Châu chấu càn quét như vũ bão, nông dân TQ bị ám ảnh cảnh tượng “sợ dựng tóc gáy”
Dịch châu chấu xuất hiện vào thời điểm Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức về an ninh lương thực.
Nạn châu chấu hoành hành
Nông dân tại vùng miền nam Trung Quốc mới đây đã chia sẻ về nạn châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ qua, cho biết mức thiệt hại cao hơn nhiều so với tưởng tượng của họ.
“Trên mỗi cây ngô có từ 30 tới 40 con châu chấu. Chúng ăn sạch lá cây chỉ trong vài giờ,” Lin Yichen, một nông dân từ tỉnh Vân Nam, nói. “Lá tre trên rừng cũng bị ăn sạch chỉ 2-3 ngày sau khi đàn châu chấu kéo tới”.
“Khi đi giữa những khu rừng tre, chúng tôi có thể nghe rõ tiếng châu chấu đang ăn lá, âm thanh ấy khiến chúng tôi cảm thấy thực sự rợn người. Một số người dọa rằng nếu không ai tiêu diệt châu chấu, chúng có thể ăn cả con người”.
Theo một đánh giá được thực hiện bởi huyện Giang Thành, Vân Nam vào tháng trước, các đàn châu chấu tre màu vàng đã đi qua biên giới Trung Quốc vào cuối tháng 6 và đang tiến về phía bắc.
Trung Quốc đối diện với nạn châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều năm. Ảnh: Weibo
Số liệu chính thức cho biết, diện tích các vùng bị ảnh hưởng bởi châu chấu đã tăng gấp đôi chỉ sau 20 ngày tháng 7. Tới ngày 17/8, 106 km2 thuộc 11 huyện của tỉnh Vân Nam đã bị châu chấu tấn công.
Chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh – hàng chục nghìn chuyên gia đã được cử tới các ngôi làng và khu rừng trong khi thiết bị bay drone đã được điều tới để phun thuốc trừ sâu.
Để đối phó với đại dịch châu chấu kinh hoàng này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã tổ chức cuộc diễn tập khẩn cấp tại Giang Thành vào ngày 27/7. Tại đây, các đại diện từ tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây, Tứ Xuyên và Quý Châu đã gặp mặt để họp bàn về phương pháp bảo vệ và kiểm soát dịch châu chấu ở vùng biên giới đông nam.
Theo thông báo chính thức, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo dịch châu chấu từ Lào tới có thể sẽ là nạn châu chấu tồi tệ nhất trong một khoảng thời gian dài bởi “số lượng châu chấu quá lớn”. Bên cạnh đó, dịch châu chấu có thể kéo dài tới cuối tháng này, tiếp tục lan từ rừng tới đồng ruộng, gây thiệt hại lớn tới sản lượng nông sản, đặc biệt là ngô.
Cuộc đối đầu phức tạp
Li Yan, một chủ khách sạn ở Wenwu, thị trấn gần làng Pacuo, cho biết một đội 4 chuyên gia đã ở đây từ đầu tháng 7.
Bà Yan cho biết các chuyên gia này – cùng với hướng dẫn viên địa phương – đã đi quanh khu vực bằng 2 xe tải nhỏ để xịt thuốc trừ sâu tiêu diệt châu chấu.
Một chuyên gia – đề nghị giấu tên – cho biết mục tiêu hiện tại là xây dựng mạng lưới theo dõi nhằm ngăn chặn “cuộc xâm lăng” của châu chấu.
Châu chấu bay rợp trời. Ảnh: VCG
Tuy nhiên, người này cho biết việc đối phó với đàn châu chấu có địa bàn hoạt động rộng là điều không dễ dàng. Với khả năng di chuyển tới 70km/ngày, châu chấu gây ra nhiều khó khăn cho những thiết bị bay phun thuốc trừ sâu.
Peter Spurgin – một cựu thành viên của Ủy ban Phòng chống Châu chấu Australia, từng tham gia hỗ trợ giải quyết nạn châu chấu ở Lào năm 2015 và năm 2016 – nói cách hiệu quả nhất để tiêu diệt châu chấu là thực ngay trước khi chúng trưởng thành hoàn toàn.
“Kiểm soát các đàn châu chấu là việc rất khó khăn, đặc biệt ở vùng đồi núi,” ông Spurgin nói.
Mặc dù loài châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện ở Vân Nam từ lâu, nhưng ông Spurgin cho rằng số lượng châu chấu tăng đột biến “có thể liên quan tới số lượng châu chấu tăng dần dần tại những khu vực xa xôi hẻo lánh ít người trong vài năm trở lại đây”. Bên cạnh đó, các điều kiện tự nhiên cũng có thể khiến châu chấu có môi trường lí tưởng để sinh sôi, ví dụ như mưa vừa đủ vào đúng những thời điểm quan trọng trong vòng đời châu chấu.
“Có thể có những đợt di chuyển của châu chấu giữa các vùng khác nhau,” ông nói.
Đợt châu chấu hiện tại được cho rằng có liên quan tới đợt châu chấu xuất hiện ở đông nam Lào vào năm 2013. Khi đó, đàn châu chấu chưa bao giờ xuất hiện nhiều như vậy trong nhiều thập kỷ và người dân địa phương không có nhiều kinh nghiệm để giải quyết chúng. Tại những vùng bị ảnh hưởng, châu chấu tiếp tục gia tăng không ngừng trong 3 năm.
Ảnh: SCMP
“Những vùng bị châu chấu tấn công đều có địa hình phức tạp và rất khó khăn để tiếp cận, bao gồm các cánh rừng lớn nằm sâu trong những vùng núi hẻo lánh”.
Theo Vientiane Times, trong năm 2014 Lào ghi nhận 140 địa điểm có dịch châu chấu. Nhưng tới năm 2015, con số này đã tăng lên 500 địa điểm. Tới năm 2019, 9 tỉnh của Lào ghi nhận có dịch châu chấu. Ngô và lúa là hai loại cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đợt dịch châu chấu bùng phát giữa lúc người dân Trung Quốc ngày càng quan ngại về an ninh lương thực sau đợt lũ lớn ở sông Dương Tử và dịch tả lợn châu Phi. Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân tham gia chiến dịch “Vét sạch Đĩa” để tiết kiệm thực phẩm.
Tỉnh Vân Nam đã cam kết sẽ xây dựng “hệ thống giám sát linh động 6 bậc” bao gồm người dân địa phương và chuyên gia để “kiểm soát nạn châu chấu vào cuối tháng 9, giảm tối đa thiệt hại do châu chấu gây ra”.
Chưa hết virus corona, TQ đã phải đối mặt với 'đại dịch' châu chấu
Cơ quan lâm nghiệp Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về mối đe dọa từ các loài côn trùng gây hại xâm nhập từ nước ngoài. Chính phủ cũng đang chuẩn bị các biện pháp đối phó.
Một cơ quan chính phủ Trung Quốc đã cho biết vào hôm 2/3 rằng Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo đề phòng trường hợp đàn châu chấu đã phá hoại đất nông nghiệp ở Pakistan, Ấn Độ và Đông Phi lan rộng qua biên giới.
"Mặc dù các chuyên gia nhận định nguy cơ côn trùng xâm nhập và gây hại trong nước là tương đối thấp, (Trung Quốc) sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi đàn châu chấu do thiếu kỹ thuật giám sát và ít kiến thức về tập quán di cư của chúng", Cục Quản lý Lâm nghiệp Quốc gia thông báo trên trang web của mình.
Bắc Kinh đã thành lập một đội đặc nhiệm để theo dõi, kiểm soát và, nếu có thể, ngăn chặn sự "xâm lược" của côn trùng gây hại. Chính phủ cũng đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp các chuyên gia trong tháng này để thảo luận và phối hợp các nỗ lực đối phó trên toàn quốc, trong đó bao gồm một hệ thống cảnh báo khẩn cấp.
Châu chấu đã tàn phá mùa màng ở Pakistan, Ấn Độ và châu Phi. Bắc Kinh đã nhận thấy mối đe doạ của chúng với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Nền kinh tế đang "đóng băng" vì virus corona
Mặc dù chính phủ Trung Quốc tuyên bố mối đe dọa về đàn châu chấu là không đáng kể, các cảnh báo đã được tăng cường kể từ giữa tháng 2 khi Bộ Nông nghiệp quyết định theo dõi luồng di cư của đàn châu chấu và nghiên cứu các cách để ngăn chặn chúng.
Nông nghiệp Trung Quốc đã trải qua một năm u ám vào 2019 khi liên tục bị tấn công bởi sâu keo mùa thu lan rộng trên một triệu ha đất nông nghiệp, và dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn giảm tới một nửa với 440 triệu con bị tiêu hủy.
Một "đại dịch" châu chấu có thể kéo nền kinh tế đang vật vã chống trả virus corona của Trung Quốc sa sút hơn nữa. Hơn 80.000 người đã bị nhiễm virus với 2.900 trường hợp tử vong đã khiến nhiều ngành công nghiệp chủ chốt của quốc gia này tê liệt.
Theo Statista, một công ty dữ liệu thị trường và tiêu dùng của Đức, năm 2018, nông nghiệp đóng góp khoảng 7,2% vào tổng giá trị GDP của Trung Quốc.
Châu chấu sa mạc là một trong những loài côn trùng gây hại lâu đời và có sức tàn phá mùa màng, đồng cỏ và cây cối khủng khiếp nhất thế giới. Theo Liên Hợp Quốc, một đàn có diện tích một km2 có thể tiêu thụ lượng thực phẩm trong một ngày tương đương với sức ăn của 35.000 người.
Từng tàn phá châu Phi
Vào cuối tháng 1, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc đã kêu gọi nỗ lực quốc tế để đối phó với sự bùng phát đàn châu chấu sa mạc lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Các bầy ở Ethiopia, Kenya và Somali có kích thước lớn và tiềm năng hủy diệt chưa từng thấy. Những cơn mưa do hoạt động của gió mùa lớn nhất trong vòng 25 năm qua ở Ấn Độ và Pakistan vào mùa hè năm ngoái đã tạo điều kiện cho thảm thực vật phát triển mạnh, đồng nghĩa với việc có nhiều thức ăn cho côn trùng.
Liên Hợp Quốc cảnh báo chúng có thể gây ra khủng hoảng về an ninh lương thực thế giới.
Châu chấu sa mạc. Ảnh: Reuters.
Bắc Kinh cho biết trong điều kiện khí hậu thích hợp, các đàn châu chấu có thể di cư sang Trung Quốc theo con đường từ Pakistan và Ấn Độ, qua Tây Tạng, sau đó vào phía Tây Nam tỉnh Vân Nam. Một con đường khác là đi qua Kazakhstan vào khu vực tự trị Tân Cương phía Tây.
Vào tháng 2, Zhang Zehua, một nhà nghiên cứu tại Viện Bảo vệ Thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, phát biểu với Hãng Thông tấn Nhà nước Tân Hoa Xã rằng Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng ở miền Bắc Trung Quốc có thể đóng vai trò làm lá chắn chống lại đàn châu chấu.
"Rất khó có khả năng châu chấu sa mạc sẽ di cư trực tiếp vào lục địa Trung Quốc, nhưng nếu dịch châu chấu sa mạc ở nước ngoài vẫn kéo dài, xác suất đàn châu chấu xâm nhập vào Trung Quốc vào tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ tăng mạnh", ông Zhang nói.
Tháng trước, Bộ Nông nghiệp cho biết, châu chấu hoạt động mạnh nhất khi nhiệt độ đạt khoảng 40 độ C và độ ẩm khoảng 60-70%, điều đó có nghĩa là chúng sẽ khó tồn tại ở miền Nam Tây Tạng.
'Đoàn quân' 10 vạn con vịt chống châu chấu ở biên giới Trung Quốc
Khoảng 100.000 con vịt đang tập trung để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp nhất, trước tình hình 400 tỷ con châu chấu có nguy cơ đến Trung Quốc.
Theo news.zing.vn
Trung Quốc khẳng định kho lương thực dự trữ đủ dùng trên 1 năm Dịch bệnh Covid-19 cùng với tình hình mưa lũ thời gian gần đây khiến nhiều người cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ an ninh lương thực. Đối mặt với những thông tin về việc Trung Quốc đang phải đối mặt với các nguy cơ về "an ninh lương thực" do dịch Covid-19 cũng như lũ lụt thời gian...