Chất “Tàu” trong vụ Xiaomi thu thập dữ liệu người dùng
Xiaomi (Trung Quốc) đang nổi như cồn trên thế giới với việc chỉ trong thời gian ngắn lọt vào top 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, qua vụ tai tiếng bí mật thu thập thông tin người dùng, cách ứng xử của Xiaomi cho thấy chất “Tàu” còn quá đậm để trở thành hãng quốc tế.
Vào khoảng trung tuần tháng Bảy vừa qua, bắt đầu từ diễn đàn IMA-Mobile (Hong Kong), một người dùng chia sẻ thông tin chiếc Xiaomi Redmi Note tự động gửi các thông tin cá nhân như tin nhắn, hình ảnh hoặc các tập tin đa phương tiện đến một máy chủ đặt tại Trung Quốc. Quá trình này được thực hiện một cách âm thầm và chỉ xảy ra khi smartphone có kết nối WiFi, để người dùng không hay biết. Đáng chú ý, những ứng dụng này được tích hợp sâu vào firmware của thiết bị, nghĩa là người dùng không thể gỡ bỏ chúng, ngay cả khi root (mở khóa) để truy cập vào quyền quản lý của thiết bị.
Một chiếc Redmi Note có giá 4,7 triệu đồng tại Việt Nam
Tin này sau đó được các báo ở Đài Loan và đặc biệt Việt Nam quan tâm đưa tin. Tuy nhiên, Xiaomi vẫn không hề có phản ứng gì. Đến ngày 22/7, tại sự kiện ra mắt smartphone Xiaomi Mi4, khi bị báo chí chất vấn, đại diện Xiaomi mới giải thích, nhưng chỉ là biện hộ vòng vo bằng cách trích dẫn những chính sách về thỏa thuận sử dụng của người dùng.
Không chỉ có vậy, đại diện Xiaomi khẳng định những cáo buộc về hành vi xâm phạm thông tin người dùng là không đúng sự thật. Rằng chiếc smartphone Redmi Note không tự động upload thông tin cá nhân mà chỉ ghi nhận những sở thích và thói quen sử dụng thiết bị của người dùng để Xiaomi có thể gửi những gói nâng cấp và khuyến nghị các ứng dụng thích hợp để có thể cải thiện hoạt động trên thiết bị.
Xiaomi khẳng định mọi chiếc smartphone đều được đi kèm với tính năng tự động sao lưu lên các dịch vụ lưu trữ đám mây của các hãng sản xuất và tính năng này chỉ được kích hoạt khi có sự đồng ý của người dùng.
Tuy nhiên, hãng này đã cố tình lờ đi một sự thật mà người dùng phản ánh: chiếc Xiaomi Redmi Note tự động gửi thông tin người dùng về máy chủ của hãng ở Trung Quốc mà người dùng không có cách nào vô hiệu hóa được.
Công ty Bkav của Việt Nam sau đó đã thử nghiệm và xác thực ngay cả khi người dùng đã tắt tính năng User Experience Program, không cho phép gửi dữ liệu đi thì việc trao đổi dữ liệu ngầm vẫn diễn ra. Tuy Xiaomi tuyên bố khách hàng được quyền lựa chọn bật/tắt tính năng User Experience Program (thống kê, thu thập thông tin hoạt động cá nhân của người sử dụng) nhưng thử nghiệm thực tế thì dù đã vô hiệu hóa tính năng này nhưng máy vẫn gửi dữ liệu về máy chủ.
Video đang HOT
Thử nghiệm của Bkav cho thấy máy tự động gửi số điện thoại người dùng tới các máy chủ Trung Quốc
Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, các trang tin tức công nghệ Mỹ như Macmors, PhoneArena, NTDV, Apple Insider, Ubergizmodo, blog Wall Street Journal… lần lượt đưa tin về tai tiếng của chiếc Xiaomi Redmi Note. Lúc này, Xiaomi không thể tiếp tục im lặng. Ngày 30/7, ông Hugo Barra, Phó Chủ tịch Xiaomi – một cựu nhân viên cao cấp của Google phụ trách phát triển Android – đăng bài hỏi đáp các vấn đề về Xiaomi Redmi Note trên tài khoản Google để giải thích.
Ông Barra cho đến lúc đó vẫn khẳng định MIUI, giao diện người dùng điện thoại Xiaomi, không bí mật tải ảnh và tin nhắn như thông tin trên mạng. Và Xiaomi không tải lên bất kỳ dữ liệu cá nhân nào mà người dùng không biết. Nói cách khác, như các thiết bị khác, dịch vụ Mi Cloud của Xiaomi cho phép người dùng dự phòng và quản lý thông tin trên “đám mây” cũng như đồng bộ với các thiết bị khác. Mi Cloud được cài đặt mặc định tắt, người dùng phải đăng nhập tài khoản Mi và bật Mi Cloud thủ công. Người dùng có thể tắt Mi Cloud nếu không sử dụng.
Trớ trêu cho ông Barra là ngay sau đó, một công ty bảo mật khác – F-Secure của Phần Lan – tiếp tục chứng minh điện thoại Xiaomi khác – Redmi 1S – bí mật thu thập thông tin người dùng tương tự trường hợp Redmi Note.
Ban đầu, F-Secure không cấu hình tài khoản lưu trữ đám mây Mi Cloud và chỉ đơn giản lắp SIM vào máy, kết nối Wi-Fi, bật GPS, thêm số liên lạc, nghe/gọi điện thoại và trao đổi tin nhắn. Công ty phát hiện tên nhà mạng, số liên lạc và tin nhắn SMS đều được chuyển tiếp đến máy chủ api.account.xiaomi.com. Sau đó, F-Secure đăng nhập Mi Cloud, lặp lại các bước ở trên. Lần này, chi tiết IMSI, số IMEI, số điện thoại được gửi tới địa chỉ như trên, api.account.xiaomi.com.
Trước những bằng chứng rõ ràng và phản ứng gay gắt của dư luận, ông Barra ngày 10/8 tiếp tục đăng đàn trên Google . Lần này, thay mặt Xiaomi, Barra đã phải xin lỗi vì bất kỳ mối lo ngại nào gây ra cho người dùng, đồng thời tuyên bố tung ra bản cập nhật mới cho ROM MIUI qua đường OTA (cập nhật trực tiếp trên điện thoại) trong cùng ngày. Với bản cập nhật mới, người dùng sẽ phải bật dịch vụ nhắn tin của Xiaomi một cách thủ công.
Hiện nay, thị trường của Xiaomi chủ yếu là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và một số nước khác, trong đó có Việt Nam (qua đường hàng xách tay). Câu hỏi đặt ra là nếu như Xiaomi đã hiện diện ở thị trường châu Âu hoặc Mỹ, thì trước bức xúc của người dùng về bảo mật dữ liệu, họ có thể phản hồi một cách cho có, ban đầu chối bay chối biến như thế không? Chắc chắn là không.
Còn ở các thị trường đang phát triển, như đã nói ở trên, Xiaomi hành xử tỏ ra coi thường người dùng, vòng vo, ngụy biện…. Có lẽ, họ cho rằng những chiếc điện thoại giá rẻ, cấu hình mạnh, thiết kế nhái hàng cao cấp của mình lấn át được mọi quan ngại của đa số người dùng ít tiền.
Thực tế đã chứng minh không phải vậy. Xiaomi cuối cùng đã phải xin lỗi người dùng. Và tại Singapore, họ đang bị điều tra vì người dùng cáo buộc thiết bị Xiaomi lén lút thu thập thông tin.
Theo VnReview
Nokia X2 - Cuối cùng cho một "cuộc chơi"
Đọc được thông tin Nokia X2 - dòng điện thoại chạy Android cuối cùng của Nokia - được chính thức bán tại Việt Nam ngày 26/7/2014, không biết tâm trạng của bạn thế nào, đặc biệt là những người có cảm tình với Nokia, chứ tâm trạng của tôi lúc ấy thực sự là "có một sự cám cảnh nhẹ" cho dòng điện thoại vừa bị khai tử này.
Nokia X2 - điện thoại Android cuối cùng của Nokia
"X2 - bái bai"
Nokia X2 là "niềm đau" của Nokia mà khoảng chục ngày trước Microsoft phải "chôn giấu" nó đi bằng cách tuyên bố khai tử. Đối với Nokia fans đó có thể là một cuộc tình lỡ làng giữa hai nền tảng và "đế chế" là Nokia - Google. Và có thể Nokia fans sẽ cảm thấy ủ dột như trong lời bài hát "Cuối cùng cho một tình yêu" của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh khi mẫu Nokia Android phone cuối cùng về Việt Nam trong sự muộn mằn: "Một lần yêu thương, một đời bão nổi/Giã từ, giã từ..."
Thế nhưng với cái nhìn của những người làm ăn trên thương trường, giới làm và kinh doanh ĐTDĐ hay những nhà quan sát, phân tích, thì chưa chắc "X2 - bái bai" là "cuối cùng cho một tình yêu". Nếu nói về tình yêu thì đối với Nokia đó phải là nền tảng Symbian. Nếu nói về tình yêu thì đối với Microsoft đó phải là nền tảng Windows Phone. Đó là những giá trị cốt lõi một thời và hiện thời của hai thương hiệu này đã và đang xây dựng.
Thế thì "X2 - bái bai" chỉ còn có thể được nhìn nhận là kết quả cuối cùng của một cuộc chơi/cuộc vui giữa "lão già" Nokia thời suy kiệt bên "người đàn bà" đương thì xuân sắc Android/Google. Một sản phẩm hôn phối như vậy khó tránh được sự khập khiễng và èo uột. Và rồi "X2 - bái bai" cũng như "người anh" của nó trước đó là Nokia X, dù vẫn được tiếp tục bán tại thị trường Việt Nam nhưng sẽ bị cắt hết mọi sự hỗ trợ sau 18 tháng nữa bởi Microsoft đã chính thức khai tử dòng Nokia X.
Vậy thì trước việc X2 lên kệ tại Việt Nam từ hôm nay (26/7) với mức giá 2,99 triệu đồng, nếu bạn là người đang muốn mua sắm thì sẽ đưa ra quyết định chọn lựa như thế nào?
Phù thịnh hay vẫn phù suy?
Tâm trạng thứ hai của tôi khi đọc những dòng tin về việc X2 bán tại Việt Nam từ ngày 26/7/2014 là một sự băn khoăn như khi đọc thấy những bài PR cho hàng tồn kho BlackBerry Z10 ào ạt trên các trang mạng vậy. Chỉ khác là, Z10 được bán với giá thật sự rẻ so với mức giá của chính nó vào thời điểm hơn một năm trước đó. Trong khi đó, X2 với mức giá 2,99 triệu đồng về Việt Nam với tư cách là hàng mới chính hãng.
Dù là sản phẩm đã bị khai tử, X2 vẫn được định giá như một sản phẩm "hàng hiệu" mới toanh
Lướt qua cấu hình của X2 sau đây: Màn hình 4.3 inch độ phân giải 480 x 800 pixel, bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 200 lõi kép tốc độ 1.2 GHz, RAM 1GB, ROM 4GB, camera chính 5MP, pin dung lượng 1.800 mAh... Ở phân khúc giá từ 2,8-3 triệu đồng thị trường hiện cũng đang hiện diện một số sản phẩm của các thương hiệu khác:
- Zenfone 4: Màn hình 4.5 inch độ phân giải 480 x 854 pixel, chip Atom Intel Z2520 tốc độ 1,2GHz, RAM 1GB, ROM 8GB, hệ điều hành Android 4.4.2 KitKat, pin 1.750mAh..., giá 2,8 triệu đồng.
- Philips S338: Màn hình qHD 4.5 inch, chip lõi tứ 1,3GHz, RAM 1GB, ROM 4GB, hệ điều hành Android 4.2 Jelly Bean, camera chính 5MP, pin 1.700mAh...Giá 2,8 triệu đồng.
- Touch LAI 504M của Mobiistar: Màn hình 5 inch độ phân giải 480 x 854 pixel, chip lõi tứ 1,3GHz, RAM 1GB, ROM 4GB, camera chính 8MP cảm biến BSI Sony Exmor R, hệ điều hành 4.2.2, pin 1.900mAh..., giá 2,89 triệu đồng.
Đối với những người am tường hay giới chuyên môn, việc đánh giá phải cộng thêm một yếu tố rất quan trọng là quá trình trải nghiệm với những sự mổ xẻ và phân tích. Tuy nhiên đối với người tiêu dùng bình thường có thể chỉ dựa vào các thông số về cấu hình và thiết kế ngoại hình để đưa ra quyết định lựa chọn.
Lợi thế của Nokia trong các sản phẩm cùng cấu hình hay cùng phân khúc giá thường được cộng thêm yếu tố thương hiệu. Tuy nhiên, thương hiệu điện thoại Nokia bao nhiêu năm qua được xây dựng và khẳng định trên nền tảng Symbian chứ không phải Android. Chạy theo Android, thương hiệu Nokia đã bị "tổn thương" mà điển hình chính là trường hợp mẫu máy Nokia X thất bại thảm hại trên thị trường. Vậy thì, thương hiệu Nokia khi được đánh giá trên trường hợp Nokia X và Nokia X2 chưa hẳn là điểm cộng, đơn giản vì Nokia không phải là thương hiệu có thế mạnh về ĐTDĐ Android.
Nokia X2 về Việt Nam là hàng mới xét ở góc độ thời gian (mới ra mắt được vài tháng) nhưng xét về chiến lược và kế hoạch của "cha dượng" Microsoft, thì cả Nokia X và X2 đều là "hàng tồn" vì sẽ không còn được phát triển nữa. "Đứa con riêng" X2 đang được ấn định mức giá không hề rẻ và mềm. Nhờ vào chiến dịch truyền thông, hàng tồn BlackBerry Z10 được bán khá mạnh, tuy nhiên được như thế cũng nhờ vào sự giảm giá mạnh mẽ tới mức khó ngờ, còn X2 vẫn đang được ấn định ở mức giá "bề trên".
Thị trường Việt Nam lâu nay vẫn thường là "chỗ trũng" cho những sản phẩm công nghệ tồn kho, lỗi mốt, thậm chí phẩm chất kém.v.v... chảy về. Một trong những "quả đắng" cho người tiêu dùng Việt chính là trường hợp máy quay bỏ túi Flip Video, được Cisco mang vào giới thiệu tại Việt Nam ngày 12/1/2011 với những lời lẽ có cánh cho một dòng sản phẩm mới. Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, chính hãng này đã phát đi thông điệp khai tử Flip Video khiến 550 nhân viên mất việc.
Thị trường ĐTDĐ Việt Nam đã từng đậm đặc một tình yêu Nokia trong nhiều năm ròng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây khi iPhone vụt sáng và điện thoại Android trỗi dậy mạnh mẽ thì tình yêu kia với Nokia đã bước dần qua những tàn phai và mòn mỏi. Nếu không biết mà ăn phải "quả đắng" như trường hợp Flip Video thì đã đành, còn khi đã biết thì cần có phân tích tỉnh táo và lựa chọn sáng suốt. Dân gian có câu "phù thịnh chứ không ai phù suy". Còn đã quyết định "phù suy" thì phải được một mức giá thật hời. Bằng người lại, thì "giã từ, giã từ..."
Theo VnReview
Con đường tơ lụa trên biển: Bóc mẽ mưu đồ Trung Quốc Đăng ký con đường tơ lụa trên biển: TQ đang dùng khoa học vào mục đích chính trị phi lý. Đó là quan điểm của PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội khảo cổ học VN trước việc Trung Quốc đang lập một cơ sở khảo cổ dưới nước cấp quốc gia và bổ sung hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận...