Chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình: “Có bao nhiêu thỏ bị tuyên là gấu?”
Trách nhiệm của tòa tối cao trong vụ án oan của ông Chấn? Còn bao nhiêu thỏ bị tuyên là gấu? Giải pháp chống oan sai cho người dân? Hàng loạt câu hỏi, truy vấn được đại biểu Quốc hội đặt ra với Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình…
Trước khi ông Bình đăng đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội sẽ tập trung xung quanh những vấn đề như nâng cao chất lượng xét xử để tránh để án sai và giải pháp khắc phục trong ngành tòa án.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) từng trả lời báo chí về vụ án oan khiến ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang ngồi tù 10 năm. Hôm nay, ông trực tiếp đề nghị Chánh án TAND Tối cao giải đáp những vấn đề liên quan. “Vụ án Nguyễn Thanh Chấn khi xét xử tù chung thân sau 10 năm mới được minh oan gây bức xúc trong dư luận. Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu? Chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân? Liệu có còn bao nhiêu con thỏ mà bị tuyên là gấu hay không, xin Chánh án cho biết?”, đại biểu Thuyền nêu hàng loạt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền chất vấn Chánh an TAND Tối cao vụ án oan ngồi thù 10 năm
Đại biểu Lê Thị Nga(tỉnh Thái Nguyên) cũng đặc biệt quan tâm đến vụ án oan khiến ông Chấn ngồi tù 10 năm. Qua vụ án ông Chấn và một số vụ án kết tội oan sai, bà Nga cho rằng, có lỗi của điều tra, Viện Kiểm sát và ngành tòa án.
“Tôi đề nghị, với tư cách là người đứng đầu, Chánh án TAND Tối cao và cũng đề nghị cả Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trách nhiệm của mình khi để xảy ra một số vụ điều tra, truy tố, xét xử oan và giải pháp nào để chống oan trong thời gian tới”, đại biểu Nga đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu Nga cũng đề cập đến việc một số bị can bị điều tra viên ép cung, bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện. Do vậy, khi ra tòa, các bị cáo khai là họ bị bức cung, ép cung, nhục hình khi điều tra. Để tránh tình trạng đó, bà Nga đề nghị lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung và chuyển người bị tạm giữ, tạm giam sang một đơn vị khác không liên quan đến cơ quan điều tra.
Trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và Lê Thị Nga, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, thực tế bất cứ nền tư pháp nào, kể cả những nước tiên tiến cũng không tránh khỏi oan sai, ở Việt Nam cũng vậy. “Việc để xảy ra oan sai, nhất là oan ở những người bị buộc tội ở mức hình phạt cao nhất như bị tù 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc xác định có oan sai hay không phải làm theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ”, ông Bình nói.
Video đang HOT
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ án mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan, thay vì Công an Bắc Giang
Trước câu hỏi ông Chấn có bị ép cung hay không, ông Bình cho biết, việc này phải chứng minh làm rõ nhưng nếu việc đó thực sự xảy ra thì không thể chấp nhận được. Ông Bình thông tin hiện nay, Bộ Công an đang kiểm điểm việc có ép cung hay không.
“Nếu có ép cung nhục hình thì những người trực tiếp vi phạm và những bên liên quan phải chịu trách nhiệm. Việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không là rất khó, điều này phải được điều tra. Thế nhưng với trách nhiệm của hội đồng xét xử khi xử mà để xảy ra oan sai thì không thể phủ nhận trách nhiệm này”, Chánh án TAND Tối cao khẳng định.
Chưa hài lòng với trả lời của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, đại biểu Lê Thị Nga tiếp tục cho biết, trong vụ án ông Chấn, bà đã có văn bản gửi trực tiếp lên Chủ tịch nước, Trưởng ban Nội chính TƯ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án, Bộ trưởng Bộ Công an. Tại hội trường bà Nga đề nghị các bên xem xét.
Ngoài ra, bà Nga đề nghị Bộ trưởng Công an, theo quyết định của Hội đồng tái thẩm, hồ sơ vụ án của ông Chấn được giao lại cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang để điều tra lại. “Để đảm bảo khách quan, tôi đề nghị Bộ trưởng Công an không để Công an Bắc Giang điều tra nữa và căn cứ khoản 4 điều 110 bộ luật Tố tụng hình sự, chỉ đạo cơ quan điều tra Bộ Công an rút đơn để trực tiếp điều tra, VKSNDTC trực tiếp điều tra”, đại biểu Nga nói.
Đại biểu Nga cũng tiếp tục đề nghị quá trình điều tra lại cơ quan điều tra Viện Kiểm sát phải hoàn toàn dựa trên những chứng cứ sự thật khách quan. Nếu không đủ căn cứ buộc ông Chấn phạm tội thì phải điều chỉnh ngay cho ông Chấn, không đợi quá trình điều tra Lý Nguyễn Chung, càng tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội theo hướng nếu không chứng minh được Chung phạm tội thì hung thủ chính là ông Chấn. Đề nghị cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẩn trương xác minh điều tra.
Ngoài ra, đại biểu Nga còn đề nghị Chánh án, Viện trưởng rà soát lại tất cả những vụ kêu oan, khẩn trương đối với những vụ án sắp tử hình nhằm tránh tình trạng khi phát hiện ra oan thì đã bị thi hành án.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn sáng 21/11
Giải đáp băn khoăn trên, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, văn bản đại biểu Nga gửi, ông đã nhận được và sẽ có trách nhiệm nghiên cứu và báo cáo lại. “Các ý kiến đề nghị của đại biểu Lê Thị Nga, 3 ý đầu đề nghị các đồng chí của Viện Kiểm sát, Công an tham gia. Về đề nghị thứ 4, hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo rà soát tất cả các bản án hình sự có kiến nghị, có đơn kêu oan, có ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trân Tổ quốc, qua báo chí, ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Chúng tôi rà soát các bản án cao nhất để xem xét (đặc biệt tử hình), nếu phát hiện có vi phạm, sai lầm nghiêm trọng thì phải thực hiện quyền kháng nghị của Chánh án. Hoặc có những vụ việc có tình tiết tái thẩm thì phải phối hợp Viện Kiểm sát cùng nhau giải quyết”, ông Trương Hòa Bình cho biết.
Quang Phong
Theo Dantri
Nạn nhân "vụ án oan 10 năm" chính thức nhận quyết định tái thẩm
Mới đây, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình đã thay mặt Hội đồng tái thẩm ký quyết định tái thẩm huỷ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm từng kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) khiến ông này phải ngồi tù 10 năm. Hồ sơ vụ án sẽ được chuyển về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) để điều tra lại theo thủ tục chung.
Được biết, ông Nguyễn Thanh Chấn nhận được Quyết định tái thẩm nói trên qua đường bưu điện, do Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, thay mặt Hội đồng tái thẩm ký ngày 6/11/2013.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (ảnh phải)
Theo Quyết định tái thẩm thì vào năm 2004, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã xử phạt tù chung thân đối với ông Chấn về tội "Giết người". Sau đó, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo kêu oan của ông Chấn, giữ nguyên hình phạt tù chung thân.
Từ tháng 7/2013, Cục điều tra VKSNDTC tiến hành xác minh về nguồn tin tố cáo của bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) về việc thủ phạm giết chị Nguyễn Thị Hoan là Lý Nguyễn Chung. Ngay sau khi xảy ra vụ án, Chung đã bỏ trốn vào miền Nam và sinh sống cùng vợ con tại tỉnh Đắk Lắk. Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, khai nhận hành vi dùng dao giết chị Hoan vào ngày 15/8/2003.
Sau khi chị Hoan chết, Chung đã lấy 2 chiếc nhẫn vàng và 59.000 đ. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của Chung) cũng có lời khai: khi thấy quần áo của Chung ở trong chậu có màu hồng, bà nghĩ vụ án mạng là do Chung gây ra nên bà đã hỏi Chung "phải mày làm việc hôm qua không". Chung trả lời: "Phải". Bà Lành và bố của Chung lo sợ quá nên đã bảo Chung tạm lánh về Lạng Sơn.
Đồng thời, Cơ quan điều tra VKSNDTC yêu cầu Chung vẽ mô tả lại con dao bấm, vẽ sơ đồ vị trí vứt chuôi dao, lập biên bản kiểm tra thân thể Chung và xác định trên tay trái của Chung có 2 vết sẹo cũ.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận định, bản tự thú và những lời khai của Chung, lời khai của bà Lành, chị Xướng... là những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án mà Toà án cấp sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm đã không biết khi ra bản án xét xử Nguyễn Thanh Chấn về tội "giết người". Do đó, cần hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như TS đã đưa tin, 10 năm trước (năm 2003), tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan bị sát hại bằng hung khí với nhiều vết thương ở đầu mặt và bụng.
Không lâu sau, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Giang) đã bắt và khởi tố ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ông Chấn bị kết án chung thân. Tuy nhiên, sau nhiều lần ông Chấn kêu oan, cơ quan chức năng vào cuộc. Mới đây, sau 10 năm giấu mặt, đối tượng Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) đã ra đầu thú, nhận tội giết người.
Ngày 4/11/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có quyết định tạm đình chỉ thi hành án và trả tự do cho phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã ra khởi tố bị can Lý Nguyễn Chung (24 tuổi, người thôn Me, đang sống tại Đắk Lắk) về tội giết người cướp tài sản.
Trong đơn xin ra tự thú nộp Cơ quan điều tra VKSNDTC, Lý Nguyễn Chung đã thừa nhận mình là người giết chết chị Hoan. Tại lá đơn này, y cũng xin nhận được sự tha thứ của gia đình chị Hoan và sự khoan hồng của pháp luật.
Một diễn biến khác liên quan đến vụ án này, Trung tâm Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và Văn phòng Luật sư Công Lý Việt, Hà Nội sẽ cùng vào cuộc trợ giúp pháp lý cho ông Nguyễn Thanh Chấn..
Trước mắt, các luật sư này sẽ trợ giúp ông Nguyễn Thanh Chấn trong những tình huống pháp lý của vụ án 10 năm trước đang được điều tra lại cho đến khi có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Chấn. Tiếp đến, luật sư sẽ trợ giúp pháp lý về việc đòi bồi thường tổn thất vật chất, danh dự trong 10 năm tù oan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Nhật Lâm
Theo_VnMedia
Hãy trả lời trung thực có bức cung, nhục hình hay không? Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội kỳ này. Cử tri cả nước sẽ rất quan tâm đến phiên chất vấn các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Bởi vì, liên tục trong tháng qua, có nhiều vụ...