Châu Á đang rơi vào trạng thái chạy đua “sức mạnh ngầm”
Gần đây, châu Á đã rơi vào trạng thái của một cuộc chạy đua tàu ngầm quân sự, nhiều quốc gia đều đang mở rộng hạm đội tàu dưới mặt nước của mình.
Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh hạm đội tàu dưới mặt nước gây chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á.
Gần đây nhất, hải quân Hoàng gia Thái Lan đã chính thức đệ trình lên nội các nước này kế hoạch mua sắm tàu ngầm của mình. Tư lệnh hải quân Thái Lan cho biết lý do hải quân nước này muốn sở hữu tàu ngầm là do một số nước trong khu vực như: Malaysia, Ấn Độ, Indonesia và Singapore…đã có tàu ngầm nhiều năm nay. Bangkok sắm tàu ngầm là một trong những nội dung chiến lược quân sự nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang của mình.
Video đang HOT
Có phân tích cho rằng, Bangkok mua tàu ngầm là phù hợp với xu thế lớn của khu vực châu Á. Trên thực tế, châu Á gần đây đã rơi vào trạng thái của một cuộc chạy đua tàu ngầm quân sự, nhiều quốc gia đều đang mở rộng hạm đội tàu dưới mặt nước của mình.
Chỉ tính đến 3 nước nằm sát eo biển Malacca đó là Singapore, Malaysia, Indonesia đều đã sở hữu những tàu ngầm hiện đại. Đặc biệt là Indonesia, họ đã xây dựng một kế hoạch đầy tham vọng, đòi hỏi trước năm 2024 phải mua ít nhất 10 tàu ngầm và cuối cùng có thể nâng số lượng tàu ngầm của mình lên đến 14 hoặc 16 chiếc.
Cùng với xu thế đó, Philipines cũng đã có ý đinh xây dựng hạm đội tàu ngầm để tăng sức mạnh cho hải quân của mình. Hãng thông tấn Philippines (PNA) dẫn lời Thiếu tướng Gregorio Pio Catapang – chỉ huy Bộ Tư lệnh Bắc đảo Luzon (NOLCOM) cho biết, hải quân nước này đang dự kiến mua thêm 3 tàu ngầm phi hạt nhân tấn công.
Sát với Philipines, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã sở hữu 4 tàu ngầm và đang tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước khác để phát triển năng lực tự nghiên cứu tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện của mình.
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Type 094 của Trung Quốc
Ngoài những nước Đông Nam Á, các nước nằm ở khu vực Đông Á, cũng đang có những động thái tăng cường “sức mạnh ngầm” của mình. Nhật Bản là một nước có nền công nghiệp tàu ngầm tương đối phát triển, hạm đội tàu ngầm của nước này được liệt vào một trong 2 hạm đội tàu ngầm hùng hậu nhất thế giới. Ngoài sản xuất để trang bị cho hải quân của mình, họ còn đang đàm phán để bán tàu ngầm tiên tiến nhất cho Australia. Ngoài ra, có thể Tokyo cũng sẽ bán 6 chiếc tàu ngầm tiên tiến khác cho phía Ấn Độ.
Gần với đất nước mặt trời mọc – Hàn Quốc cũng không đứng ngoài cuộc, họ đang phát triển sức mạnh tàu ngầm của mình, hiện đã đưa vào sử dụng khoảng 13 chiếc tàu ngầm. Seoul còn xây dựng một chương trình đầy tham vọng, đòi hỏi trong tương lai phải tiếp tục tăng số lượng tàu ngầm của mình lên con số nhiều hơn.
Một nước lớn khác – Trung Quốc gần đây nhất cũng đã đưa vào trang bị cho hải quân nước này 3 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo hiện đại Type 094G lớp Tấn. Theo như một số nguồn phân tích, có thể những chiếc tàu ngầm này sẽ được Bắc Kinh bố trí ở một căn cứ trên đảo Hải Nam. Theo Đô đốc William Gortney, thuộc Bộ Chỉ huy không gian Bắc Mỹ nhận định, động thái này của Bắc Kinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Hiện 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 094G lớp Tấn của Trung Quốc đang được phía Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ.
Chiến lược tăng cường sức mạnh hải quân bằng việc mua sắm, chế tạo tàu ngầm không chỉ hạn chế ở các nước châu Á. Ngay đến cả Mỹ, nhiều nhà phân tích cho rằng, để đối phó với sức mạnh quân sự ngày một gia tăng của Trung Quốc thì tàu ngầm là lực lượng cực kỳ quan trọng
Theo An Ninh Thủ Đô