Châu Âu tranh cãi nới phong tỏa hậu Covid-19
Số ca nhiễm và tử vong do nCoV đang giảm ở châu Âu, khiến nhiều nước bắt đầu nới phong tỏa, song mức độ đến đâu còn chưa thống nhất.
Sau nhiều tuần căng như dây đàn vì Covid-19, London tuần qua bắt đầu vãn dần tiếng xe cứu thương. Thủ đô nước Anh gần đây chỉ ghi nhận vài ca tử vong vì nCoV mỗi ngày, trong khi số ca nhiễm mới cũng chỉ ở mức thấp.
Một khu mua sắm ở Paris, Pháp. Ảnh: NYTimes.
Mức giảm mạnh tương tự cũng được ghi nhận ở những thủ đô châu Âu khác, từ Paris tới Rome, Berlin hay Madrid. Một tâm lý nhẹ nhõm đang hình thành nhưng đi kèm với đó là nỗi lo sợ rằng nếu các nước quá hấp tấp mở cửa nền kinh tế, nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm thứ hai là rất lớn.
“Tôi sợ rằng tin tốt này có thể dẫn đến sự tự mãn, lơ là, làm nảy sinh sóng lây nhiễm thứ hai”, Thị trưởng London Sadiq Khan nói.
Nguyên nhân khiến số ca nhiễm giảm mỗi nơi lại khác nhau. Một số thành phố như London hay Paris, nơi bị virus tấn công từ rất sớm, đã làm giảm tốc độ lây lan bằng hai tháng phong tỏa nghẹt thở. Những nơi như Rome hay Berlin lại bị ảnh hưởng ít nặng nề hơn các thành phố khác trong chính nước họ. Madrid, dù ghi nhận số ca tử vong và nhiễm giảm, vẫn là tâm dịch của Tây Ban Nha.
Điểm chung của những thành phố này là họ đều đang đứng trước quyết định nên nới lỏng các biện pháp cách biệt cộng đồng ở mức độ nào. Áp lực ngày càng tăng liên quan đến việc nối lại cuộc sống bình thường tiếp tục làm phức tạp thêm cuộc tranh luận rằng các lãnh đạo có nên nhanh chóng nới lỏng hạn chế không, khi những nơi khác của đất nước vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh.
Tại Anh, giới chức Scotland và miền bắc nước Anh đang phản đối kế hoạch của Thủ tướng Borish Johnson mở cửa trở lại trường học và một số cửa hàng vào đầu tháng 6. Khu vực phía tây bắc, bao gồm cả thành phố Manchester, giờ đây có lượng bệnh nhân nhập viện vì nCoV cao hơn London.
“Gói biện pháp nới lỏng có thể phù hợp với khu vực phía đông nam do số ca nhiễm tại đây đang giảm”, Andy Burnham, thị trưởng Đại đô thị Manchester, mới đây viết trong một bài bình luận đăng trên báo Guardian. “Nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để nới lỏng ở phía bắc”.
Tại London, những dấu hiệu bình thường hóa đang ngày càng rõ nét. Vỉa hè trên khu phố Brixton tuần qua tấp nập người đi lại, các quán cà phê bắt đầu xếp bàn ngoài trời với khoảng cách xa hơn bình thường. Một quán rượu ở Stoke Newington bắt đầu bán bia mang đi. Tại Hampstead Heath, hàng trăm người ra ngoài tắm nắng, khiến chính quyền địa phương phàn nàn về tình trạng xả rác bừa bãi.
Gần 6.000 người ở London đã tử vong vì dịch bệnh. Nhưng tuần qua, số người chết do Covid-19 tại các bệnh viện thường xuyên ở mức một con số. Hôm 18/5, London không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 24 giờ.
“Người dân bắt đầu nghĩ ‘Vì sao tôi vẫn phải cách ly khi tôi đang sống trong một thành phố mà cơ hội nhiễm virus còn thấp hơn cả khả năng bị ôtô tông trúng ngoài đường?’”, Tony Travers, giáo sư về chính trị tại Đại học Kinh tế London, cho hay.
Ở Paris, nơi số ca nhiễm đang từ mức hơn 1.000 trường hợp mỗi ngày giảm xuống chỉ còn vài chục, tâm lý nóng vội tương tự đang hình thành. Chính phủ Pháp đã phân chia đất nước thành các khu vực màu đỏ và màu xanh, tượng trưng cho những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và thấp, đồng thời dần nới lỏng lệnh phong tỏa. Nhưng Paris hiện vẫn nằm trong vùng đỏ, đồng nghĩa họ không thể mở cửa công viên.
Điều này đã gây phẫn nộ cho thị trưởng Anne Hidalgo, người tuyên bố rằng “Chúng ta cần phải nới lỏng quyền lợi của người dân”.
Những căng thẳng nghiêm trọng hơn đang bùng phát ở Tây Ban Nha, nơi chính quyền trung ương chưa nới lỏng phong tỏa thủ đô Madrid vì lo sợ làn sóng tái lây nhiễm. Chính quyền Madrid không chấp nhận, tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố vào buổi tối, đặc biệt là tại các khu dân cư giàu có, nơi tập trung những thành viên thuộc các đảng cánh hữu.
Trong thời gian dịch bệnh đạt đỉnh ở Tây Ban Nha hồi cuối tháng ba, Madrid ghi nhận trung bình hơn 300 ca tử vong mỗi ngày vì Covid-19. Hôm 21/5, số ca tử vong là 19. Nhưng với gần 9.000 người chết, thủ đô Tây Ban Nha vẫn chiếm gần 1/3 số ca tử vong cả nước. Và dù số người chết đang giảm, giống với xu hướng chung trên toàn quốc, số liệu của Madrid vẫn được đánh giá là đáng lo ngại, khiến thành phố bị xếp vào vùng đỏ.
Tại Đức, nơi thủ đô Berlin không phải đối mặt với tình cảnh trở thành tâm dịch, tranh cãi về tốc độ tái mở cửa ít gay gắt hơn.
Ổ dịch tại Berlin tương đối nhỏ, với 6.552 ca nhiễm, so với 26.628 ca ở London. Sau khi vài chục người bị phát hiện nhiễm virus hồi đầu tháng ba tại một quán bar trong thành phố, giới chức Berlin đã lập tức cấm các hoạt động giải trí về đêm. Nhà hàng đã được phép mở cửa trở lại phục vụ trên sân thượng và cả trong nhà nhưng với công suất chỉ bằng một nửa so với trước kia. Dù vậy, chưa biết đến bao giờ và bằng cách nào các câu lạc bộ đêm mới có thể được nối lại hoạt động.
Dù Berlin có ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại sau khi mở cửa, con số vẫn ít hơn nhiều so với các bang miền nam như Bavaria và Baden-Wrttemberg.
Một ga tàu điện ngầm ở Berlin, Đức. Ảnh: NYTimes.
Áp lực mở cửa trở lại đang đến từ bang miền tây North Rhine-Westphalia, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại Đức. Thống đốc bang Armin Laschet đã kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel “đánh giá lại nguy cơ lây nhiễm thuần túy và những tác động về xã hội, con người và kinh tế nếu tiếp tục đóng cửa mọi thứ”.
Italy trong khi đó lại bị chia rẽ về cách khôi phục hậu phong tỏa. Tranh cãi nảy sinh giữa Rome với Lombardy và Veneto, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở phía bắc, cũng như Campania và Calabria ở phía nam. Những vùng này đều từ chối tuân thủ hướng dẫn quốc gia.
Tại Milan, thủ phủ vùng Lombardy, chiến lược nới phong tỏa từng phần của chính quyền đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thành phố hôm 20/5 chỉ ghi nhận 8 ca nhiễm mới. Nhưng giới chức địa phương lo ngại về nguy cơ tái bùng dịch nếu mở cửa trở lại cửa hàng, nhà hàng, quán bar, nơi người dân Milan chắc chắn sẽ nhanh chóng kéo đến để ăn mừng.
Rome đến nay ghi nhận hơn 2.900 ca nhiễm và 305 trường hợp tử vong. Thành phố đã đi qua đỉnh dịch vào ngày 10/4 và chiều hướng giảm số ca nhiễm đang góp phần tạo nên tâm lý tự mãn.
“Virus vẫn lây lan, chúng ta chưa đánh bại nó hoàn toàn”, Alessio D’Amato, cố vấn về y tế vùng Lazio, bình luận. “Chúng ta vốn là một cộng đồng ưa thích tụ tập, giao lưu, có cuộc sống xã hội năng động và khi mùa hè tới, mọi thứ sẽ càng trở nên khó khăn hơn”.
Ngoại ô Paris nổ đì đùng vì biểu tình bạo loạn
Người biểu tình đáp trả cảnh sát bằng pháo hoa và các vật quăng từ sau những rào chắn đang bốc cháy, khi vùng Argenteuil của Pháp hứng biểu tình bạo lực đêm thứ 2 sau cái chết của một thanh niên 18 tuổi.
Theo hãng tin RT, Sabri Choubi thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe máy ở vùng ngoại ô phía bắc Paris này tối ngày 16/5.
Một số nhân chứng cho rằng vụ việc có liên quan đến một xe cảnh sát. Trong hai đêm sau đó, người dân địa phương đã trút cơn thịnh nộ trước cái chết của Choubi bằng cách ném đá, pháo hoa cùng nhiều vật khác vào cảnh sát.
Phía cảnh sát đáp trả bằng hơi cay khi lực lượng chống bạo loạn giải tán đám đông tụ tập ở một số khu nhà công cộng đêm 18/5.
Bạo loạn đã khiến ít nhất 6 người bị bắt và 3 sĩ quan cảnh sát bị thương, trong khi ba xe ôtô bị đốt cháy và khoảng 20 thùng rác bị thiêu rụi. Có tin người biểu tình còn định dùng bom xăng phóng hỏa một đồn cảnh sát ở địa phương.
Gia đình Choubi đã đâm đơn kiện cảnh sát, dẫn tới một cuộc điều tra chính thức liên quan đến cái chết của nam thanh niên này.
Trong khi nhiều người đổ lỗi cho cảnh sát về các sự kiện dẫn đến cái chết của Choubi, một số tờ báo đưa tin anh ta không đội mũ bảo hiểm vào thời điểm xảy ra tai nạn và đối tượng đã mất kiểm soát phương tiện rồi đâm vào cột điện.
Cảnh sát cho rằng vụ Choubi bị lợi dụng như một cái cớ để mọi người trút bực dọc sau 2 tháng bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19.
Các công tố viên làm việc tại hiện trường khẳng định, Choubi không hề bị xe cảnh sát đuổi theo mà xe này đang làm nhiệm vụ ở cùng khu vực tối 16/5. Họ nói thêm, một chuyên gia pháp y đã chứng thực không có bằng chứng va chạm với một xe khác trên xe máy của Choubi.
Việt Nam tặng Pháp hơn 250.000 khẩu trang Các tổ chức, nhà tài trợ đại diện cho các lĩnh vực hợp tác Việt - Pháp tại Việt Nam quyên góp hơn 250.000 khẩu trang cho Pháp. Chuyến bay miễn phí của Vietnam Airlines đưa lô hàng đến Paris hạ cánh ngày 5/5. Các nhà tài trợ khẩu trang gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Hội Hữu nghị Việt - Pháp,...