Chánh án Tòa Tối cao yêu cầu xem lại vụ “cướp bánh mì”
Ngày 25-7, TAND Tối cao đã có Văn bản số 177/TANDTC-V1 gửi chánh án TAND TP.HCM về việc xét xử vụ án Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn trong vụ án cướp giật bánh mì ở quận Thủ Đức.
Văn bản nói trên do Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn ký thay Chánh án TAND Tối cao (ông Nguyễn Hòa Bình) và được đăng tải công khai trên website của TAND Tối cao.
Văn bản này cho biết ngày 24-7, tại trụ sở TAND Tối cao tại Hà Nội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp nghe đại diện TAND TP.HCM báo cáo về nội dung và quá trình giải quyết vụ án cướp giật bánh mì xảy ra ở quận Thủ Đức, TP.HCM.
Theo báo cáo của đại diện TAND TP.HCM, trong vụ án này Ôn Thành Tân, sinh ngày 10-9-1998 (khi phạm tội 17 tuổi một tháng tám ngày) và Nguyễn Hoàng Tuấn, sinh ngày 15-8-1998 (khi phạm tội 17 tuổi một tháng 27 ngày), bị VKSND quận Thủ Đức truy tố về tội cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999. TAND quận Thủ Đức, TP.HCM kết án về tội cướp giật tài sản và ban hành mức án tại Bản án hình sự sơ thẩm số 325/2016/HSST ngày 20-7-2016.
Trong vụ án này, các bị cáo Tân và Tuấn có hành vi cướp giật tài sản. Tuy nhiên, khi phạm tội các bị cáo đều là người chưa thành niên; tài sản bị chiếm đoạt có giá trị 45.000 đồng là không lớn và đã được thu hồi, trả lại cho người bị hại; sau khi phạm tội, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; về nhân thân, các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Sau khi nghe báo cáo chi tiết nội dung vụ án và quá trình xét xử, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận:
Theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự (nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội) phải đặt ra năm vấn đề:
Một là: Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội.
Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Hai là: Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng nhưng gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Video đang HOT
Ba là: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Bốn là: Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của bộ luật này.
Năm là: Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, việc cơ quan điều tra và VKS áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn là không cần thiết. Khi thụ lý vụ án, TAND quận Thủ Đức, TP.HCM đã thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là đúng quy định của Điều 69 Bộ luật Hình sự, Điều 88 và Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong vụ án này, bị cáo Tân là người rủ bị cáo Tuấn đi cướp giật tài sản và là người điều khiển xe chở Tuấn đến nơi thực hiện tội phạm, sau đó chở Tuấn tẩu thoát. Tuy nhiên, TAND quận Thủ Đức lại nhận định bị cáo Tuấn có nhân thân không tốt vì có hành vi trộm cắp tài sản và đang bị VKSND huyện Củ Chi truy tố tại Cáo trạng số 117/Ctr/VKS-HS ngày 05-5-2016 nên đã tuyên hình phạt cao hơn bị cáo Tân là đánh giá không đúng vai trò của các bị cáo trong vụ án.
“Ở thời điểm này, bị cáo Tuấn chưa bị xét xử bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi trộm cắp tài sản thì không bị coi là tình tiết tăng nặng là tái phạm, đồng thời về nhân thân của bị cáo cũng chưa bị xử phạt hành chính. Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Tân tám tháng 20 ngày tù và bị cáo Tuấn 10 tháng tù quá nghiêm khắc…” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn kết luận.
Để bảo đảm việc giải quyết vụ án trên đúng quy định của pháp luật, đồng thời rút kinh nghiệm vụ án này, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu:
Giao TAND TP.HCM khẩn trương kiểm tra để xác định: Nếu có kháng cáo của các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKSND TP.HCM đối với bản án sơ thẩm, thì TAND TP.HCM thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Khi xét xử phúc thẩm vụ án, tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giao chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM rút hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với TAND các cấp, khi xét xử các vụ án hình sự phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị cáo, đặc biệt là đối với bị cáo là người chưa thành niên. Các tòa án phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập trong xét xử để ra các bản án bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không được ra bản án, quyết định có nội dung chấp nhận sai sót nghiêm trọng của cơ quan điều tra, VKS trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự.
Theo PV (Pháp luật TP.HCM)
Vụ "cướp bánh mì vì đói": Quặn lòng nhìn nước mắt mẹ rơi
Bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn trong vụ án "cướp bánh mì vì đói", đã khiến người mẹ liên tục rơi nước mắt trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Bị cáo Tuấn liên tục quay đầu về sau nhìn mẹ trong phiên tòa.
Sáng 20.7, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) đã mở phiên tòa xét xử hai thanh niên cướp bọc đồ ăn chứa bánh mì ngọt, chuối sấy, đậu phộng rang và me ngào đường với tổng trị giá 45.000 đồng.
Kết quả, tòa tuyên án tù 8 tháng 20 ngày đối với bị cáo Ôn Thành Tân (SN 1988, ngụ Q.9), thả tự do ngay tại tòa do đã đủ thời gian chịu án tù tính từ ngày tạm giam; và 10 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1988, ngụ huyện Củ Chi), tính từ thời điểm tạm giam là ngày 18.10.2015.
Tham dự phiên tòa có cha, mẹ của bị cáo Ôn Thành Tân là ông Ôn Văn Thành và bà Phạm Ngọc Thúy. Riêng bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn chỉ có thân nhân là bà Nguyễn Thị Ngọc Phương tới tham dự.
Ngay khi vừa được dẫn giải vào phòng xét xử, bị cáo Tuấn đã cố ngó nghiêng xung quanh để tìm người thân. Và không ai khác, mẹ của bị cáo này chính là người phụ nữ khắc khổ mặc áo khoác màu xanh ngồi ở hàng ghế đầu.
Nhìn thấy mẹ, Tuấn lập tức quay đi, nhìn thẳng lên vành móng ngựa và mím chặt môi. Sau đó, thỉnh thoảng bị cáo lại lén quay đầu nhìn mẹ. Ở hàng ghế bên dưới, bà Phương cũng chăm chăm nhìn về phía con. Đã có những khoảnh khắc hai ánh mắt nhìn nhau nhưng không ai nói với ai lời nào, thay vào đó là những giọt nước mắt.
Trong suốt phiên tòa, bà Phương chỉ buồn rầu ngồi nhìn con. Bà càng đau đớn hơn và đã thực sự nấc thành tiếng khi con trai trả lời HĐXX rằng: "Chưa có người thân nào đến thăm bị cáo trong thời gian bị tạm giam".
Khi HĐXX vào phần nghị án, bị cáo Tuấn ngồi yên ở hàng ghế cạnh vành móng ngựa, còn bà Phương muốn chạy lại gần con nhưng tỏ ra ái ngại.
Bà Phương lau giọt nước mắt khi kể về người con trai đang đứng trước vành móng ngựa.
Lúc này, chia sẻ với PV, bà Phương cho biết: "Thật ra không phải tôi không đến thăm con, mà tôi đã đi đến 6 lần nhưng không gặp được".
"Lần đầu tiên, công an phường gọi tôi lên để báo Tuấn bị bắt. Khi trở về tôi bị tai nạn xe, cả tháng sau mới khỏi. Lần thứ hai tôi lên chỗ cũ thăm con thì công an bảo đã chuyển Tuấn sang nhà tạm giam Thủ Đức. Tôi qua nhà tạm giam Thủ Đức thì họ bảo đã chuyển Tuấn về trại giam Chí Hòa", bà Phương kể lại hành trình tìm thăm con.
Theo hướng dẫn, bà Phương đã tìm tới trại giam Chí Hòa nhưng vẫn chưa gặp được con trai vì chưa có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Lúc này, trại giam cũng chưa thể nhận bánh kẹo mà bà Phương mang theo gửi cho Tuấn.
Thời gian sau đó, bà Phương vẫn tiếp tục lặn lội tìm thăm Tuấn nhưng đi không đúng ngày theo quy định, có lần lại đi trúng vào dịp bầu cử.
"Sau 6 lần tới thăm Tuấn, tôi đã nghỉ việc nhiều. Nếu tôi xin nghỉ nữa thì xem như mất việc. Cũng vì vụ này mà hai vợ chồng tôi lục đục và đã ly dị. Bây giờ tôi ra ở trọ một mình rồi, nhà trọ đối diện công ty dệt", bà Phương nghẹn ngào nói.
Dường như đã nghe được lời chia sẻ của mẹ với phóng viên, Tuấn từ đằng ghế trên lập tức quay đầu lại hỏi mẹ với đôi mắt đỏ hoe: "Giờ mẹ ra ở trọ riêng rồi à?".
"Ừ, mai mốt con ra tù thì về ở với mẹ, đồ đạc của con mẹ có mang theo đầy đủ rồi. Mẹ sẽ cho con đi học nghề để mà lo tương lai nữa", bà Phương trả lời.
Nghe xong, Tuấn không nói lời nào, chỉ tiếp tục nhìn mẹ với ánh mắt hối hận và như muốn nói lời xin lỗi tới đấng sinh thành.
Tiếp tục cuộc trò chuyện với phóng viên, bà Phương nói: "Do Tuấn không biết nên mới nói tôi không tới thăm nó. Tôi buồn lắm nhưng tôi không buồn nó đâu. Bà ngoại bán tạp hóa ở nhà, mỗi lần biết tôi đi thăm Tuấn, bà đều muốn gửi nhiều đồ cho nó nhưng những món đồ ở ngoài thì không thể gửi vào trong", bà Phương kể.
Bà Phương cho biết, một phần nguyên nhân khiến Tuấn có hành vi vi phạm pháp luật là thiếu tình thương của cha mẹ. Vụ việc này là một bài học không chỉ cho riêng bà mà còn là bài học cho những bậc cha mẹ biết quan tâm, chăm sóc con cái hơn.
"Đến khi làm mẹ mới hiểu và thương mẹ nhiều hơn. Nước mắt của người mẹ đã rơi, cho thấy những nỗi đau sâu thẳm đến tận cùng. Dù muốn dù không, dù thế nào đi nữa, con cái vẫn là con của cha của mẹ. Con có lỗi, con có tội khiến người mẹ có cảm giác đau đớn cùng cực, xót xa và cật vấn lương tâm, khiến họ nghĩ "Phải chăng mình cũng là một yếu tố làm con trở nên như thế?". Vì thế, xin đừng làm mẹ cha mình đau chỉ vì chút nóng giận bất thường, chút ngây ngô hay nhất thời mất kiểm soát. Cha mẹ cần con cái nên người và có thể nhiều hơn thế nữa, nhưng chỉ cần con sống tốt nghĩa là hạnh phúc lắm thay", PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Theo Danviet