Châu Âu sẽ bay vòng để ‘lách’ lệnh cấm không phận của Nga!
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói các hãng bay châu Âu muốn đến các nền kinh tế năng động ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ không được sử dụng tuyến bay ngắn nhất là qua không phận Nga.
Điều có nghĩa các hãng này phải bay vòng, bị tăng chi phí cao nên sẽ gặp khó khăn, thậm chí phá sản, không cạnh tranh được với các hãng bay khác.
Thủ tướng Medvedev tuyên bố: “Nếu cấm vận nhắm vào ngành năng lượng và tài chính Nga, chúng ta phải phản ứng tương xứng”. Ông nhấn mạnh sẽ chỉ có hãng bay của “các nước bạn bè với Nga” được bay qua không phận nước này.
Quả thực, lệnh cấm của Nga sẽ là một vấn đề nghiêm trọng cho các hãng bay phương Tây gồm 60 hãng lớn nhất châu Âu, vì Nga là một đất nước lớn nhất thế giới về diện tích và nằm giữa hai châu Á-Âu.
Các hãng bay châu Âu có cách “lách”
Đây không phải lần đầu tiên Nga dọa các hãng bay châu Âu không được bay qua không phận của mình. Năm 2007, Nga cấm máy bay chở hàng của hãng Lufthansa vì muốn hãng này xây sân bay ở Siberia. Lufthansa đổi tuyến bay qua Kazakhstan trước khi làm theo ý Nga.
Video đang HOT
Giáo sư Hansjochen Ehm chuyên gia về quản trị hàng không và chuyên về sự cạnh tranh của các hãng bay quốc tế, nói: vẫn có cách lách cho các hãng châu Âu:
Đổi tuyến bay trên Bắc Cực hoặc các hướng bay phía nam. Trước đây không lâu, Nga buộc tất cả các máy bay qua Nga phải đáp ở Moscow. Nhưng nhiều hãng nước ngoài phản ứng bằng cách cho các tuyến bay dài hơn khoảng hơn 20% ở phía bắc hoặc phía nam để tránh không phận Nga.
Máy bay châu Âu sắp hạ cánh ở Anh
Một vấn đề khác: Nếu Nga cấm các hãng phương Tây thì Nga cũng lãnh hậu quả trực tiếp. Hiện Nga có nguồn thu “phí hoa lợi” giống như thuế áp lên các hãng nước ngoài muốn sử dụng không phận Nga.
Dù các “phí” này là một khoản đáng kể cho các hãng, nó vẫn rẻ hơn là đổi tuyến bay để tránh không phận Nga. Nên nếu các hãng châu Âu phải đổi đường bay, Nga sẽ mất khoản phí này.
Nói cách khác, nếu Nga cấm vận các hãng phương Tây thì cũng chính là Nga tự cấm vận, theo nhà báo Rick Noack của báo Washington Post (Mỹ).
Nga tăng sản lượng máy bay nội địa
Trong khi đó, phó thủ tướng Dmitry Rogozin-phụ trách mảng quốc phòng-nói Nga sẽ phát triển một chiếc máy bay đường xa với Trung Quốc. Tháng 10 tới, hai bên sẽ ký thỏa thuận đồng sản xuất kiểu máy bay này.
Nga hiện tính tăng gấp đôi sản lượng chiếc máy bay dân dụng mới nhất, là chiếc Sukhoi Superjet 100, kể từ năm 2015, theo hãng tin TASS dẫn lời ông Rogozin.
Hồi năm 2013, chỉ sản xuất 25 chiếc Superjet. Công ty Sukhoi hồi tháng 8 nói sẽ sản xuất 40 chiếc vào cuối năm 2014 và đạt sản lượng hàng năm 50 chiếc từ năm 2015.
Lĩnh vực hàng không của Nga cũng chuẩn bị tung kiểu máy bay dân dụng mới MC-21 từ tháng 4.2016. Ông Rogozin nói hãng Aeroflot sẽ là một trong những hãng lớn nhất sử dụng MC-21 với đơn đặt hàng 50 chiếc. MC-21 đã có 150 đơn đặt hàng kiểu máy bay này, để cạnh tranh với các đối thủ Boeing và Airbus trên thị phần đường bay trung bình.
Chính phủ Nga đầu tư mạnh vào dự án MC-21, hồi cuối tháng 8 ủng hộ kế hoạch vay 400 triệu USD từ ngân hàng nhà nước Sberbank của công ty sản xuất máy bay Irkut.
Thủ tướng Medvedev nói Nga phải tăng sản lượng máy bay nội địa, tiếp sau vụ phương Tây cấm vận Nga.
Nhu cầu dùng máy bay nội địa để thay các sản phẩm Boeing và Airbus càng mạnh bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vốn buộc Nga bảo đảm tự đứng vững ở các kỹ nghệ nhạy cảm nếu lệnh cấm vận kéo dài.
Nga hiện thuê 90 % máy bay phương Tây, và lệnh cấm vận đã buộc “hạ cánh” hãng bay giá rẻ Dobrolyot hồi tháng 8.
Theo Một Thế Giới