Châu Á chi mạnh cho quốc phòng để đối phó Trung Quốc
Các nước láng giềng của Trung Quốc đang phải chi mạnh cho quốc phòng để đối phó với sức mạnh quân sự và các hành vi tranh chấp chủ quyền ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên biển.
Hạm đội hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông, tháng 8.2014 – Ảnh: China Daily
Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng chưa từng có, Philippines đầu tư mạnh cho hải quân, Việt Nam tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, Hàn Quốc và Ấn Độ đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng quân đội…, theo nhận định của hãng tin AP ngày 11.9.
Các nước châu Á hiện chiếm 50% nhập khẩu vũ khí của thế giới, trong đó Trung Quốc dẫn đầu với ngân sách quốc phòng đã tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm qua. Sự gia tăng chi tiêu quân sự chủ yếu theo kịp với sự phát triển kinh tế, mặc dù năm nay chi tiêu này tăng nhiều hơn tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác.
Theo chuyên gia địa chính trị Robert D. Kaplan (hãng phân tích Stratfor, Mỹ), mục tiêu của Trung Quốc là đánh bật Mỹ khỏi sự thống trị độc tôn ở châu Á – Thái Bình Dương, nhất là ở khu vực có các tuyến hàng hải cực quan trọng như Biển Đông và các khu vực giàu dầu khí ở vùng biển Đông Á.
“Trung Quốc tin rằng họ có thể gia tăng khả năng quân sự của mình ở Biển Đông và biển Hoa Đông nhanh hơn Việt Nam và Philippines. Nếu Trung Quốc có thể di chuyển tự do và nắm quyền kiểm soát nhiều hơn các vùng biển liền kề, nước này sẽ trở thành một cường quốc hải quân thực sự”, ông Kaplan phân tích.
Video đang HOT
Dĩ nhiên Trung Quốc chưa thể đuổi kịp Mỹ, nước co mức chi tiêu quân sự 665 tỉ USD/năm, gấp 3 lần Trung Quốc, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển). Tuy nhiên ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bằng toàn bộ ngân sách quốc phòng của 24 nước ở Đông và Nam Á cộng lại.
Tàu ngầm lớp Soryu hiện đại của Nhật tại Kobe – Ảnh: Getty
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam, lá chắn bảo vệ biển đảo – Ảnh: Nhà máy Admiralty
Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đang mở rộng và sẽ bằng Mỹ vào năm 2020, với mỗi bên có 78 tàu. Tàu ngầm Trung Quốc chủ yếu bố trí ở đảo Hải Nam, khống chế Biển Đông.
Sức mạnh hải quân gia tăng của Trung Quốc khiến châu Á phải đua sắm tàu ngầm để đối phó. Tháng 11 năm nay Việt Nam sẽ nhận chiếc tàu ngầm Kilo thứ 3 từ Nga trong số 6 chiếc đặt Nga đóng, cùng các máy bay tuần biển có khả năng săn ngầm.
Tháng 5.2014, tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc đối đầu nhau trên Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã chi tiêu quốc phòng tăng 83% và chiếm 8% chi tiêu của chính phủ, theo tính toán của AP.
Tương tự, Nhật Bản đang thay thế hạm đội tàu ngầm cũ bằng lớp tàu ngầm hiện đại hơn. Hàn Quốc gia tăng các tàu ngầm tấn công lớn hơn và Ấn Độ thì có kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm.
So với Việt Nam và Nhật Bản, Philippines đang tụt hậu, bất lực nhìn Trung Quốc chiếm một khu vực đảo và phải ký hiệp ước cho Mỹ đưa quân trú tạm thời ở nước này 20 năm, cũng như đang đầu tư lớn cho máy bay tuần biển, máy bay ném bom và tàu chiến.
Ngay phía Nam Á, Ấn Độ phải tổ chức quân đoàn 100.000 lính đóng ở các vùng núi giáp biên giới Trung Quốc, mua sắm thêm nhiều xe tăng, máy bay, trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Mặc dù gia tăng vũ trang cho quân đội, nhưng những hành động gần đây cho thấy đầu tư chủ yếu là vào các tàu tuần duyên trong các vụ tranh chấp biển đảo và vùng đánh cá.
Tàu khu trục mới của Ấn Độ, chiếc INS Kolkata tại cảng Mumbai ngày 16.8 – Ảnh: Reuters
Philippines đang đẩy mạnh đầu tư cho quốc phòng. Trong ảnh: Buổi triển lãm của các nhà thầu vũ khí chào mời với chính phủ Philippines, tại Manila tháng 7.2014 – Ảnh: WSJ
Mới đây, Nhật Bản đồng ý tặng Việt Nam 6 tàu tuần duyên cũ, sau khi đã tặng 10 tàu cho Philippines năm ngoái. Việt Nam cũng đầu tư để tăng gấp đôi tàu thực thi pháp luật trên biển lên 68 chiếc, theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh). Còn Nhật Bản đang mở rộng hạm đội tàu tuần duyên lên thêm 41 chiếc, nâng tổng số lên 389 tàu.
Hai năm qua, Nhật đã dùng tàu tuần duyên để bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, ngăn cản tàu Trung Quốc thâm nhập đòi chủ quyền quần đảo này.
Chuyên gia Sam Perlo-Freeman của SIPRI nhận xét rằng để tránh đối đầu quân sự trực tiếp, các nước châu Á đang giữ mọi việc diễn ra ở tầm mức lực lượng bán quân sự.
Tuy nhiên Nhật Bản lại chuẩn bị cho mình khả năng đối phó với một sự leo thang quân sự có thể. Trong tháng 8, chính phủ Abe thông qua ngân sách quốc phòng 48 tỉ USD, mua máy bay tuần biển, máy bay tàng hình F-35 và các khí tài hiện đại của Mỹ. Nước này cũng sửa hiến pháp để mở rộng sức mạnh của quân đội ra bên ngoài, có thể bảo vệ được cả quân đội Mỹ và đồng minh. Đầu tháng 9, Nhật Bản và Ấn Độ còn ký kết chia sẻ công nghệ quốc phòng và tập trận chung.
“Nếu Trung Quốc đang trở nên hiếu chiến hơn, là do họ đón gió cơ hội. Điều này có thể đưa các bước hướng tới tình thế bạo lực hơn”, ông Bernard Loo Fook Weng, chuyên gia nghiên cứu quân sự tại Trường S. Rajaratnam (Singapore) nhận định.
Theo Tin Nóng