Châu Âu hành động sớm nhằm ngăn chặn siêu biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Liên minh châu Âu (EU) đề xuất dừng mọi hoạt động đi lại hàng không với khu vực miền Nam châu Phi trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến lo ngại về một loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 phát hiện ở Nam Phi.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là thông tin mới được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đăng tải trên Twitter ngày 26/11. Bà von der Leyen cho biết EC sẽ phối hợp với các nước thành viên để đề xuất kích hoạt cơ chế khẩn cấp cho phép dừng các hoạt động đi lại bằng đường hàng không từ khu vực miền Nam châu Phi do lo ngại về biến thể mới B.1.1.529. Theo các nhà khoa học Nam Phi, biến thể này có những đột biến rất dị thường và đáng quan ngại vì những đột biến này có thể giúp virus vô hiệu hóa phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Y tế Đức cho biết nước này chuẩn bị đưa Nam Phi vào danh sách khu vực ghi nhận biến thể nguy hiểm sau sự xuất hiện của B.1.1.529. Theo nguồn tin này, quyết định trên sẽ có hiệu lực từ tối 26/11, đồng nghĩa rằng các hãng hàng không sẽ chỉ được phép chở công dân Đức từ Nam Phi về nước. Những người trở về cũng sẽ phải cách ly 14 ngày kể cả đã được tiêm phòng đầy đủ. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết giới chức y tế nước này lo ngại về biến thể mới phát hiện và đó là lý do vì sao phải chủ động đưa ra các biện pháp phòng trừ từ sớm. Theo ông, điều quan trọng cần nhận thức rõ là một biến thể mới đã xuất hiện và có thể gây ra nhiều vấn đề hơn những biến thể cũ.
Tương tự, ngày 26/11, Italy đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với những người từng đến các nước ở miền Nam châu Phi, trong đó Nam Phi, trong 14 ngày gần nhất do lo ngại biến thể mới. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã ký chỉ thị cấm nhập cảnh với những người đến từ các quốc gia gồm Nam Phi, Lesotho, Bostwana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini. Bộ trưởng Speranza cho biết trong khi các nhà khoa học nước này đang nghiên cứu biến thể mới B.1.1.529 thì chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp đề phòng phù hợp nhất.
Video đang HOT
CH Séc cũng đã ban hành lệnh cấm đi lại với Nam Phi và các nước châu Phi khác để ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể mới. Theo đó, Ngoại trưởng Séc Jakub Kullhanek cho biết lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 27/11, áp dụng với các du khách nước ngoài từng đến và lưu lại hơn 12 tiếng tại các nước gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe, Botswana, Mozambique và Zambia.
Cũng trong ngày 26/11, Anh dẫn các nhận định của các nhà khoa học cho biết biến thể mới đang lây lan tại Nam Phi là biến thể mạnh nhất từng được phát hiện đồng thời cho rằng cần nghiên cứu thêm về hiệu quả của các loại vaccine phòng COVID-19 hiện có trước biến thể này. Anh đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm bay từ các nước gồm Nam Phi, Namibia, Bostwana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini. Lý giải cho lệnh cấm này, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps nêu rõ bài học từ những đợt dịch trước chỉ ra rằng những hành động can thiệp từ sớm là rất cần thiết.
Theo Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), biến thể B.1.1.529 có protein gai khác rất nhiều so với protein ở chủng gốc, trong khi các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay đều được bào chế dựa trên protein ở chủng virus gốc. Ông Shapps cho biết các nhà khoa học đã mô tả đây là biến thể đáng lo ngại nhất từng xuất hiện trong các nghiên cứu cho đến nay. Nhiều quan chức đã đưa ra lời khuyên rằng Chính phủ Anh cần hành động nhanh chóng và đón đầu phòng trường hợp diễn biến thực tế xảy ra đúng như lo ngại kể cả khi phải mất vài tuần nữa để tìm hiểu thêm các thông tin về đặc tính của biến thể mới. Ngoài Nam Phi, biến thể này cũng đã được phát hiện ở Botswana và Hong Kong (Trung Quốc) nhưng theo UKHSA, Anh chưa ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này.
Về phần mình, Nam Phi cho rằng Chính phủ Anh đã vội vàng khi áp dụng lệnh cấm các chuyến bay từ 6 nước châu Phi vì phát hiện biến thể mới trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn chưa đưa ra những khuyến nghị tiếp theo. Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor bày tỏ lo ngại rằng quyết định của Anh sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của cả 2 nước. Hiệp hội du lịch châu Phi (SATSA) cho rằng các biện pháp hạn chế đi lại của Anh vô hình chung lại nhắm vào những nước có năng lực phát hiện sớm biến thể như Nam Phi. Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết nước này sẽ trao đổi với đối tác Anh để kêu gọi xem xét lại quyết định.
Đồng rand của Nam Phi đã giảm giá 1% so với đồng USD do thông tin về biến thể khiến các nhà đầu tư lo ngại. Trong khi đó, cổ phiếu một số chuỗi khách sạn như Tsogo Sun Hotels và City Lodge Hotels đã giảm lần lượt 9% và 20% vì Nam Phi là điểm du lịch ưu thích của các khách du lịch Anh.
Nam Phi triệu tập cuộc họp nhằm ứng phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ triệu tập Hội đồng quốc gia phòng chống COVID-19 vào ngày 28/11 tới sau khi các nhà khoa học phát hiện một siêu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ekurhuleni, Nam Phi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tuyên bố ngày 26/11 của Chính phủ Nam Phi nêu rõ các quyết định được Hội đồng trên đưa ra sẽ trở thành căn cứ để chính phủ ban hành đánh giá về tình hình dịch COVID-19, trong đó có việc triển khai các mức độ phong tỏa phù hợp.
Trước đó, ngày 25/11, các nhà khoa học ở Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 "có số lượng đột biến rất cao". Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Botswana và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) trong số những du khách đến từ Nam Phi. Điều mà các nhà khoa học quan ngại là B.1.1.529 có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây nhiễm cao.
Lo ngại về tác động của siêu biến thể trên, cùng ngày, các quan chức Malaysia cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ siết chặt quy định với người nhập cảnh từ 7 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Theo đó, tất cả các trường hợp không phải là công dân Malaysia và những người không thuộc diện cư trú tại nước này có lịch trình đi lại tới 7 quốc gia này trong thời gian gần đây đều không được phép nhập cảnh. Các công dân Malaysia và người nước ngoài thuộc diện cư trú ở Malaysia vẫn sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ quy định cách ly. Ngoài ra, Malaysia cũng cấm công dân nước này tới 7 quốc gia châu Phi nói trên.
Dự kiến các quyết định trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối tuần này.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết nước này cũng đã quyết định ngừng tất cả các chuyến bay khởi hành từ miền Nam châu Phi đến Pháp trong vòng 48 giờ. Bộ trưởng Véran nhấn mạnh hiện chưa có trường hợp nào tại châu Âu được chẩn đoán nhiễm biến thể B.1.1.529. Ông cũng cho biết thêm rằng tất cả những người từng đến khu vực này đều sẽ được xét nghiệm sàng lọc và giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết sẽ cùng các nhà lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu tiến hành các cuộc thảo luận trong những giờ sắp tới để bàn về việc ứng phó với biến thể mới này.
* Tại Croatia, Bộ trưởng Nội vụ Davor Bozinovic cho biết nước này sẽ siết chặt các quy định đi lại từ một số quốc gia để đề phòng lây lan biến thể B.1.1.529. Danh sách hạn chế gồm có Nam Phi, Africa, Botswana, Eswatini, Lesotho, Zimbabwe, Namibia và Hong Kong (Trung Quốc). Các quy định hạn chế sẽ chính thức được đưa ra sau ngày 26/11.
Hàng loạt động thái của các quốc gia nói trên được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia tại như Đức, Anh, CH Séc, Israel, Singapore... cũng đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ châu Phi do lo ngại nguy cơ lây nhiễm của siêu biến thể B.1.1.529.
COVID-19 tới 6 giờ ngày 27/11: Thế giới bùng siêu biến chủng mới, hàng loạt quốc gia ngừng nhập cảnh khách từ Nam Phi Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 539.655 trường hợp mắc COVID-19 và 5.891 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 260,8 triệu ca, trong đó trên 5,2 triệu người không qua khỏi. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Praha, CH Séc. Ảnh: AFP/ TTXVN Theo số liệu thống kê...