Chấp nhận cách ly để làm tình nguyện viên chống dịch
Nhiều bạn trẻ ở Nghệ An đã tình nguyện cách ly 14 ngày tại khu cách ly tập trung, bất chấp công việc khá vất vả và rủi ro, để hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19.
Tình nguyện viên chuẩn bị đi đưa cơm cho người cách ly tập trung
Bị nghi ngại, trách móc
Sau 14 ngày ở khu cách ly tập trung, sáng 10.4, 8 tình nguyện viên thanh niên ở H.Nam Đàn (Nghệ An) đã hoàn thành đợt tình nguyện đầu tiên để hỗ trợ hơn 600 người dân trở về từ Thái Lan và Lào, phải cách ly phòng dịch Covid-19. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, 8 thanh niên tình nguyện này sẽ phải tiếp tục tự cách ly thêm 7 ngày ở nhà. Bị “nhốt mình” 3 tuần liền, nhưng nhóm tình nguyện viên này rất vui vẻ và nói sẵn sàng lại vào khu cách ly nếu tiếp tục được đề nghị.
Khi đăng ký tham gia tình nguyện, ban đầu, bố mẹ em và chính em cũng băn khoăn, hơi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch khi tiếp xúc nhiều ngày ở khu cách ly tập trung. Nhưng nghĩ tới việc góp sức chống dịch, em cũng đã sẵn sàng chuẩn bị tình huống xấu nhất nếu gặp rủi ro nên sau đó tâm lý cũng thoải mái
Nguyễn Viết An học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên, H.Nam Đàn
Đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng về quê nghỉ vì dịch Covid-19, Nguyễn Thị Lam Giang kể đêm trước ngày đi tình nguyện ở khu cách ly, Giang đọc được thông báo của Huyện đoàn Nam Đàn cần tình nguyện viên hỗ trợ hậu cần ở khu cách ly và phải ở lại đây cho đến hết đợt cách ly. Giang lập tức viết đơn đăng ký và xin bố mẹ đi làm tình nguyện viên. Bố Giang đồng ý ngay nhưng mẹ lại lo lắng, không muốn con gái vào khu vực đang có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Đêm đó thuyết phục mẹ không được, sáng hôm sau, Giang lại thuyết phục mẹ và hứa sẽ tự bảo vệ mình an toàn. “Đến trưa hôm sau, mẹ em mới đồng ý và buổi chiều em mang ba lô lên đường đến khu cách ly luôn”, Giang kể.
Sau khi vào khu cách ly, một số hàng xóm lo lắng cho Giang và cho bản thân họ sau khi Giang trở về nhà nên nhắn tin khuyên nhủ, thậm chí có người còn trách móc “ sao lại vào đó?”. Giang trả lời trấn an rằng đừng lo lắng vì Giang biết cách để tự bảo vệ mình và người khác. Giang cho biết thực tế, khoảng cách các tình nguyện viên và người cách ly đảm bảo an toàn và hằng ngày sức khỏe tình nguyện viên được các nhân viên y tế tại đây theo dõi, kiểm tra. Hoàn thành đợt tình nguyện, Giang đang tự cách ly thêm 7 ngày ở nhà, không dám bước ra ngõ để mọi người an tâm.
Nguyễn Viết An (học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên, H.Nam Đàn) kể: “Khi đăng ký tham gia tình nguyện, ban đầu, bố mẹ và chính em cũng băn khoăn, hơi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch khi tiếp xúc nhiều ngày ở khu cách ly tập trung. Nhưng nghĩ tới việc góp sức chống dịch, em cũng đã sẵn sàng chuẩn bị tình huống xấu nhất nếu gặp rủi ro nên sau đó tâm lý cũng thoải mái”, An nói.
Các tình nguyện viên chuẩn bị bữa ăn tại khu cách ly tập trung – Ảnh: CTV
Mệt nhưng có ý nghĩa
Công việc của 8 tình nguyện viên này là hỗ trợ những quân nhân phục vụ hậu cần cho hơn 600 người đang cách ly. Những người bị cách ly ở khu tập trung không được tiếp xúc với người khác ở bên ngoài để phòng lây nhiễm dịch. Khu bếp ăn được bố trí cách khu nhà ở khoảng 100 m. Hằng ngày, các tình nguyện viên thức dậy lúc 5 giờ 30 và đi ngủ lúc 21 giờ 30. Thời gian biểu thay đổi đột ngột so với ngày thường ở nhà nên ban đầu, nhiều tình nguyện viên rất vất vả để thích nghi. Đến 6 giờ, cả nhóm chia nhau nhặt rau, thái củ quả, thịt, cá rồi sơ chế. Sau khi các đầu bếp là các anh nuôi bộ đội nấu xong, tình nguyện viên chia khẩu phần cho hơn 600 người đang cách ly. Công việc kéo dài liên tục đến 11 giờ trưa. 14 giờ chiều, công việc lại tiếp tục lặp lại cho đến hơn 17 giờ mới xong. “Công việc cũng khá mệt, nhưng nghĩ mình đang góp phần để chống dịch là quên cả mệt”, Nguyễn Viết An chia sẻ.
Tính đến ngày 11.4, Nghệ An đã thực hiện cách ly tập trung gần 10.000 người từ nước ngoài trở về tại hàng chục điểm cách ly. Tỉnh đoàn Nghệ An kêu gọi lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ tại các khu cách ly này và đã có hàng trăm tình nguyện viên tham gia, trong đó có 2 khu cách ly tập trung ở H.Nam Đàn và TX.Hoàng Mai, các tình nguyện viên phải ở trong khu cách ly 14 ngày.
Lo con ở lâu ngày trong khu cách ly bị lây nhiễm dịch nên bố mẹ thường xuyên nhắn tin, gọi điện nhắc nhở phải cẩn thận. Nguyễn Thị Lam Giang chia sẻ, việc trấn an người thân có khi còn “mệt” hơn làm việc. Rất may, hơn 600 người sau 14 ngày cách ly đều âm tính với dịch Covid-19 nên người thân và hàng xóm của các tình nguyện viên cũng an tâm hơn.
Chị Nguyễn Thị Đức Minh, Bí thư Huyện đoàn Nam Đàn, cho biết sau khi tiếp nhận công dân trở về quê phải cách ly chống dịch, đơn vị quân đội nơi được trưng dụng để làm khu cách ly tập trung đề nghị Huyện đoàn hỗ trợ tình nguyện viên ở lại khu cách ly nên Huyện đoàn đã thông báo. Ngay sau khi thông báo, có 17 đoàn viên, thanh niên đăng ký, nhưng do việc bố trí chỗ ở có hạn nên chỉ cần 8 người. 1 cán bộ Huyện đoàn và 7 tình nguyện viên đã vào hỗ trợ khu cách ly. Sau khi hoàn thành đợt tình nguyện này, họ lại đăng ký để đi tiếp nếu được đề nghị.
Cập nhật sáng 17.4: Không có thêm ca mắc mới 14 bệnh nhân chuẩn bị xuất viện
Khánh Hoan
Ấm áp tình quân dân ở khu cách ly
Tại điểm cách ly Ký túc xá Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) do Ban Chỉ huy Quân sự quận Nam Từ Liêm quản lý, những người lính, các lực lượng chức năng cùng tình nguyện viên luôn đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công dân thực hiện cách ly, theo dõi.
Những công việc không tên
Nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly công dân Việt Nam về nước tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn Hà Nội được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, khẩn trương, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc tích cực.
Khu cách ly công dân tại Ký túc xá Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội
Tại khu cách ly Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Thượng tá Phạm Văn Tuân - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm, Tổng Chỉ huy toàn khu cách ly chốt trực ở vòng 2 luôn tất bật với những công việc không tên. Nhiều cuộc điện thoại đề nghị ông xử lý, giải quyết gấp, phải ngắt quãng trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Những ngày đầu đón gần 700 công dân ở trong khu cách ly, các chiến sĩ rất vất vả trong việc triển khai khu vực cách ly chỉ trong thời gian ngắn vài ngày. Việc đóng gói, vận chuyển đồ đạc của sinh viên chuyển ra khỏi Ký túc xá Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng thực hiện cấp tốc.
Ban Chỉ huy Quân sự quận Nam Từ Liêm đã chủ động thành lập bộ máy, tổ chức quản lý, vận hành; bố trí lực lượng điều hành và phục vụ cho khu cách ly. Cùng với việc thực hiện lắp đặt các thiết bị trong phòng, vệ sinh cảnh quan môi trường, đảm bảo về hậu cần, phục vụ cho người cách ly và nhân viên phục vụ (giường, chiếu, nhu yếu phẩm, nấu ăn...), lực lượng quân đội còn đảm bảo xe vận chuyển, đưa đón người cách ly; nhận và bàn giao người cách ly đúng theo quy định.
Thượng tá Phạm Văn Tuân - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm, Tổng Chỉ huy toàn khu cách ly chốt trực ở vòng 2 luôn tất bật với những công việc không tên tại khu cách ly Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội
Trong đợt đầu, Hà Nội tiếp nhận gần 700 công dân vào Ký túc xá Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, từ ngày 21/3. Thời gian đầu, các chiến sĩ thường xuyên phải tiếp nhận, vận chuyển đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt từ gia đình các công dân chuyển đến rất vất vả, trong 3 ngày đầu tiếp nhận hơn 700 lượt khách đến gửi, trong khi lực lượng chiến sĩ, dân quân tại khu vực này khoảng 20 người. Từ đó, khối lượng rác thải rất nhiều, gây phát sinh lớn trong việc vệ sinh môi trường trong khu cách ly và vận chuyển ra bên ngoài.
Quan tâm, chăm lo sức khỏe cho công dân
Trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế phương tiện đi lại giữa các tỉnh, việc giải quyết cho các trường hợp hết thời gian cách ly về nhà cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình đăng ký đến đón, nhưng ngày về không thể đến đón được, Sở LĐTB&XH Hà Nội phải đưa xe đến đón các công dân về các tỉnh.
Với các trường hợp ở xa, có đến 34 công dân ở TP Hồ Chí Minh, rất khó khăn trong việc đặt vé máy bay, nhiều trường hợp xin "tá túc" thêm tại khu cách ly, khiến Thượng tá Phạm Văn Tuân - Tổng Chỉ huy toàn khu cách ly chốt trực ở vòng 2 phải xắn tay giải quyết từng trường hợp.
Lực lượng vũ trang và dân quân dọn dẹp tại khu cách ly Ký túc xá Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội
Tại khu cách ly, hàng ngày, lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn, đo thân nhiệt 2 lần/ngày, theo dõi sức khỏe tất cả công dân; vận chuyển, cấp phát đồ ăn 3 bữa/ngày. Đồng thời, thực hiện thu gom, phân loại rác thải y tế và rác thải thông thường. Chế độ ăn uống cho các công dân thực hiện cách ly cũng được thực hiện linh hoạt, điều chỉnh đảm bảo.
Trong khu cách ly có nhiều trường hợp cao tuổi, 13 trẻ em, 11 phụ nữ mang thai, 8 trường hợp ăn chay, có trường hợp bị bệnh tiểu đường... cần có chế độ ăn uống riêng, đảm bảo. Nhiều trẻ em chỉ ăn cháo, uống sữa tươi, sữa bột... nên lực lượng quân đội phải linh hoạt phục vụ, đảm bảo chế độ ăn uống cho các cháu nhỏ. Khi công dân có bất kỳ yêu cầu hỗ trợ, các chiến sĩ luôn hỗ trợ tận tình.
Tại khu cách ly, các chiến sĩ thường xuyên quan tâm, chăm lo sức khỏe cho các công dân; hỏi thăm, giúp đỡ những người già, người ốm đau bệnh tật, phụ nữ đang mang thai và có con nhỏ, được các công dân trong khu cách ly cảm phục, quý mến. Với các chiến sĩ quân đội phục vụ trong khu cách ly, tất cả đều xác định tiếp tục 100% ở lại trong khu cách ly, hết đón đợt này lại đón các đợt tiếp theo.
Với tiêu chí "không ai bị bỏ lại phía sau", cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP Hà Nội đang hàng ngày, hàng giờ cùng các lực lượng tình nguyện viên, công an, y tế nỗ lực với mong muốn tạo môi trường sinh hoạt thoải mái để công dân yên tâm cách ly, thực hiện đúng quy định của Nhà nước, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Hồng Thái
Tình nguyện viên tự hào được tham gia dọn vệ sinh khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia Ngày 18-3, nhận tin Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM sẽ là một trong những nơi cách ly của thành phố, cảm thấy tự hào với ngôi trường của mình. Khi biết KTX ĐH Quốc gia TP.HCM cần thùng giấy dọn phòng sinh viên làm khu cách ly, một người dân chở đầy thùng giấy đến ủng hộ - Ảnh: P.Quán Tối 21-3,...