Châu Á lo mắc kẹt giữa ‘Chiến tranh Lạnh’ Mỹ – Trung
Khi Mỹ – Trung thể hiện bất đồng gay gắt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nỗi lo về “Chiến tranh Lạnh mới” bỗng hiển hiện ở châu Á.
Trong bài phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi các nước “đặt mình lên hàng đầu”.
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích Mỹ gián tiếp hủy hoại chủ nghĩa đa phương và phê phán “chủ nghĩa bá quyền thế giới”. Các lãnh đạo thế giới khác thì kêu gọi cải tổ Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết những rủi ro địa chính trị ngày càng tăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra cảnh báo rất rõ ràng về việc thế giới đang theo “hướng đi rất nguy hiểm”, đề cập tới kịch bản một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Thế giới của chúng ta không thể chấp nhận một tương lai mà ở đó hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt toàn cầu, tạo ra một khe nứt lớn và mỗi nền kinh tế lại có những quy tắc thương mại, tài chính riêng, năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo riêng”, ông phát biểu. “Sự chia cắt về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ biến thành chia cắt về quân sự và địa chiến lược. Chúng ta phải ngăn điều đó bằng mọi giá”.
Tương phản giữa tầm nhìn dài hạn của Chủ tịch Tập về quản trị toàn cầu với Liên Hợp Quốc ở trung tâm và việc Tổng thống Trump nhấn mạnh vào các chính sách theo phong cách “Nước Mỹ trước tiên” phản ánh mối rạn nứt ngày càng lớn giữa hai cường quốc. Trước bối cảnh toàn cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động như vậy, châu Á hiển nhiên không thể không lo âu, giới quan sát đánh giá.
Những nước nhỏ hơn đang cố gắng để tránh bị mắc kẹt giữa “làn đạn” của hai siêu cường, nhưng nỗ lực này ngày càng trở nên khó khăn khi căng thẳng leo thang không ngừng. Washington đang liên tục gia tăng áp lực trên mọi mặt trận với Bắc Kinh, đồng thời tăng cường kêu gọi các đồng minh, đối tác ủng hộ nỗ lực “cấm cửa” gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei.
Alexander Neill, lãnh đạo một công ty tư vấn chiến lược ở Singapore, cho biết mối lo âu đang tăng lên ở Đông Nam Á, ngay cả với những quốc gia như Singapore, vốn vẫn duy trì được thế cân bằng giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Mỹ.
“Rất nhiều nước Đông Nam Á có mối quan hệ kinh tế khăng khít với Trung Quốc đến mức không thể tách rời. Nhưng nhiều nước đang bắt đầu đặt câu hỏi về mức độ phù hợp của mô hình Trung Quốc với xã hội của họ”, ông nói. “Các nước Đông Nam Á cần cân nhắc kỹ lưỡng việc ai đang cung cấp và ai sẽ tiếp tục mang đến những giá trị cho khu vực trong tương lai gần, bên cạnh vấn đề an ninh. Tôi nghĩ họ hiện vẫn tin Mỹ là nước có thể mang đến những giá trị đó”,
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 22/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhắc lại phán quyết năm 2016 từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cũng đề cập đến việc Washington hồi tháng 7 lần đầu tiên công khai ủng hộ phán quyết của PCA.
Video đang HOT
Aaron Rabena, nhà nghiên cứu tại Viện Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương, trụ sở ở Manila, nhận định bình luận của Tổng thống Duterte cho thấy ông muốn những tuyên bố của Philippines được tôn trọng, nhưng cũng không muốn căng thẳng giữa hai cường quốc biến thành một cuộc chiến tranh nóng.
“Lý do là nền kinh tế trong khu vực đang biến động, chưa kể đến hầu hết các nước đều vẫn quay cuồng với Covid-19″, ông nói. “Một lý do khác là Philippines có thể bị mắc kẹt vì họ là đồng minh quốc phòng của Mỹ, cho phép Mỹ hiện diện quân sự ở Philippines. Một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Philippines sẽ được coi là tấn công nhằm vào Philippines, buộc Manila phải có nghĩa vụ hỗ trợ”.
Tương tự, lo âu về Trung Quốc đã dâng cao ở Ấn Độ với những lời kêu gọi tách dần ảnh hưởng khởi Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp biên giới giữa hai nước chưa hạ nhiệt.
Madhav Das Nalapat, trưởng khoa địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipaul, cho hay Ấn Độ không thực sự muốn liên minh với Mỹ, nhưng họ có thể tìm thấy mối liên hệ với Washington khi cùng có chung đối thủ là Trung Quốc.
“Nếu Ấn Độ định vị mình trong nhóm các nước đang ở phía đối đầu với Trung Quốc, họ sẽ là điểm đến lý tưởng cho các công ty Mỹ, Nhật Bản hay đảo Đài Loan vốn đang tìm cách chuyển nhà máy, trụ sở khỏi Trung Quốc đại lục”, ông nhận xét.
Theo Nalapat, nguy cơ xung đột quân sự Mỹ – Trung không còn là một kịch bản không thể xảy ra. “Với quỹ đạo của Trung Quốc như hiện nay và việc họ luôn tìm cách chống lại sự lấn át của Mỹ, tình huống đó dường như là điều không thể tránh khỏi”, ông nói. “Chiến tranh Lạnh 2.0 đã bắt đầu”.
Mỹ - Trung 'đối đầu' tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Trump công kích gay gắt Trung Quốc về cách ứng phó với Covid-19 tại Đại hội đồng LHQ, trong khi Bắc Kinh lên án "chủ nghĩa bá quyền".
"Chúng tôi đã phát động cuộc chiến khốc liệt để chống lại kẻ thù vô hình: virus Trung Quốc. Chúng ta phải buộc quốc gia này chịu trách nhiệm khi để dịch bệnh này lan khắp thế giới", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong bài phát biểu ghi hình sẵn được phát tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 (UNGA 75) ngày 22/9.
Bình luận của Trump được đưa ra khi Đại học Johns Hopkins báo cáo số ca tử vong liên quan tới Covid-19 ở Mỹ đã vượt ngưỡng 200.000, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Trump cũng cáo buộc Trung Quốc "đổ hàng triệu triệu tấn rác" vào đại dương, đánh bắt quá mức và gây ô nhiễm không khí. "Những người chỉ trích Mỹ về vấn đề môi trường trong khi phớt lờ tình trạng ô nhiễm tràn lan của Trung Quốc không hề quan tâm tới môi trường. Họ chỉ muốn trừng phạt Mỹ", ông nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.
Ngay sau đó, khi giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cáo buộc Mỹ "lan truyền virus chính trị" tại Liên Hợp Quốc, động thái đi ngược lại nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến Covid-19. "Tôi phải nhấn mạnh rằng phát ngôn của Mỹ không phù hợp với bầu không khí chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc", ông nói.
Trong video phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc chỉ trích "những hành vi theo chủ nghĩa biệt lệ hoặc tiêu chuẩn kép", khẳng định không nước nào "được phép làm bất cứ điều gì họ thích và trở thành bá chủ hay kẻ bắt nạt của thế giới".
Tuy nhiên, khác với Trump, ông Tập không nêu đích danh Mỹ, cũng không đưa ra những ngôn từ gay gắt, "đao to búa lớn" nhằm công kích đối thủ. Ông kêu gọi chủ nghĩa đa phương, hòa bình và hợp tác, đề nghị thế giới tránh "sự kỳ thị" và tôn trọng "vai trò toàn quyền" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, trong việc lãnh đạo thế giới thoát khỏi đại dịch.
"Chúng ta nên nghe theo hướng dẫn của khoa học, hãy để WHO toàn quyền thực hiện vai trò lãnh đạo và phát động phản ứng quốc tế chung với đại dịch này. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa vấn đề này hay gieo rắc kỳ thị đều phải đẩy lùi", ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi các nước không nên lảng tránh thách thức của toàn cầu hóa, đồng thời thêm rằng cần tôn trọng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ quan mà ông Tập cho rằng Mỹ đang cố tình "gây khó dễ" khi từ chối bổ nhiệm thành viên mới của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp.
Trump hồi đầu năm nay tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO, khi cáo buộc cơ quan này "thiên vị Trung Quốc" và có phản ứng sai lầm trong giai đoạn đầu đại dịch. Trong bài phát biểu ngày 22/9, Trump mô tả WHO đã "gần như bị kiểm soát" bởi Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ cũng tái khẳng định quan điểm "Nước Mỹ trước tiên", lập trường kiên định của ông trong suốt nhiệm kỳ và chiến dịch tái tranh cử.
Những quan điểm trái ngược và cáo buộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ Washington - Bắc Kinh suy giảm nghiêm trọng ra sao kể từ khi Covid-19 bùng phát từ tháng 12/2019.
Nhiều nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng hai lãnh đạo Mỹ - Trung đã "thiếu thận trọng" trong các phát biểu của họ. Diana Fu, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Toronto ở Canada, mô tả Trump tung đòn công kích bằng ngôn từ mang tính kỳ thị, xem đối thủ như "virus toàn cầu". Trong khi đó, Trung Quốc ca ngợi chủ nghĩa đa phương, nhưng thực chất lại "chơi theo luật của riêng mình".
Scott Moore, giám đốc Chương trình Trung Quốc Toàn cầu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ cho rằng nhận xét của Trump về vấn đề môi trường của Trung Quốc cũng thiếu cẩn trọng.
"Tất cả học giả và nhà hoạt động môi trường mà tôi biết hầu hết nói rằng cả hai nước đều có những thiếu sót trong giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu", Moore nói.
"Trung Quốc có thể được tín nhiệm về chính sách môi trường hơn mức họ xứng đáng được nhận dựa trên kết quả thực tế. Đơn giản là vì Trung Quốc đã từ chối tham gia nhiều thể chế đa phương lớn, như các cuộc đàm phán về khí hậu do LHQ dẫn đầu", ông nói thêm.
Bài phát biểu ghi hình sẵn của Chủ tịch Tập Cận Bình được phát tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ hôm 22/9. Ảnh: AFP.
Trong bối cảnh lo ngại cạnh tranh Mỹ - Trung có thể dẫn tới Chiến tranh Lạnh mới, Bắc Kinh đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, trong khi chính quyền Trump ngày càng thể hiện thái độ thù địch với các thể chế đa phương. Xu hướng này gia tăng trong vài tháng gần đây, khi hai nước bất đồng về nhiều vấn đề, như Covid-19, thương mại, công nghệ, Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông.
Pang Zhongying, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Toàn cầu tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng Trump sẽ ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc nhằm tăng cơ hội tái đắc cử.
"Năm nay, ông ấy có đầy đủ đạn dược để tập trung hỏa lực vào Trung Quốc, gồm cả vấn đề đại dịch", Pang nói. "Ông ấy có thể sẽ biện minh cho việc rút khỏi WHO và các thể thế đa phương rằng những tổ chức này thiên vị Trung Quốc hoặc thậm chí bị Trung Quốc kiểm soát".
Jen Kirby, nhà phân tích của Vox, cho rằng khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, việc Mỹ rời xa các khuôn khổ hợp tác đa phương, từ Hiệp định Biến đổi Khí hậu Paris tới WHO, đã để lại khoảng trống trên vũ đài quốc tế. Trung Quốc đang cố gắng lấp đầy nó và thúc đẩy sự trỗi dậy mạnh mẽ, như cam kết đóng góp 30 triệu USD cho WHO ngay khi Mỹ tuyên bố rút ngân sách cho tổ chức này.
Elizabeth Cousens, Chủ tịch và CEO của Quỹ Liên Hợp Quốc, nói rằng ngay cả khi Mỹ cố gắng để thúc đẩy WHO cải tổ, quốc gia này "đang mất dần ảnh hưởng trong cuộc chơi này bởi họ đã rời sân".
Stewart Patrick, chuyên gia quản trị toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói Mỹ cho rằng LHQ và các cơ quan trực thuộc như WHO không hoàn hảo và cần cải cách. Nhưng cách Trump tức giận, chỉ trích và dọa rút khỏi những tổ chức đó không giải quyết được vấn đề.
"Nếu Mỹ muốn các cơ quan LHQ hoạt động vì lợi ích của mình, Mỹ cần phải hợp tác, ủng hộ và bảo vệ họ. Đó là điều Trung Quốc đang cố gắng làm hôm 22/9", Patrick viết trong bài phân tích trên Vox.
Trong bài phát biểu tại UNGA 75, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang bất ổn vì đại dịch và ngầm kêu gọi hai quốc gia Mỹ, Trung không tiến sát bờ vực Chiến tranh Lạnh.
"Chúng ta đang đi theo hướng rất nguy hiểm. Thế giới của chúng ta không thể chấp nhận một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt toàn cầu bằng một vết nứt lớn, trong đó mỗi bên đề ra các quy tắc thương mại và tài chính riêng cũng như sở hữu năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo riêng rẽ", Guterres nói. "Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Bầu cử Mỹ: Trump và Biden đấu khẩu chuyện gì trong trận "so găng" trực tiếp đầu tiên? Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden - ứng viên tổng thống đảng Dân chủ sẽ diễn ra vào ngày 29/9 tại Cleveland và sẽ được điều phối bởi nhà báo Chris Wallace của Fox News. Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden. Ủy ban về các...