Châu Âu khủng hoảng niềm tin
Công chúng khắp châu Âu đang mất niềm tin vào chính phủ, còn giới trẻ đối mặt với một tương lai bất định
Ở mặt trước chiếc áo thun treo bên ngoài một cửa tiệm bán đồ lưu niệm dưới chân thành cổ Acropolis (Hy Lạp) là những dòng chữ “Cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Không việc làm. Không tiền bạc. Chẳng có vấn đề gì”. Thật vậy, giới truyền thông toàn cầu đã loan truyền nhanh chóng rằng Athens đang gặp rắc rối lớn và toàn bộ châu Âu cũng như thế.
Xã hội khủng hoảng
Một người cho thuê xe trên đảo Santorini, cách đất liền Hy Lạp 200 km, tâm sự: “Việc làm và tiền bạc là vấn đề lớn nhất đối với những người bình thường như chúng tôi hiện nay”. Một người địa phương tuổi trung niên nhấn mạnh: “Tất cả chúng tôi đều lo lắng về đất nước. Những ngày tốt đẹp đã qua rồi và tôi phải làm hai việc để nuôi gia đình”. Có thể ông ta là một trong những nạn nhân trực tiếp nhất nhưng không phải là nạn nhân tệ hại nhất hoặc cuối cùng. Hầu hết người châu Âu đều có liên quan đến một loạt cuộc khủng hoảng kể từ năm 2008.
Video đang HOT
Tài xế taxi Hy Lạp đình công phản đối kế hoạch thắt lưng
buộc bụng của chính phủ ở Athens mới đây. Ảnh: AFP
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tuyên bố rằng Liên hiệp châu Âu (EU) đang đối mặt với những thách thức lớn nhất từ trước đến nay. Ông Barroso khẳng định: “Ngoài khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội, còn có khủng hoảng niềm tin”.
Trong khi các nhà lãnh đạo hàng đầu đang tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng nói trên, công chúng và thị trường đã bắt đầu mất niềm tin vào EU. Các nhà xã hội học lưu ý rằng các xã hội ở châu Âu đang đương đầu với nhiều thách thức và thế hệ trẻ đối mặt với sự bất định về tương lai của họ.
Các nhà hoạt động xã hội cho rằng hoàn cảnh khốn khó của những người nghèo nhất đang bị các nhà hoạch định chính sách quốc gia và EU phớt lờ một cách có hệ thống. Ngoài ra, theo báo cáo của một mạng lưới chống đói nghèo của EU, ảnh hưởng về mặt xã hội của cuộc khủng hoảng tài chính bị đánh giá không đúng mức.
Thất nghiệp nặng nề
Giáo sư David Natali, một nhà xã hội học ở Viện Quan sát châu Âu, nhận định những vấn đề chính về mặt xã hội ở châu Âu hiện nay hầu hết liên quan đến tình trạng thất nghiệp cao. Chẳng hạn Roza Smolinska, 25 tuổi, ở Brussels (Bỉ), có hai bằng thạc sĩ nhưng vẫn không thể tìm được việc làm.
Thế hệ trẻ ở châu Âu hiện nay là thế hệ đầu tiên lớn lên trong một châu Âu hòa bình và không có biên giới. Những người trẻ tuổi như Smolinska, từng học tập và thực tập ở một số quốc gia khác nhau, cũng nóng lòng cống hiến tài năng của họ. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn một nửa số giới trẻ châu Âu muốn làm việc ở nước ngoài nhưng vấn nạn thiếu tiền mặt làm nhiều người nản chí. Gần như chắc chắn rằng tiền bạc khắp châu Âu sẽ khan hiếm trong những năm tới đây do các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Các số liệu về tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ Tây Ban Nha là tệ hại nhất ở EU nhưng tình hình ở Hy Lạp cũng không khá hơn bao nhiêu. Các nước này đều có sự phân biệt đầy ác ý giữa những “người trong cuộc” lớn tuổi làm việc dài hạn và hưởng lợi tức rộng rãi với những “người ngoài” trẻ tuổi làm việc theo hợp đồng ngắn hạn với quyền lợi tối thiểu.
Theo Người Lao Động