Chất thải đặc quánh ‘đầu độc’ sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt
Mỗi ngày 300 m3 nước thải chưa qua xử lý từ nhà máy đường ở Hoà Bình đã đổ ra thượng nguồn sông Bưởi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Công ty cổ phần Mía Đường Hòa Bình đóng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình) vừa thừa nhận trong thời gian ngắn đi vào sản xuất (từ tháng 15/3 đến 25/4), mỗi ngày đã xả khoảng 300 m3 nước chưa qua xử lý ra sông Bưởi ở vùng giáp ranh huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.
Từ ngày 4/5 tới nay, khúc sông dài 30 km chảy qua huyện Thạch Thành xảy ra tình trạng cá tự nhiên và cá nuôi chết hàng loạt.
Mấy ngày qua, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình ngừng hoạt động. Con mương xả nước đang đọng các chất thải có màu đặc quánh, bốc mùi hôi thối.
Ống xả thải trong khuôn viên phía sau nhà máy của công ty mía đường đã ngừng chảy từ dịp nghỉ lễ 30/4. Phía sau nhà máy có 3 chiếc hồ chứa chất thải.
Nước tại con suối nối từ công ty mía đường đổ ra sông Bưởi đang trong tình trạng ứ đọng, bãi thải ngưng tụ dày ít nhất 50 cm, mặt nước nổi váng màu vàng, khi chảy ra sông chất thải tích tụ ven bờ có màu đen đặc.
Video đang HOT
Nằm bên cạnh Công ty cổ phần Mía đường là Nhà máy chế biến tinh bột sắn. Công ty có khuôn viên rộng hơn một ha, hiện đã dừng hoạt động. Tháng 12/2013, sông Bưởi cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thời điểm đó, đơn vị này thừa nhận cống xả thải bị vỡ khiến nước từ hồ chứa đổ ra sông làm nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hai rãnh thoát nước nhỏ nằm trước cửa hai nhà máy. Mỗi khi trời mưa, nước thải tràn ra ngoài không thể thoát, lớp váng màu vàng nổi lềnh bềnh.
Người dân ở đây đa phần làm nghề chài lưới. Dù biết sông Bưởi là nơi xả thải của công ty mía đường nhưng hàng ngày họ vẫn phải ngâm mình trong nguồn nước ô nhiễm bắt cá kiếm thu nhập.
“Con suối nhỏ trước kia là nơi dẫn nước khi mùa mưa xuống, có tác dụng chống ngập lụt cho xã nay trở thành chỗ xả thải của công ty mía đường. Nước tại các con sông, suối hai bên bờ có hiện tượng ứ đọng bùn đen”, ông Bùi Văn Nhắng (trú huyện Lạc Sơn) nói.
Trước đó, từ sáng 4/5 nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết hàng loạt. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa), cho biết trong buổi làm việc với đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, lãnh đạo Công ty cổ phần mía đường thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Nhà chức trách cho rằng đây là nguyên nhân khiến cá trên sông chết hàng loạt.
Ngọc Thành
Theo VNE
Nông dân bất lực nhìn đống cá chết ngổn ngang khắp sông Bưởi
Trắng đêm, nỗ lực cứu cá không thành, nhiều nông dân bật khóc nhìn cả tấn cá chết trắng mặt nước.
Gia đình anh Phượng cùng hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng nhiều năm nay dọc bờ sông Bưởi đoạn qua huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) nhưng anh nói chưa bao giờ rơi vào thảm cảnh như hiện giờ. Nước sông có dấu hiệu đổi sắc cách đây hai hôm và đến đêm 7/5 thì đen kịt và bốc mùi thối nồng rất khó chịu. Nguồn nước ô nhiễm khiến các loài thủy sinh chết ngạt rất nhanh.
Anh Lê Huy Tiễn (thôn Lộc Phượng I, xã Thành Vinh) cho biết, khoảng 22h hôm qua, tại nhiều bè đã phát hiện cá bơi chậm, lờ đờ. Cho rằng cá bị mệt do thời tiết thay đổi, bà con đã mang bạt quây lồng cá lại nhưng càng về khuya thì cá càng vùng vẫy mạnh và bắt đầu chết.
Chỉ trong một đêm, gần ba tấn cá trắm nuôi thiệt hại khiến bà Báu lâm cảnh tay trắng. Ảnh: Lê Hoàng.
"Khoảng 2h sáng, chúng tôi phát hiện cá quẫy bất thường rồi vài con chết nổi lập lờ trong lồng. Bà con hò hét gọi nhau cứu cá, tiếng gọi nhau huyên náo vang cả một quãng sông", anh Tiễn nói. Các chủ hộ lội xuống lồng bắt cá đưa vào các tấm bạt hoặc lòng thuyền chứa nước sạch song vẫn không cứu nổi.Với nhà anh Tiến, đến khi trời hửng sáng, tất cả lồng cá cả mấy trăm con đều chết sạch, nổi trắng mặt nước.
Ông Nguyễn Văn Do, một chủ lồng cá cho hay, làng ông không ai kịp cứu cá vì nước ô nhiễm lan xuống vào ban đêm quá nhanh. Chỉ duy nhất tại xã Thạch Lâm có một lồng cá, khi nước ô nhiễm đổ về, chủ nhà đã kịp đẩy bè vào một con suối riêng nên không thiệt hại.
Một trong những gia đình thiệt hại nặng nhất là hộ bà Nguyễn Thị Báu ở xã Thành Vinh. Chỉ trong đêm qua, gần 3 tấn cá trắm của gia đình đã chết hết. Trong cái nắng gắt gần trưa, người phụ nữ trung niên gầy rộc ngồi đánh bệt trên nắp lồng cá, bật khóc trước mất mát lớn về kinh tế.
"Gia đình tôi dốc hết vốn liếng nuôi bè cá. Nếu trời thương để cho đến cuối năm thu hoạch sẽ được chừng 300-400 triệu đồng. Giờ mất sạch rồi, biết sống sao đây", bà Báu ngửa mặt than. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, gia đình bà Báu thiệt hại ít nhất 160 triệu đồng.
Theo thống kê sơ bộ từ UBND huyện Thạch Thành, toàn huyện có 32 hộ bị thiệt hại với 71 lồng cá, tổng trọng lượng hơn 17 tấn. Riêng xã Thành Vinh có 28 lồng của 16 hộ dân ở hai thôn Lộc Phượng 1, Bãi Cháy đã bị thiệt hại hoàn toàn, tổng trọng lượng cá lên đến hơn 10 tấn...
Ngày 7/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền dẫn đầu đoàn công tác cùng đại diện Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp thị sát trên sông Bưởi. Ông Quyền chỉ đạo các sở ngành và UBND huyện Thạch Thành khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khiến chết cá hàng loạt.
Chưa bao giờ người nuôi cá lồng trên sông Bưởi thiệt hại lớn như đợt này. Ảnh: Lê Hoàng.
Ông Quyền yêu cầu UBND huyện Thạch Thành thống kê chi tiết lượng cá chết trong dân nhằm sớm có biện pháp hỗ trợ kịp thời về kinh tế. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân không tự ý ăn cá chết dưới sông, không dùng nguồn nước đã ô nhiễm. Toàn bộ số cá chết phải có biện pháp tiêu hủy khẩn trương. Ngay buổi trưa cùng ngày, toàn bộ lượng cá chết đã được các địa phương tổ chức tiêu hủy.
Trước đó từ sáng 4/5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết nổi khắp lòng sông. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Những ngày tiếp theo, cá lồng nuôi của nhiều hộ dân phía hạ lưu sông Bưởi cũng chết hàng loạt. Phạm vi ghi nhận cá chết ước tính 30 km dọc sông.
Bước đầu, nhà chức trách xác định, "thủ phạm" gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là do Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải bẩn ra môi trường.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hóa), cho hay trong buổi làm việc với đoàn công tác của Sở Tài nguyên Môi trường hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, lãnh đạo Công ty CP mía đường Hòa Bình thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Đây là lần thứ ba trong vài năm trở lại đây xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi. Trước đó vào tháng 12/2013, nước trên thượng nguồn sông Bưởi, đoạn chảy qua xã Thạch Lâm bỗng chuyển đen kịt, bốc mùi hôi, cá sau đó chết hàng loạt. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) sau đó kết luận, cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Bưởi là do nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình (trụ sở ở xã Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình) gây ra.
Tại tỉnh Thanh Hóa, ngoài sông Bưởi, cá lồng nuôi trên sông Lạch Bạng (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia) cũng đang chết hàng loạt. Cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân.
Lê Hoàng
Theo VNE
Cá chết nằm như ngả rạ trên sông Bưởi Sáng 7/5, người dân tiếp tục vớt những con cá 2-4 kg từ dưới lồng bè lên mang đi tiêu hủy. Ít nhất 14 tấn cá nuôi trên sông Bưởi (Thanh Hóa) đã chết trong vài ngày qua. 3 ngày qua, nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm nặng khiến rất nhiều loài thủy sản chết bất thường. Sáng 7/5, nhiều tấn cá...