Chặt hàng loạt cây xanh để dẹp vỉa hè ở Hà Nội
Triển khai việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, xã Cẩm Yên (Thạch Thất, Hà Nội) đã cho chặt hạ 89 cây xanh trên tuyến đường liên thôn, liên xã dài 3,5 km.
89 cây xanh hai bên đường liên thôn, liên xã dài 3,5 km ở xã Cẩm Yên (Thạch Thất, Hà Nội) đã bị chặt hạ trong các ngày 15 đến 18/3.
Ông Nguyễn Tuấn Trung, Chủ tịch xã Cẩm Yên, cho biết đường giao thông của xã đã được bê tông hóa chiều ngang 3 m, tuy nhiên nhiều nơi đường rộng lên tới 5 m nên ở giữa bê tông còn hai bên là đường đất.
“Hộ dân hai bên đường đã tận dụng phần đường đất để trồng cây không theo quy hoạch. Nhiều hộ còn xây tường bao quanh và làm mái che, mái vẩy lấn chiếm, vì vậy xã chủ trương giải tỏa để đảm bảo an toàn giao thông”, ông Trung nói.
Xã thống kê có 86 hộ dân đã trồng tổng số 89 cây xanh, trong đó 71 cây có đường kính dưới 10 cm, 18 cây có đường kính 10-20 cm.
Sau khi xã cho lực lượng đốn hạ cây, trên đường vẫn còn nguyên những gốc cây đường kính từ 40-60 cm.
Video đang HOT
Ông Khuất Quang Tuyến (thôn Yên Lỗ) phản ánh, gia đình có một cây sấu và một cây xoài bị cưa sát gốc, những cây này đều trên dưới 10 năm tuổi.
“Do phần gốc cây nhô lên mặt đường, nên đã có người dân đi xe trong đêm không may đâm vào gốc cây ngã lăn ra đường”, ông Tuyến nói.
Một số hộ dân bày tỏ băn khoăn, trồng cây xanh để lấy bóng mát, nhất là cho các cháu học sinh nhưng nay đã bị chặt hết.
“Nhà có cây nhãn quý, xin mãi ủy ban xã mới cho giữ lại để dâng lên chùa nên đây là cây xanh duy nhất còn sót lại trên tuyến đường”, bà Khuất Thị Thành cho biết.
Ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cho rằng trồng cây xanh không theo quy hoạch là cản trở hành lang giao thông, tuy nhiên cách thực hiện giải tỏa của xã Cẩm Yên “hơi máy móc”.
Theo ông, lẽ ra xã phải có phương án dịch chuyển cây xanh thay vì chặt hạ, và việc này xã làm mà không xin ý kiến huyện.
Phần lớn cây xanh bị chặt hạ được sử dụng làm củi đun hoặc tập kết vào bãi rác của ba thôn: Yên Lỗ, Cẩm Đào, Kinh Đạ.
Ngọc Thành
Theo VNE
Chủ tịch quận 1: 'Anh Hải sẽ không cô đơn'
Ông Trần Thế Thuận - Chủ tịch UBND quận 1 - khẳng định lập lại trật tự vỉa hè là trách nhiệm của tất cả cán bộ, họ sẽ làm quyết liệt hơn và Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải sẽ "không cô đơn".
Ông Trần Thế Thuận (phải) và lãnh đạo phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) khảo sát một khu chợ. Ảnh: Mạnh Tùng
Trưa 14/3, ông Trần Thế Thuận đi khảo sát một số tuyến đường ở phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TP HCM) về tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở khu vực trung tâm. Việc này là để quận 1 tiếp tục tổ chức giai đoạn hai của kế hoạch lập lại trật tự đô thị, sau thời gian ra quân vừa qua.
Theo ông Thuận, chủ trương việc này không mới, song dù thực hiện nhiều lần nhưng đạt kết quả chưa như mong đợi. Việc lấn chiếm vỉa hè buôn bán, đậu xe... đẩy người đi bộ xuống lòng đường vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
"Lần này chúng tôi làm quyết liệt hơn. Việc chấn chỉnh vỉa hè, lòng đường chỉ là bước ban đầu, về lâu dài là phải giữ gìn sự ổn định đó. Thế nên việc tuyên truyền và tổ chức lại cuộc sống của người dân buôn bán là rất quan trọng", ông Thuận nói.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP HCM, quận 1 sẽ giao trách nhiệm cụ thể trong việc lập lại lại trật tự vỉa hè. Các tuyến đường thuộc địa bàn nào sẽ giao cho phường đó quản lý.
"Một số tuyến đường quan trọng sẽ do lãnh đạo quận phụ trách - trực tiếp là Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải. Cán bộ phụ trách phải đi gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với bà con để lắng nghe họ, đồng thời tạo được sự đồng thuận từ người dân. Phải có sự đoàn kết về ý chí và hành động từ quận đến các phường, người dân. Tôi chắc chắn anh Hải sẽ không cô đơn", ông Thuận khẳng định.
Chủ tịch UBND quận 1 nói chuyện với chủ cửa hàng tạp hóa. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trước đó, ông Thuận cùng lãnh đạo phường Cầu Ông Lãnh đã làm việc với các hộ dân trên đường Nguyễn Thái Học, Yersin, Võ Văn Kiệt... Ông Nguyễn Văn Lợi (chủ cửa hàng đồ nhựa) tỏ ra hài lòng với cách làm việc của quận 1 khi ra thông báo trước để người dân tự giác chấp hành.
"Tôi nghĩ việc này cần duy trì lâu dài để đường thông hè thoáng. Nếu chính quyền làm hợp lý thì người dân chúng tôi sẽ sát cánh để lập lại mỹ quan đô thị", ông này nói.
Một số người bán hàng rong trên vỉa hè cũng tỏ ra hứng thú với chủ trương của quận 1 là tạo việc làm cho họ.
Với mong muốn trở thành "Singapore thu nhỏ", UBND quận 1 đã mạnh tay xử phạt các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Hàng loạt công trình của cơ quan Nhà nước, xe biển xanh... vi phạm đều bị xử lý. Sau gần 2 tháng ra quân, quân trung tâm này đa lâp biên ban 1.200 trương hơp, thu ngân sách hơn 700 triệu đồng.
Lãnh đạo TP HCM đánh giá cao hiệu quả của quận 1, yêu cầu các quận huyện khác làm theo và nhắc nhở phải làm "đúng quy trình".
Trong cuộc họp mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bày tỏ băn khoăn khi các cuộc ra quân không thấy Bí thư, Chủ tịch phường đi theo Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải. "Nếu phường không vào cuộc thì sẽ thất bại, vì những ông này hiểu rõ nhất ai lấn chiếm. Không thể để anh Hải thành ngôi sao cô đơn được", ông Thăng nói.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Hà Nội trước ngày các quận, huyện đồng loạt 'đòi' vỉa hè Một ngày trước khi lực lượng chức năng các quận, huyện đồng loạt ra quân lập lại trật tự vỉa hè ở Hà Nội, nhiều tuyến phố đã thông thoáng hơn. Ngay mai 10/3, lực lượng chức năng tất cả các quận huyện thành phố Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân đảm bảo trật tự giao thông đô thị, xử lý lấn...