Châu Âu ‘đắn đo’ Giáng sinh rực rỡ hay ‘kém sắc’ vì khủng hoảng năng lượng
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến các thành phố trên khắp châu Âu phải đau đầu cân nhắc liều lượng ánh sáng cho một mùa lễ cuối năm rực rỡ hay kém lung linh hơn.
Đèn trang trí Giáng sinh trên phố Regent, London ngày 24/11/2022. Ảnh: AP
Những người khách mua sắm đồ trang trí đã chật kín chợ Giáng sinh Verona trong ngày khai mạc cuối tuần. Nhưng ngoài các quầy hàng ở chợ, thành phố của Italy vẫn chưa trang trí đèn lấp lánh trên những con đường đi bộ lát đá granit khi các quan chức còn tranh luận về tiết chế ánh sáng trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng.
Tại các thành phố trên khắp châu Âu, các quan chức đang phải khó khăn lựa chọn giữa thời buổi giá năng lượng tăng cao: trang trí một mùa Giáng sinh mờ nhạt để gửi thông điệp về tiết kiệm năng lượng và tình đoàn kết với người dân đang bị bị siết chặt bởi lạm phát, đồng thời bảo vệ ngân sách công; Hoặc vẫn thắp những ngọn đèn rực sáng trong thông điệp “bùng nổ” sau hai năm mùa Giáng sinh bị đại dịch dập tắt, chiếu rọi các đường phố trong một mùa lễ mà các nhà bán lẻ hy vọng sẽ nới lỏng hầu bao của mọi người.
Khách đi chợ Giáng sinh ở Strasbourg, một trong những chợ Giáng sinh cổ nhất và lớn nhất châu Âu, vào 25/11/2022. Ảnh: AP
Estrella Puerto, người bán khăn trùm đầu truyền thống của Tây Ban Nha trong một cửa hàng nhỏ ở Granada, Tây Ban Nha, cho biết: “Nếu bỏ đi đèn, họ có thể tắt Giáng sinh”.
Nhưng trên thực tế, ánh sáng đã bớt lấp lánh hơn từ cây thông Noel trung tâm tại chợ Giáng sinh Strasbourg nổi tiếng, vốn thu hút 2 triệu người mỗi năm, khi thành phố của Pháp tìm cách giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng công cộng trong năm nay.
Từ Paris đến London, các quan chức thành phố đang giới hạn số giờ chiếu sáng trong ngày lễ và nhiều người đã chuyển sang sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng hơn hoặc các nguồn năng lượng tái tạo. Khu mua sắm Phố Oxford của London hy vọng sẽ cắt giảm 2/3 mức tiêu thụ năng lượng bằng cách hạn chế độ sáng của đèn trong khoảng thời gian từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm và đang thay sang bóng đèn LED.
“Về mặt sinh thái, đó là giải pháp thực sự duy nhất”, cô Marie Breguet, 26 tuổi, cư dân Paris, cho biết khi đi dạo trên đại lộ Champs-Elysees, nơi chỉ được thắp sáng đến 23h45, thay vì 2 giờ sáng như những dịp Giáng sinh trước.
Video đang HOT
“Chiến tranh và cạn kiệt năng lượng là một thực tế. Sẽ không có ai bị tổn thương nếu ít ánh sáng hơn một chút trong năm nay”, Marie tỏ ra thông cảm.
Vòng quay Ferris tại một hội chợ Giáng sinh ở Bucharest, Romania ngày 20/11/2022. Ảnh: AP
Đèn đã bị tắt dọc theo Đại lộ Andrassy ở Budapest, thường được gọi là “Champs-Elysees của Hungary”, nơi các quan chức quyết định sẽ không để ánh sáng chiếu rọi trong hơn 2 km như những năm trước. Hệ thống chiếu sáng cũng bị cắt giảm tại các địa danh nổi tiếng khác của thành phố, bao gồm các cây cầu bắc qua sông Danube.
Phó thị trưởng Budapest, Ambrus Kiss, cho biết: “Tiết kiệm ánh sáng trang trí là thực tế khi chúng ta đang sống trong thời đại cần đến từng giọt năng lượng”
Ông Kiss không nghĩ rằng việc tiết kiệm ánh sáng sẽ ngăn cản khách du lịch đến thành phố, nơi tổ chức hai phiên chợ Giáng sinh thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm. “Tôi nghĩ đó là một cuộc tranh luận bị thổi phồng”, ông nói.
Cây thông Giáng sinh ở Grand Place, Brussels, Bỉ, ngày 25/11/2022. Ảnh: AP
Các đèn lễ hội, bao gồm đèn LED, cũng sẽ được giảm thời gian chiếu sáng từ 1 giờ đến 6 giờ sáng tại trung tâm thành phố cổ Brasov ở miền trung Romania và tắt ở những nơi khác.
Cuộc khủng hoảng năng lượng, chủ yếu do Nga cắt phần lớn khí đốt tự nhiên xuất đến châu Âu, cũng đang châm ngòi cho sự đổi mới. Tại thị trấn miền núi Borno, ở Lombardy, Italy, người dân đạp xe trên những chiếc xe đạp đứng yên để cung cấp năng lượng cho cây thông Noel của thị trấn. Bất kỳ ai cũng có thể lên xe và đạp càng nhanh thì đèn càng sáng. Các quan chức cho biết sẽ không có hệ thống chiếu sáng ngày lễ nào được lắp đặt ở những nơi khác trong thị trấn để nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng.
Tại Italy, nhiều thành phố có truyền thống thắp sáng cây thông Noel tại các quảng trường công cộng vào ngày 8/12, ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm, vẫn còn thời gian để lên kế hoạch cho các màn trình diễn đường phố. Các quan chức thành phố Verona ở miền bắc đang thảo luận về việc hạn chế chiếu sáng ở một số con phố mua sắm chính và sử dụng tiền tiết kiệm để giúp đỡ các gia đình khó khăn.
Người dân đi bộ trên Đại lộ Champs Elysee ở Paris ngày 20/11/2022. Ảnh: AP
Tuy nhiên, các chương trình tiết kiệm cũng gặp phải không ít ý kiến phản đối. Sau hai kỳ nghỉ lễ Giáng sinh bị “kìm kẹp” bởi đại dịch COVID-19, một số người đang kêu gọi phản đối nỗ lực tiết kiệm trong mùa lễ.
“Đâu phải Giáng sinh quanh năm. Tại sao chúng ta không thể tận hưởng mùa lễ hội như bình thường và tiết kiệm (năng lượng) trong thời gian còn lại của năm?”, Alice Betout, 39 tuổi, người Paris, nói.
Ở Tây Ban Nha, thành phố cảng Vigo ở vùng tây bắc, không để cuộc khủng hoảng năng lượng cản trở truyền thống tổ chức màn trình diễn ánh sáng Giáng sinh xa hoa nhất của đất nước. Vigo đã mở các màn trình diễn ánh sáng vào ngày 19/11 tại một địa điểm thu hút khách du lịch quan trọng.
Trang trí trên phố Vigo, Tây Ban Nha, ngày 19/11/2022. Ảnh: AP
Mặc dù chính quyền trung ương kêu gọi các thành phố giảm lượng đèn chiếu sáng, nhưng hệ thống lắp đặt năm nay vẫn lên tới 11 triệu đèn LED trên hơn 400 đường phố nhiều hơn 30 đèn so với năm ngoái và nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác của Tây Ban Nha. Để đóng góp một phần nhỏ vào việc tiết kiệm năng lượng, chúng sẽ duy trì hoạt động ít hơn một giờ mỗi ngày.
Thị trưởng Abel Caballero nói rằng lợi nhuận kinh tế là rất quan trọng, cho cả thương mại và doanh nghiệp ở Vigo. Các khách sạn trong thành phố và khu vực lân cận đã kín chỗ cho sự kiện ra mắt hệ thống chiếu sáng và dự kiến sẽ lấp đầy gần 100% mỗi tuần.
Trong khi đó, kỳ nghỉ lễ sẽ tỏa sáng rực rỡ ở Đức, nơi mùa cuối năm là động lực lớn cho các nhà bán lẻ và nhà hàng. Việc cắt giảm tiêu thu năng lượng khẩn cấp được công bố vào mùa thu này, nhưng miễn trừ ánh sáng phục vụ tôn giáo, “đặc biệt là vào dịp Giáng sinh”.
Hiệp hội các nhà triển lãm chợ Giáng sinh ở Đức lập luận rằng một gia đình đi chợ Giáng sinh tiêu thụ ít năng lượng hơn là ở nhà. Một gia đình bốn người dành một giờ để nấu bữa tối trên bếp điện, phát trực tuyến bộ phim dài hai giờ, chạy bảng điều khiển video và thắp sáng phòng trẻ em sẽ sử dụng 0,711 kilowatt giờ mỗi người so với 0,1 đến 0,2 kilowatt giờ mỗi người đi dạo chợ Giáng sinh.
Frank Hakelberg, Giám đốc điều hành của Hiệp hội những người biểu diễn Đức cho biết: “Nếu mọi người ở nhà, họ sẽ không ngồi trong góc trong bóng tối. Nằm đi văng xem phim sử dụng nhiều năng lượng hơn so với khi họ ra chợ Giáng sinh.”
Giá khí đốt tại EU bắt đầu tăng vọt khi mùa đông đến gần
Trong tuần qua, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt do nhu cầu sưởi ấm tăng lên mạnh mẽ khi mùa đông đến gần.
Theo hãng tin Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu theo hợp đồng tương lai chuẩn đã tăng 8% trong tuần qua. Mặc dù đã giảm so với mức cao nhất vào mùa hè do nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) dồi dào giúp lấp đầy kho dự trữ châu Âu, nhưng các chuyên gia cho rằng giá khí đốt ở châu lục này có thể bắt đầu tăng trở lại.
Báo cáo của hãng dữ liệu tài chính Refinitiv Eikon cho biết hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên trên sàn TTF của Hà Lan cho tháng 12 tăng 1% lên 130 USD/megawatt /giờ và các hợp đồng tháng 1 tăng lên 133,6 USD/megawatt /giờ.
Nhu cầu sưởi ấm khi mùa đông đến gần sẽ tiếp tục đẩy giá khí đốt lên cao và đã khiến các nước EU bắt đầu bơm khí đốt từ các kho dự trữ. Kho dự trữ ở Italy đã giảm từ 95,4% xuống 93,5% do nước này phải đối mặt với nhu cầu tăng cao vào tháng 11.
Trước đó, hôm 24/11, Ủy ban Châu Âu đã áp đặt giới hạn mức tiêu thụ khí đốt trong mùa đông này. Giới chức cũng khuyến cáo các quốc gia nên lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ít nhất 45% trước ngày 1/2/2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình ở châu Âu vẫn còn nhiều thách thức vì nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng có thể làm cạn kiệt kho dự trữ và khiến thị trường bị gián đoạn nguồn cung. Trong bối cảnh đó, sự bất ổn xung quanh dòng khí đốt của Nga qua Ukraine là yếu tố sẽ thúc đẩy giá tăng cao hơn.
Hôm 22/11, Gazprom cảnh báo tập đoàn năng lượng này có thể phải cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên tới Moldova trên đường ống khí đốt thông qua Ukraine từ ngày 28/11. Gazprom cáo buộc phía Kiev đã giữ lại 52,52 triệu m3 khí đốt mà Nga chuyển cho quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, cả Moldova và Ukraine đều bác bỏ thông tin do Gazprom cung cấp. Phía Kiev tuyên bố, toàn bộ lượng khí đốt Nga chuyển qua nước này đều được vận chuyển đầy đủ tới Moldova.
Kể từ khi triển chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tự nhiên qua châu Âu, viện dẫn vấn đề về thanh toán và bảo trì trong bối cảnh Moskva bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng, điều mà Moskva nhiều lần bác bỏ. Nga cho rằng chính các lệnh trừng phạt phương Tây đã gây tác dụng ngược, khiến châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và nhu cầu của châu Âu khí đốt để sưởi ấm cũng như cấp điện và vận hành các nhà máy gia tăng, nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung tới châu Âu, giá của mặt hàng này có thể sẽ tiếp tục tăng. Diễn biến này có thể khiến lạm phát và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên trầm trọng.
Pháp và Đức kêu gọi đánh thuế công ty đa quốc gia ở cấp độ toàn EU Ngày 24/11, Pháp và Đức đã kêu gọi thực hiện áp thuế tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia ở cấp độ toàn Liên minh châu Âu (EU). Đồng euro tại một ngân hàng ở Heidelberg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN Trong tuyên bố chung giữa Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire và người đồng cấp Đức...