Châu chấu rang ngày mùa quê nội
Hồi còn nhỏ, mỗi lần nghỉ hè cũng đúng vào mùa gặt, tôi thường được “cho về quê” với ngoại và món châu chấu rang ngày ấy giờ vẫn quấn quýt trong trí nhớ tôi như một món ăn “xa xỉ” của tuổi thơ.
Châu chấu lúa sau khi bắt ngoài đồng về được làm sạch, vặt hết cánh – Ảnh P.T.T.
Tôi còn nhớ mỗi lần đi gặt về, cầm mấy chai đựng đầy châu chấu sống còn nhảy lách tách, khuôn mặt ngoại rạng rỡ hẳn lên. Ngoại càng vui hơn khi thấy tôi rất háo hức và thích thú mỗi lần được thưởng thức món châu chấu rang đồng quê của ngoại.
Ở chốn thị thành, không được tung tăng trên những triền đê ngát thơm mùi lúa chín mỗi khi mùa gặt về, không được hít hà hương vị đậm đà của châu chấu rang thoang thoảng trong cơn gió ngày mùa mới thấy món châu chấu rang quả là món quà xa xỉ. Đến giờ, dù có đi nhiều nơi, ăn nhiều đặc sản các vùng miền nhưng mỗi lần đi ngang qua những cánh đồng lúa đang vụ gặt, tôi lại thấy nhớ dáng lom khom của ngoại cầm vợt hớt châu chấu và mùi vị của món châu chấu rang lá chanh của ngoại ngày nào.
Lớn lên một chút, tôi hay đòi ngoại cho ra đồng bắt châu chấu cùng. Thời điểm thích hợp nhất để bắt châu chấu là sau những trận mưa chiều. Lúc đó châu chấu bị ướt nên nặng cánh, không bay lên được, chúng bay loạng choạng quanh những bóng điện và mặt đất nên bắt rất dễ dàng.
Video đang HOT
Dụng cụ bắt châu chấu chấu đơn giản là chai để đựng và chiếc vợt bằng túi nilông hoặc vải màn nẹp chặt bằng khung dây thép uốn tròn buộc với cán tre dài. Mỗi lần ngoại đưa chiếc vợt khua ngược chiều bay đàn châu chấu, chúng nghe động bay tan tác nhưng vì trời nhá nhem tối nên vẫn bị sa vào vợt.
Ngoại chỉ nhìn là biết ngay đâu là những chú châu chấu lúa, đâu là châu chấu tre trong khi tôi không tài nào phân biệt được. Ngoại bảo châu chấu lúa đầu nhỏ, bụng nhiều trứng hơn châu chấu tre. Đặc biệt là loại châu chấu sim thân mù xanh, lớp cánh trong hồng phấn, bắp càng to ăn ngon nhất vì ít ruột, thịt thơm và ăn béo ngậy.
Châu chấu có thể chế biến thành nhiều món khác nhau: châu chấu rang, châu chấu nướng, châu chấu xả ớt… nhưng món châu chấu rang ngoại hay làm là món tôi tâm đắc nhất trong những lần về quê.
Món châu chấu rang lá chanh mùa gặt – Ảnh P.T.T.
Rang châu chấu phải vặt hết cánh, vặt đầu nhè nhẹ tay để rút được hết ruột bỏ đi. Ngoại nhắc tôi không nên rửa bằng nước lã làm châu chấu bị tanh. Ngoại thường đổ nước sạch vào nồi, cho vào một chút muối rồi thả châu chấu vào. Đặt nồi lên bếp luộc chín rồi vớt ra bát, xong thả vào chảo mỡ đã đun nóng già. Dùng đũa đảo đều đến khi châu chấu ngả màu vàng sau đó mới cho một ít nước cà muối. Đó chính là bí quyết mà rất ít người biết đến để làm châu chấu được giòn, thơm và béo ngậy.
Tiếp tục đảo đến khi món châu chấu rang ấy cạn hết nước rồi rắc lá chanh đã thái chỉ cùng vài lát ớt đỏ tươi vào trông vừa ngon lại vừa đẹp mắt. Rang châu chấu không thể không có thứ lá chanh kia. Đôi khi chỉ vài sợi lá chanh thái chỉ cũng làm món châu chấu rang dậy mùi thơm tự nhiên.
Mâm cơm nhà nông mùa gặt đơn giản chỉ có châu chấu rang vàng ruộm với bát canh rau muống xanh mát, mấy quả cà pháo với bát tương sóng sánh mà với tôi nó như bữa cơm “xa xỉ”. Có lẽ không vì món châu chấu phải tới mùa mới có mà đó là món ăn do chính bàn tay yêu thương của ngoại dành cho đứa cháu ở xa.
Ở các vùng thôn quê, châu chấu rang là món khoái khẩu của không ít người. Giờ đây trên bàn nhậu, châu chấu rang còn được gọi bằng một cái tên mỹ miều khác là tôm bay rất hấp dẫn cánh mày râu. Không phải ai cũng có thể ăn được châu chấu, nhưng ăn được rồi thì lại thích và mong ngóng đến mùa lúa chín để có được đĩa châu chấu rang béo ngậy…
Theo vietbao
Ngon lạ châu chấu rang
Châu chấu là loài côn trùng ăn lá, xuất hiện nhiều sẽ gây nguy hại cho các cánh đồng. Chúng hầu như có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa gặt, từ khoảng tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Ở vùng thôn quê, châu chấu rang đã trở thành món ăn dân dã khoái khẩu của nhiều người.
Châu chấu có nhiều loại, người ta thường hay ăn châu chấu lúa và châu chấu tre. Châu chấu lúa đầu nhỏ, bụng có nhiều trứng; châu chấu tre to hơn nhưng không ngon bằng.
Những hôm trời mưa to thường bắt được châu chấu với số lượng nhiều và nhanh vì chúng bị ướt cánh không bay được, chỉ đậu bất động trên những đám cỏ. Người bắt châu chấu chuyên nghiệp có một chiếc lưới mỏng, mắt lưới đan dày. Đem rải lưới lên đám cỏ, đêm xuống, châu chấu đáp xuống đây tìm giấc ngủ sẽ bị tóm gọn cả đàn. Còn thông thường người lớn hoặc trẻ con nơi thôn quê rủ nhau dàn hàng ngang, mang theo vợt đi lượt qua lượt lại trên những cánh đồng là kiếm được cả mớ châu chấu.
Châu chấu có thể chế biến thành nhiều món như xào sả ớt, lẩu,... nhưng món châu chấu rang vẫn phổ biến nhất bởi không chỉ đơn giản trong khâu chế biến mà còn có hương vị hết sức độc đáo. Châu chấu bắt được đem về cho vào chai, đổ nửa ca nước sôi, xóc mạnh cho chúng giẫy, đạp làm cánh và càng rụng ra. Chừng mười phút sau, đổ châu chấu ra chậu nước lã, vớt sạch cánh, càng, vặt đầu, rút ruột bỏ đi. Để ráo nước, cho ra tô trộn với một ít muối hay bột nêm cho ngấm. Lá chanh rửa sạch thái chỉ, hành khô băm nhỏ. Cho dầu ăn vào chảo, chờ nóng già, đổ châu chấu vào đảo đều đến lúc chín vàng và rắc ít lá chanh là bạn đã có món ăn thơm ngon đặc biệt. Món này ăn với cơm hay làm mồi nhậu thì tuyệt!
Cho đến bây giờ, được đi nhiều nơi, ăn nhiều món đặc sản nhưng tôi vẫn không quên được mùi vị món châu chấu rang. Cái vị béo ngậy, bùi ngọt của châu chấu cộng hưởng với hương thơm của lá chanh gợi cho người xa quê nhớ về những khoảnh khắc tuổi ấu thơ cùng bè bạn chạy trên những thảm cỏ xanh mượt, những cánh đồng mênh mông lộng gió để tìm bắt từng con châu chấu.
Theo Thanh Niên
Món lạ nhím biển Nhum còn gọi là nhím biển hay cầu gai. Khi nhỏ, nhum tựa trái chôm chôm, màu đen thẫm. Lớn lên, nhum có hình tròn dẹt, đường kính khoảng 8-10cm dày 3-4cm. Nhum sống theo từng nhóm ở dưới đáy biển sâu từ 4-20m, ăn rong rêu và phiêu sinh vật. Ảnh: Quốc Cường Nhum có nhiều tại vùng Quảng Ngãi, Bình Định,...