Châu Âu tiết lộ về tàu JUICE: Đến nơi sự sống ngoài hành tinh chờ đợi?
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc khai phá các hành tinh khác trong tháng 4 này bằng việc phóng tàu JUICE, thứ sẽ dùng Sao Kim lấy đà để bay đến Sao Mộc.
Dự kiến tàu JUICE – hiện đang được bọc trong tên lửa Ariane 5, cùng loại với tên lửa phóng kính viễn vọng không gian James Webb – sẽ chính thức rời Trái Đất vào lúc 9 giờ 15 phút sáng ngày 13-4 (giờ địa phương) từ Sân bay Vũ trụ châu Âu (Kourou, Guiana thuộc Pháp).
Thời điểm phóng này tương ứng với 19 giờ 15 phút tối 13-4 và sẽ được phát trực tiếp trên website của ESA (esa.int).
Tàu JUICE dự kiến lên đường đến Sao Mộc vài ngày tới – Ảnh đồ họa từ ESA
Theo Space, tàu JUICE sẽ thực hiện một chuyến bay vòng qua Sao Kim, Trái Đất và Mặt Trăng để “lấy đà”, trước khi tiến thẳng đến Sao Mộc xa xôi.
Để cú lấy đà thành công, ESA đã tính toán để tàu JUICE thực hiện được nó khi Sao Kim, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng trong tháng tư năm nay và cuối mùa hè này, cũng là 2 lần duy nhất 3 thiên thể này thẳng hàng trong năm.
Trở ngại duy nhất cho vụ phóng là thời tiết không được tốt trong ngày phóng tàu, dự báo 76% có mưa, nhưng thường điều đó không gây khó khăn đặc biệt. Nếu nhiệm vụ bị trì hoãn, ESA sẽ phải cố phóng lại tàu JUICE trong tháng kèm một chút điều chỉnh trong đường đi của nó, hoặc đợi đến tháng 4 năm sau.
Tàu JUICE, chiến binh được ESA chuẩn bị nhiều năm qua sở hữu tới 10 tấm pin Mặt Trời đủ để nó thực hiện nhiệm vụ lâu dài ở nơi thiếu ánh nắng như Sao Mộc.
Video đang HOT
Nó được giao nhiệm vụ thu thập dữ liệu về từ trường của hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời này cũng như 3 “mặt trăng sự sống” lừng danh của nó là Ganymede, Calisto và Europa.
Đó là ba mặt trăng rất to lớn của Sao Mộc, được nhà bác học Galileo Galilei phát hiện từ thế kỷ thứ XVII cùng với mặt trăng núi lửa Io, được gọi chung là 4 mặt trăng Galileo.
Ngoại trừ Io như địa ngục do hoạt động núi lửa quá khủng khiếp, 3 mặt trăng còn lại mà nhà bác học Ý đã tìm ra đều được xác định là có các yếu tố có thể giúp sự sống phát triển và sinh sôi ở một đại dương ngầm tiềm năng bên dưới vỏ băng.
Các bằng chứng về sự sống tiềm năng đã được phát hiện bởi tàu vũ trụ khám phá Sao Mộc Juno của NASA (phóng năm 2009), trong đó cơ quan vũ trụ của Mỹ gần như tin chắc rằng Europa có sự sống và cũng đang chuẩn bị phóng tàu Europa Clipper vào tháng 10-2024 để nghiên cứu riêng mặt trăng này.
Sự tham chiến của ESA, một đối tác thường xuyên của NASA, hứa hẹn đem đến thêm nhiều phát hiện đột phá về Sao Mộc và các mặt trăng sự sống của nó.
Anh Thư
Thực sự có sự sống tồn tại trên Kepler 69c không?
Kepler 69c là một siêu Trái Đất ngoài hệ Mặt Trời được xác nhận có khả năng là hành tinh đất đá, quay quanh ngôi sao giống như Mặt Trời là Kepler 69, nằm ngoài cùng trong số 2 hành tinh được phát hiện bởi tàu vũ trụ Kepler của NASA.
Cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng, có thể tồn tại một hành tinh khác có sự sống. Và Kepler 69c, một siêu Trái Đất ngoài hệ Mặt Trời được nhiều người cho là một nơi có thể như vậy.
Nằm cách Trái Đất 2.383 năm ánh sáng, trong chòm sao Cygnus, Kepler 69c là một siêu Trái Đất tiềm năng. Ít nhất đó là những gì mà các nhà thiên văn học nhận định.
Kepler 69c là một ngoại hành tinh lớn hơn hành tinh của chúng ta khoảng 1,7 lần, nó quay quanh ngôi sao giống như Mặt Trời là Kepler-69. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, chúng ta không thực sự biết liệu hành tinh này có nằm trong vùng có thể ở được hay không.
Siêu Trái Đất có thể là dạng hành tinh phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta. Kể từ năm 2009, Kính viễn vọng Không gian Kepler đã phát hiện ra khoảng 4.000 ngoại hành tinh. 30% trong số đó là siêu Trái Đất. Và một vài phần trăm các siêu Trái Đất trong số đó quay quanh khu vực có thể sống được của ngôi sao chủ của chúng.
Nếu ở quá gần ngôi sao chủ, Kepler 69c sẽ quá nóng để nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Nếu nó ở quá xa mặt trời của nó, thì nó sẽ chẳng là gì ngoài một thế giới lạnh giá. Những gì chúng ta biết là Kepler 69c quay quanh ngôi sao của nó gần hơn khoảng 40% so với khoảng cách Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Và điều đó có thể có nghĩa là Kepler 69c không thực sự là một siêu Trái Đất, thay vào đó nó có thể là một siêu Sao Kim.
Hành tinh này nằm quá xa chúng ta, nên mọi thứ cho tới nay vẫn chỉ là suy đoán. Nhưng nếu bạn có ý định tới thăm hành tinh này, thì hãy bỏ ngay suy nghĩ đó đi vì ngay cả khi bạn có thể di chuyển bằng 1% tốc độ ánh sáng, bạn sẽ không thể đến đó sớm được. Với tốc độ này, bạn có thể bay vòng quanh Trái Đất chỉ trong hơn 13 giây. Nhưng để đến được Kepler 69c, bạn sẽ mất khoảng 238.000 năm.
Khu vực có thể sống được là nơi mà bề mặt hành tinh có nhiệt độ thích hợp cho nước ở thể lỏng, không quá lạnh hoặc quá nóng. Tuy nhiên, có khả năng một số siêu Trái Đất này không phải là cấu tạo từ đất đá như Trái Đất. Chúng có thể được tạo ra chủ yếu bằng khí hydro và heli như Sao Mộc và Sao Thổ, nên sẽ không thích hợp cho sự sống.
Dựa trên khoảng cách của hành tinh với ngôi sao của nó, chúng ta biết rằng Kepler 69c nhận được lượng ánh sáng mặt trời tương tự như Sao Kim. Và mặc dù lớn hơn Trái Đất, nhưng nó có mật độ tương đối thấp. Tất cả điều này có nghĩa là thay vì kim loại, hành tinh đá này được tạo thành từ các khoáng chất silicat và cacbonat.
Với tất cả những khoáng chất này trong lớp vỏ, Kepler 69c có thể có một bầu khí quyển thực sự dày. Bầu không khí này sẽ bao gồm chủ yếu là carbon dioxide. Nếu Kepler 69c giống như Sao Kim, thì đó sẽ là một hành tinh khá nóng - Bầu khí quyển của Kepler 69c sẽ rơi vào một chu kỳ bất tận ngày càng dày hơn và nóng hơn.
Nhiệt độ bề mặt của hành tinh này có thể cao tới 475 độ C. Và áp suất khí quyển sẽ cao gấp hơn 90 lần so với Trái Đất - áp suất này sẽ giống như đang ở độ sâu 900 m trong đại dương.
Kepler 69c, lớn hơn Trái Đất khoảng 1,7 lần. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao tương tự như Mặt Trời của chúng ta. Các nhà thiên văn học không chắc chắn về thành phần cấu tạo của Kepler 69c nhưng cho biết, quỹ đạo của hành tinh này vào khoảng 242 ngày quay xung quanh một ngôi sao giống Mặt Trời và có những điều kiện tương tự như hành tinh láng giềng của chúng ta là Sao Kim.
Với những điều kiện như thế này, bạn có thể sẽ không tìm thấy bất cứ thứ gì giống như đại dương ở đây. Giống như trên Sao Kim, nhiệt độ cao sẽ làm sôi tất cả nước. Bất kể sự sống nào bạn có khả năng gặp phải trên hành tinh này, nó cần phải có khả năng tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt nêu trên. Hoặc nó sẽ phải tồn tại ở một nơi nào khác ngoài bề mặt.
Tuy nhiên, nếu thực sự có sự sống trên Kepler 69c, thì có lẽ chúng sẽ tồn tại ở trên mây. Ở độ cao khoảng 50 km, nhiệt độ sẽ mát hơn rất nhiều. Chúng sẽ dao động từ khoảng 30 đến 70 độ C. Và với vị trí này, có thể có lực hấp dẫn tại đây chỉ bằng hơn 70% so với lực hấp dẫn được tìm thấy trên Trái Đất.
Lực hấp dẫn yếu hơn này có thể cho phép các dạng sống phát triển mạnh trên bầu trời. Theo đó sự sống chỉ có thể trôi nổi tự do trong bầu khí quyển. Đây sẽ là một cách khác mà hành tinh này có thể có nhiều điểm chung với Sao Kim hơn là với Trái Đất. Các tàu thăm dò xung quanh Sao Kim đã thu được dấu vết của một loại khí có thể là dấu hiệu tiềm năng của sự sống - phosphine.
NASA cho biết, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu sự sống có tồn tại trên Kepler 69c hay không. Tuy nhiên, những phát hiện của họ giúp có thể sẽ con người tiến thêm một bước trong việc tìm kiếm một thế giới có sự sống tương tự như Trái Đất.
Nếu phát hiện ra phosphine trong bầu khí quyển của Kepler 69c, thì đó có thể là kết quả của vi khuẩn không cần oxy để tồn tại. Nhưng loại khí có mùi tương tự như mùi cá thối rữa. Trên Trái Đất, vi khuẩn tạo ra phosphine thường sống ở đầm lầy hoặc vùng đất ngập nước. Nhưng trên Sao Kim hoặc Kepler 69c, vi khuẩn này có thể tồn tại trong chính bầu khí quyển dày và ít oxy.
Hi hữu: Tất cả các hành tinh trong hệ Mặt trời xuất hiện trên bầu trời đêm Hiện tượng hiếm gặp xuất hiện vào dịp cuối năm khi Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương xếp hàng trên bầu trời đêm. Những ngày cuối năm, người yêu thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng sự kiện hiếm có khi tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời xuất hiện...