Chánh toà tối cao: “Không nên so sánh vụ ông Chấn với ông Nén”
“Chúng ta không nên so sánh giữa vụ ông Chấn với ông Nén, mà nên so sánh xem có đúng pháp luật không, vì toà xét xử chỉ dựa vào pháp luật…”.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 28/10
Chiều qua (27/10), thảo luận tại tổ về Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đề cập đến việc nhiều nước trên thế giới đã lập ra quỹ gồm các khoản tiền thu được từ buôn lậu, tham ô, ma túy… và lấy tiền đó để bồi thường oan sai, thay vì lấy từ tiền thuế của dân.
Bên hành lang Quốc hội sáng nay (28/10), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã trao đổi thêm với báo giới về đề xuất này.
Thưa ông, tiền thuế của dân hay tiền thu được từ tham ô, tham nhũng cũng đều là nguồn tiền thuộc ngân sách nhà nước. Vậy có sự khác nhau gì giữa hai khoản tiền này?
Theo quy định của chúng ta, bất cứ khoản nào xung công quỹ thì đưa vào ngân sách, còn nhiều nước khác lại không như thế.
Về khoản tiền thu được từ tham ô hay tham nhũng, tôi cho rằng đất nước ta không giàu nghèo gì từ khoản tiền ấy. Chúng ta không dùng tiền ấy để nuôi bộ máy hay đầu tư, cũng không trông cậy vào tiền ấy. Chúng ta phấn đấu cho một xã hội không tội phạm chứ không phấn đấu để thu được nhiều tiền từ tham ô, tham nhũng.
Tất cả những loại tiền có được từ tội phạm nên để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tội phạm và để trang trải cho những rủi ro của cuộc đấu tranh này, đó là nguyên lý mà chúng ta đặt ra.
Nguồn tiền như ông nói có thể rất nhiều, trong khi đó số lượng vụ án oan rất ít, hàng chục năm mới có một vụ. Vậy nếu quỹ đó được lập thì liệu số tiền có quá nhiều?
Video đang HOT
Không phải chỉ để cho bồi thường oan sai, mà để phục vụ cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhu cầu của đấu tranh là rất nhiều, thậm chí ngân sách nhà nước còn phải bỏ ra nữa chứ không phải nhiều đâu, như mua phương tiện và rất nhiều việc khác, nhu cầu trang bị cho Bộ công an, cho cơ quan điều tra là rất lớn. Còn chuyện bồi thường hoặc để khắc phục rủi ro thì không bao nhiêu. Ví dụ cơ quan điều tra, cảnh sát trưng dụng xe của dân đi truy bắt tội phạm gây móp méo, hỏng… phải đền cho người ta thì dùng tiền này.
Có ý kiến cho rằng nếu sinh ra quỹ như vậy thì các cán bộ sẽ ỷ lại vì đã có nguồn tiền bồi thường?
Vấn đề không phải chỉ có tiền, mà những cán bộ đã được phong các chức danh tư pháp người ta có tự trọng, sĩ diện của người ta. Không phải chỉ có chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất, mà còn có công danh, sự nghiệp, rồi còn có kỷ luật, nhất là những kỷ luật chuyên môn. Chúng tôi đang xây dựng quy chế về kỷ luật nội bộ theo tinh thần rất chặt chẽ, ví dụ như vi phạm đến mức nào đó thì sẽ không được phân án để làm tiếp, sẽ không được tái bổ nhiệm, và đến mức nào đó thì sẽ tước chức danh tư pháp, thậm chí bị kỷ luật.
Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có ĐB đề nghị Toà án chỉ đạo xem xét việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận). Quan điểm của Chánh án ra sao về vụ việc này?
Chúng ta không nên so sánh giữa vụ nọ với vụ kia, không nên so vụ ông Chấn (Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang) trước đó với vụ ông Nén, cái chúng ta cần làm là so sánh xem có đúng luật không, toà chỉ có tuân thủ pháp luật và dựa vào pháp luật, còn luật bất cập thì sửa đổi, bổ sung.
Vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn hiện đã bồi thường xong, đó cũng là tiền lệ để các vụ việc sau người ta nhìn vào. Vậy vụ ông Huỳnh Văn Nén nên có hướng xử lý thế nào, thưa ông?
Quan trọng nhất là có tuân thủ pháp luật hay không, còn khi không thương lượng được và phải ra toà thì không có cách làm khác là toà phải dựa vào luật. Toà không dựa vào vụ nọ để xử vụ kia, như thế là tạo tiền lệ không bao giờ có điểm dừng.
Liên quan đến một số trường hợp bị oan sai gây bức xúc dư luận nhưng thời gian đòi bồi thường lại bị kéo dài như trường hợp như ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn, tại phiên thảo luận tổ chiều 27/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải xem xét lại quy trình giải quyết: “Ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bồi thường 7,2 tỷ đồng nhưng tại sao ông Nén ngồi tù 17 năm lại chỉ nói bồi thường 2,6 tỷ đồng? Dự thảo luật đề cập đến việc xác minh thiệt hại do thực tế phát sinh, thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm, thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tinh thần…, nhưng như ông Nén đi tù hơn 17 năm thì bây giờ làm sao có đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại?”.
Theo Anh Thư (Báo Giao thông)
Ông Huỳnh Văn Nén đã chấp nhận những khoản bồi thường nào?
Sau nhiều lần thương lượng, gia đình ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận 4 trong 7 khoản đòi bồi thường (tương đương 2,6 tỷ đồng), nhiều khoản khác hai bên chưa đạt được tiếng nói chung.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Phạm Công Út - người bảo vệ quyền lợi cho ông Huỳnh Văn Nén trong giai đoạn giải quyết bồi thường oan sai - cho biết, tổng cộng ông Nén yêu cầu bồi thường 7 khoản, tương đương 18 tỷ đồng, cho hơn 15 năm ngồi tù oan.
Bao gồm: Tổn hại tinh thần cho ông Nén, chi phí nhờ luật sư, thu nhập thực tế bị mất, tiền thăm nuôi, tổn hại sức khỏe, chi phí kêu oan và tổn thất tinh thần, danh dự nhân phẩm cho cha mẹ vợ con.
Trong lần thương lượng thứ 3 vào 31/8, ông Nén đồng ý hạ mức yêu cầu bồi thường xuống còn hơn 14 tỷ đồng, còn TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận con số 10,2 tỷ đồng.
Trong đó, cả tòa án và ông Nén đều chấp nhận mức bồi thường cho 4 khoản tương đương hơn 2,65 tỷ đồng gồm: tổn hại sức khỏe 932 triệu đồng; chi phí nhờ luật sư 172,5 triệu đồng; thu nhập thực tế bị mất 1,184 tỷ và 364 triệu đồng tiền thăm nuôi.
Riêng 3 khoản còn lại là tổn hại sức khỏe, ông Nén yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng tòa chấp nhận mức 2,1 tỷ. Khoản tổn thất về tinh thần và danh dự cho người thân, ông Nén yêu cầu 4,2 tỷ đồng nhưng tòa chấp nhận 3,7 tỷ bởi mẹ ông Nén đã chết nên không được xem xét. Riêng khoản đòi bồi thường chi phí kêu oan, gia đình ông Nén yêu cầu 5,1 tỷ đồng nhưng tòa chấp nhận 1,5 tỷ.
Theo luật sư Út, trong suốt hơn chục năm kêu oan cho ông Nén, người cha già đã bán 3 thửa đất ở quê, người anh rể cũng phải bán 9 hecta đất, còn ông Nguyễn Thận (thầy của ông Nén) cũng bán cả nhà đất cho đi kêu oan cho học trò. Những giấy tờ này cũng được nộp cho tòa để xem xét. Tuy nhiên, do mức bồi thường của hai bên còn chênh nhau nên lần thương lượng thứ 3 bất thành.
Nhiều khoản bồi thường cho ông Nén bị tòa bác trong lần thương lượng thứ 4 khiến ông bức xúc. Ảnh: Phước Tuấn.
Trong buổi thương lượng lần thứ 4 ngày 14/10 do Phó chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Hiệp Hòa chủ trì, cả hai bên vẫn thống nhất mức bồi thường cho 4 khoản là 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, những khoản còn lại bất ngờ bị tòa bác bỏ dù những lần trước đã gần đạt mức thỏa thuận.
Theo kết luận giám định sức khỏe ông Nén bị tổn thương 63%, tòa Bình Thuận chỉ chấp nhận khoản 35 triệu đồng chi phí chữa mắt vì đã có hóa đơn. Những tổn hại khác cơ quan này cho rằng chỉ được xem xét khi phát bệnh và có chứng từ rõ ràng.
Mức bồi thường chi phí kêu oan được tòa ấn định là 12 triệu đồng một năm, tổng cộng chấp nhận bồi thường cho ông Nén và gia đình 200 triệu đồng.
Lần này, yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần, danh dự cho người thân ông Nén không được tòa xem xét. Đại diện cho ông Nén, ông Thận Nguyễn cũng không đồng ý với TAND tỉnh Bình Thuận về việc sẽ tách các khoản đã thương lượng thành (2,6 tỷ đồng) ra để ứng trước. Hiện việc thương lượng giữa hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Theo ông Nguyễn Thận, việc toà bất ngờ bác bỏ hết những thỏa thuận trước đó và không chấp nhận bồi thường khoản tổn thất tinh thần cho ông Nén trong "kỳ án" vườn điều khiến ông vô cùng bức xúc, đứng dậy bỏ ra khỏi phòng.
"Kết thúc buổi làm việc tôi có hỏi đại diện tòa Bình Thuận về việc có tiếp tục thương lượng nữa hay không. Chị Hòa nói tòa sẽ có bản hướng dẫn sau. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tiếp tục giải quyết bằng con đường thương lượng. Việc phải khởi kiện TAND tỉnh để yêu cầu đòi bồi thường oan sai cho một người tù đã chịu quá nhiều mất mát là không có lợi cho cả hai bên", ông Thận nói.
Theo nội dung vụ việc, tháng 4/1998, ông Nén bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Hơn 2 năm sau TAND Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người, cuối năm ngoái, ông Nén được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Hồi tháng 4, ông Nén nộp đơn yêu cầu TAND Bình Thuận bồi thường 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong hai bản án.
Chánh án TAND Tối cao sau đó chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận cần tạo điều kiện và giải quyết theo hướng có lợi cho ông Nén. Những khoản không cần phải hỏi hóa đơn, nếu xét thấy hợp lý nên thỏa thuận.
Hải Duyên
Theo VNE
Xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư điều tra viên vụ ông Nén "Qua xác minh kỹ lưỡng về tất cả tiêu chuẩn của ông Cao Văn Hùng, có căn cứ cho thấy ông này chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Luật sư" - bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp thông tin. Cựu điều tra viên Cao Văn Hùng (Công an tỉnh Bình Thuận)...