Chầu chực ở sân bay chờ hồi hương
Stefany Carvallido cùng con gái hai tuổi và khoảng 200 người Colombia cắm chốt ở sân bay Sao Paulo mấy ngày qua để chờ hồi hương trong tuyệt vọng.
Hơn hai tháng sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, nhiều quốc gia đang dần dỡ lệnh phong tỏa và mở cửa lại. Tuy nhiên, Mỹ Latinh vẫn áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt khi khu vực này trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Colombia đã đình chỉ tất cả chuyến bay quốc tế đến ít nhất ngày 31/8, khiến các công dân ở nước ngoài không thể trở về bằng đường hàng không. Nước này cũng chặn những lối mở ở biên giới trên đất liền và trên sông với các nước láng giềng, trong đó có Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Trẻ em Colombia cùng cha mẹ ngủ lại sân bay quốc tế Guarulhos, ngoại ô Sao Paulo, chờ về nước, hôm 26/5. Ảnh: Reuters
Carvallido cho hay cô và con gái Maria Jose đã chầu chực gần hai tuần ở sân bay quốc tế Guarulhos, ngoại ô Sao Paulo, thành phố tâm dịch của Brazil. Sân bay chứng kiến lượng người đi lại tăng vọt từ tuần trước, khi các hành khách tìm cách rời khỏi Brazil trước lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ.
“Trong tình hình này, chúng tôi muốn ở cạnh gia đình mình và con gái tôi cũng thế. Mọi thứ rất khó khăn”, Carvallido vừa nói vừa lau nước mắt.
Carvallido, 24 tuổi, và những người khác ăn trưa bằng đồ hộp và đồ được quyên góp. Họ còn mang theo bếp để nấu ăn bên ngoài sân bay. Việc tắm rửa diễn ra trong nhà vệ sinh của sân bay với chiếc vòi nhỏ.
Carvallido và những người mắc kẹt ở đây đề nghị chính phủ Colombia thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Colombia cho hay không có chuyến bay mới nào dự kiến khởi hành từ Brazil cho đến tuần tới. Kể từ cuối tháng 4, đã có 3 chuyến bay đưa tổng cộng 346 công dân Colombia hồi hương.
Dù gọi là chuyến bay nhân đạo, họ phải trả 350 USD tiền vé và đó là số tiền mà Carvallido cũng như nhiều người khác mắc kẹt ở sân bay không có. Họ kêu gọi chính phủ tổ chức những chuyến bay miễn phí nhưng không có hồi đáp.
“Theo các quy định hiện nay, yêu cầu này là không thể”, lãnh sự quán Colombia ở Sao Paulo cho hay trong một thông cáo.
Công dân Colombia xếp hàng nhận đồ ăn tại sân bay quốc tế Guarulhos, ngoại ô Sao Paulo hôm 24/5. Ảnh: Reuters
Brazil hôm nay báo cáo mức tăng kỷ lục hơn 26.400 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 438.000. Số ca tử vong cũng tăng thêm 1.156, lên 26.754 ca.
Covid-19 ở Brazil trở nên nghiêm trọng khi nCoV tấn công các khu ổ chuột và những nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe hạn chế. Trong khi đó, phản ứng của chính quyền với đại dịch gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố đây chỉ là “cúm vặt” và kêu gọi người dân quay lại làm việc, khiến thống đốc các bang phải tự áp lệnh phong tỏa.
Giường bệnh chuyển được thành quan tài cho bệnh nhân Covid-19
Làm từ bìa các tông cứng, những chiếc giường có thể chuyển thành quan tài được công ty sản xuất cho hay sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quá tải ở bệnh viện, nhà xác.
Một doanh nhân người Colombia thiết kế những chiếc giường có thể chuyển thành quan tài nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải của bệnh viện trong lúc dịch Covid-19 chưa chấm dứt, theo Reuters.
Rodolfo Gomez, giám đốc công ty ABC Displays, cho biết những chiếc giường bệnh kiêm quan tài được làm từ bìa các tông cứng, có khả năng tự phân hủy sau một thời gian. Mục đích ra đời của sản phẩm này là để giúp quê nhà Colombia của ông không rơi vào "vết xe đổ" của các "ổ dịch" lớn khác tại châu Mỹ và trên thế giới.
Những chiếc giường có thể chuyển thành quan tài.
Hiện tại, hệ thống y tế ở Colombia vẫn chưa lâm vào tình trạng "vỡ trận", song virus corona chủng mới đã khiến các bệnh viện và nhiều nhà tang lễ rơi vào tình trạng quá tải.
"Chúng tôi biết đến trường hợp của quốc gia láng giềng Ecuador, khi nhà xác không còn chỗ trống và người ta bắt đầu để các thi thể ở ngoài đường. Khi số ca tử vong tăng lên, dịch vụ tang lễ không thể xoay xở kịp, nhiều người không thể mua nổi quan tài gỗ. Chiếc giường kiêm cả hai nhiệm vụ có thể giúp lực lượng y tế bớt gánh nặng", ông Gomez nói.
Những chiếc giường có tay nắm bằng kim loại, lắp bánh xe kèm phanh và có thể nâng lên hạ xuống. Chúng chịu được sức nặng 150 kg và có giá thành từ 92-132 USD.
Theo vị giám đốc, việc sử dụng loại giường kiêm quan tài này có giá thành rẻ và đồng thời, giảm nguy cơ người chết lây mầm bệnh cho người khác cũng như các tác động lên môi trường.
Được làm từ bìa các tông cứng, những chiếc giường được công ty sản xuất cho hay sẽ giúp làm giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện, nhà xác.
Gomez hy vọng với chi phí thấp của sản phẩm, chính quyền địa phương ở Colombia sẽ trang bị nhiều hơn cho các bệnh viện ở nông thôn.
Ước tính, công ty này có thể sản xuất 3.000 chiếc giường loại này mỗi tháng. Chiếc giường đầu tiên được gửi tặng một bệnh viện ở khu vực Letica, nơi đang ghi nhận số ca nhiễm tăng cao ở quốc gia Nam Mỹ, trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế.
Vị giám đốc cho hay ông đang lên kế hoạch xuất khẩu loại giường mới sang các nước Peru, Chile, Brazil và Mỹ. Tính đến ngày 23/5, Colombia ghi nhận 19.131 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 682 trường hợp tử vong.
Đàn ông Ấn Độ chăm dưỡng da, cạo lông ngực để 'thấy yêu bản thân'
Bỏ qua tiêu chuẩn khắt khe về chuyện đàn ông phải nam tính, các chàng trai ở Ấn Độ đang ngày càng chải chuốt và đầu tư vào các sản phẩm làm đẹp, tẩy da chết.
PAHO cảnh báo dịch sốt xuất huyết tăng mạnh tại châu Mỹ Trong tổng số ca sốt xuất huyết tại châu Mỹ năm ngoái, Brazil chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 2,24 triệu người và một nửa số trường hợp tử vong trong khu vực cũng là ở quốc gia Nam Mỹ này. Ảnh minh họa. (Nguồn: news784) Ngày 13/2, Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO) cảnh báo số ca mắc sốt xuất...