Châu Âu kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít
Nhiều nước châu Âu phải hạn chế các hoạt động kỷ niệm lớn mừng ngày chiến thắng phát xít 8/5 khi Covid-19 vẫn hoành hành.
22h43 ngày 8/5/1945, các đại diện Đức Quốc xã ký biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin, đánh dấu chiến thắng của phe Đồng minh, chấm dứt Thế chiến II, một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất của nhân loại.
75 năm trôi qua, nhiều hoạt động, sự kiện diễu hành quy mô lớn kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở châu Âu (VE Day) đã bị hủy do ảnh hưởng của Covid-19, dịch bệnh đang hoành hành khắp toàn cầu, khiến hơn 4 triệu người nhiễm và hơn 276.000 người chết.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức hay Ba Lan vẫn có những cách riêng để kỷ niệm ngày lễ trọng đại này.
Đội bay Red Arrow trình diễn nhân ngày chiến thắng phát xít trên bầu trời thủ đô London hôm 8/5. Ảnh: Reuters.
Tại Anh, Nữ hoàng Elizabeth II có bài phát biểu trên truyền hình lúc 21h tối 8/5, thời điểm cách đây đúng 75 năm, cha bà là vua George VI cũng có bài phát biểu tương tự trên sóng phát thanh trước toàn thể dân chúng, thông báo chiến thắng trước phát xít Đức.
Nữ hoàng Anh đã tưởng nhớ sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến, cũng như bày tỏ sự kính trọng tới những người Anh đang chiến đấu với đại dịch Covid-19.
“Những người sống trong thời chiến hiểu rằng cách tốt nhất để vinh danh những người hy sinh trong chiến tranh là đảm bảo điều đó không xảy ra thêm lần nữa. Cách tưởng nhớ sự hy sinh của họ tuyệt vời nhất là những quốc gia, từng là kẻ thù trong cuộc chiến năm xưa và giờ là bạn bè, sát cánh cùng nhau để bảo vệ hòa bình, sức khỏe và thịnh vượng cho tất cả chúng ta”, Nữ hoàng Anh nói trong bài phát biểu tại lâu đài Windsor.
Video đang HOT
Sau bài phát biểu của Nữ hoàng, nhiều người dân đã ra trước cửa nhà và cùng hát vang bài hát thời chiến “We’ll Meet Again” (Chúng ta sẽ gặp lại). Trên khắp nước Anh, nhiều người cũng có những hoạt động riêng để hòa chung không khí kỷ niệm ngày chiến thắng như mặc trang phục của những năm 1940, nhảy múa, reo hò hay trang trí cờ hoa bên ngoài cửa nhà. Bài phát biểu mừng chiến thắng của cố thủ tướng Winston Churchill cũng được phát lại trên tivi.
Nhiều người khác tụ tập, nhưng đảm bảo cách biệt cộng đồng, để chiêm ngưỡng 9 tiêm kích của Đội bay Red Arrow trình diễn phía trên sông Thames.
Thủ tướng Anh Boris Johnson viết thư ca ngợi những cựu chiến binh, mô tả họ là “thế hệ tuyệt vời nhất của Anh”, trong khi Thái tử Charles cùng vợ dành hai phút mặc niệm tại đài tưởng niệm ở lâu đài Balmoral, Scotland.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì lễ kỷ niệm ở Khải Hoàn Môn, chỉ có sự tham gia của hai tổng thống tiền nhiệm là Francois Hollande và Nicolas Sarkozy. Ông Macron đặt vòng hoa và thắp lửa trên Đài Liệt sĩ Vô danh tại Đại lộ Champs-Elysees, thủ đô Paris. Ông cũng đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng Charles de Gaulle, vị tướng lừng danh đồng thời là cố tổng thống Pháp.
Macron kêu gọi người dân treo cờ trên ban công để tưởng nhớ sự hy sinh của những người lính trong cuộc chiến chống phát xít.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các quan chức Đức đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh ở Berlin, ngày 8/5. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các quan chức cấp cao đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, dành vài phút mặc niệm trong khi những tiếng kèn trumpet vang lên trên đại lộ Unter den Linden ở Berlin.
“Chúng tôi đã từng là kẻ thù của cả thế giới, nhưng 75 năm sau, chúng tôi không còn đơn độc”, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh trách nhiệm của người Đức là “nghĩ, cảm nhận và hành động” như những người châu Âu trong cuộc khủng hoảng hiện tại. “Nếu chúng ta không giữ được châu Âu đoàn kết trong và sau đại dịch, chúng ta sẽ không xứng đáng với ngày kỷ niệm này”, ông nói.
Thủ tướng Merkel cũng đã điện đàm với Thủ tướng Anh Johnson, Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin để kỷ niệm ngày lễ trọng đại này.
Tại Ba Lan, khi đặt hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ Vô danh ở thủ đô Warsaw, Tổng thống Andrzej Duda mô tả ngày chiến thắng là một thời khắc đáng nhớ nhưng cũng đầy ký ức đau buồn. Thế chiến II bắt đầu ngày 1/9/1939 khi trùm phát xít Adolf Hitler xua quân tấn công Ba Lan. 6 triệu người Ba Lan đã chết trong cuộc chiến này, trong đó một nửa là người Do Thái.
Do biên bản xác nhận đầu hàng của Đức được ký vào 0h43 ngày 9/5/1945 theo giờ Moskva, Nga và các nước trong Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (SNG) lấy ngày 9/5 là ngày Chiến thắng phát xít. Nga năm nay không tổ chức lễ Duyệt binh Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ vào ngày này do Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nữ hoàng Anh: 'Đừng bao giờ tuyệt vọng'
Nữ hoàng Elizabeth II kêu gọi người Anh "đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ tuyệt vọng" trong thông điệp kỷ niệm 75 Ngày Chiến thắng phát xít.
Nữ hoàng Elizabeth II có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp vào 21h ngày 8/5 (3h ngày 9/5 giờ Hà Nội) từ lâu đài Windsor, Berkshire, Anh, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng ở châu Âu, tức ngày quân đội các nước Đồng minh chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Phụ thân của Nữ hoàng, Vua George VI, từng có bài phát biểu vào đúng thời điểm trên khi kết thúc trận chiến ở châu Âu năm 1945. Đúng 21h ngày 8/5/1945, Vua George VI tuyên bố trên đài phát thanh: "Chúng ta giữ trọn một niềm tin với chính mình và với nhau, chúng ta giữ trọn niềm tin và đoàn kết với các đồng minh tuyệt vời của mình. Chính niềm tin, sự đoàn kết đó đã đưa chúng ta đến chiến thắng, vượt qua những nguy hiểm có lúc tưởng chừng không thể chịu đựng", ông nói.
Phát biểu từ lâu đài Windsor bên cạnh chân dung Vua George VI đúng 75 năm sau, Nữ hoàng nói: "Bài phát biểu của tôi hôm nay cùng giờ với phát biểu phụ thân tôi đã đưa ra 75 năm trước. Thông điệp của ông sau đó đã được gửi đến những người đàn ông, phụ nữ trong và ngoài nước đã hy sinh rất nhiều để đạt được điều mà ông gọi là 'sự giải thoát tuyệt vời'".
"Đó là một cuộc chiến tổng lực. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người và không ai tránh khỏi tác động của nó", Nữ hoàng Elizabeth nói. "Ban đầu, tình hình có vẻ ảm đạm, không ai dám chắc về kết cục của nó. Nhưng chúng ta vẫn giữ tin rằng chính nghĩa thuộc về mình, và niềm tin này, như cha tôi từng nói, đã đưa chúng ta vượt qua".
Nữ hoàng Anh gọi Ngày Chiến thắng ở châu Âu là một trong những ngày đáng nhớ nhất cuộc đời bà và bà sẽ không thể quên niềm hân hoan khi còn là Công chúa Elizabeth trẻ tuổi, được hòa vào dòng người mừng chiến thắng trên đường phố London.
"Không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ tuyệt vọng, đó là thông điệp của Ngày Chiến thắng", Nữ hoàng Anh tuyên bố. "Tôi rất biết ơn về sức mạnh, lòng can đảm mà Vương quốc Anh, Khối thịnh vượng chung và tất cả chúng ta đang đồng lòng thể hiện. Thế hệ thời chiến hiểu rằng cách tốt nhất để tôn vinh những người không trở về sau chiến tranh là đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa. Cống hiến lớn nhất cho sự hy sinh của họ là những quốc gia từng là kẻ thù truyền kiếp giờ là bạn bè, sát cánh vì hoà bình, sức khoẻ và thịnh vượng của tất cả chúng ta".
Nữ hoàng Anh Elizabeth phát biểu từ lâu đài Windsor, Berkshire, Anh, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng ở châu Âu, ngày 8/5. Ảnh: Điện Buckingham.
Bài phát biểu được Nữ hoàng Elizabeth đưa ra trong thời điểm nước Anh vẫn đang nỗ lực chống chọi với đại dịch Covid-19, khi hàng triệu người chịu lệnh phong tỏa ngăn virus lây lan.
"Hôm nay chúng ta khó có thể kỷ niệm ngày đặc biệt này như chúng ta mong muốn. Thay vào đó, chúng ta hãy tưởng nhớ từ trong nhà và bậc thềm. Đường phố của chúng ta không trống vắng, chúng chứa đầy tình thương yêu và sự quan tâm chúng ta dành cho nhau", bà nói.
"Và khi tôi nhìn vào đất nước chúng ta hôm nay và những gì chúng ta sẵn sàng làm để bảo vệ và hỗ trợ lẫn nhau, tôi tự hào nói rằng chúng ta vẫn là một quốc gia mà những người lính, thuỷ thủ và phi công dũng cảm đó đã luôn ghi nhận và cảm phục".
Bài phát biểu của Nữ hoàng Elizabeth được coi là sự kiến kỷ niệm cuối cùng của Anh nhân 75 năm ngày chiến thắng phát xít ở châu Âu. Người Anh trước đó đã dành một phút mặc niệm, tổ chức các bữa tiệc đường phố giãn cách cộng đồng hay tiệc trà trong nhà.
Ngày 7/5/1945, đại đô đốc Đức Karl Donitz ký thỏa thuận đầu hàng không điều kiện với phe Đồng minh, sau những trận chiến cuối cùng ở thủ đô Berlin. Tin tức về sự đầu hàng của phát xít Đức nhanh chóng lan đi khắp toàn cầu.
Anh, Mỹ và nhiều nước châu Âu kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào 8/5, trong khi Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ kỷ niệm sự kiện này vào 9/5 do chênh lệch múi giờ.
Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, khiến hơn 4 triệu người nhiễm, hơn 276.000 người chết. Nước Anh hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 211.000 ca nhiễm, hơn 31.000 ca tử vong.
Những hình ảnh ấn tượng nhất thế giới tuần qua Khắp thế giới, các hoạt động bị gián đoạn vì sự lây lan của virus, trong khi người dân phải thích nghi với những thói quen mới tại những quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại. Ảnh: Reuters. Máy bay quân đội Nga bay qua bầu trời thủ đô Moscow trong buổi tập dượt chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 75 năm...