Châu Á đối mặt với thách thức dân số
Trong khi dân số thế giới vẫn đang trên đà tăng, thì nhiều quốc gia châu Á lại phải loay hoay tìm giải pháp để cải thiện tỷ lệ sinh thấp, chặn đà suy giảm dân số – yếu tố vốn đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.
Nhân viên y tế chăm sóc em bé sơ sinh tại bệnh viện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau hàng chục năm tăng mạnh, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tính đến cuối năm ngoái, dân số nước này là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với một năm trước đó. Tỷ lệ sinh trung bình năm ngoái là 6,77/1.000 người, mức thấp kỷ lục tại Trung Quốc.
Năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp dân số Nhật Bản giảm, đồng thời đánh dấu một cột mốc đáng báo động khi số trẻ sơ sinh được sinh ra lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1890, thời điểm các số liệu bắt đầu được lưu trữ, giảm xuống dưới ngưỡng 800.000 trẻ.
Trong khi đó, dữ liệu cơ quan thống kê Hàn Quốc cho thấy có 249.000 trẻ được sinh ra vào năm ngoái, giảm 4,4% so với mức thấp kỷ lục năm 2021. Tỷ suất sinh (số con sinh bình quân của một người phụ nữ trong suốt cuộc đời) là 0,78, mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi số liệu bắt đầu được thống kê.
Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia điển hình của tình trạng suy giảm dân số, thì việc quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc đối mặt với xu hướng tương tự đã phản ánh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng thực trạng này xuất phát từ chi phí nuôi con cao, bất bình đẳng giới, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong công việc và xã hội, tư tưởng về hôn nhân và gia đình thay đổi, tăng trưởng kinh tế chậm trong bối cảnh dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị khiến nhiều gia đình thận trọng trong việc sinh con.
Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Khang Nghĩa cho rằng dân số nước này suy giảm là kết quả của sự phát triển kinh tế và xã hội sau một giai đoạn nhất định và đây là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Việc Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con kéo dài đã giúp kích thích sự bùng nổ kinh tế, nhưng cũng đồng thời dẫn đến tỷ suất sinh thấp và dân số già đi. Dù Trung Quốc sau đó đã chấm dứt chính sách này, song mức sống đắt đỏ, chi phí giáo dục và y tế tăng lên khiến giới trẻ có xu hướng lập gia đình trễ.
Video đang HOT
Kết quả cuộc khảo sát trên mạng do Quỹ Nippon thực hiện tại Nhật Bản tháng 12/2022 cho thấy gánh nặng kinh tế và khó khăn trong việc cân đối với công việc hiện tại là trở ngại lớn đối với kế hoạch sinh con của nhiều cặp vợ chồng nước này. Đặc biệt, thách thức làm việc từ xa, đại dịch COVID-19 đã làm giảm tỷ lệ sinh ở nhiều quốc gia. Lạm phát đã làm cạn kiệt khả năng chi tiêu của người dân trên toàn cầu và cuộc xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh ở nhiều nước khi khiến giá nhiên liệu tăng vọt ở châu Á, cùng nhiều rủi ro địa chính trị khác. Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy bất an nếu sinh con.
Tình trạng giảm dân số và dân số già sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề cả về phương diện kinh tế và xã hội, khi làm thiếu hụt nguồn nhân lực, tăng chi phí trợ cấp xã hội, giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế. Dự báo “xứ sở kim chi” sẽ vượt qua ngưỡng của một xã hội siêu già hóa vào năm 2025, đồng nghĩa rằng các trường học đối mặt với tình trạng thiếu sinh viên, ngành sản xuất, dịch vụ, cung ứng hàng hóa thiếu nhân lực, kéo theo giảm sức mua, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ.
Dân số già hóa sẽ khiến nguồn chi cho lương hưu, y tế, chăm sóc sức khỏe và các bảo hiểm xã hội khác tăng nhanh. Ước tính sau 50 năm nữa, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia có gánh nặng chi phí chăm sóc người cao tuổi cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội, khiến lương hưu giảm theo, gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống hưu trí. Hiện Nhật Bản có tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 28% tổng dân số, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Công quốc Monaco. Điều này gia tăng áp lực về bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là gánh nặng của lực lượng lao động chủ yếu là giới trẻ.
Tình hình tại Trung Quốc cũng không khả quan hơn dù nước này mới bước vào quá trình suy giảm dân số. Năm 2050, tức là chưa tới 30 năm nữa, số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc rất có thể sẽ giảm khoảng 200 triệu người, dù lực lượng lao động dồi dào là nhân tố chính đóng góp vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của kinh tế nước này (từ giữa thập niên 1980 đến 2000).
Trước thách thức nhân khẩu học, các quốc gia đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm chặn đà giảm của tỷ lệ sinh. Trong thập niên qua, Nhật Bản đã tăng cường trợ cấp nghỉ thai sản dành cho cha mẹ, giúp tỷ lệ các ông bố được nghỉ phép tăng lên 12,7% trong năm 2020 từ mức chỉ 1,4% của năm 2010. Dù tỷ lệ này còn khiêm tốn song cũng đã góp phần thúc đẩy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ Nhật Bản, đạt 82% đối với phụ nữ từ 22 – 54 tuổi trong năm 2022. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích nam giới tham gia nuôi dạy con cái và tạo điều kiện để phụ nữ quay lại làm việc sau khi sinh. Các nhà phân tích tin rằng tập trung vào lợi ích của cha mẹ là chưa đủ, các chính phủ còn cần đầu tư vào sức khỏe cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng cho những sự cố tiếp theo như đại dịch, bảo vệ công dân khỏi những biến động kinh tế để thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Trước mắt, để đối phó với vấn đề thiếu hụt lao động và giảm gánh nặng an sinh xã hội, nhiều nước tăng cường thu hút lao động nhập cư, kéo dài thời gian sử dụng lao động đã đến tuổi nghỉ hưu… Từ năm 2022, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy nhập cư có chọn lọc, nghĩa là tạo điều kiện cho những người ngoại quốc có trình độ được nhập cư, đồng thời thực hiện chính sách khuyến khích sinh viên Trung Quốc du học trở về nước làm việc. Tương tự, Hàn Quốc cũng có kế hoạch tăng hạn ngạch lao động phổ thông nước ngoài trong năm 2023, tăng mạnh số đối tượng được tiền trợ cấp khuyến khích tuyển dụng người cao tuổi để tăng nguồn cung lao động.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, chi phí leo thang, quan điểm về hôn nhân và gia đình có nhiều thay đổi, suy giảm dân số là xu hướng khó tránh khỏi tại nhiều quốc gia. Để thích nghi với xu hướng này, giới chuyên gia cho rằng các nước cần đề ra nhiều sáng kiến giảm gánh nặng tài chính, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, an sinh để khuyến khích tăng tỷ lệ sinh. Bên cạnh đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu, mở rộng chương trình nhập cư, tận dụng máy móc và trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nhân lực, từ đó nâng cao ổn định kinh tế và xã hội, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Chủ tịch G7 Nhật Bản được kêu gọi tập trung vào các vấn đề khác ngoài Ukraine
Sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm G7 vào dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến ở Ukraine, Nhật Bản - Chủ tịch G7 năm 2023, phải đối mặt với kỳ vọng ngày càng tăng từ các thành viên và các tổ chức quốc tế về việc tập trung hơn vào các vấn đề toàn cầu khác.
Theo các chuyên gia, Nhật Bản có thể góp phần thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn cầu cho các quốc gia khác bằng cách cung cấp kiến thức chuyên môn về hệ thống của chính mình, vì quốc gia châu Á này đã cung cấp bảo hiểm y tế công cho mọi công dân của mình kể từ năm 1961.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Kyodo
Với việc Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi G7 loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hạn chế sự nóng lên và ô nhiễm toàn cầu, Nhật Bản cũng có thể đóng vai trò hàng đầu trong cộng đồng quốc tế bằng cách ủng hộ và đầu tư vào công nghệ khử carbon.
Trong khi đó, Nhật Bản được khuyến khích giải thích với các đối tác G7 về kế hoạch xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân bị tê liệt ở tỉnh Fukushima ra Thái Bình Dương, một quyết định đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số quốc gia láng giềng.
Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trực tiếp trong ba ngày kể từ ngày 19 tháng 5 tại thành phố phía tây Nhật Bản vốn bị tàn phá bởi một quả bom nguyên tử của Mỹ vào tháng 8 năm 1945.
Một nguồn tin thân cận với ông Kishida cho biết ông "rất muốn đưa ra tầm nhìn của mình về một thế giới không có vũ khí hạt nhân" trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng Nga có thể triển khai một vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống lại Ukraine, nhưng có "nhiều vấn đề khác cũng cần được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7".
"Thành thật mà nói, những gì Nhật Bản có thể làm cho Ukraine với tư cách là chủ tịch G7 bị hạn chế" so với các nước khác, vì Tokyo "không thể cung cấp hỗ trợ quân sự" cho quốc gia Đông Âu theo Hiến pháp từ bỏ chiến tranh của mình, theo nguồn tin nói trên cho biết.
Trong y học và chăm sóc sức khỏe, Nhật Bản đã tích lũy kiến thức về bảo hiểm y tế toàn dân trong hơn 60 năm. Kể từ khi Liên hợp quốc thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2015, G7 đã theo đuổi việc hiện thực hóa bảo hiểm y tế toàn dân để đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản mà không gặp khó khăn về tài chính.
Hơn nữa, WHO gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được "sức khỏe hành tinh", một khái niệm liên kết sức khỏe con người với hệ sinh thái tự nhiên của trái đất, yêu cầu G7 hợp tác với họ để giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nhật Bản đã hứa sẽ trung hòa carbon thông qua kế hoạch không phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2050, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo và các lĩnh vực tài nguyên khác.
Viện Chính sách Toàn cầu và Sức khỏe, một tổ chức tư vấn tư nhân của Nhật Bản, cho biết họ hy vọng rằng chính quyền ông Kishida sẽ dẫn đầu cuộc thảo luận về cách đạt được mục tiêu cải thiện sức khỏe hành tinh với tư cách là chủ tịch G7. Cuộc họp cấp bộ trưởng y tế G7 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5 tại thành phố Nagasaki.
Thông điệp từ chuyến thăm Đông Á của Tổng thư ký NATO Chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản của người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tuần này làm nổi bật ưu tiên chiến lược của khối quân sự. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) trong chuyến thăm Căn cứ không quân Iruma, Nhật Bản, ngày 31/1. Ảnh: AFP/ TTXVN Theo kênh DW (Đức), ưu tiên chiến...