Châu Đốc tập trung phòng, chống sốt xuất huyết
“ Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh lưu hành ở Việt Nam thường tăng cao vào mùa mưa. Hiện nay, SXH đang bước vào cao điểm nên các cas mắc SXH ở Châu Đốc liên tục tăng và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến cuối tháng 8-2019, toàn thành phố ghi nhận 108 cas mắc SXH (so cùng kỳ năm trước tăng 62 cas), trong đó tháng 7 và 8 tăng vượt đường dự báo dịch. Địa phương có số mắc cao, như: phường Vĩnh Mỹ, Châu Phú B, Châu Phú A, Núi Sam” – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc Lâm Thành Tứ cho biết.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc phối hợp 7 xã, phường trên địa bàn đã tổ chức 5 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Đồng thời, tuyên truyền người dân thường xuyên vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở, lật úp các đồ sinh hoạt có nước đọng, thả cá vào dụng cụ chứa nước sinh hoạt… “Số ca mắc SXH tăng cao do thời tiết thay đổi, một phần do ý thức của người dân trong công tác phòng, chống SXH chưa cao. Mặc dù biết nguyên nhân gây bệnh là do muỗi truyền nhưng một số người dân không chủ động, mà lại trông chờ vào Trạm Y tế, các đoàn thể địa phương đến diệt lăng quăng; khi có bệnh thì đề nghị đến phun xịt muỗi. Mặt khác, một trong những cái khó trong công tác phòng, chống SXH tại địa phương là lực lượng tham gia phòng, chống dịch không ổn định, thường xuyên thay đổi nên kỹ năng diệt lăng quăng chưa “chuyên nghiệp” – bác sĩ Lê Hoàn Vinh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc băn khoăn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc), tháng 7 và tháng 8-2019, số ca bệnh nhân mắc SXH tăng cao, không chỉ có bệnh nhân trên địa bàn TP. Châu Đốc mà còn có của các huyện, thị xã khác chuyển tuyến, nằm điều trị tại bệnh viện. Điển hình, bệnh nhân Nguyễn Đăng Khôi (8 tuổi, ngụ xã Khánh An, An Phú) là một trong những bệnh nhi nhập viện do bị SXH đã vào sốc ngày thứ 4 của bệnh. Sau khi nhập viện, bé được điều trị chống sốc, truyền dịch 2 ngày mạch đã ổn định, bé đòi ăn. “Con vào bệnh viện được mấy cô, chú y, bác sĩ điều trị tích cực, nay con đã bớt nhức đầu, con khỏe nhiều”- bé Nguyễn Đăng Khôi cho biết.
Chủ động diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả
Video đang HOT
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc Lâm Thành Tứ, đang vào mùa mưa nên khả năng dịch SXH bùng phát. Trước tình trạng trên, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc đã tham mưu UBND thành phố tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống SXH; tham mưu chính quyền địa phương triển khai thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại cộng đồng… Đồng thời, ban hành kế hoạch phòng, chống SXH trên địa bàn và chỉ đạo khối điều trị, dự phòng, trạm y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu… Thực hiện đúng “Quy định về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue” của Bộ Y tế nhằm giảm tỷ lệ tỷ vong tại các cơ sở điều trị. Đồng thời, chẩn đoán ban đầu độ chính xác cao giúp giảm tải cho công tác xử lý ổ bệnh tuyến xã. Tăng cường giám sát bệnh, chủ động thực hiện điều tra dịch tễ cas bệnh, củng cố và kiện toàn đội chống dịch cơ động, chủ động dự báo dịch… Song song đó, đa dạng hóa các hình thức truyền thông thông qua hệ thống đài truyền thanh, truyền hình thành phố, truyền thanh các xã, phường. Đẩy mạnh cổ động trực quan, như: pa-nô, áp-phích, tờ rơi, tờ gấp và qua các đội tuyên truyền lưu động. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu để người dân dễ tiếp thu.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong công tác phòng, chống dịch trên tất cả các lĩnh vực về công tác giám sát chặt chẽ, báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, huy động các đoàn thể xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn dân cư. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả không chỉ có ngành y tế, mà cần có sự tham gia tích cực của mọi người, mọi nhà. Bác sĩ Lâm Thành Tứ lưu ý: “Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, cách phòng, chống bệnh tốt nhất vẫn là người dân cần chủ động diệt lăng quăng, muỗi, ngăn ngừa muỗi đốt. Một điều cần lưu ý, người bị nhiễm SXH có thể bị bệnh nhiều lần, vì vậy người dân không được chủ quan. Cần xét nghiệm máu nếu sốt cao liên tục trong 3 ngày để sớm phát hiện, điều trị SXH hiệu quả”.
THU THẢO
Theo baoangiang
Nỗ lực phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) hiện đang vào mùa cao điểm. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 124.751 ca SXH, 15 người tử vong.
Giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại hộ dân ở xã Định Tiến (Yên Định).
Dịch SXH đang có nguy cơ bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay với 105.000 ca mắc trên cả nước, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018. Các chuyên gia dự báo dịch bệnh SXH trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc bệnh tại nhiều nơi. Trước thực trạng đó, ngành y tế Thanh Hóa đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa dịch là đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân hiểu rõ và thực hiện khẩu hiệu "Không có loăng quăng, bọ gậy, không có SXH".
Sau khi xác định bệnh nhân Bùi Văn Trị, ở thôn Giữa, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) mắc SXH, Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc đã thông báo cho Trung tâm Y tế huyện giám sát, khoanh vùng dịch bệnh. Trung tâm Y tế phối hợp với Trạm Y tế xã Phú Lộc tổ chức điều tra véc tơ truyền bệnh SXH tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh, phát hiện có muỗi truyền bệnh SXH. Xã Phú Lộc đã khẩn trương huy động nhân lực tổ chức làm sạch nguồn nước, diệt loăng quăng, bọ gậy, tăng cường truyền thông để người dân chủ động phòng chống SXH.
Bác sĩ CKI Mai Đình Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc cho biết: Trên địa bàn huyện có 2 xã được xác định là trọng điểm SXH là Phú Lộc và Ngư Lộc vì thế trung tâm tiến hành giám sát véc tơ truyền bệnh 2 lần/tháng để phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, nhanh chóng khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời khi có dịch xảy ra, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh. Trước đó, ngành y tế huyện cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương trong huyện triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch. Hiện nay tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt loăng quăng, bọ gậy.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 31-7-2019, hệ thống giám sát đã ghi nhận 145 bệnh nhân nghi mắc SXH Dengue, tăng xấp xỉ 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các ca bệnh phân bố tại 121 xã, phường, thị trấn thuộc 21 huyện, thị xã, thành phố, trong đó chủ yếu là ca mắc ngoại lai về địa phương điều trị. Kết quả xét nghiệm huyết thanh có 75/93 mẫu huyết thanh xét nghiệm ( ) với vi rút Dengue, chiếm tỷ lệ 80%.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế 10 huyện, thị xã, thành phố (Quảng Xương, TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Quan Sơn, Thạch Thành, Nga Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc) thực hiện 63 lượt giám sát véc tơ truyền bệnh SXH Dengue tại 27 xã thuộc vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ. Kết quả cho thấy bắt đầu từ tháng 4-2019, các chỉ số MĐM Aedes; BI Aedes có xu hướng tăng ở một số thời điểm, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ như các xã: Hải Thanh, Hải Bình (Tĩnh Gia), Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), Thành Kim, Thành Tâm (Thạch Thành), Vĩnh Ninh, Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc). Tại tuyến huyện, định kỳ hàng tháng, cán bộ côn trùng tuyến huyện thực hiện điều tra các điểm nguy cơ cao, ổ dịch cũ, tổng hợp báo cáo gửi tuyến tỉnh theo quy định. Tại các xã nguy cơ đã tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường (VSMT), diệt bọ gậy định kỳ 1 lần/tuần, nhằm huy động nhân dân tham gia tổng VSMT, diệt bọ gậy, thu gom phế thải phòng chống dịch bệnh SXH Dengue. Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch VSMT, diệt bọ gậy trên địa bàn toàn tỉnh. Đến ngày 31-7-2019 có 1.975 lượt xã tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy tại 3.898 lượt thôn/tổ với 935.665 lượt hộ gia đình tham gia.
Để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch chủ động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát véc tơ truyền bệnh SXH Dengue định kỳ 1 lần/tháng tại các xã nguy cơ cao, ổ dịch cũ. Khi chỉ số giám sát véc tơ vượt ngưỡng cảnh báo (MĐM Aedes> 0,5 hoặc BI Aedes> 20), các đơn vị chủ động lập kế hoạch tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tổng VSMT, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi chủ động. 7 tháng năm 2019, có 95 xã tổ chức phun hóa chất phòng chống dịch SXH Dengue tại 853 thôn, tổ với 61.684 lượt hộ gia đình được phun. Công tác truyền thông được tăng cường, nhất là tại các điểm nguy cơ cao, ổ dịch cũ, nhằm nâng cao nhận thức của người dân phòng bệnh SXH Dengue.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh SXH Dengue trên toàn quốc cũng như khu vực miền Bắc có diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao so với cùng kỳ hàng năm và so với 3 tháng đầu năm 2019. Trên địa bàn tỉnh, công tác phát hiện sớm ca bệnh nghi SXH Dengue đầu tiên tại bệnh viện tuyến huyện và y tế cơ sở còn chưa kịp thời theo quy định, khó khăn trong công tác đáp ứng chống dịch tại địa phương; ý thức của một bộ phận người dân trong công tác VSMT, không để phát sinh bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH Dengue trong hộ gia đình chưa cao, đặc biệt là các hộ gia đình đã từng có người bị SXH Dengue.
Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Hiện mùa mưa là điều kiện rất thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển. Ngành y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp chủ động nhưng để phòng chống SXH hiệu quả nhất thì mỗi người dân phải tự ý thức trong việc VSMT, phát quang bụi rậm, không để môi trường cho muỗi trú ngụ, loại bỏ hết các dụng cụ chứa nước. SXH là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, người mắc SXH có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tại Việt Nam, SXH hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó mỗi người dân cần thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế trong phòng, chống dịch. Đồng thời, khi có biểu hiện mắc SXH như: sốt cao, sốt đột ngột, có dấu hiệu xuất huyết ngoài da và chảy máu cam, cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Tô Hà
Theo baothanhhoa
Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng Dịch sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến rất phức tạp, trên địa bàn TP Hà Nội, ghi nhận hơn hai nghìn người mắc. Nhiều địa bàn xã, phường trở thành điểm nóng về dịch SXH. Trước tình hình này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện, xã, phường, thị trấn khẩn trương chống dịch....