Châu Á trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc
Mỹ đang đau đầu với những vấn đề do mất cân đối chi tiêu, trong khi Trung Quốc nổi lên nhờ tăng trưởng kinh tế liên tục. Washington vẫn khẳng định “trở lại châu Á”, trong khi với Bắc Kinh, hiện là cơ hội để buộc Mỹ giảm sự hiện diện ở khu vực.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngày 19/8 nhân chuyến thăm Trung Quốc.
Mỹ: Chiến lược và thách thức
Cuối tuần qua, trả lời phỏng vấn của nhật báo Australia The Australian, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell tuyên bố là Mỹ phải chuyển trọng tâm ngoại giao từ Trung Đông về châu Á, thiết lập quan hệ lâu dài.
Giới chuyên gia Á châu xem đây là quan điểm đa số trong chính phủ Mỹ phù hợp với sự mong chờ của Á châu đang bị sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc lấn áp.
Trong chiều hướng này, Mỹ tăng cường đối thoại với Trung Quốc và phục hồi hợp tác với Đông Nam Á cũng như các cường quốc khu vực như Nhật Bản và Australia.
Một dấu hiệu thể hiện ngày càng rõ việc thắt chặt các khâu trong chiến lược “trở lại châu Á” là Mỹ cũng đang tích cực thông qua “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP) để tăng cường tham dự và ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế-thương mại châu Á-Thái Bình Dương.
TPP vốn do 4 nước là Singapore, New Zealand, Chile và Brunei khởi dựng và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2006 nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố Mỹ quyết định tham gia TPP, đồng thời cổ vũ các nước như Malaysia và Việt Nam cùng tham gia. Mở rộng sân chơi chiến lược này giúp Mỹ can dự hơn nữa vào châu Á và tăng cường ưu thế thương mại của mình đối với khu vực.
Video đang HOT
Nhưng Mỹ – nước có ngân sách quốc phòng lớn hơn nhiều so với Trung Quốc và hiện chiếm khoảng 43% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu, lại đang phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi phải đưa ra chương trình cắt giảm lớn về chi tiêu, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà thậm chí cả trong tương lai.
Nợ công chồng chất đã buộc Mỹ phải cắt giảm ngân sách nhà nước, trong đó có phần liên quan đến quốc phòng, có thể lên đến cả trăm tỷ USD mỗi năm.
Sự kiện này đã làm dấy lên mối lo ngại là vai trò của Mỹ trên thế giới, nhất là tại châu Á, có thể bị tác động. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng uy tín của Mỹ ở châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng do sự mất cân đối chi tiêu.
Nhưng cũng có những ý kiến khẳng định do tính vượt trội của quân đội Mỹ, việc giảm ngân sách quốc phòng sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng.
Hiện nay, chi phí quân sự hàng năm của nước Mỹ lên đến 700 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác trên thế giới. Theo một số ước tính, ngân sách quốc phòng của Mỹ tương đương với hơn 40% chi phí quân sự của toàn thế giới cộng lại.
Ngay cả khi tính tỷ lệ ngân sách quốc phòng so với Tổng sản phẩm quốc nội GDP, Mỹ vẫn là nước giữ kỷ lục về mức chi cho quân sự. Kể cả Trung Quốc, nước đứng thứ hai thế giới về chi phí quốc phòng, cũng chỉ có ngân sách quân sự trung bình khoảng 80 tỷ USD, chẳng thấm vào đâu so với Mỹ. Hai cường quốc quân sự khác là Anh và Pháp cũng chỉ chi tiêu khoảng 65 tỷ USD một năm.
Trung Quốc: Thế lợi và thế bất lợi
Hiện Trung Quốc và Nhật Bản là những chủ nợ lớn nhất của Chính phủ Mỹ. Chỉ riêng Trung Quốc đã nắm giữ gần 1.160 tỷ USD các trái phiếu kho bạc Mỹ, chiếm 26% trong tổng số nợ nước ngoài của Mỹ.
Sức mạnh kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc cho phép nước này chi tiền cho chương trình hiện đại hóa quân đội, phô trương sức mạnh ở khu vực.
Giới phân tích phương Tây nhận định, điều này, cùng với niềm tin rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á đang suy yếu dần, đã khiến Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và với Ấn Độ ở khu vực biên giới chung.
Khi Đô đốc Mike Mullen, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, thăm Trung Quốc gần đây, Tướng Trần Bính Đức của Trung Quốc đã nói rằng “sự tin tưởng lẫn nhau” sẽ chỉ có được nếu Mỹ tôn trọng các lợi ích của Trung Quốc ở Đài Loan, Biển Đông và các vùng biển và không gian gần Trung Quốc khác.
Bắc Kinh đã cảnh báo rằng các chuyến bay trinh sát của Mỹ gần đây ở bờ biển của Trung Quốc mà Mỹ khẳng định là phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục thực hiện là một trở ngại chính cho mối quan hệ quân sự Trung-Mỹ.
Hiện Trung Quốc chiếm 26% trong tổng số nợ nước ngoài của Mỹ và sẽ là nước châu Á thiệt hại nặng nề nhất nếu Mỹ bị vỡ nợ. Nhưng mặc dù Trung Quốc quan ngại cuộc tranh luận về nợ công ở Mỹ kéo dài sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế của thế giới, song nước này cũng tìm thấy cơ hội để gia tăng áp lực nhằm buộc Mỹ giảm sự hiện diện quân sự ở châu Á.
Nhưng trong khi phô trương sức mạnh ở châu Á, cùng lúc gia tăng áp lực nhằm buộc Mỹ giảm sự hiện diện quân sự ở châu Á, Bắc Kinh lại đang đánh mất uy tín tại khu vực này.
“Từ Nhật Bản đến Singapore, từ Philippines đến Việt Nam, đều xem Trung Quốc có mưu đồ xâm lược”, báo mạng AsiaTimes dẫn lời giáo sư Jian Junbo, một chuyên gia Trung Quốc thuộc Đại học Thượng Hải nhận định.
Ngày 10/8, Chánh Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, ông Yukio Edano tuyên bố là nếu quốc gia nào xâm lăng đảo Senkaku/Điếu Ngư, thì “Tokyo sẽ nhân danh quyền tự vệ, đánh đuổi kẻ thù bằng bất cứ giá nào”.
Ngay cả Singapore, không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và được xem là một nước thân thiện với Bắc Kinh, cũng chỉ trích chính sách bá quyền của phương Bắc. Hồi đầu năm nay, ông Lý Quang Diệu, nhà sáng lập nước Singapore, đã tuyên bố ông “thích ảnh hưởng bá quyền của Mỹ hơn là của Trung Quốc vì Mỹ có thiện chí bất vụ lợi hơn”.
Bất lợi này trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực có lẽ Trung Quốc không phải là không hiểu.
Theo Dân Trí
Tướng Trung Quốc bác tin tàu sân bay sẽ hoạt động năm 2012
Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Zhang Zhaozhong hôm qua đã bác tin cho rằng tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ chính thức hoạt động năm 2012, không lâu sau khi báo chí Trung Quốc tuyên bố địa bàn hoạt động của con tàu sẽ là Biển Đông vào năm 2012.
Tàu sân bay Trung Quốc tại cảng Đại Liên sau chuyến đi thử đầu tiên.
Phát biểu trong buổi ký tặng cuốn sách mới của mình, Tướng Zhang nhận định rằng rất khó để đưa tàu sân bay đầu tiên của nước này vào hoạt động sớm.
"Cần phải có thời gian", ông nói và lấy dẫn chứng là Pháp phải mất 7 năm mới đưa được tàu sân bay đầu tiên của mình vào hoạt động.
Trước đó, hôm 16/8, tức là gần như ngay sau khi đưa tàu sân bay đầu tiên trở lại cảng sau 5 ngày thử nghiệm đầu tiên trên Hoàng Hải, trang mạng People"s Daily Online của Trung Quốc đã dẫn nguồn tin quân sự cấp cao ở Bắc Kinh tuyên bố chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ được triển khai trong vùng biển Nam Hải (tên được Trung Quốc dùng để gọi Biển Đông).
"Thời điểm triển khai sẽ là vào tháng 8/2012, nhân ngày kỷ niệm của quân đội Trung Quốc 1/8 (ngày Bát nhất)", tờ báo viết.
Cũng theo People"s Daily Online, tàu sân bay này sẽ góp phần tăng cường năng lực chiến đấu và răn đe của hải quân Trung Quốc. Một dấu hiệu cho thấy tầm mức quan trọng của chiếc tàu sân bay là nó được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ủy ban Quân ủy Trung ương Trung Quốc, định chế lãnh đạo cao nhất của quân đội hiện do chính ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch.
Tuy nhiên, ông Zhang đã bác bỏ việc quân đội Trung Quốc có các kế hoạch như vậy và gọi đây chỉ là tin đồn.
Tàu sân bay Thi Lang được tu sửa và tân trang tại cảng Đại Liên từ năm 2002, sau khi Trung Quốc mua tàu này của Ukraine và đã được cho chạy thử trên biển trong 5 ngày hồi đầu tháng này.
Tàu sân bay này dài 300m, trong lượng nước rẽ 60.000 tấn và có khả năng mang theo khoảng 50 máy bay.
Ngày 10/8, khi Trung Quốc cho tàu sân bay Thi Lang chạy thử trên biển, Mỹ và các nước trong khu vực đã lên tiếng tỏ ý lo ngại.
Theo Dân Trí
Chuyến thăm TQ nặng mùi dầu của Tổng thống Philippines Thăm dò dầu khí và các hợp đồng sản xuất dầu trong tương lai tại Biển Đông sẽ là một chủ đề nóng khi Tổng thống Philippines thực hiện chuyến công du chính thức đầu tiên tới Trung Quốc, gặp gỡ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh tháng này. Ông Benigno Aquino - vị lãnh đạo đang có những vướng mắc...