Chao Phô mai Châu Á
Ở Việt Nam, chao là một thực phẩm rất quen thuộc. Trong rất nhiều bếp Việt, hũ chao nằm cạnh các hũ mắm muối khác như một loại gia vị không thể thiếu. Gọi chao là một món ăn, một thực phẩm chuyên biệt cũng được, mà xem chao là một loại gia vị cũng chẳng sai…
Nếu người châu Âu tự hào với món phô- mai ngon tuyệt, thì người châu Á cũng không chịu kém cạnh mà đáp rằng: Chao của chúng tôi mới tuyệt ngon! Khi một anh mũi tẹt nhắm mắt lắc đầu với miếng phô-mai Camember trứ danh, thì một chàng mũi lõ lại háo hức chén sạch cái món ăn nặng mùi đó. Khi anh chàng da vàng say mê thưởng thức món chao chùa, anh da trắng lại hãi hùng khi nghĩ đến việc phải ăn cái món thum thủm nhường ấy. Thế mới gọi là văn hóa ẩm thực. Mỗi vùng, mỗi miền đều có món khoái khẩu của mình. Và nếu có sự so sánh, người ta thường nói rằng, chao chính là phô-mai châu Á.
Ảnh:MNVN
Ở Việt Nam, chao là một thực phẩm rất quen thuộc. Trong rất nhiều bếp Việt, hũ chao nằm cạnh các hũ mắm muối khác như một loại gia vị không thể thiếu. Gọi chao là một món ăn, một thực phẩm chuyên biệt cũng được, mà xem chao là một loại gia vị cũng chẳng sai.
Có thể chia chao Việt thành hai loại chính là chao nước và chao khô. Chao nước phổ biến hơn cả. Cách làm chao cũng khá đơn giản. Này nhé, đậu phụ trắng đem luộc sôi, vớt ra để nguội. Trên một chiếc rổ con, lót một lớp lá chuối xé nhỏ (nhưng đừng xé rời), để đậu phụ lên cho róc nước. Phía trên lại đậy một lớp lá chuối nữa, ủ khoảng ba ngày rồi xắt miếng vuông hình quân cờ, xếp vào keo. Sau đó, thắng nước muối, nêm thêm ít đường cho vừa ăn và nấu sôi. Nếu muốn ăn cay và cho chao có màu hồng tươi, khi nấu bạn thêm vào ít ớt bằm. Nước muối đã nguội, bạn cho vào keo, thêm ít rượu trắng, mang phơi nắng khoảng 5 đến 6 ngày là dùng được.
Video đang HOT
Chao khô còn được gọi là chao chùa. Bạn cũng cắt đậu phụ thành miếng vừa ăn, sắp lên mẹt, đậy lá cho kín, ủ trong 3 ngày. Sau đó dỡ bỏ lá, chế nước sôi, rửa sạch miếng đậu, để ráo nước. Kế đó, dùng hỗn hợp muối và tiêu sọ cà nhỏ rải lên miếng đậu, lăn thật đều. Muối bọt rang giã nhỏ, rây sạch lót vào thố, sắp đậu phụ lên trên. Riềng rửa sạch, xắt nhuyễn cho vào hỗn hợp ướp chừng 20 phút, sau đó đổ rượu trắng vừa ngập miếng đậu, đậy thật kín mang phơi nắng khoảng 20 ngày có thể dùng.
Ấy là nói cái khoảng thời gian đậu phụ biến thành chao. Chứ với chao làm đúng cách, càng để lâu chao càng ngon. Gắp chao phải gắp cho khéo, bởi miếng chao giờ đây mềm rục như một miếng bơ và béo ngậy như phô-mai. Mà cái béo của sản phẩm làm từ thực vật không ngấy như kiểu béo của phô-mai vốn làm từ sữa. Bạn có thể ăn chao hoài mà không ngán, càng ăn càng thấy chao kích thích ngon miệng.
Chao chùa thường rất nặng mùi. Những người không quen sẽ khó ăn được, nhưng đã chịu rồi sẽ nghiện như Tây ghiền phô-mai Camember. Các chùa ở Huế không khi nào thiếu món chao này. Thậm chí, khá nhiều người Huế cũng làm món chao khô để ăn trong gia đình như một gia vị thông thường.
Bạn đã bao giờ thưởng thức một bữa thịt luộc ăn kèm với các loại quả vả, chuối chát, dưa leo, khế với bát nước chấm là chao chùa đánh tan với chanh? Món thịt trở nên thơm và béo chưa từng thấy. Đó sẽ là một món ăn khiến bạn nhớ hoài mỗi khi nghĩ đến Huế.
Ở Sài Gòn, chao phổ biến nhất trên bàn nhậu của quán… lẩu dê. Biết bao người đã từng khen nức nở cái món nhũ dê nướng. Và tất cả đều đồng thanh nhất trí rằng, cái món độc ấy mà thiếu chao thì hỏng. Mỗi quán có một cách pha nước chấm riêng nhưng tựu trung là chao hòa với nước chao, đường, chanh hoặc giấm vừa ăn và có độ sền sệt. Bát chao ngon thì khi chấm miếng thịt vào, chao bám lấy một lượng vừa đủ, không quá nhạt cũng không quá mặn. Miếng nhũ dê trở nên ngọt lừ và vương vấn hoài cái béo của chao trên đầu lưỡi.
Còn miền Tây lại phổ biến món vịt nấu chao. Có người ví đây là một cuộc lương duyên giữa chao và thịt vịt, thịt ngan. Tiết trời lành lạnh như tháng 12 này mà có nồi vịt nấu chao ăn lễ Giáng sinh thì thật tuyệt. Đây đích thực là ăn Noel kiểu ta. Bên nồi lẩu nóng thơm lừng đang sôi sùng sục, bạn vặn ít tần ô, cải xanh cho vào, chan với bún hoặc mì.
Mùi đặc trưng của chao khi đứng một mình có người khen kẻ chê, nhưng trong một nồi lẩu thế này, mùi chao kết hợp với thịt vịt tạo thành hương thơm quyến rũ mà đến người khó tính nhất cũng phải hít hà. Miếng thịt vịt có chao trở nên đậm đà, ngọt bùi và thơm ngậy.
Với những người sành ăn, chao còn có một sự kết hợp độc đáo với sốt mayonnaise và mù tạt để làm thành một món có tên gọi rất quốc tế là chao Mỹ. Dùng hỗn hợp này làm sốt chấm với bánh mì thì tuyệt hảo. Vị béo của bơ càng dậy lên bởi mayonnaise, và vị cay của mù tạt xộc lên, nuốt hết miếng bánh mì vẫn thấy còn lại dư vị của món chao Mỹ, ngon lạ ngonlùng như thấm vào từng thớ thịt.
Ảnh:st
Còn với cái thời người khôn của khó, chao có thể trở thành món thức ăn độc nhất giữa mâm cơm, chỉ thế thôi mà khiến bạn hao cơm vô cùng. Ăn một bát cơm nguội với chao, hết nhn vẫn thấy thòm thèm. Chẳng mấy chốc một nồi cơm cũng hết veo chứ nói gì dăm ba bát. Đấy là kiểu ăn phổ biến, kiểu ăn dành cho con nhà nghèo. Có phải vì vậy mà cái tên chao nghe cứ như một tiếng thở dài? Một tiếng thở dài đôi khi kèm theo cả niềm nhung nhớ: Chao ôi! Lâu quá không ăn chao…
Theo PNO
Cháo cá lóc rau đắng đất gió nội hương đồng
Nhắc đến ẩm thực miền tây, là nhắc đến những món ăn mang đậm chất "hương đồng gió nội", dân dã, không cầu kỳ, đôi khi lại rất giản đơn, mộc mạc, như chính con người của vùng sông nước nơi đây. Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần đến miền tây, đêm trăng lên, ngồi dưới mái tranh giữa cánh đồng đượm mùi rơm rạ, vừa thổi vừa húp xì xụp tô cháo cá lóc rau đắng đất còn nghi ngút khói, thả hồn theo tiếng râm ran của côn trùng gọi bạn... Tôi cá rằng khi ấy, không dưng bạn sẽ chợt thèm... ngâm mấy điệu Hoài lang...
Tôi sinh ra ở Cà Mau, một tỉnh miền tây cho đến nay vẫn được liệt vào hàng "xa xôi hẻo lánh". Nhà nội tôi ở vùng quê, quanh năm bốn bề nước nổi, giữa nhà này đến nhà kia được đo bằng những cánh đồng hai mùa mưa nắng, mùa nắng nếu "siêng" có thể đi bộ vượt đồng mà đến thăm nhau, mùa mưa thì thong dong trên những chiếc xuồng ba lá, vừa nhẹ tay chèo vừa ngắm hoa súng đua nhau khoe sắc khắp triền sông.
Thưở tôi còn bé, cứ sau mùa gặt, tôi thường được mấy cô/chú rước về nhà nội chơi. Về đến nơi, tôi và chú út sẽ được giao cho một cái rổ tre, nắm tay nhau tung tăng ra đồng nhổ rau đắng đất. Ở nhà, bà nội sẽ "mần" vài con cá lóc đồng thiệt bự, nấu một nồi cháo thiệt to, đợi "rau về" là bắt đầu... khai tiệc.
Tôi không được kể là dân miền tây bắt đầu ăn rau đắng đất tự khi nào. Tôi chỉ phát hiện một điều thú vị là rau đắng đất dường như chỉ dùng ăn với món cháo cá lóc là ngon nhất mà thôi. Hàng năm, cứ sau mùa thu hoạch lúa, hầu như nhà nào ở vùng nông thôn quê tôi cũng thường xuyên nấu món cháo cá lóc rau đắng đất. Đó như thói quen dân dã, với một món ăn dân dã, của những con người cũng dân dã nốt. Vô hình chung, những món ăn đơn giản đặc trưng như thế này còn là cả một niềm tự hào xứ sở không thể nào định nghĩa. Cũng giống như con nhà nông gót chân phải bám mùi phèn vậy.
Rau đắng đất không mọc trong vườn, cũng không thể trồng, chúng chỉ tự nhiên mọc lên ở những cánh đồng sau mùa thu họach (Thường từ tháng 12 đến tháng 3). Khi nhổ rau lên khỏi mặt đất, dù là ngâm trong nước, rau cũng sẽ héo nhanh sau đó, chỉ tươi độ vài tiếng đồng hồ. Thế là ngẫu nhiên, rau đắng đất như một món quà quê đỏng đảnh của thiên nhiên. Có lẽ cũng vì thế mà rau đắng đất chỉ thích hợp khi được chế biến chung với các loại cá đồng.
Rau đắng đất có bản chất đúng với cái tên của nó - ăn vào rất đắng, nhưng tính lại rất mát. Đôi khi những người già như ông nội tôi muốn "mát trong người" cũng thử đem rau đắng đất chấm nước cá kho, nhưng được vài đũa cũng đành... bỏ cuộc. Thế mà, kỳ diệu một điều, khi kết hợp với món cháo cá lóc, rau đắng không những không đắng mà còn có hậu ngọt rất đặc trưng. Vị của rau, của cá, của gạo hòa quyện vào nhau, rất thanh, rất dịu, và rất đặc biệt.
Tùy theo sở thích của mỗi người mà món Cháo cá lóc được nấu đơn giản hay công phu một chút. Nếu đơn giản, chỉ cần vo gạo xong, đổ nước vào, đun sôi. Cá lóc làm sạch, cắt phần đầu ra, phần thân róc xương, lấy thịt thái phi lê, ướp gia vị vừa ăn. Khi gạo bắt đầu nở, bỏ đầu và xương cá vào cho ngọt nước, nêm nếm gia vị là dùng được. Nếu thích công phu hơn, gạo vo xong để ráo nước, sao vàng rồi mới đổ nước vào đun sôi, lúc cháo chín, phi mỡ hành thật giòn rưới lên mặt cháo, nhìn rất bắt mắt.
Các bước chuẩn bị đều hoàn tất. Cá lóc phi lê đã thấm gia vị được cho vào tô với một ít hành lá xắt nhuyễn, cháo nóng hổi múc lưng tô, rắc một ít tiêu, sau đó cho rau đắng đã rửa sạch lên, vừa trộn đều là dùng ngay, như vậy mới giữ được chất của rau. Cháo nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị tiêu cay cay hòa với hơi nóng và vị ngọt của cháo, của cá, của rau, cứ tê tê trên đầu lưỡi tạo nên những tiếng hít hà sảng khoái, những giọt mồ hôi rịn đều khắp mặt, ta có cảm giác như khắp cơ thể mình đều bắt đầu chuyển động những cung bật vui tươi.
Rau đắng - Hình: Việt Bách blog
Cháo cá lóc Sài gòn không ăn với rau đắng đất mà ăn với rau đắng biển. Cháo cá lóc Sài gòn thường được nấu thêm với nấm, khi ăn ngoài rau đắng biển còn có gừng xắt sợi và giá tươi. Có nơi còn kết hợp thêm giò chéo quẩy và tương đậu phụ. Không những thế, nếu ăn cháo ngay trên bếp, gọi là "lẩu cháo cá lóc", người ta còn cho thêm hột vịt lộn vào nồi cháo. Đó cũng là một nét đặc trưng của ẩm thực Sài gòn. Sài gòn ít có món ăn riêng, một phần do cư dân Sài gòn phần lớn là dân nhập cư khắp mọi miền đất nước. Vì thế về mặt ẩm thực vô cùng phong phú, họ chế biến lại món ăn của các vùng miền để tạo một phong cách khác biệt không kém phần hấp dẫn.
Theo PNO
Cá rô kho trái giác Cá rô là một loài cá đồng, thịt ngon nổi tiếng. Loài cá này có nhiều cách chế biến, từ món kho tộ cho đến nướng, chiên, nấu canh chua, kho mắm... món nào cũng tuyệt, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là món kho trái giác. Ảnh: thvl.vnth Trái giác là một loại trái nhỏ, lúc sống màu xanh, khi chín chuyển...