Chàng trai Việt “phượt” xe máy trên cung đường đẹp hơn những giấc mơ
Quá mê mẩn cảnh vật của những vùng đất dưới dãy núi Himalaya và muốn có thời gian rong ruổi nhiều hơn, trong chuyến đi Ladakh cùng với bạn của mình, Tuân quyết định chọn xe máy làm phương tiện di chuyển.
Phạm Quang Tuân (1989, quê Quảng Trị hiện sinh sống tại Sài Gòn) đã có gần 10 năm làm blogger du lịch. Sở thích của Tuân là đi những nơi cho mình nhiều trải nghiệm và thử thách. Như đi biển thì phải lặn biển, đi núi thì phải tự trekking. Còn đi những vùng đất đẹp, cung đường đẹp thì hãy cảm nhận bằng xe máy. Và được chạy xe lang thang dưới dãy núi huyền thoại ở Ladakh (Ấn Độ) là chuyến đi mà chàng trai trẻ đã ấp ủ từ lâu.
Năm 2016, Quang Tuân đã từng đến Bhutan. Tuy nhiên cảm giác ngồi trên xe oto đi qua những cung đường đèo, bỏ qua những cảnh đẹp ven đường khiến Tuân cảm thấy rất tiếc nuối. Vì quá mê mẩn cảnh vật của những vùng đất dưới dãy núi Himalaya và muốn có thời gian rong ruổi nhiều hơn, nên trong chuyến đi Ladakh cùng với bạn của mình vào năm nay, Tuân quyết định chọn xe máy làm phương tiện di chuyển.
Không phải người quá rành về xe máy, thậm chí chưa bao giờ chạy xe côn phân khối lớn, Quang Tuân đã phải dành thời gian để tập và chuẩn bị rất kĩ. Sau khi bay xuống Ladakh, ngày đầu tiên chàng trai Quảng Trị để cơ thể làm quen với độ cao, hôm sau mới bắt đầu đi thuê xe để chạy thử và làm quen đường.
Tới ngày thứ ba, Tuân cùng người bạn của mình mình bắt đầu xuất phát. Con đèo đầu tiên hai chàng trai chinh phục là Khardung La.
Nằm ở độ cao 5.359 m, đèo Khardung La là con đường dành cho xe cơ giới nhất cao thứ 4 thế giới và đóng vai trò là cửa ngõ vào thung lũng Nubra và Shyok ở vùng Ladakh của bang Jammu và Kashmir, cực bắc của Ấn Độ. Chạy xe dọc con đường trên đèo, phóng tầm mắt ra xa là thung lũng rộng hớn, những con đường uốn lượn lên núi và những lá cờ ngũ sắc tung bay trên mái vòng óng ánh của các bảo tháp Stupa.
Quang Tuân trên đỉnh đèo Khardung La.
Xuống đèo Khardung La, Quang Tuân chạy xe di chuyển về thung lũng Nubra để tìm chỗ cưỡi lạc đà. Tuy nhiên vì không chuẩn bị trước, tìm hiểu kĩ thông tin nên hai chàng trai đã đi lạc cách xa địa điểm cưỡi lạc đà tới 60 km.
Giữa những cung đường đèo quanh co không xác định được phương hướng và điểm đến, thời tiết thì lạnh giá, xung quanh tối om không một căn nhà, Quang Tuân cùng bạn may mắn gặp được đồn cảnh sát nhỏ và xin được nghỉ lại nhờ một đêm. Đến sáng hôm sau khi tiếp tục di chuyển tới địa điểm cưỡi lạc đà, Tuân mới “tá hỏa” khi phát hiện đêm qua mình chạy xe trên một con đường đèo nhỏ xíu với một bên là vực thẳm. “Không hiểu vì sao tối đó mình có thể đi được, đến ban ngày đi nhìn còn ớn”. Tuân chia sẻ về kỉ niệm dở khóc dở cười trong chuyến đi.
Địa điểm cưỡi lạc đà tại làng Hunder.
Video đang HOT
Điểm đến tiếp theo của hai chàng trai là hồ Pangong. Pangong là một hồ nước rút thuộc Ladakh – Kashmir, Ấn Độ nằm trên dãy Himalaya ở độ cao khoảng 4.350 m, trải dài qua biên giới hai nước Ấn Độ và Trung Quốc. Với chiều dài khoảng 155 km chạy từ tây sang đông, rộng từ 40 m đến 15 km, sâu trung bình 57 m, hồ Pangong từ lâu là địa điểm du lịch nổi tiếng. Di chuyển bằng xe máy tới ngày thứ 5, Tuân bắt đầu cảm thấy sự giá lạnh của thời tiết “ăn” sâu vào da thịt hơn. Tuân khá mệt và đi chậm hơn những ngày đầu. Tuy nhiên sự hùng vĩ và đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên cũng đã “tiếp sức” cho chàng trai trẻ.
Khung cảnh buổi sớm ở hồ Pangong.
Thử thách lớn nhất trong chuyến đi là chinh phục đèo Chang La. Tọa lạc ở độ cao khoảng 5.360 m, Chang La là con đường dành cho xe máy cao thứ 3 trên thế giới. Con đèo nằm trên đường từ thị trấn Leh đến hồ Pangong ở Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir. Chang La nổi tiếng với những đoạn đường hùng vĩ, một bên là vách đá cao chót vót, bên còn lại là vực thảm sâu hun hút. Băng và tuyết phủ quanh năm, nên đường đi khá nguy hiểm và trơn trượt. Không khí loãng cũng khiến du khách cảm thấy đau đầu và mất sức.
Khi Quang Tuân đến Chang La, tuyết rơi dày đặc nên tất cả phương tiện phải đợi bên dưới đèo 2 tiếng để công nhân trên đèo dọn tuyết trên mặt đường. Khi lên đèo thì hầu như tất cả xe máy đều bị đổ, ngã một vài lần do đường quá trơn.
“Trong chuyến đi mình ấn tượng nhất là lúc đoàn xe máy ‘bò’ trên con đường phủ đầy tuyết trắng ở Chang La. Tất cả đi với tốc độ 10 km/h nhưng vẫn bị ngã liên tục. Thế nhưng mọi người dù không cùng quốc tịch, đều cố gắng để hỗ trợ nhau, đỡ xe người bị té, rồi phân làn đường, rồi làm cho băng tuyết bớt trơn hơn. Cả đoàn xe không quen biết nhau cứ thế dìu nhau qua đoạn đường nguy hiểm”, Quang Tuân chia sẻ.
Hoàn thành thử thách ở Chang La, Tuân cùng bạn chạy xe về lại Leh để nghỉ đêm lấy lại sức và kết thúc hành trình.
Gần 10 năm rong ruổi nhiều nơi, thế nhưng trải nghiệm chạy xe máy dưới những cung đường quanh co tuyết phủ vừa tê tái vì lạnh, vừa choáng ngợp vì khung cảnh xung quanh vẫn là chuyến đi đặc biệt, mang lại nhiều cảm xúc cho Quang Tuân.
“Chuyến đi cho mình rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ thót tim, lo lắng, cho đến vỡ òa. Thót tim vì chạy qua những đoạn đèo cực kỳ hẹp với một bên là vực thẳm. Lo lắng khi đi trong buổi chiều tối mà không biết mình sẽ chạy tới những đoạn đường nào xấu nữa hay không. Vỡ òa vì những con đường mình đi ngang qua quá đẹp, những cảnh vật mình dừng lại cứ ngỡ như là mơ”.
1 tuần với 1.000 km không phải là quãng đường dài, nhưng những trải nghiệm trên cung đường đó mới là điều giá trị. Cảm giác rong ruổi qua từng ngôi làng nhỏ nằm cách nhau cả trăm km, để cái lạnh buốt xuyên qua găng tay, ngấm vào từng ngón tay; được gặp gỡ những người bản địa giản dị, phong trần như tuyết; được ngắm nhìn những khung cảnh hoang sơ và nguyên thủy nhất từng thấy trong đời. Và rồi để thấy, cuộc đời đâu cần phải đi nhiều. Chỉ cần đi làm sao để sau này, khi trở về có nhiều thứ để ghi nhớ, để lưu luyến và để kể là được rồi.
Trăm khách co ro vỉa hè, thưởng thức cà phê vợt siêu rẻ độc nhất ở Đà Lạt
Sáng sớm, Đà Lạt chìm trong sương mờ, nhiệt độ chỉ 14 - 16 độ C. Nhiều du khách 'can đảm' lái xe máy rong ruổi trung tâm thành phố, vòng qua khu Hòa Bình trải nghiệm cà phê vợt nơi góc chợ, ngắm Đà Lạt thức giấc.
Đà Lạt bây giờ có hàng trăm quán cà phê khác nhau, được bài trí kì công và sáng tạo vô vàn góc "sống ảo" để phục vụ du khách check-in. Dẫu vậy, giữa thành phố du lịch này, vẫn còn đó những quán cà phê chẳng thiết tha biển hiệu, chẳng cầu kì trang trí, sử dụng toàn những đồ dùng đã có tuổi đời hàng chục năm - nhưng vẫn hút hàng trăm khách mỗi ngày.
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, Đà Lạt bước vào thời điểm cuối thu - đầu đông. Sáng sớm, thành phố chìm trong sương mờ, nhiệt độ chỉ 14 - 16 độ C. Nhiều du khách trùm kín trong chiếc chăn dày vẫn co ro vì lạnh. Ấy vậy mà không ít người vẫn "lấy hết dũng khí", rời chiếc chăn ấm trong khách sạn, lái xe máy rong ruổi ngắm hồ Xuân Hương, vòng qua khu Hòa Bình để trải nghiệm cà phê vợt nơi góc chợ.
"Muốn cảm nhận được cái tình, chất riêng của Đà Lạt thì phải ra đường trong buổi sớm mai. Ở đó, có một Đà Lạt đúng là Đà Lạt: Bình yên, xưa cũ và đầy hoài niệm", một nữ du khách trẻ đến từ Sài Gòn vừa nhâm nhi ly cà phê vừa chia sẻ.
Vài năm gần đây, thưởng thức cà phê vợt ở khu Hòa Bình, ven chợ Đà Lạt trở thành trải nghiệm mà du khách trẻ vô cùng yêu thích
Cà phê vợt được xem là đặc sản của thành phố sương mù. Thay vì sử dụng phin, cà phê nguyên chất được cho vào một chiếc vợt nhỏ hoặc túi mỏng, nhúng vào nồi nướng sôi cho ra hết cà phê, rồi rót ra ly. Ngoài cái tên cà phê vợt, người Đà Lạt còn gọi đây là cà phê kho
Cách pha đơn giản, "thần tốc" nhưng ly cà phê vẫn nồng nàn, đậm đà, làm ấm lòng du khách trong buổi sớm lạnh giá
Cà phê cô Lan là một địa chỉ được du khách truyền tai nhau. Gọi là "quán" nhưng thực chất đây là hàng cà phê tự phát nằm ở khu Hòa Bình với "gia tài" vô cùng đơn sơ: Chiếc bàn gỗ cũ kĩ, vài bếp than nhỏ đỏ lửa, ít ghế nhựa sờn màu... Các dụng cụ pha cà phê như bình, cốc, bếp... có tuổi đời đã hàng chục năm
"Tôi bán ở đây hơn chục năm. Đồ đạc gọn nhẹ thôi vì có khi một sáng bị công an rượt tới mấy lần. Nhiều khách hay nói đùa gọi đây là cà phê "rượt" cũng vì đó", cô Lan hài hước cho biết
Quán mở bán từ 3h30 sáng tới 12-13h trưa hàng ngày. Thời điểm 3-4h sáng, quán phục vụ chủ yếu là những vị khách vừa đi xe đò tới Đà Lạt, chưa kịp tới khách sạn nhận phòng. Cà phê cô Lan trở thành nơi họ nghỉ chân, ngồi nhâm nhi cà phê, chờ trời sáng
Quán đông nhất vào 5h30 - 7h sáng, thời điểm du khách rủ nhau tìm tới nhâm nhi ly cà phê, ngắm "Đà Lạt thức giấc" và check-in "góc Hồng Kông bên hông chợ Đà Lạt" nổi tiếng
Có thể cà phê ở đây không ngon xuất sắc và cũng không ít du khách tìm tới vốn chẳng phải người mê cà phê nhưng điều thu hút họ là không khí rất Đà Lạt
Mỗi ly cà phê ở đây có giá 12.000 đồng, cacao, milo nóng có giá 20.000 đồng/ly - mức giá "siêu rẻ" so với những quán cà phê view đẹp ở khắp thành phố
Ở những quán cà phê vợt vỉa hè như cà phê Lan, ngoài du khách phương xa, nhiều vị khách trung niên cũng tìm tới nhâm nhi cà phê, tản mạn những câu chuyện đời sống hằng ngày như một thói quen
Những quán cà phê vợt vỉa hè lúc sớm mai như đưa du khách trở về một Đà Lạt xưa cũ, thân thương và đầy hoài niệm
Thử ngay những trải nghiệm du lịch thú vị ở Pù Luông Được ví như thiên đường nghỉ dưỡng hoang sơ của xứ Thanh, có rất nhiều trải nghiệm du lịch ở Pù Luông như: trekking xuyên rừng, tắm thác, chèo bè trên suối,... để bạn có thể được tự do khám phá, hoà mình vào thiên nhiên trong lành, an yên của vùng đất này. Pù Luông - 'Tây Bắc' trong lòng xứ Thanh...