Cháu gái hư
Con trai tôi ly hôn, có vợ khác, giao con gái của nó cho vợ chồng tôi nuôi từ lúc bốn tuổi, đến bây giờ được 17 tuổi. Vợ chồng nó “khoán trắng” việc chăm sóc, nuôi dạy con cho vợ chồng tôi.
ảnh minh họa
Nhà tôi buôn bán tạp hóa, cháu cứ trộm tiền để mua sắm quần áo, nữ trang, điện thoại. Điều tôi lo hơn là cháu có tính lẳng lơ. Cháu có ngoại hình khá xinh nên nhiều cậu ve vãn, rủ đi chơi. Ai rủ cháu cũng đi và có biểu hiện rất “cởi mở” với nhiều người. Cháu thường bỏ học, đi chơi đến khuya, để mặc tôi thức canh cửa, gọi điện thì cháu chửi lại rất hỗn rồi tắt điện thoại. Có khi cháu đi đâu mấy ngày mới về. Vợ chồng tôi hết lòng lo cho cháu, kiên trì hỏi han, dỗ ngọt nhưng cháu phớt lờ mọi lời khuyên. Sợ cháu sớm hư, vợ tôi khóc hết nước mắt. Tôi phải làm sao? Tôi có thể đưa cháu lên phường, nhờ răn đe cháu được không?
Bác Văn Công mến,
Hai bác đã rất vất vả khi phải vừa làm ông bà, vừa làm cha mẹ thay cha mẹ cháu. Vốn dĩ vai trò dạy con phải do cha mẹ đẻ chịu trách nhiệm, và cũng chỉ có cha mẹ đẻ mới có mối quan hệ trực tiếp gắn bó để điều chỉnh hành vi của trẻ. Ông bà dù muốn cũng khó có thể thay thế hoàn toàn vai trò cha mẹ của cháu.
Cháu gái của bác lại đang tuổi mới lớn, chưa hẳn đã là người lớn trong tính cách nhưng lại muốn chứng tỏ mình đã lớn, coi mình có toàn quyền trong cuộc sống. Cháu đã phải chịu ảnh hưởng của cuộc ly hôn giữa cha và mẹ từ khi bốn tuổi, là giai đoạn rất cần gần gũi cha mẹ.
Trong hoàn cảnh đó, cháu gái của bác đã rất khó khăn để vượt qua. Những gì chất chứa trong tâm trí của cháu đã và đang bộc lộ ở giai đoạn cháu trưởng thành. Những biểu hiện lẳng lơ, dễ dãi, cởi mở… với bạn khác giới là những phản ứng lệch lạc khi cháu không được học cách ứng xử, tôn trọng chính cơ thể mình. Hơn nữa, tuổi mới lớn thường hay bướng bỉnh, cãi lại cha mẹ, ông bà, thích làm theo ý mình, gần bạn, nghe bạn hơn người thân. Ngay cả trẻ có hoàn cảnh gia đình bình thường cũng có hiện tượng đó. Tôi mong bác hiểu những khó khăn của cháu để cùng giúp cháu vượt qua giai đoạn này.
Nếu có thể, hai bác tìm cách nói chuyện, chia sẻ để cháu thấy ông bà thấu hiểu khó khăn của cháu. Hoặc hai bác có thể tìm người mà cháu tin cậy nói chuyện cùng cháu. Cháu đang cần được giúp đỡ từ những người cháu có thể trải lòng và thấu hiểu cháu chứ không phải những hình thức la mắng, bắt ép. Vì thế, việc bác tính nhờ công an răn đe cháu là không phù hợp, có thể làm cho mối quan hệ ông bà – cháu càng xa cách, càng khó định hướng cho cháu về sau.
Video đang HOT
Đọc tâm sự của bác, tôi nhận thấy bác thương cháu mà đang chiều cháu, nhịn cháu nhiều hơn là nghiêm với cháu. Ông bà vì thương nên đối xử có phần nương nhẹ với cháu. Cháu ăn cắp tiền, bỏ học, đi chơi khuya, bỏ nhà đi mấy ngày, dám mắng chửi ông bà… là những hành vi xấu cần có biện pháp xử phạt nghiêm, phân tích cho cháu biết hậu quả của những hành vi đó. Đặt giới hạn cho cháu biết điều gì được làm và điều gì không được làm là rất quan trọng. Nếu chỉ dỗ ngọt, khóc lóc, kêu gọi cháu biết yêu thương ông bà già yếu thì chưa đủ.
Hai bác có thể bàn bạc với cha mẹ cháu, tuy họ không sống cùng nhưng họ cần có trách nhiệm chia sẻ việc dạy con với ông bà. Khi bác nói lên những khó khăn hiện nay của cháu, có thể sẽ là sự cảnh tỉnh họ quay về chăm lo, quan tâm hơn đến con gái. Ngoài ra, mối quan hệ bạn bè, thầy cô, họ hàng cũng là những nguồn lực trợ giúp quan trọng để ông bà giúp cháu.
Theo VNE
Đại tướng của nhân dân: Dựng Văn bừng nghiệp Võ
Sinh thời, cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một người bạn học thân thiết là cụ Võ Khắc Triển, vị Tiến sĩ Nho học cuối cùng của Triều Nguyễn. Cháu nội của cụ Võ Khắc Triển chính là nhà văn Võ Khắc Nghiêm với nhiều tác phẩm văn học để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Giữa những phút bận rộn chuẩn bị cho bộ phim "Đại tướng của nhân dân" sẽ được phát sóng vào đúng ngày Quốc tang, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã dành cho TS một cuộc phỏng vấn ngắn
- PV: Nhiều người biết rằng đất Quảng Bình cùng với họ Võ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có dòng họ Võ Khắc cũng có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.Ông có kỷ niệm gì sâu sắc về quê nhà không, thưa ông?
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Dòng họ Võ Khắc chúng tôi có mối thâm tình và rất nhiều kỷ niệm gắn bó với gia tộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nội tôi, cụ Võ Khắc Triển là một người bạn thân với cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ Tướng Giáp. Tình thân giữa hai Cụ có những câu chuyện mà chỉ con cháu trong họ mới biết. Ngay cả khi cụ Nghiêm qua đời đã lâu, ông nội tôi vẫn nhớ đến Cụ với một tình cảm thương mến và kính trọng. Tôi còn nhớ năm 1958, khi tôi về ở với ông nội và đi học ở trường cấp 2 Lệ Thủy cùng với cô Hoài, cháu Tướng Giáp. Hai nhà lúc đó chỉ cách nhau một bờ dậu nhỏ. Vì tôi trùng tên Nghiêm với thân phụ Đại tướng nên ông nội bắt tôi phải đổi tên thành "Ngơm" và ra lệnh rất nghiêm khắc với cả nhà: "Cấm các chú không được réo tên, sợ nhà bên nhớ đến Cụ sẽ buồn...". Cá nhân tôi vẫn còn nhớ những cảm xúc khó tả trong những thời kỳ gia đình Đại tướng gặp nhiều khó khăn mà có lẽ nhiều người Việt Nam chưa hề biết...
Dòng sông Kiến Giang bên cạnh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình.
Gần đây, khi tổ chức buổi hội thảo tại Văn Miếu Quốc Tử Giám về ông nội tôi - Võ Khắc Triển, Tiến sĩ Nho học cuối cùng của Triều Nguyễn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bác Võ Thuần Nho (từ nhiều năm trước đó) đều đã có những nhận định quí báu về tài năng, phẩm chất và những đóng góp của ông nội tôi cho quê hương, đất nước. Dòng họ Võ Khắc chúng tôi vô cùng biết ơn....
- PV: Là một tác giả để lại dấu ấn trong lòng công chúng với những tác phẩm như "Mười sáu tấn vàng", "Nhân danh Công lý"..., nhiều bạn đọc gần đây rất quan tâm và háo hức chờ đợi khi nghe tin ông có dự định sáng tác kịch và làm phim truyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Vâng, đã có nhiều người viết về chiến công phi thường của Đại tướng, như nhà văn Hữu Mai. Và cũng đã có rất nhiều phim tài liệu kể về cuộc đời Tướng Giáp. Nhưng con người càng vĩ đại thì số phận càng đặc biệt. Tôi quan tâm đến những nỗi buồn, những trăn trở, những dằn vặt của Tướng Giáp ngay cả lúc đương chức rực rỡ lẫn khi đã nghỉ hưu. Sau Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng sẽ là một nhân vật đồ sộ của văn học nghệ thuật Việt Nam, rất cần được các nghệ sỹ hình tượng hóa bằng văn học, sân khấu, điện ảnh... Với tình cảm sâu nặng và sự kính phục của mình, chắc chắn tôi sẽ phải viết về Đại tướng sau tôi khi hoàn thành tác phẩm viết về Nguyễn Trãi. Còn trước mắt, mời các bạn cùng sống lại những giây phút hào hùng trong cuộc đời Đại tướng qua bộ phim tài liệu mà tôi đang biên tập, phim "Đại tướng của Nhân dân" (Đạo diễn: NSƯT Trần Cẩm và NSƯT Vi Hòa) phát sóng trên VTV1 lức 20h10 ngày thứ bảy 12/10/2013.
- PV: "ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN" là danh hiệu cao quý mà cả triệu người Việt Nam nguyện tâm dành riêng cho Tướng Giáp. Với cá nhân ông, 5 chữ thiêng liêng ấy có ý nghĩa như thế nào?
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Hiếm có ông quan văn nào trở thành một đại danh tướng oai hùng như Võ Nguyên Giáp! Thân phụ chỉ mong ông dựng nghiệp Văn và cái tên Văn theo suốt cuộc đời binh nghiệp rực rỡ của ông. Nhờ sự am hiểu sâu sắc Văn học Sử, Tướng Giáp đã đúc kết được tinh hoa của binh pháp dân tộc, binh pháp thế giới để tìm ra cho mình binh pháp riêng phù hợp với thực tiễn từng chiến dịch, từng trận đánh. Từ "Đánh nhanh Thắng nhanh" sang "Đánh chắc, Tiến chắc" -"Kéo pháo ra, Kéo pháo vào" ở Điện Biên Phủ 1954, đến "Chọn đúng B52 mà đánh" trong Hà Nội 12 ngày đêm 1972 và mệnh lệnh: "Thần tốc,thần tốc, thần tốc hơn nữa..." trong Đại thắng Mùa Xuân 1975... chứng minh cho sức sáng tạo, biến hóa của một thiên tài buộc kẻ thù dù thua trận vẫn phải cúi đầu thừa nhận. Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, đồng chí, đồng đội, bạn bè vẫn gọi ông là Anh Văn với chữ anh viết hoa - Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Phải chăng nhờ thành tâm dựng NGHỀ VĂN mà ông đã thắp bừng lên NGHIỆP VÕ!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xếp vào những tướng lĩnh huyền thoại nhất của thế giới có ảnh hưởng to lớn trong thế kỷ 20. Cùng với những công trạng vĩ đại, ông là vị tướng vô cùng giản dị, giàu lòng nhân ái, trong sáng, thanh bạch, luôn đau đáu quên mình vì sự ổn định và phát triển của đất nước. Dường như ai cũng hài lòng về việc ông quyết định việc an táng mình ở chính quê nhà Quảng Bình. Nhân dân Việt Nam hiểu ông, chia sẻ với ông mọi nỗi buồn, trăn trở của ông, lúc này càng mong muốn tôn cao ông hơn nữa. Nhân dân muốn phong Thánh cho ông như các anh hùng dân tộc trong lịch sử. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ, điện thờ "ĐỨC ÔNG VÕ NGUYÊN GIÁP "!
Khắp đất nước đang thắp hương vĩnh biệt ông... Rồi sẽ có những đại lộ, những công viên, quảng trường ... mang tên VÕ NGUYÊN GIÁP. Nhưng hơn mọi tượng đài, ông đã trở thành biểu tượng sức mạnh phi thường của người Việt Nam hiện đại, ông được tạc tượng trong trái tim của mọi người Việt Nam yêu nước.
Xin kính cẩn thắp nén hương nhỏ tiễn đưa vị Đại tướng của Nhân dân trở về đất mẹ .
Xin thay mặt cho dòng họ Võ Khắc vĩnh biệt người láng giềng vĩ đại, kính yêu có cùng họ Võ :
ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN
DỰNG VĂN BỪNG NGHIỆP VÕ
SỐNG MÃI TRONG LÒNG DÂN
VẠN XUÂN CÒN RỰC RỠ
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm
Theo_VnMedia