Cháo trắng Hàng Xanh: 2 quán cạnh nhau hơn 40 năm nhưng ‘không sợ đối thủ’
Hai quán cháo trắng ở ngã tư Hàng Xanh hơn 40 năm sáng đèn phục vụ thực khách, ‘cứu đói’ cho nhiều người Sài Gòn mỗi lúc đêm khuya nhưng cả 2 chủ quán đều không ngại chuyện ‘đối thủ’ giành khách.
Ở gần ngã tư Hàng Xanh có 2 quán cháo trắng lá dứa nằm sát vách, có tuổi đời và cách bài trí gần giống nhau.
Chữ ‘Gốc’ trong tên quán giữ khách cũ, hút khách mới
Nhắc đến cháo trắng lá dứa, người Sài Gòn dễ nói ngay đến khu Hàng Xanh. Ở đây có 2 quán có tiếng, sát vách nhau cùng nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Một quán hiệu Hàng Xanh Gốc, một quán hiệu Thanh Bình.
Theo quan sát của tôi, thực khách có vẻ chuộng quán Hàng Xanh Gốc hơn, quán lúc nào cũng đông nghịt, nhân viên bán hàng, phục vụ, dắt xe không nghỉ tay, đặc biệt là vào khung giờ từ 21 đến 0 giờ. Quán cháo Thanh Bình thì không tấp nập như quán bên cạnh.
Ghé vào quán cháo trắng có tên là Hàng Xanh Gốc, tôi nếm thử một chén cháo thơm phức cùng với đồ ăn kèm là cá cơm và cá lóc kho. Cháo trắng nấu không quá loãng, vị cháo nhạt nhưng khi ăn cùng đồ ăn kèm thì rất vừa miệng. Quán có khoảng gần 20 món ăn kèm khác nhau cho thực khách có nhiều lựa chọn. Cháo cũng có 2 loại, một cháo trắng lá dứa và một cháo đậu đỏ.
Quán cháo nào cũng có một tủ kính đựng rất nhiều các món ăn kèm
Một người bán hàng ở đây cho biết, các quán cháo đều mở vào lúc khoảng 14 – 15 giờ đến 2 – 3 giờ sáng hôm sau. Cũng vì đặc điểm của cháo là món ăn nhẹ, dễ ăn, dễ tiêu nên phù hợp để ăn lót dạ hoặc ăn khuya. Càng về khuya thì khách càng đông do thời tiết mát mẻ, ăn cháo ấm bụng.
Chị Nguyễn Thùy Trang (ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Quán cháo này có lâu rồi và thương hiệu cháo trắng ở ngã tư Hàng Xanh cũng khá là nổi tiếng, mình là người ở đây nên mình biết, nhiều bạn bè của mình cũng biết và ăn cháo ở đây”.
Video đang HOT
Diễn viên Hòa Hiệp cũng là một tín đồ của cháo trắng Hàng Xanh mỗi dịp đi diễn về khuya. “Mình biết đến cháo trắng Hàng Xanh cũng lâu rồi, từ khi Hòa Hiệp mới bước vào sân khấu, tại vì tối mình đi diễn về khuya hay đói bụng thì ăn một tô cháo vừa làm ấm bụng lại không sợ bị quá no, vị cháo ở đây lại dễ ăn nên mình cũng hay giới thiệu cho anh chị em nghệ sĩ tới đây”, diễn viên Hòa Hiệp chia sẻ.
Cháo trắng vị vốn nhạt nên đồ ăn kèm của món này rất đa dạng
Trong khi đó, anh Nguyễn Chân Lương (35 tuổi) thực khách của quán cháo trắng Thanh Bình, cho hay: “Tôi biết đến quán này lâu rồi do tôi là người ở đây và đi qua đây hàng ngày. Tôi hay đến đây ăn vì vị cháo lá dứa rất thơm, giá cũng bình dân và đặc biệt ở đây có món hột vịt muối ăn kèm cháo rất ngon”.
Bán gần nửa thế kỷ, hai bên không ngại ‘đối thủ’
Hai quán sát vách, cách bày trí gần giống nhau, quán nào quán nấy đều có tuổi đời khá lâu khiến nhiều thực khách mới đến ăn lần đầu không khỏi lúng túng vì không biết nên chọn quán nào, quán nào mới là “cháo trắng Hàng Xanh” đích thực.
Bà Lâm Thu Thủy, chủ quán cháo Hàng Xanh Gốc, cho biết: “Quán cháo của tôi đã mở được 45 năm, tôi là thuộc thế hệ thứ hai. Quán cháo này là do ba tôi mở từ khi chị em tôi còn nhỏ, bây giờ ba mất rồi nên truyền lại cho con cái, đến giờ được 3 đời rồi đó”.
Quán Hàng Xanh Gốc được thực khách ưa chuộng hơn, khách ra vào nườm nượp
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Bình, chủ quán cháo trắng Thanh Bình cho hay quán của mình cũng đã tồn tại gần nửa thế kỷ: “Quán cháo của tôi mở được gần 40 năm, quán cháo trắng này là do gia truyền, cha mẹ bán giờ đến tôi bán”.
Bà Thủy kể rằng cả 2 quán đều được mở ra từ thời cha mẹ, nhưng quán bà là có đầu tiên rồi những quán khác mở ra sau vài năm. Chia sẻ lý do phải để chữ “gốc” trên biển hiệu, bà nói do 2 quán nằm gần nhau, món ăn giống nhau, ghế ngồi cũng giống khiến nhiều người lẫn lộn nên bà quyết định thêm chữ “gốc” để giúp khách phân biệt.
Còn nhắc đến chuyện cạnh tranh khi bán hàng, bà Thủy chỉ cười nói: “Ở đây thì tôi không sợ bị cạnh tranh do quán tôi bán mấy chục năm rồi, khẩu vị của mỗi quán khác nhau, tùy từng khẩu vị của thực khách thôi”.
Cũng đồng ý suy nghĩ với bà Thủy, mặc dù quán của mình ít khách hơn nhưng ông Bình thoải mái cho biết: “Buôn bán san sát nhau thì nó đông vui thôi chứ có gì đâu, khách ai nấy bán thôi, mỗi khách tự cảm nhận quán nào hợp khẩu vị thì ghé. Đôi khi cũng có lợi vì quán san sát nhau thành nguyên khu dễ bán hơn”.
Trong khi đó, quán Thanh Bình lượng khách đến ăn không tấp nập bằng
Khoảng từ 21 giờ đến 0 giờ là lúc các quán cháo ở Hàng Xanh thu hút thực khách nhất
Dù là quán cháo trắng Hàng Xanh Gốc hay cháo trắng Thanh Bình thì cả 2 đều tồn tại bên cạnh nhau gần nửa thế kỉ qua, cùng nhau làm nên thương hiệu cháo trắng lá dứa khu Hàng Xanh khiến những người đi qua đây mỗi tối lại không thể kìm lòng trước món ăn dân dã đúng như tên gọi của nó.
Theo Thanhnien
Cá nục kho cay ăn với cháo trắng - món ngon bình dân ở Đà Nẵng
Cá nục chuối kho khô ăn cùng cháo trắng là món ăn bình dân nhưng thu hút thực khách mỗi lần đến Đà Nẵng.
Ngoài mì Quảng, cao lầu, bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da và các loại khô mắm, hàng quán Đà Nẵng còn có món cháo trắng khiến khách phương xa ưa thích. Cháo ở đây vẫn được nấu bằng gạo dẻo, lót đáy nồi chút lá dứa cho thơm, song điều khiến món ăn trở nên khác biệt so với cháo miền Nam chính là món mặn ăn kèm.
Một trong sự khác biệt ấy là món cá nục kho. Cá nục chuối Hội An được chọn kho là loại chỉ to bằng ngón tay cái. Con cá làm sạch, cắt bỏ đầu đuôi và phần bụng, ướp mắm muối và một loại gia vị mang đi kho rục. Để khử mùi tanh, nồi cá được cho nhiều tiêu và ớt nguyên trái. Kho đến khi rục cả xương thì tắt lửa. Chỉ cần con cá nục đã đủ ăn cả tô cháo trắng.
Ngoài món cá nục kho, cá bống cũng là lựa chọn hàng đầu của các đầu bếp Đà Nẵng. Cá bống con bằng ngón tay út, kho hơi mặn kèm mớ ớt hiểm cay cay không chỉ ăn ngon với cháo trắng mà còn là món chính để ăn với cơm hoặc dùng làm mồi nhậu.
Cháo trắng còn được người Đà Nẵng ăn kèm với tép rim mặn. So với vị ở Sài Gòn hoặc các tỉnh miền Tây Nam bộ, tép ở đây rim mặn hơn, ít vị ngọt hơn.
Cải xá bấu xào mặn cũng là món ăn được nhiều người ưa thích. Cách chế biến xá bấu ở đây cũng khác miền Nam bởi cải gần như được bằm nhuyễn chứ không xắt cọng dài.
Cháo trắng Đà Nẵng cũng có món thịt kho tiêu nhưng khác với miền Nam, thịt ở đây được xắt nhỏ, kho không bỏ nước màu.
Món cháo trắng ở Đà Nẵng cũng không thể thiếu trứng muối. Mỗi tô cháo có cùng đĩa thức ăn có giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng. Ai đang đói có thể ăn một lúc hai phần, hoặc cũng có thể gọi cùng lúc nhiều món. Hai quán cháo nổi tiếng nhất Đà Nẵng đều cùng nằm trên đường Phan Chu Trinh.
Theo Ngôi Sao
Đến Hàn Quốc, thưởng thức những món ăn của nàng Dae Jang Gum Trước đây, tôi mê tít những món ăn của nàng Dae Jang Gum qua màn ảnh nên ngày đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc tôi lấy làm háo hức lắm. Trước đây, tôi mê tít những món ăn của nàng Dae Jang Gum qua bộ phim truyền hình nổi tiếng cùng tên. Các bữa tiệc hoàng cung do nàng chuẩn bị trông...