minh Châu (em ruột bà Hương Sommer ở Việt Nam). Lúc đó, bà Châu nói rằng: Bà đang có một lô đất rộng và đẹp ở đảo Phú Quốc nên đã gợi ý mời ông Fritz bỏ tiền hợp tác đầu tư. Phía bà Châu sẽ chịu trách nhiệm lo mọi thủ tục hợp tác kinh doanh theo quy định của Pháp luật Việt Nam có yếu tố người nước ngoài tham gia (do người nước ngoài không được mua bất động sản ở Việt Nam - PV). Vì quá tin tưởng bà Châu nên ông Fritz đã đồng ý và trong 2 năm (2004 và 2005) ông Fritz đã 3 lần chuyển tiền cho bà Châu (đều có giấy xác nhận) với tổng số tiền là 90.000 EURO.
Suốt một thời gian dài sau đó ông Fritz không thấy bà Châu triển khai phương án kinh doanh, hay đưa ra được một dự án nào. Đến đầu năm 2009, ông Fritz nghi ngờ về khả năng của bà Châu nên ông đã nhiều lần yêu cầu bà Châu hoàn trả lại số tiền 90.000 EURO cho mình, nhưng bà Châu luôn tìm cách khất lần, không trả.
Cuối năm 2010, do bị sức ép đòi tiền liên tục từ phía ông Fritz, bà Trương Minh Châu đã đề xuất dùng số tiền 90.000 EURO nói trên để đầu tư mua căn hộ cao cấp số E 606, tầng 6, diện tích 92,7m2 tại khu nhà Indochina Plaza, 239 Xuân Thủy, Cầu Giấy. Vì trót "đâm lao phải theo lao" nên ông Fritz đành phải đồng ý. Ngày 28/11/2010 giữa ông Fritz và bà Châu có thỏa thuận với nhau một biên bản ghi nhớ. Theo đó, ông Fritz xác nhận ủy quyền cho bà Trương Minh Châu đứng tên ký hợp đồng với Trung tâm Thương mại và Nhà ở Hà Nội mua căn hộ nói trên chung với ông Phạm Văn Tính (có địa chỉ tại 49 Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Giá mua căn hộ là 241.461 USD, tương đương hơn 4,7 tỷ VNĐ. Số tiền 90.000 EURO của ông Fritz được quy đổi ra tiền Việt Nam thời điểm đó (khoảng gần 2,4 tỷ VND) để bà Châu thay mặt ông trả tiền mua căn hộ...
Tuy nhiên, ông Fritz đã không ngờ rằng, lợi dụng việc ông chưa nắm chắc về pháp luật của Việt Nam, bà Châu đã dùng biên bản ghi nhớ nói trên chỉ với mục đích kéo dài thêm thời gian trả nợ, còn về pháp lý ông Fritz không hề có quyền lợi hợp pháp nào trong hợp đồng mua bán căn hộ E 606 được ký với Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội.
Trên thực tế, việc ký hợp đồng mua bán căn hộ trên đã diễn ra từ ngày 4/11/2010, trước gần 1 tháng so với thời gian ký biên bản ghi nhớ trên giữa ông Fritz và bà Châu (28/11/2010). Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm cả ông Phạm Văn Tính lẫn Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội đều khẳng định, từ khi ký hợp đồng mua nhà, bà Châu chưa hề đưa ra một biên bản, giấy ủy quyền, hay thông tin nào về bên thứ ba liên quan tới căn hộ E606 thuộc khu nhà Indochina Plaza, 239 Xuân Thủy. Do vậy, họ không hề biết ông Fritz, và đương nhiên về pháp lý mọi nghĩa vụ, quyền lợi, hay phát sinh của căn hộ chung cư này không liên quan gì tới ông Fritz
... Ngoài ra, tại công văn trả lời đơn vị Thi hành án của Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội (bên bán căn hộ E606), ngày 18/6/2014 còn ghi rõ: "Ngày 29/11/2013 Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội đã làm thủ tục xác nhận vào văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua - bán căn hộ E606 được ký giữa bà Châu, ông Tính với người nhận chuyển nhượng... Cho tới thời điểm này bà Châu và ông Tính đã nhận đầy đủ giá trị chuyển nhượng hợp đồng bằng tiền mặt từ người nhận chuyển nhượng..." Như vậy, đến cuối năm 2013 bà Châu đã bán căn hộ nói trên, nhận đủ tiền rồi, nhưng vẫn cố tình chiếm đoạt, không trả lại cho nạn nhân là ông Fritz.
Trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, cũng như nội dung kết quả tranh tụng tại Tòa Dân sự, bản án sơ thẩm của Tòa Hà Nội ngày 28/5/2013 đã tuyên: Buộc bà Trương Minh Châu phải trả lại cho ông Fritz 90.000 EURO (được quy đổi ra tiền VND tại thời điểm xét xử là 2 tỷ 416 triệu 50 ngàn đồng)...
Tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 13/11/2013 do trong thời gian chuẩn bị xét xử bà Châu đã rút đơn kháng cáo nên Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra quyết định số 194/2013/QĐ - PT đình chỉ xét phúc thẩm vụ án dân sự nói trên, đồng thời khẳng định: Bản án sơ thẩm số 22/2013/DSST của Tòa Hà Nội (trong đó có tuyên việc bà Châu phải trả cho ông Fritz 90.000 EURO - PV) đã chính thức có hiệu lực pháp luật và bà Châu là người phải thi hành án cũng như phải đóng toàn bộ án phí.
Theo luật sư Nguyễn Đăng Quang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), vụ án đến nay đã có nhiều yếu tố hình sự, cần phải được điều tra để truy tố ra pháp luật. Bởi lẽ, việc bà Trương Minh Châu tẩu tán tài sản, cố tình chiếm đoạt tiền của ông Fritz là phạm tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của công dân, theo điều 140, khoản 4 Bộ Luật Hình sự năm 1999, quy định tại chương 14 về "Các tội xâm phạm sở hữu". Xã hội không chấp nhận những người chiếm đoạt tiền và tài sản của người khác (trong trường hợp này lại là của một người nước ngoài - PV).
Còn đối với ông Fritz giờ đây việc đòi lại số tiền lớn ngày càng tuyệt vọng! Trước sự chây ỳ kéo dài, không chịu chấp hành án của bà Trương Minh Châu có người đã "mách" ông Fritz tìm tới "luật rừng", nhưng ông Fritz kiên quyết không nghe. Ông Fritz nói rằng, ông rất yêu đất nước Việt Nam và tin tưởng vào sự công bằng, văn minh của một đất nước mà ông vẫn coi là quê hương thứ 2, nơi mà ông đang định gắn bó suốt phần đời còn lại của mình.
Theo CTV Quang Anh
VOV.VN