Châu Âu cần “tường lửa”
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi châu Âu dựng “ tường lửa” để ngăn chặn khủng hoảng nợ lan rộng.
Cảnh sát Thụy Sĩ bắn hơi cay vào người biểu tình chống WEF ở Davos – Ảnh: Reuters
Theo báo Wall Street Journal (WSJ), hôm qua 29-1, ngày cuối cùng của WEF tại Davos, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định khối đồng euro cần một “bức tường lửa đơn giản, rõ ràng” để vượt qua cơn bão nợ công. Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne nhấn mạnh “tường lửa” này cần đủ lớn để khôi phục niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào đồng euro.
“Tường lửa” đó là quỹ giải cứu cơ chế ổn định châu Âu (ESM), sở hữu 500 tỉ euro (656 tỉ USD). WSJ cho biết ESM sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 7-2012. Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang thảo luận cách tăng cường sức mạnh của ESM để giải cứu các nước đang có nguy cơ vỡ nợ và ngăn chặn khủng hoảng toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng ESM cần có quy mô lớn hơn nhiều để trấn an giới đầu tư.
Video đang HOT
Hi Lạp hi vọng được xóa nợ 100 tỉ euro
Hi Lạp vẫn đang là vấn đề lớn nhất của khối đồng euro. Theo báo New York Times, tính đến hôm qua Chính phủ Hi Lạp vẫn đang thảo luận với các ngân hàng và giới đầu tư tư nhân về thỏa thuận xóa nợ 100 tỉ euro (132 tỉ USD) trong tổng số 350 tỉ euro (462 tỉ USD) nợ công. Đổi lại, các chủ nợ sẽ nhận tiền mặt và trái phiếu mới.
Qua đó, Athens sẽ tránh nguy cơ vỡ nợ. Hai bên cho biết sẽ đạt được thỏa thuận sơ bộ vào tuần tới. Hi Lạp cần sớm đạt một thỏa thuận trong vài ngày tới để được nhận khoản cứu trợ kế tiếp trong gói cứu trợ đầu tiên ký với châu Âu. Theo WSJ, nếu không có khoản cứu trợ này, Athens sẽ không thể trả nợ 14,4 tỉ euro (19 tỉ USD) vào tháng 3 và sẽ trở thành thành viên đầu tiên của khối đồng euro vỡ nợ.
Tuy nhiên, Athens phải đối mặt với rắc rối mới. Theo báo Financial Times, Đức muốn Ủy ban châu Âu (EC) chỉ định một ủy viên giám sát kế hoạch ngân sách và chi tiêu của Hi Lạp. Ủy viên này có quyền phủ quyết các dự thảo ngân sách của Hi Lạp nếu xác định Athens không tuân thủ các quy định thắt lưng buộc bụng của Liên minh châu Âu (EU).
“Athens phải chấp nhận mất chủ quyền ngân sách cho châu Âu trong một thời gian” – Financial Times dẫn đề xuất của Đức. Reuters cho biết các quan chức Hi Lạp tuyên bố sẽ không chấp nhận đề xuất của Đức vì cho rằng vi phạm chủ quyền quốc gia của Athens. Athens cho rằng EU cần thay đổi các hiệp ước châu Âu nếu muốn đưa ra yêu sách như vậy. Tại Brussels, EC trấn an Athens sẽ không đánh mất chủ quyền ngân sách.
Tiêu điểm Brussels
Hôm nay 30-1, WEF đã kết thúc và mọi chú ý sẽ tập trung vào hội nghị EU ở Brussels. Theo báo Financial Times, các nhà lãnh đạo EU sẽ thông qua các thỏa thuận cuối cùng để khởi động ESM và thắt chặt kỷ luật ngân sách của các nước thành viên. Thỏa thuận xóa nợ 100 tỉ euro của Hi Lạp sẽ là một trong những chủ đề chính.
Báo Anh Telegraph tiết lộ bất chấp lời trấn an của EC rằng Hi Lạp sẽ không đánh mất chủ quyền, sau cuộc họp hôm nay 30-1, EU sẽ nắm trong tay quyền kiểm soát chính sách thuế, ngân sách và chi tiêu của các nước đang khủng hoảng trong khối đồng euro. Ngoài ra, theo trang Dow Jones, dự thảo tuyên bố của hội nghị cho biết EU sẽ tập trung vào các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso đã cam kết thực hiện các biện pháp tạo việc làm và tăng trưởng, trong đó có sử dụng các quỹ EU để tạo việc làm cho thanh niên châu lục và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. Tại Davos, Tổng giám đốc IMF Lagarde kêu gọi các nền kinh tế khỏe mạnh ở châu Âu thúc đẩy tiêu dùng trong nước, kích thích kinh tế.
Tại diễn đàn WEF ở Davos, rất nhiều nhà kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại với nguy cơ khủng hoảng nợ châu Âu bùng nổ. Theo báo New York Times, chuyên gia Nouriel Roubini, người dự đoán chính xác khủng hoảng tài chính 2008, cho rằng có thể Hi Lạp sẽ rời khối đồng euro trong năm nay và có 50% khả năng khối đồng euro sẽ tan vỡ trong 3-5 năm.
“Không ai miễn nhiễm cả – Tổng giám đốc IMF Lagarde cảnh báo về khủng hoảng nợ châu Âu – Đó không chỉ là khủng hoảng khối đồng euro. Cuộc khủng hoảng có tác động dây chuyền đến toàn thế giới”.
Theo Tuổi Trẻ
Đức ủng hộ Hy Lạp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ
Đức ủng hộ Hy Lạp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và hy vọng nước này đàm phán thành công về tái cơ cấu nợ với các nhà đầu tư tư nhân.
Ngoại trưởng Hy Lạp Lucas Papademos (phải) hội đàm với Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, tại Athens, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle tuyên bố như trên ngày 15/1 tại thủ đô Athens của Hy Lạp sau cuộc đàm phán với người đồng cấp Hy Lạp Stavros Dimas.Ngoại trưởng Đức, nước đóng góp lớn nhất trong gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hy Lạp, nhấn mạnh chuyến thăm Hy Lạp của ông là nhằm phát đi một thông điệp tới người dân Hy Lạp rằng Đức muốn chung tay giải quyết các vấn đề cùng với Hy Lạp. Ông cũng bày tỏ hy vọng Athens tiếp tục thực hiện các cải cách đã cam kết.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức tới Hy Lạp diễn ra hai ngày sau khi cuộc đàm phán giữa Athens và các ngân hàng tư nhân về vấn đề giảm nợ lâm vào ngõ cụt.
Ngày 13/1, các chủ nợ tư nhân đã bất ngờ ngừng các cuộc đàm phán với Hy Lạp về việc xóa khoảng 50% nợ (trị giá 100 tỷ euro) của nước này theo yêu cầu của EU, với lý do thiếu sự hiểu biết lẫn nhau. Điều này đã làm gia tăng những lo ngại về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp, đặc biệt trong bối cảnh Cơ quan đánh giá tín nhiệm Standard & Poor"s vừa hạ mức xếp hạng tín nhiệm của một số quốc gia thành viên EU.
Ông Westerwelle cũng cho rằng đã đến lúc châu Âu cần thành lập các cơ quan xếp hạng tín nhiệm "độc lập" của châu Âu, bởi theo ông, đánh giá của một số cơ quan xếp hạng tín nhiệm vừa qua đã gây bất ổn cho các thị trường vừa mới ổn định trở lại. Hiện 3 cơ quan đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard & Poor"s, Moody"s và Fitch, đều là công ty tư nhân có trụ sở ở Mỹ.
Ngày 17/1, "bộ ba" các nhà kiểm toán quốc tế thuộc EU, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tới Athens để đánh giá những nỗ lực của Hy Lạp nhằm cắt giảm thâm hụt và thực hiện các cải cách cơ cấu.
Một ngày sau đó, cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Hy Lạp và các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ được nối lại./.
Theo TTXVN
"Bão" kép ở Hungary Giữa lúc còn đang loay hoay chưa tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ, Hungary lại phải đối mặt với những sóng gió mới trên chính trường khi hàng loạt cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức trong những ngày qua đang ươm mầm cho nguy cơ bất ổn xã hội nảy sinh. Nguồn cơn của làn sóng thịnh...