Chấu chấu màu hồng hiếm gặp
Một con châu chấu đột biến với cơ thể màu hồng lạ thường hôm 16/2 được tìm thấy tại nhà dân ở thành phố Austin, bang Texas.
Châu chấu đột biến với toàn thân màu hồng xuất hiện ở Mỹ. Ảnh: Allison Barger.
Con vật tình cờ được phát hiện bởi một bé trai ba tuổi trong lúc dạo chơi ngoài sân vườn. Mẹ của bé, Allison Barger, cho biết vô cùng kinh ngạc trước khám phá của con trai mình nên đã chụp hình lại và gửi cho đài tin tức địa phương KXAN News.
Theo nhà thám hiểm hoang dã Victoria Hillman từ National Geographic, cơ thể màu hồng nổi bật của con vật là do hội chứng erythrism. Tương tự như chứng bạch tạng, đột biến này gây ra bởi một gene lặn, khiến động vật mắc bệnh sản xuất dư thừa sắc tố đỏ, đồng thời thiếu hụt hắc tố melanin. Ở người, erythrism góp phần tạo ra màu tóc đỏ.
Hội chứng erythrism là nguyên nhân khiến cơ thể châu chấu có màu hồng. Ảnh: Allison Barger.
Hội chứng erythrism ở động vật lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1887 trên một con muồm muỗm. Hiện tượng cũng được quan sát thấy ở rắn, cá đuối và chồn hôi, nhưng phổ biến hơn ở châu chấu đồng cỏ. Phần lớn các trường hợp đều khó sống sót đến tuổi trưởng thành bởi màu sắc nổi bật khiến chúng khó ngụy trang và dễ bị động vật săn mồi phát hiện.
Đoàn Dương
Các nhà khoa học phát hiện chim cánh cụt thực sự "nói chuyện" dưới nước
Giống như các loài chim biển khác, chim cánh cụt có thể kêu lớn trên đất liền, nhất là những nơi chúng sinh sản. Chúng sử dụng tiếng gọi này để liên lạc với bạn đời và họ hàng của chúng.
Ngoài mùa sinh sản, chim cánh cụt dành phần lớn thời gian trên biển và thích nghi với môi trường biển nơi chúng kiếm ăn. Chim cánh cụt rất độc đáo so với các loài chim biển khác vì khả năng lặn cực tốt của chúng. Loài chim này có thể thực hiện một loạt các lượt lặn đến độ sâu từ 20m đến 500 m (tùy thuộc vào loài) để tìm kiếm cá, động vật biển thân mềm hoặc mực.
Với khả năng lặn đó, liệu chim cánh cụt có thể tạo ra âm thanh dưới nước hay không?
Để tìm hiểu điều này, nhóm nghiên cứu động vật săn mồi Apex Marine (MAPRU) Đại học Nelson Mandela (Nam Phi) đã gắn các máy ghi hình nhỏ có tích hợp micrô trên lưng của ba loài chim cánh cụt: chim cánh cụt vua, chim cánh cụt Gentoo và chim cánh cụt Macaroni.
Mục đích của nghiên cứu này nhằm cung cấp những bằng chứng đầu tiên cho thấy chim cánh cụt phát ra âm thanh dưới nước khi chúng săn mồi.
Trước đây rất ít người biết đến tiếng kêu của chim cánh cụt khi chúng ở trên biển bởi việc ghi âm chúng rất là khó khăn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ gần đây nên việc quan sát chúng đã trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt thông qua việc sử dụng các máy ghi hình thu nhỏ được gắn vào chim cánh cụt.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy thu hình và ghi lại 203 tiếng kêu dưới nước của cả ba loài chim cánh cụt trong gần năm giờ dưới nước: 34 tiếng từ hai chú chim cánh cụt vua, 1 tiếng từ chim cánh cụt Macaroni và 168 tiếng từ chim cánh cụt Gentoo.
Những loài này được chọn vì chúng phản ánh sự đa dạng trong việc săn bắt dưới biển ở chim cánh cụt. Chim cánh cụt vua chuyên bắt cá ở độ sâu lớn (200m), trong khi chim cánh cụt Macaroni chủ yếu ăn động vật thân mềm trong 10m đầu tiên của cột nước. Ngược lại, chim cánh cụt Gentoo có chiến lược săn mồi rất đa dạng, chúng ăn tất cả các loại con mồi ở mọi độ sâu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, tất cả các tiếng kêu của chim cánh cụt đều ngắn và phát ra trong lúc chúng đang đi săn. Hầu hết các âm phát ra (73 %) trong giai đoạn dưới cùng của các lần lặn.
Hơn 50 % tiếng kêu có liên quan trực tiếp đến hành vi săn mồi: ngay sau khi chúng tăng tốc (để đuổi theo con mồi) hoặc ngay sau khi cố gắng bắt con mồi.
Bởi vì tiếng kêu được tạo ra bởi ba loài chim cánh cụt khác nhau, cho thấy hành vi này có thể tồn tại ở các loài chim cánh cụt khác. Các tiếng kêu cũng được ghi nhận với tỷ lệ cao hơn khi chim cánh cụt đang ăn cá, so với động vật biển thân mềm và mực. Điều này cho thấy chúng có thể phổ biến hơn ở chim cánh cụt ăn cá.
Phương Huyền
Giải mã bí ẩn: Động vật lớn nhất mà rắn có thể nuốt là gì? Sở hữu cái miệng đặc biệt, tạo hóa ban cho loài rắn khả năng có thể nuốt những con mồi lớn hơn nó rất nhiều. Ảnh minh họa: Internet Rắn - loài động vật đặc biệt Dẫn lời của Julia Klaczko, nhà động vật học tại Đại học Brasília ở Brazil cho biết: "Các tìm kiếm được đề xuất hàng đầu trên YouTube...