Châu Á gặp khó khăn về nguồn cung lúa mì
Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn nhận định của giới chuyên gia cho biết các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á đang nỗ lực tìm nguồn cung mới, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này vào cuối tuần qua nhằm hạn chế gaiá trong nước tăng cao do một đợt nắng nóng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sản lượng.
Lúa mì được chở tới bán tại một chợ ở ngoại ô Amritsar, Ấn Độ ngày 16/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các chuyên gia, các nhà nhập khẩu lúa mì, đặc biệt là ở châu Á, đã phải dựa vào nguồn cung từ Ấn Độ – nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới – trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này từ khu vực Biển Đen sụt giảm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng, ảnh hưởng đến xuất khẩu lúa mì của nước này, trong khi xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một công ty kinh doanh lúa mì có trụ sở tại châu Âu nhận định các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á có nguy cơ gặp khó khăn lớn vì Ấn Độ là lựa chọn thay thế nguồn cung từ Ukraine và Nga, đặc biệt là đối với loại lúa mì làm thức ăn cho gia súc.
Giá lúa mì thuộc các hợp đồng kỳ hạn tại thành phố Chicago (Mỹ) đã tăng tới 6% trong phiên giao dịch ngày 16/5 khi các thị trường phản ứng với lệnh cấm nói trên của Ấn Độ. Các thương nhân dự báo lệnh cấm này có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới, tác động mạnh đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi.
Liên quan vấn đề trên, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly ngày 16/5 cho biết nước này đã chuẩn bị cử tàu để giúp Ukraine xuất khẩu lúa mì sang các nước đang phát triển.
Bà Joly đã đàm phán với các quốc gia khác trong Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước châu Âu về việc cử tàu của Canada đến các cảng ở Romania để hỗ trợ Ukraine đưa lúa mì của nước này đến các thị trường phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Ukraine. Bà nhấn mạnh các ưu tiên của Canada trong thời gian tới là đưa lúa mì của Ukraine ra thị trường nước ngoài, cùng với việc đảm bảo an toàn cho các hầm chứa ngũ cốc để cất trữ mặt hàng này trong vụ thu hoạch tiếp theo.
Giá lúa mỳ tăng cao kỷ lục sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ
Ngày 16/5, giá lúa mỳ đã tăng cao kỷ lục sau khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng này do một đợt nắng nóng nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sản lượng.
Lúa mì được chở tới bán tại một chợ ở ngoại ô Amritsar, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Mở cửa thị trường châu Âu ngày 16/5, giá lúa mỳ đã tăng lên mức 435 euro (453 USD)/tấn. Giá mặt hàng này vốn đã tăng cao do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine - nhà xuất khẩu lúa mỳ chính của thế giới.
Hôm 14/5, Chính phủ Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ với hiệu lực tức thì nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá mặt hàng này trong nước, khi lượng hàng trong các kho dự trữ đang giảm dần. Chính phủ Ấn Độ cho biết lệnh cấm nhằm quản lý an ninh lương thực tổng thể của đất nước và hỗ trợ các nước láng giềng cũng như những nước dễ bị tổn thương. Hoạt động xuất khẩu lúa mỳ tới các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của các nước đó và dựa trên đề nghị của chính phủ nước đó vẫn được phép diễn ra.
Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mỳ thứ hai trên thế giới. Nước này cấm xuất khẩu lúa mỳ trong bối cảnh các thị trường hàng nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trước xung đột, Ukraine xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng biển, chiếm 12% lúa mỳ thế giới, 15% ngô và 50% dầu hướng dương. Do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Moksva, các cảng biển ở Ukraine bị đình trệ hoạt động. Theo ước tính, hiện khoảng 20 triệu tấn lúa mỳ đang tồn kho ở Ukraine cần được xuất khẩu.
TASS: Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tăng trở lại trên toàn cầu Ngày 15/5, hãng thông tấn TASS (Nga) cho biết tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới một lần nữa đang gia tăng sau 7 tuần giảm liên tục. Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại một trung tâm thương mại nhằm phòng chống dịch COVID-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 27/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Tổng cộng, trong 7 ngày từ...