Chặt hạ 6.700 cây xanh: Lãnh đạo Hà Nội làm trái luật?
Một số luật sư đã kí tên vào thư yêu cầu khẩn cấp của công dân đề nghị dừng ngay việc thực hiện chương trình chặt hạ 6.700 cây xanh tại Hà Nội.
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Luân, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, ông đã cùng với luật sư Trần Vũ Hải và Nguyễn Hà Luân đã cùng ký tên vào thư yêu cầu khẩn cấp của công dân đề nghị dừng ngay việc thực hiện chủ trương chặt hạ 6.700 cây xanh. Thư này đã được gửi theo đường bưu điện tới Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Trong thư yêu cầu này, các luật sư khẳng định, chủ trương chặt hạ 6.700 cây xanh của Hà Nội đã làm trái Nghị định 64/2010 NĐ-CP, đề nghị xử lý nghiêm người tham mưu và làm trái pháp luật.
Video đang HOT
Thư yêu cầu khẩn cấp của công dân mà các luật sư đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Trong Thư yêu cầu khẩn cấp của công dân, các luật sư cho biết, việc chặt hạ này khiến nhiều tuyến đường không còn bóng cây xanh, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều công dân đã kiến nghị yêu cầu chính quyền thành phố phải công khai minh bạch chuyện này và tạm dừng ngay chương trình chặt hạ.
Các luật sư cho rằng, việc chặt hạ với số lượng cây xanh lớn sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tác động xấu đến cuộc sống của nhân dân.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng cho biết, việc thực hiện chủ trương chặt hạ 6.700 cây xanh tại Hà Nội là vấn đề đang nóng dần lên trong dư luận của người dân Hà Nội.
Nếu Quyết định của UBND thành phố Hà Nội cho phép chặt hạ cả những cây không thuộc trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính Phủ về quản lý cây xanh đô thị (Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình) thì việc chặt cây như vậy là trái luật.
Cây xanh bị đốn gục trên đường Hà Nội
Về nguyên tắc một văn bản áp dụng pháp luật mà phạm luật thì văn bản đó phải bị bãi bỏ, hủy bỏ. Cơ quan ban hành văn bản đó có trách nhiệm hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung văn bản đã ban hành cho phù hợp với quy định pháp luật. Nếu cơ quan ban hành văn bản không tự mình hủy bỏ, sửa đổi văn bản thì cơ quan cấp trên trực tiếp có quyền hủy bỏ văn bản của cơ quan cấp dưới.
Với trách nhiệm là một công dân, theo quy định pháp luật hiện nay thì chỉ có quyền kiến nghị, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét lại quyết định đó hoặc yêu cầu cơ quan cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Luân thì qua thông tin trên báo chí và qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều cây xanh bị đốn hạ không thuộc các điều kiện dẫn trên. Do đó, chúng tôi yêu cầu khẩn cấp đề nghị ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội dừng ngay việc thực hiện chương trình chặt hạ 6.700 cây xanh và xem xét xử lý những người đã tham mưu sai cho chính quyền phê duyệt chương trình này.
Ngoài ra, các luật sư cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội tổ chức đối thoại ngay về các vấn đề liên quan đến chương trình thay thế cây xanh. Cuộc đối thoại này phải công khai với sự tham gia của các cử tri, các chuyên gia nếu UBND TP cho rằng chương trình này phù hợp với Nghị định 64/2010.
An Nhiên
Theo_Người Đưa Tin