Châu Âu dậy sóng vì Hy Lạp
Tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý của Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandreou về kế hoạch giải quyết khủng hoảng nợ khiến châu Âu chao đảo.
Sau một ngày tụt dốc không phanh, chỉ số chứng khoán tại nhiều nước trong ngày 2.11 đã bắt đầu gượng lại được nhưng vẫn còn rất thất thường, theo Bloomberg. Đây là hậu quả từ tuyên bố gây sốc của ông Papandreou. Chưa hết, trong phiên họp khẩn kéo dài 7 giờ từ đêm 1.11, nội các Hy Lạp đã thông qua kế hoạch trưng cầu dân ý nói trên. Tờ Le Figaro dẫn lời một phát ngôn viên của chính quyền Athens cho biết việc bỏ phiếu sẽ diễn ra “ngay khi có thể, sau khi những điểm quan trọng trong thỏa thuận giải cứu được xác lập”. Nếu suôn sẻ, cuộc trưng cầu có thể diễn ra trong tháng 12.
Biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” tại Athens ngày 2.11 – Ảnh: AFP
Những diễn biến này thật sự là một cú sốc cho khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), đặc biệt là Pháp, Đức và ngành tài chính châu Âu. Phải rất nỗ lực, EU mới thông qua được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng tài chính hồi cuối tháng trước, trong đó có điều khoản các ngân hàng châu Âu xóa một nửa khoản nợ của Hy Lạp, tương đương 100 tỉ euro và tăng Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu lên 1.000 tỉ euro. Nếu người dân Hy Lạp nói “không” trong cuộc trưng cầu thì mọi công sức đổ sông đổ biển. Giới quan sát đánh giá nếu điều này thật sự xảy ra thì kinh tế châu Âu sẽ chao đảo mạnh, Hy Lạp có thể bị đẩy khỏi eurozone, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản.
Không trực tiếp chỉ trích ông Papandreou như một số nhà lãnh đạo châu Âu khác nhưng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay lập tức cùng tuyên bố sẽ áp dụng thỏa thuận nói trên. Ông Sarkozy khẳng định đây là “con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp”.
Đáp lại làn sóng chỉ trích, Thủ tướng Hy Lạp nhận định cuộc trưng cầu dân ý sẽ là “một thông điệp rõ ràng về tương lai tại châu Âu của chúng tôi”. Ông Papandreou cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực “hãy ưu tiên nền dân chủ trước những lợi ích của ngành tài chính”. Dân Hy Lạp cho đến nay vẫn tỏ ra không hài lòng với những thỏa thuận xóa nợ vì lo ngại nước này sẽ phải đáp ứng những điều kiện “quá đáng” từ bên ngoài. Lâu nay, đã có nhiều cuộc biểu tình, đình công nổ ra để phản đối các chính sách cắt giảm phúc lợi, chi tiêu của chính phủ, một trong những điều kiện để được cứu trợ.
Thủ tướng Papandreou muốn xoa dịu lòng dân nhưng đã khiến Pháp không kịp trở tay ngay dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes vào ngày 2.11. Tổng thống Sarkozy muốn EU mang một bộ mặt “đoàn kết vượt qua khủng hoảng” tại Cannes nhưng nay “sự cố Hy Lạp” sẽ trở thành chủ đề quan trọng trong bàn nghị sự của G20.
Theo Thanh Niên
Giải quyết khủng hoảng nợ: Châu Âu sử dụng biện pháp ngoại lệ
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 27-10 đã thông qua một thỏa thuận quan trọng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng tại khu vực này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận xử lý khủng hoảng nợ
Trong cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu chiều 26-10 và kết thúc vào sáng sớm 27-10 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận trong đó các ngân hàng chấp thuận xóa 50% trong khoản nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Hy Lạp giảm nợ công xuống còn 120% GDP của nước này vào năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đồng ý cho Hy Lạp vay thêm 100 tỷ euro (140 tỷ USD). "Đây là những biện pháp ngoại lệ cho những thời điểm ngoại lệ. Châu Âu phải tìm cách để không bao giờ rơi vào hoàn cảnh tương tự", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Cũng theo thỏa thuận đạt được, các ngân hàng châu Âu sẽ phải tăng thêm vốn dự trữ để tự bảo vệ họ khỏi nguy cơ vỡ nợ chính phủ trong tương lai. Động thái này là một bước quan trọng hướng đến ổn định khu vực Eurozone.
Cùng với đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có kế hoạch tăng Quỹ ổn định tài chính châu Âu lên khoảng 1 nghìn tỷ euro (1,4 tỷ USD) để bảo vệ các nền kinh tế lớn hơn như Italia và Tây Ban Nha và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng. "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận cho phép chúng tôi phản ứng đáng tin cậy và toàn diện đối với cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp", Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói với các phóng viên.
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá, thỏa thuận này sẽ tái khẳng định với thế giới về tương lai của Eurozone. "Chúng ta có thể hy vọng rằng đã có hành động đúng đắn cho Eurozone", bà Merkel nói, "Thỏa thuận này giúp chúng ta đạt được một bước tiến xa hơn trên con đường hướng tới một liên minh ổn định hơn". Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang gây sức ép mạnh mẽ lên ông Silvio Berlusconi, Thủ tướng Italia - nước có nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu - nhằm đưa ra các kế hoạch cải cách đúng đắn và rõ ràng.
Theo ANTD
Ý nhờ Trung Quốc giải vây tài chính Đến lượt Ý buộc phải tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại châu Âu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ. Ngày 13.9, AFP dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Tài chính Ý thừa nhận Bộ trưởng Giulio Tremonti đã gặp gỡ một phái đoàn Trung Quốc hồi tuần trước nhằm tìm cách tháo gỡ khó...