“Châu Âu nên biết ơn Mỹ về chương trình do thám”
Người dân Châu Âu nên biết ơn Mỹ về các chương trình do thám bởi nhờ đó mà họ đã được bảo vệ an toàn, giới nghị sĩ Mỹ hôm qua (27/10) đã phát biểu như vậy đồng thời kêu gọi các đồng minh của Mỹ cải thiện năng lực tình báo cũng như tăng cường nỗ lực giám sát. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh Châu Âu của Mỹ đang “ sôi sùng sục” vì những tiết lộ gần đây cho biết chương trình do thám của Mỹ đã nghe trộm điện thoại của một loạt các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Nữ Thủ tướng Đức đang rất tức giận trước thông tin về việc bà đã bị nghe lén điện thoại cá nhân trong suốt bao nhiêu năm qua.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ – ông Mike Rogers đã miêu tả việc chính phủ nước ngoài tức giận về chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đối với nhiều nhà lãnh đạo và dân thường trên thế giới là “không có thật”. Ông Rogers đã đổ lỗi cho giới báo chí đã làm câu chuyện trở nên sai lệch.
“Tôi cho rằng, câu chuyện tin tức lớn hơn ở đây là… khi các cơ quan tình báo của Mỹ không nỗ lực thu thập thông tin giúp bảo vệ các lợi ích của Mỹ cả trong và ngoài nước”, nghị sĩ của Đảng Cộng hào đã nói như vậy trên hãng tin CNN.
Và phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ – bà Caitlin Hayden khẳng định, hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ chỉ đơn giản “giống như việc thu thập thông tin của tất cả các quốc gia khác”.
Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney cho biết, hoạt động do thám đồng minh của Mỹ chẳng có gì mới cả. “Đó là việc mà chúng tôi đã tham gia từ lâu nay”, ông Cheney cho đài truyền hình ABC biết.
Dù giới chức Mỹ phủ nhận thông tin về việc họ đã khiến các đồng minh nổi giận nhưng rõ ràng những lùm xùm quanh chương trình do thám của nước này đã khiến các nhà lãnh đạo Châu Âu hồi tuần trước phải họp lại và đòi đưa ra một thỏa thuận mới với Washington liên quan đến vấn đề thu thập thông tin tình báo.
Tuy nhiên, nghị sĩ Mỹ Peter King – người đang lãnh đạo Tiểu ban Tình báo và Chống Khủng bố của Hạ viện Mỹ, cho rằng Tổng thống Obama nên “ngừng ngay việc xin lỗi” về vụ scandal nghe trộm điện thoại của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nói rằng các chương trình đó đã giúp cứu sống sinh mạng của “hàng ngàn” người.
“Tổng thống nên ngừng xin lỗi cũng như chấm dứt đưa ra những phát biểu mang tính biện hộ. Thực tế là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã cứu sống hàng ngàn người, không chỉ ở Mỹ mà cả ở Pháp, Đức và khắp Châu Âu”, nghị sĩ King cho biết. Ông này còn gợi ý rằng, Pháp nên tự mình tiến hành các chương trình do thám tương tự và vì thế nên chấm dứt ngay việc đưa ra những chỉ trích.
Theo lời ông Rogers , các công dân Pháp sẽ hoan nghênh việc Mỹ nghe trộm điện thoại ở nước họ nếu biết rằng hoạt động đó đã bảo vệ họ an toàn như thế nào. “Nếu người Pháp biết chính xác chuyện đó là như thế nào, họ sẽ hoan nghênh và bật sâm panh ăn mừng. Đó là một điều tốt. Nó đã giữ cho người Pháp an toàn. Nó bảo vệ cho Mỹ an toàn và cho các đồng minh Châu Âu của chúng tôi an toàn”, ông Robers nói thêm.
Video đang HOT
Nghị sĩ của Đảng Cộng hòa cũng khẳng định, báo chí đã “sai 100%” khi cho rằng, NSA đã giám sát hơn 70 triệu cuộc gọi ở Pháp trong một tháng.
Mỹ bác bỏ thông tin Obama biết bà Merkel bị nghe trộm điện thoại
Theo thông tin được “kẻ phản bội nước Mỹ” Snowden tiết lộ, có đến 35 nhà lãnh đạo thế giới bị Mỹ nghe trộm điện thoại. Nữ Thủ tướng Đức Merkel nằm trong số này và bà cũng là một trong những người phản ứng mạnh nhất với chương trình do thám đồng minh của Mỹ.
Vụ việc liên quan đến bà Merkel đang trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ngày hôm qua có tin, bản thân Tổng thống Barack Obama đã biết được về chương trình do thám nữ Thủ tướng Đức từ nhiều năm nay nhưng vẫn không làm gì để ngăn chặn.
Trong bối cảnh cảm giác bị phản bội đang lan khắp các thủ đô Châu Âu do hoạt động do thám các nhà lãnh đạo và dân thường thế giới của Mỹ gây ra, báo chí Đức đưa tin, hoạt động nghe lén điện thoại cá nhân của nữ Thủ tướng Merkel có thể đã được NSA thực hiện từ đầu năm 2002.
Tờ Bild am Sonntag dẫn lời các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ – ông Keith Alexander đã từng báo cáo Tổng thống Obama về chiến dịch nghe lén điện thoại của bà Merkel năm 2010. Tuy nhiên, “ông Obama đã không làm gì để ngăn chặn chiến dịch đó mà để cho nó tiếp tục diễn ra”, tờ báo của Đức trích lời một quan chức cấp cao của NSA cho biết.
Trong khi đó, tạp chí hàng tuần Der Spiegel đưa tin, tài liệu mật của NSA cho thấy, số điện thoại của bà Merkel đã xuất hiện trên danh sách các mục tiêu do thám của Mỹ trong suốt hơn một thập kỷ qua và nó vẫn tiếp tục được duy trì như vậy vài tuần trước khi Tổng thống Obama đến thăm Berlin hồi tháng 6 vừa rồi.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của NSA – bà Vanee” Vines đã thẳng thừng bác bỏ những thông tin nói trên. “Năm 2010, ông Alexander không hề thảo luận với Tổng thống Obama về chiến dịch tình báo được cho là liên quan đến nữ Thủ tướng Đức Merkel. Những thông tin đó là hoàn toàn không đúng sự thực”, bà Vines nhấn mạnh.
Dù thế nào thì những tiết lộ được tung ra từ các tài liệu do Snowden cung cấp liên quan đến các chương trình do thám của NSA đã gây ra một làn sóng tức giận trên khắp toàn cầu, đặc biệt là các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Châu Âu. Họ không tránh khỏi cảm giác bị phản bội, bị mất niềm tin vào nước Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận do Der Spiegel vừa thực hiện mới đây cho thấy, có đến 60% người Đức tin rằng, vụ scandal liên quan đến chương trình do thám của Mỹ đã làm tổn hại đến mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Vân Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Vụ nghe lén điện thoại của Mỹ gây "cơn bão" ngoại giao
Hoạt động do thám của Mỹ nhằm vào công dân và chính phủ nước ngoài đang gây bất bình trong chính giới và công luận.
Căng thẳng này đang tiếp tục dâng cao khi các nước châu Âu và Mỹ Latin bắt đầu xúc tiến các biện pháp nhằm giải quyết vụ việc qua kênh ngoại giao.
Đại sứ Mỹ tại các nước châu Âu và Mỹ Latin hôm 26/10 tiếp tục bị triệu tập dồn dập để yêu cầu người đứng đầu nước Mỹ giải thích về các cáo buộc liên quan đến hoạt động do thám do Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành.
Theo đó, Tây Ban Nha đã triệu tập Đại sứ Mỹ để chất vấn trước những cáo buộc về việc Mỹ đang thực hiện do thám Tây Ban Nha.
Chương trình nghe lén của NSA đang đẩy Mỹ vào trung tâm "cơn bão" ngoại giao (Ảnh AFP)
Không chỉ có vậy, Italy cũng bày tỏ sự "nổi giận" khi biết rằng nước này cũng thuộc "đối tượng kiểm soát" của tình báo Mỹ. Phía Đức sẽ cử quan chức cao cấp trong cơ quan tình báo đến Washington để "thúc đẩy" quá trình điều tra những cáo buộc về việc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngoài ra, Brazil và Đức trong tuần tới sẽ trình một dự thảo nghị quyết lên Liên Hợp Quốc để lên án hoạt động gián điệp, nêu rõ sự bất bình của cộng đồng quốc tế và bảo vệ các quyền riêng tư và bất khả xâm phạm về thư tín của công dân.
Dự thảo nghị quyết kêu gọi mở rộng Hiệp ước quốc tế về Quyền công dân và chính trị sang lĩnh vực hoạt động trên mạng Internet.
Đây là hiệp ước quốc tế có hiệu lực từ năm 1976, trước thời điểm mạng Internet xuất hiện.Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết sẽ không nêu đích danh Mỹ mà chỉ nhằm gửi một thông điệp cảnh báo đến những đối tượng lạm dụng Internet để vi phạm các quyền riêng tư.
Theo Ngoại trưởng Brazil Antonio Patriota, mạng lưới giám sát toàn cầu của Mỹ tại Brazil đã gây ra thách thức đối với mối quan hệ song phương: "Brazil và Mỹ đang phải đối mặt với thách thức mới trong mối quan hệ song phương. Thách thức liên quan đến việc ngăn chặn thông tin liên lạc điện tử và điện thoại của người dân Brazil. Nếu những thách thức này không được giải quyết một cách thỏa đáng, nguy cơ về sự mất lòng tin sẽ phủ bóng lên công việc của 2 bên."
Trước áp lực quốc tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết xem lại hoạt động do thám, trong đó cần tôn trọng các đối tác nước ngoài.
Theo bà Jen Psaki - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, các hoạt động tình báo này của Mỹ đã tạo ra những thách thức nhất định trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh và làm chệch hướng công luận về nỗ lực chống khủng bố của Mỹ.
Bà Jen Psaki giải thích:"Rõ ràng, việc tiết lộ các thông tin mật liên quan tới chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) dẫn tới những căng thẳng trong quan hệ của chúng tôi với một số đồng minh. Chúng tôi đang tiến hành thảo luận với những đồng minh này trong đó, phái đoàn của Đức sẽ đến đây trong vài tuần tới. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm châu Âu gần đây cũng đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Pháp, Italy về vấn đề này"".
Cũng vào hôm 26/10, Trợ lý Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề an ninh nội địa và chống khủng bố, bà Lisa Monaco thừa nhận những rò rỉ tình báo vừa qua đặt ra những thách thức lớn đối với quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống, nhưng lại trấn an người dân Mỹ rằng, hoạt động này là hoàn toàn hợp pháp.
Bà Monaco cho biết, Tổng thống Obama đã chỉ thị cho các nhà chức trách Mỹ kiểm tra lại và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động do thám. Những lời thừa nhận này từ các quan chức của Mỹ được đưa ra sau khi báo The Guardian của Anh thông tin Chính phủ Mỹ đã thu chặn và nghe lén điện thoại di động 35 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong khi vụ bê bối do thám của tình báo Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt thì tờ Wall Street Journal của Mỹ cho biết, mạng lưới giám sát của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ có khả năng kiểm soát được khoảng 3/4 thông tin Internet của Mỹ trong quá trình săn tin tình báo nước ngoài.
Còn theo các cuộc điêu tra của báo Washington Post, hiên nay môi ngày Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ chặn hơn 1 tỷ thư điện tử, cuôc goi điện thoại và các dạng liên lạc khác và lưu giữ lượng dữ liệu khổng lồ này ở kho siêu máy tính của mình.
Từ các vụ theo dõi thông tin trái phép của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ khắp nơi trên thế giới đã có nhiều quan ngại về việc các máy chủ điều hành mạng lưới Internet toàn cầu đang tập trung quá nhiều ở Mỹ. Đồng thời, hệ thống vệ tinh viễn thông của Mỹ cũng đang ở thế áp đảo về quy mô trên toàn cầu thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Mỹ đang đẩy các đồng minh của mình vào thế khó khi chính khách của các nước đồng minh như Đức, Pháp, Anh và Mexico buộc phải lên tiếng nếu không người dân sẽ kết tội các chính trị gia của họ đang tiếp tay cho nhưng hành động nghe lén của Mỹ.
Rõ ràng, vụ bê bối nghe lén điện thoại bị phanh phui đang gây ra cơn bão ngoại giao giữa Mỹ với các đồng minh, đặt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những thử thách lớn./.
Theo VOV Online
Mỹ thừa nhận nghe lén, website NSA bị tấn công Ngày 25/10, Mỹ đã lên tiếng thừa nhận việc nước này nghe lén điện thoại của công dân và lãnh đạo các nước trên thế giới đang gây căng thẳng ngoại gia. Trong khi đó, website của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ(NSA) bị tấn công trong nhiều giờ liền. Trước làn sóng chỉ trích ngày càng tăng, chính quyền Tổng thống...