Châu Âu hứng đòn giáng mạnh vào nỗ lực phát triển tên lửa
Báo Le Monde của Pháp ngày 28/6 đưa tin Tổ chức Khai thác vệ tinh khí tượng châu Âu ( EUMETSAT) đã hủy kế hoạch sử dụng tên lửa Ariane 6 do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phối hợp với tập đoàn ArianeGroup thực hiện, để chuyển sang hợp tác với công ty SpaceX của Mỹ.
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Endurance của SpaceX, thực hiện sứ mệnh đưa phi hành đoàn Crew-5 lên Trạm ISS, ngày 5/10/2022. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Quyết định trên được đưa ra khi chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời điểm Arianespace – công ty con của ArianeGroup – tiến hành vụ phóng đầu tiên của Ariane 6, dự kiến vào ngày 9/7 tới. Đây được xem là đón giáng mới nhất nhằm vào nỗ lực không gian của châu Âu, sau 4 năm trì hoãn đối với dự án Ariane 6. Hệ thống phóng tên lửa này ban đầu được lên kế hoạch phóng vào năm 2020, nhưng đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề kỹ thuật khiến hệ thống này không thể hoạt động.
Theo báo Le Monde, hội đồng điều hành EUMETSAT đã yêu cầu ban giám đốc đại diện cho tổ chức gồm 30 quốc gia thành viên này sử dụng tên lửa Falcon 9 của SpaceX để phóng vệ tinh thời tiết MTG-S1.
Điều này đồng nghĩa với việc EUMETSAT quyết định hủy bỏ hợp đồng đã ký với Arianespace cách đây 4 năm. Le Monde không nêu chính xác lý do khiến EUMETSAT quay lưng với Arianespace để “bắt tay” SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk.
Trong một chia sẻ trên nền tảng LinkedIn, Giám đốc điều hành cơ quan vũ trụ CNES (Pháp) – ông Philippe Baptiste đánh giá đây là điều “đáng thất vọng đối với những nỗ lực không gian của châu Âu, vào thời điểm mà tất cả các cường quốc phát triển sứ mệnh không gian ở lục địa này, cũng như Ủy ban châu Âu đang kêu gọi phóng vệ tinh châu Âu trên các bệ phóng châu Âu”.
Hiện dự án Ariane 6 của châu Âu đang thua kém đáng kể nếu so với tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Ariane 6 đã được đặt hàng triển khai tổng cộng 30 nhiệm vụ tính đến thời điểm này, với tần suất phóng dự kiến 9 lần/năm. Trong khi đó, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã lên kế hoạch thực hiện 144 lần phóng chỉ riêng trong năm 2024.
Một ưu điểm khác khiến Falcon 9 vượt trội hơn so với Ariane 6 là tên lửa của SpaceX có thể tái sử dụng.
Tên lửa đẩy Ariane 6 của châu Âu vượt qua cuộc thử nghiệm quan trọng
Ngày 23/11, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết tên lửa đẩy Ariane 6 đã vượt qua cuộc thử nghiệm quan trọng để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên vào năm 2024.
Tên lửa đẩy Ariane 5 mang theo kính viễn vọng không gian James Webb rời bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Guiana, Pháp, ngày 25/12/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
ESA cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra tại sân bay vũ trụ châu Âu ở Guiana, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Các bước thử nghiệm liên quan việc đốt cháy động cơ Vulcain 2.1 sử dụng cho Ariane 6 và vận hành động cơ này trong vòng 7 phút.
Đây là khoảng thời gian cần thiết để tên lửa đẩy Ariane 6 có thể bay vào vũ trụ. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc phân tích dữ liệu liên quan cuộc thử nghiệm này trong những ngày tới.
Trong tuyên bố, Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher nhấn mạnh rằng châu Âu đang trở lại đúng hướng nhằm tái đảm bảo cho năng lực tự chủ chinh phục vũ trụ. Ariane 6 do ArianeGroup - công ty liên doanh giữa tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và tập đoàn sản xuất thiết bị máy bay Safran của Pháp - phát triển để cạnh tranh với công ty thám hiểm không gian SpaceX của Mỹ. Phiên bản "tiền nhiệm" Ariane 5 được sử dụng lần cuối cùng trong vụ phóng vào tháng 7 năm nay, trong khi việc phóng tên lửa đẩy nhỏ hơn là Vega C lên vũ trụ vẫn bị đình chỉ sau thất bại vì lỗi động cơ trong vụ phóng hồi tháng 12 năm ngoái.
Châu Âu với ngành công nghiệp vận tải không gian Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Âu về không gian diễn ra hồi tháng 11/2023 tại Sevilla, Tây Ban Nha dưới sự tham mưu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng chưa từng có về ngành tên lửa châu Âu. Châu Âu hiện không đủ khả năng bay vào không gian một cách độc...