Chất PFAS trong hộp đựng thực phẩm có thể gây bệnh thận
Hợp chất PFAS là thành phần có trong hộp đựng thực phẩm, thuốc tẩy, vải không thấm nước… gây bệnh thận, ung thư.
Thế giới có khoảng 850 triệu người bị bệnh thận, riêng Mỹ đến 30 triệu người bệnh, gấp đôi số bệnh nhân tiểu đường và gấp 20 lần số người bệnh ung thư. Phần lớn bệnh nhân thận phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã suy thận nặng. Xét nghiệm đơn giản nhất giúp phát hiện sớm bệnh thận là tổng phân tích nước tiểu.
Tuần lễ Thận học ở Mỹ tháng 11 công bố kết quả nghiên cứu hợp chất polyfluoroalkyl (PFAS) có trong môi trường sống bị ô nhiễm gây hại cho thận, nhất là ở trẻ em. Đây là các hợp chất không phân hủy sinh học được dùng để nhuộm, bôi trơn trong các sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, đóng gói thực phẩm. PFAS được sản xuất và sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu từ những năm 1940. Hợp chất này rất bền trong môi trường và cơ thể người, không bị phá vỡ và tích lũy theo thời gian.
PFAS có mặt trong các sản phẩm gia dụng như vải không thấm nước, chất liệu không dính như teflon, chất đánh bóng, sáp, sơn, sản phẩm làm sạch, hàng tiêu dùng như đồ nấu nướng, hộp đựng thực phẩm và thuốc chống vết bẩn… PFAS cũng có trong nước uống ở những khu vực gần nhà máy, bãi rác, nhà máy xử lý nước thải…
Hoá chất PFAS thường có trong nhiều hộp đựng giấy thức ăn nhanh. Ảnh: Web MD.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy PFAS ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây bệnh lý ung thư, bệnh lý tuyến giáp, tăng cholesterol máu, tác dụng trên hệ miễn dịch và trẻ sơ sinh bị nhẹ cân.
Thận là cơ quan rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, nhất với các độc chất từ môi trường. Các chất này đi vào dòng máu và được lọc qua thận. Các nhà khoa học phát hiện có mối liên hệ chặt chẽ giữa PFAS và các bệnh lý thận như suy giảm độ lọc cầu thận, tổn thương ống thận và ung thư thận. Trẻ em dễ bị tổn thương thận do PFAS hơn so với người lớn.
Một số lưu ý để dự phòng bệnh thận do PFAS:
Video đang HOT
- Giữ gìn sạch sẽ môi trường sống, không thải các chất độc hại dùng trong công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý vào môi trường.
- Kiểm soát chặt chẽ hàm lượng PFAS trong nước sinh hoạt, đặc biệt là ở những khu vực khai thác nước gần nhà máy sản xuất, bãi rác, nhà máy xử lý nước thải.
- Ngưng sản xuất và kiểm soát việc sử dụng hóa chất PFAS trong công nghiệp, nông nghiệp.
- Xem kỹ nguồn gốc sản xuất của sản phẩm, bao bì đóng gói. Hạn chế sử dụng sản phẩm có thể chứa hóa chất PFAS như thực phẩm đóng gói, các loại vải không thấm nước, các đồ dùng không dính như teflon, chất đánh bóng, sáp, các loại sơn…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bách
Trưởng Khoa Thận học – Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM
Theo VNE
Nốt ruồi có những biểu hiện này cần nghĩ ngay tới ung thư
Ung thư từ nốt ruồi là loại rất nguy hiểm, phát triển nhanh, di căn nhanh và dễ gây ung thư thứ phát vào phổi, não, gan, xương...
Theo thống kê của BV Da liễu TƯ, mỗi năm BV này điều trị cho hơn 300 trường hợp mắc ung thư da và số lượng bệnh nhân tăng thêm 10-15% qua mỗi năm.
Tuy nhiên, rất ít người để ý đến căn bệnh này, khi thấy có những vết lạ trên da, người bệnh thường lầm tưởng là nốt ruồi hoặc vết bớt bình thường nên không đi khám sớm, dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
Điển hình như trường hợp 2 nam bệnh nhân ở Hà Nội, phát hiện vết đen bất thường trên mặt vài năm nhưng không điều trị gì vì nghĩ là nốt ruồi, khi đến BV đốt laser thẩm mỹ, bác sĩ phát hiện ung thư da đã chuyển sang giai đoạn muộn, phải điều trị hoá chất và xạ trị.
Nhiều người lầm tưởng nốt đen lớn trên mặt là nốt ruồi bình thường
BS Hoàng Thị Phương Lan, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV đa khoa Đức Giang cho biết, ung thư từ nốt ruồi là loại rất nguy hiểm, phát triển nhanh, thường là u ác tính, di căn nhanh, gây ung thư thứ phát ở gan, xương, phổi, não, hệ thống hạch...
Ung thư từ nốt ruồi thường bắt đầu từ u kích thước nhỏ, không ngứa, không đau nên người dân ít để ý, tuy nhiên thực tế trong quá trình phát triển, loại u này có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ. Trường hợp biến chứng nặng, u này có thể "ăn" mất ngón tay, chân, miệng, mắt, mũi... tùy vào vị trí khối u.
Tuy nhiên nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị kịp thời ngay từ khi nốt ruồi mới sang ác tính thì tỉ lệ khỏi bệnh khá cao.
Theo BS Lan, để xác định nốt ruồi ung thư, người dân có thể dễ dàng kiểm tra bằng mắt thường thông qua 5 dấu hiệu:
- Tính đối xứng: Nốt ruồi lành tính thường có 2 nửa đối xứng. Khi nốt ruồi hoặc tàn nhang có hình dạng không đối xứng bất bình thường thì nên kiểm tra lại bằng cách vẽ một đường tưởng tượng chia dọc nốt đó ra và đối chiếu xem nửa còn lại có tương đồng. Nếu không đối xứng thì rất có thể là ung thư.
- Đường viền: Nếu như đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, trông khác thường với các nốt ruồi khác thì đó cũng có thể là cảnh báo ung thư. Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da.
Bằng mắt thường có thể dễ dàng phát hiện nhiều điểm bất thường ở các nốt ruồi ác tính
- Màu sắc: Nốt ruồi không có màu giống với những nốt ruồi khác trên da, dù là bất kể màu sắc gì như nâu, đen, xanh đậm, trắng hay đỏ đều đáng nghi ngờ.
Nốt ruồi bình thường sẽ có một màu sắc nhất định, tương tự và đồng đều nhau trên da nhưng nếu trên da có nhiều nốt ruồi khác màu, khác hình dạng, chỗ đậm, chỗ nhạt thì nguy cơ ung thư rất cao.
- Đường kính: Một điểm đáng ngờ khi quan sát các nốt lạ trên da là đường kính của chúng lớn hơn hẳn các nốt ruồi thông thường. Nốt ruồi thường chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 0,6cm.
- Độ lồi: Nếu nốt lạ nổi lồi trên da rõ nét thì việc kiểm tra là cần thiết. Bởi các khối u ác tính thường phát triển nhanh chóng về kích cỡ hoặc độ lớn. Một nốt ruồi cứ lớn dần, đổi màu, gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc chảy máu thực sự là dấu hiệu đáng báo động.
Do vậy bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trên da nổi u, cục nhìn như nốt ruồi hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian, sờ thấy cứng, rát cần nghĩ đến ung thư và đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
Để điều trị ung thư từ nốt ruồi, các phương pháp áp dụng phổ biến là phẫu thuật (áp dụng ung thư giai đoạn sớm); Nạo và đốt điện để loại bỏ phần da ung thư; Phẫu thuật dao lạnh, dùng khí nito phun lên vùng da bị ung thư; Ghép da để giúp lấp đầy các phần da đã bị cắt bỏ; Xạ trị và hoá trị (áp dụng cho các trường hợp đã ở giai đoạn muộn).
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
9 loại khám sức khỏe định kỳ không cần thiết Bạn có chụp X-quang tim phổi khi khám sức khỏe hàng năm không? Liệu phân tích nước tiểu có phải là một xét nghiệm thường quy? Trừ khi bác sĩ có một lý do y tế cụ thể để yêu cầu những xét nghiệm như vậy, còn thì những xét nghiệm này và một số xét nghiệm dự phòng khác là không cần...